Khát vọng phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Bài 1: Người Việt coi trọng nghề nông  

Vũ Xuân Bân

31/10/2021 17:06

Theo dõi trên

Đặc điểm lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam là phải luôn luôn chống chọi với thiên tại khắc nghiệt và giặc ngoại xâm. Dù tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) mấy thập niên, nhưng đến nay hơn 63% dân cư nước ta vẫn là nông dân ở khu vực nông thôn.

luahethu-1635674329.jpg
Nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Internet.

 

Có thể nói, đất nước ta phát triển phần lớn bắt đầu từ nông nghiệp. Người Việt Nam phần lớn sinh ra từ nông thôn, đây là nền tảng gốc rễ xã hội Việt Nam. Quá trình công nghiệp hoá ở nước ta là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đập tan gông xiềng áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến, xây dựng và bảo vệ Nhà nước cách mạng; đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, nhân dân đồng lòng tin theo Đảng tiến hành sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đã chuyển hóa thành sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, người Việt coi trọng nghề nông. Tư duy của người Việt coi nông nghiệp là gốc của mọi thứ trong xã hội - ‘canh nông vi bản’. Ngày nay nông nghiệp không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn (yên dân), mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để hiện thực hóa khát vọng CNH, HĐH đất nước từ một quốc gia có nền nông nghiệp còn chưa phát triển. Đảng, Nhà nước ta đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông). Điều này được thể hiện, chỉ sau 2 tháng “Tuyên ngôn độc lập”, ngày 14/11/1945, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp… muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao để điều hành, chăm lo chỉ đạo phát triển các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, ngư nghiệp và hợp tác xã”…Gầ đây nhất, trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Đảng ta nhấn mạnh và nêu rõ, trong đó có những nội dung quan trọng như: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

clip1ab-1635674582.jpg

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với nhân dân khi đến thăm “Vườn quả Bác Hồ” tại xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: TTXVN.

 

Đại dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm nay mang tính toàn cầu đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội (KTXH) không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới. Đây là “kẻ thù vô hình” - một thử thách toàn diện, ác liệt, chưa có tiền lệ - đối với đất nước ta và nhân loại.

Trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của bộ máy Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của toàn dân, nước ta đã từng bước triển khai thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch CoVid 19, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa bảo đảm phát triển KTXH.

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

clip2ab-1635674699.jpg

Người dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Internet.

 

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý III, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía Nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm. Quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp, khả năng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay sẽ đạt được kế hoạch  42,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh CoVid 19.

Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá tra; thứ hai thế giới về cà phê; thứ 3 thế giới về gạo, tôm; thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới. Chúng ta đã tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp. Những kết quả này rất quan trọng, xét trong bối cảnh khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP. Nhiều nông sản của Việt Nam dù có thị phần xuất khẩu đứng đầu thế giới như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, gạo… nhưng vẫn còn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến còn thấp. Do vậy, tiềm năng phát triển của nông nghiệp còn rất lớn với khát vọng phấn đấu xuất khẩu nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể lọt vào tốp 10, thậm chí tốp 5 thế giới trong tương lai.

Nhìn lại mấy năm qua, khi đất nước có những biến động về KTXH, nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Nhờ vai trò “trụ đỡ” đó mà đất nước vẫn ổn định, phát triển. Đến nay, đại dịch COVID-19 được xem là "liều thử" mạnh cho năng lực thích ứng của “tam nông” nước nhà.

Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng:  Trong đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo, nghĩ ngay đến câu tục ngữ nói về tầm quan trọng của nông nghiệp: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người.

Từ thực tế trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp nước ta với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trên từng thửa ruộng, mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác. Điều đó thể hiện sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” căn cơ hơn.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thì lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin… Trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn, nhưng cũng còn không ít thiếu sót, bất cập cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới.  Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần.

Hình ảnh xúc động những ngày cao điểm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, dòng người hồi hương  về nông thôn để tránh dịch cho thấy nông nghiệp, nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó từ các thành thị và các khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Chưa rõ sắp tới họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn. 

(Còn nữa)
Đón đọc Bài 2: Phải thay đổi tư duy của người nông dân