Khi người lớn dỗi hờn

Lớn tuổi rồi con người khác lắm, hay tự ti mặc cảm. Giận con, giận cháu không bao giờ họ nói ra đâu. Lúc còn tuổi trung niên còn sung lắm con cháu làm trật thì quát lên toang toác, nhưng lớn tuổi thì tánh càng ngày càng trầm tư ít chịu nói.

khi-nguoi-lon-doi-hon-1630895023.jpg

Bầu có người bạn cùng tuổi, từ nhỏ đã cáu gắt với vợ với con, với rể... Để đôi dép trước cửa nhà cũng phải ngay hàng thẳng lối, ăn nói trật một câu cũng không được, vì vậy mà hai thằng rể bỏ chạy mất cả dép, nhà có đám tiệc con cháu không đứa nào dám tới. Bà con hàng xóm có tiệc tùng cũng ít có ai dám mời. Đúng là nắng không ưa mưa không chịu.

Có chị bạn chị khoe con trai chị lãnh lương mỗi tháng được 10 triệu, nó tháng nào cũng đưa mẹ 5 triệu. Chị lấy tiền con xong ghi ngày tháng rồi bỏ vô tủ cất không hề đụng tới tiền con đưa.

Chị nói:

- Khi nào chị chết con chị nó sẽ bất ngờ vì số tiền của nó chị còn giữ nguyên đây.

Lớn tuổi rồi hay hờn hay giận lắm. Tới nhà con gái lúc thằng rể đang chửi vợ chửi con. Ông già vợ ngồi thần thừ đó nó cũng không nể mặt. Như vậy thì sao mà trách ông già vợ không muốn gần con gần cháu. Người lớn tuổi ít khi nói (có lẽ hết hơi?) giận hờn gì cũng âm thầm. Sáng ra quán cà phê cũng lựa quán nào yên tỉnh, thoáng mát, càng bụi bặm càng thích. Người lớn tuổi ít ai chịu ngồi phòng máy lạnh vì có cảm giác sợ bị ngộp?

Ngày xưa ông bà tới gặp cháu hay kể chuyện cổ tích, dạy dỗ đủ thứ chuyện, bây giờ tụi nhỏ gặp ông bà đến gật đầu chào một tiếng rồi cắm đầu vô điện thoại có nói chuyện gì với nhau đâu?

Kế bên nhà Bầu có người bạn trẻ, vợ bỏ đi anh ta nuôi đứa con trai 8 tuổi và rất mực thương con. Cậu nhỏ muốn gì được nấy thấy mà tức cái mình. 8 tuổi mà nuôi gà nòi, gà mái, bồ câu, chim sáo, chim cu, con nhím, vịt con, cá kiểng, chó mèo... Nuôi đầy nhà vài hôm chán đem đi cho, đem bỏ thấy mà tội. Ăn cơm chỉ ăn duy nhất một món thịt chiên hay luộc không hề ăn một cọng rau hay củ quả gì hết. Thằng nhỏ suy dinh dưỡng còi cọc thấy tội nghiệp nhưng không hề đụng tới món canh. Sáng thức dậy là ôm cái điện thoại cho tới 10 giờ tối (ngoại trừ lúc đi học).

Kêu nó đi ngủ nó nạt cha nó như nạt con:

- Ta nói ta không buồn ngủ kêu hoài bực bội lắm nghen.

Nghe nó nạt như vậy cha nó cười hề hề không biết hai cha con ai làm cha nữa?

Gần nhà có một tay bợm rượu chửi con dâu bằng con đĩ nên người con dâu thề không bao giờ đến nhà ông già chồng. Một hôm đứa cháu nội gái 6 tuổi được ba chở về thăm ông bà nội. Ông nội nựng cháu rồi hỏi:

- Mẹ con đâu sao không về chơi?

Đứa cháu nội nói tỉnh bơ:

- Mẹ con nói ông nội mày sống dai như quỷ. Nhậu vô kêu mẹ bằng con đĩ nên mẹ đâu thèm về. Mẹ con nói mẹ đợi ông nội mày lên bàn thờ ngồi lúc đó mẹ về ở luôn.

Nghe cháu nội nói như vậy tay Bợm làm thinh không nói tiếng nào.

Cũng có người bạn đối với con cái trong nhà quân lệnh như son. Nhưng bà xã chỉ liếc một cái thì làm thinh bỏ đi mà hỏng dám ho.

Trở lại chuyện dỗi hờn của người lớn. Những chuyện buồn phiền họ không bao giờ nói ra đâu... Giận con giận cháu chỉ để trong lòng. Không ít những người con xem cha mẹ già như một gánh nặng sẵn sàng đùn đẩy nhau chuyện nuôi cha mẹ già, thậm chí còn tìm cách đưa họ vào nhà dưỡng lão. Khi cha mẹ mất đi rồi đến ngày giỗ họ cúng thật to để chứng tỏ mình là đứa con có hiếu...

Khi mâm cỗ dọn ra toàn món ngon vật lạ đãi như tiệc cưới nhưng không có món nào ngày xưa người đã khuất thường hay ăn.

Có lần trong một tiệc giỗ gia đình trong đám bạn được mời đến có một người bạn muốn chứng tỏ cho bạn bè biết anh ta là người đầy lễ nghĩa, thấy mình bày ra cúng anh oang oang cái miệng chê sao không có cái này cái kia, cúng như vầy ai chứng? Bầu tôi chỉ cười và nói:

- Mình cúng chỉ là tấm lòng thôi. Lễ nghĩa hay thủ tục rườm rà cũng là của con người bày ra kia mà. Bày mâm ra cúng chỉ là tưởng niệm tâm linh chứ chắc gì người chết họ được ăn đâu?

Cũng có người khi cha mẹ còn sống họ đẩy ra đường đi xin ăn. Gặp người thân quen trách thì giả vờ như không biết. Cũng có nhiều người đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão với lý do là không tiện chăm sóc vì bận bịu chuyện làm ăn? Còn người cha hay mẹ khi được đưa vào dưỡng lão nếu nhớ con nhớ cháu cũng phải nén nổi buồn mà an phận vì họ nghĩ mình là gánh nặng của con cháu mình chăng?

Câu ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Có lẽ bây giờ bọn trẻ ít đứa nào chịu nhớ?

Tại cuộc sống vất vả bon chen? Tại con người mỗi ngày mỗi xa những câu ca dao tục ngữ? Tại vì đi nữa thì phận làm con nên cố làm sao đừng làm cho "Người lớn dỗi hờn". /.

Theo Chuyện quê