Khi ra đi mang được những gì

Tôi có ông anh họ gần, năm nay gần 90 tuổi, cả hai ông bà vẫn còn khỏe mạnh và ở với nhau, chưa phải nhờ đến con nào, bởi hai ông bà đều có đồng lương Nhà nước chu cấp.
296792951-1097025767878612-7145012127649138389-n-1659338871.jpg
Một hình ảnh về ngày Thanh minh

Thỉnh thoảng ông lại ra chơi với tôi. Ông bảo: Tôi về nghỉ hưu đến nay là thời gian nhiều hơn năm còn đang công tác. Tôi bảo: xem ra ở đời nếu so sánh thì chẳng cái gì bằng nhau cả, người này lợi thì người kia thiệt. Có ông chưa cầm được sổ hưu thì đã tịch rồi, làng ta cũng có vài ông như thế, có hôm ông ra nói rõ ràng với tôi:

- Ông ạ, tôi bây giờ nghĩ, thích ăn được cái gì thì mua ngay, lúc khỏe còn ăn được, chứ yếu thì nuốt sao nổi. Mà chết có ăn được đâu? tiền của để dành thì làm gì, khi hai tay chắp vào… lúc ấy mang được gì không? Đến như Vua Ngô 36 tàn vàng/ Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì/ Chúa Chổm uống rượu tì tì/ Thác xuống âm phủ kém gì Vua Ngô…

Tôi cười, rồi bảo:

- Ông được thế, chứ khối người làm không đủ ăn, lấy đâu ra mà ăn những thứ, Sơn hào, Hải vị. Đành rằng vẫn thừa biết Trần gian chỉ là cõi tạm, nhưng nên sống thế nào để đến lúc ra đi mang theo một cái gì đó. Rồi ông nói, ông nghĩ về lúc ông ra đi…

Sẽ đến một ngày xa hay gần thôi là phải từ bỏ thế giới này, sẽ yên nghỉ nằm sâu dưới lòng đất mẹ, hướng về trời Tây. Tôi hỏi:

- Lúc chết ông được thế à?

Ông cười bảo, đây là tôi tưởng tượng, chứ chết là hết, tầm thường sinh tử nghĩa là chết đi chỉ là hủ hài, một cái xác thối nát dần, người ta cứ bảo hồn nọ, hồn kia, tôi không tin, vả lại, chứ đã có ai chết thử đâu mà biết rõ về thế giới bên kia, đây chỉ là quán trọ mấy chục năm rồi cũng thành tro bụi. Thế, khi ông chết thật thì thế nào? Ông bắt đầu kể y như là thật. Lúc tôi chết mọi người kéo, lôi tôi ra Nghĩa địa, nằm yên trong nhà 6 tấm tôi nhìn thấy rõ Người ghét tôi, căm tức tôi, nhìn nấm mộ của tôi, niềm vui hiện rõ trên nét mặt. Người thương yêu tôi, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối. Rồi ngày tiếp theo sau khoảng thời gian từ hôm ra đi tới giỗ đầu, những người bạn thân trong đêm khuya vắng lặng thì nhớ những lúc nâng chén cùng nhau, bây giờ không có người bầy tỏ, tâm sự. Người ghét tôi khi nhắc đến vẫn còn chưa hả giận. Và năm tháng cứ dần dần trôi đi đến vài chục năm sau, nấm mộ trở nên hoang tàn, không hương khói. Người ghét tôi thì đã già, lú lẫn quên hết mọi chuyện. Người yêu tôi cũng sẽ đi vào nấm mộ. Ông thấy đấy sống gửi trên cõi đời này, phấn đấu, tranh giành, hơn thua mà làm gì, bất luận giầu sang, phú quý, nghèo hèn, quyền cao, chức trọng khi nhắm mắt xuôi tay, bỏ lại tất cả, cuộc đời như nước chảy, hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi. Ông thấy đấy khi đi nào mang được thứ gì. Tôi nói, ông nói lạ, khi đi ai cũng có cái mang đi, có người còn mang nặng là đằng khác, lúc nào em với ông lên trên Nghĩa địa quê nhà sẽ thấy rất rõ họ mang theo được những gì? Thế rồi gần đây tôi với ông có việc lên mộ thật, tôi cùng ông đến xem một vài ngôi mộ, ông bảo:

- Ông kia khi còn sống tốt lắm, ai ông ấy cũng giúp, cái năm đói kém nhà tôi không có ông ấy thì chết đói.

- Ông này khi làm cán bộ ai người ta cũng ghét, nhà tôi nuôi gần chết mới được con lợn mà đề nghị lên, đề nghị xuống mà ông ấy không cân cho, nuôi thì không còn khả năng, bán đi thì bọn thợ ăn hết, thiệt thòi quá nên cứ nhớ mãi…

- Còn ông nằm đây là giáo viên, con cái bây giờ đều trưởng thành, lúc sống ông thương vợ thương con…

Và còn nhiều ông bà khác nữa họ đã mang đi cái tiếng tăm của họ. Cái thiện và cái ác đều được mang đi, và họ cũng để lại cái ác và cái thiện trên thế gian mỗi khi nhắc đến họ (bên Phật gọi là cái nghiệp). Vậy thì sống trên cõi tạm này phải tu thân, tích đức ngay từ lúc còn trẻ để đến khi lâm chung có cái tốt mà mang theo..!

Trên đường trở về làng hai anh em tôi không kể chuyện này nữa, cánh đồng lúa đang lên xanh tốt, mọi người vẫn đang hối hả với cuộc sống mưu sinh, con người cứ đời đời kế tiếp, thời gian, năm tháng là một đi không trở lại và dòng chảy của cuộc sống trôi mãi không ngừng sống và chết là lẽ đương nhiên, ai sống thế nào thì tùy lòng mình tự hiểu…

Chuyện Làng quê