Người vẽ chữ năm Ất Tỵ

Tự bao đời nay, theo vòng quay Mặt Trời, Mặt Trăng, người Á Đông chúng ta đã quen với vòng quay thời gian được tính theo các năm tương ứng với 12 con giáp, và mười địa chi.

Với các họa sĩ, các con giáp của năm mới thường được biểu hiện bằng mỹ cảm: Con Chuột thông minh nhanh nhẹn. Con Trâu dũng mãnh, xốc vác. Con Hùm uy dũng, quyền năng. Con Mèo thông minh, nhanh nhẹn. Con Rồng bay cao, vần vũ. Con Mã tốc lực, bung phá…

Tuy nhiên năm Rắn thì khó tìm cho nó một mỹ từ. Trong tự nhiên, loài rắn nổi tiếng với tính cách khó lường. Trong văn học, triết học, quan niệm tôn giáo… rắn nhiều lần bị đánh đồng với những tư tưởng hành vi thấp kém.

1-1736231745.jpg
 
2-1736231765.jpg
Tranh rắn lì xì Ất Tỵ 2025

          Song quán chiếu ở một góc khác, ngoài nọc độc, loài rắn không có nhiều cơ bắp, không có chi, thua kém các loài khác trong đối kháng. Rắn thực ra chỉ là một khúc thiết yếu trong chuỗi cân bằng sinh thái: Loài này là thức ăn của loài khác, biết tự vệ chính đáng theo cách riêng của mình.

3-1736231839.jpg
 
4-1736231857.jpg
 
5-1736231875.jpg
Tranh chữ Tỵ

Đứng trong 12 con giáp, rắn được đánh giá là loài có phẩm chất đặc biệt thông minh. Rắn có thể lột xác để được tái sinh nhiều lần. Trong dân gian cho đến tận ngày nay, luôn có những câu chuyện cổ, và những câu chuyện mới có về những con rắn thần, rắn mào có trách nhiệm trông giữ các đền, miếu, phủ… Rắn ngài có thể mang đến trí tuệ, tiền tài, may mắn. Công phu tu luyện của rắn ngài sẽ tích tụ thành những viên minh châu chứa đựng pháp màu kỳ diệu…

8-1736231917.jpg
 
9-1736231935.jpg
Chùm tranh rắn lấy cảm hứng từ các chữ Hán Nôm cổ của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn

Chùm tranh rắn lấy cảm hứng từ các chữ Hán Nôm cổ của họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn với hình ảnh “Rắn ẩn tàng trong chữ” không còn cho người xem cảm giác về sự ác hiểm, đáng sợ. Nó tượng trưng cho trí tuệ và uyển chuyển, biến hung thành an, biến khó khăn thành cơ hội, cho một năm mới tốt lành!.

6-1736231986.jpg
Chữ Tuệ

Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn cho biết: Từ thuở sinh viên, tôi cũng như bao bạn họa sĩ khác, thích lang thang vẽ cổng làng, mái chùa, đền thờ… nơi có những câu đối chữ Nôm bị phong hóa, nét còn nét mất. Cứ gặp chữ Nôm, chúng là chúng tôi phác lại bằng những nét vẽ nguệch ngoạc mà không hiểu chữ mình đang vẽ có ý nghĩa gì. Sau nhiều năm gắn với cây cọ, có lần cần tìm hiểu một số chữ trong nhà thờ họ, trên mộ tổ, phải chụp ảnh gửi Viện Hán Nôm nhờ người giải nghĩa, tôi mới vỡ lẽ được nhiều điều. Đối với những di sản cha ông để lại, có lẽ chúng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà thế hệ chúng tôi, từ bé chỉ học chữ quốc ngữ hoàn toàn không biết gì.

7-1736232057.jpg
Chữ Hạnh

         Tôi bắt đầu tìm hiểu chữ Hán Nôm khi nghiên cứu nghệ thuật đi nét bút của mỹ thuật Trung Quốc. Tôi rất hào hứng, cảm thấy học chữ nào nhớ chữ ấy. Nhưng bắt đầu từ chữ thứ 20, tôi nhận ra là tôi quên chữ đầu tiên. Nghĩa là học thêm được một chữ thì lại quên mất một chữ. Học chữ Nôm hay học tiếng Trung, có một khó khăn là, dù nó được hình thành từ 8 loại nét cơ bản, 216 bộ thủ, gắn kết theo nguyên tắc tượng hình, hình thanh thì bạn vẫn phải thuộc 5.000 hình chữ như 5.000 bố cục hình nét.

Tôi tưởng chừng đã bỏ cuộc với chữ Hán Nôm. Cho đến một ngày, có người bạn nói với tôi rằng: Anh hãy để ý đến hình thể của nó, anh sẽ thấy dễ nhớ hơn. Và tôi quyết định tiếp cận chữ Hán Nôm không phải để học thuộc hết tất cả các mặt chữ. Mà là để tìm cái nét đẹp văn hóa, mỹ thuật trong từng con chữ.

10-1736232097.jpg
 
11-1736232116.jpg
Chữ Tý

Tôi muốn khơi sâu các tầng cảm nhận và tri giác của tôi trong nghệ thuật vẽ chữ. Chữ Hán Nôm không còn là điều gì đó bí ẩn, mơ hồ xa lạ hay cũ kỹ. Ta muốn nó rực tươi mới, nó có thể rực rỡ tươi mới; muốn nó dễ hiểu thì nó rất dễ hiểu. Chữ Hán Nôm sâu lắng, đa tầng, đa nghĩa như lời mời gọi sự kiếm tìm giá trị ẩn tàng đằng sau sự hiển lộ thông thường. Mọi con chữ cha ông để lại đều có vẻ đẹp mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, những ước vọng gửi gắm.

Cuộc kiếm tìm này mới chỉ bắt đầu, còn nhiều thứ phía trước để tôi học. Đó cũng là con đường kỳ diệu của sự sống".

    Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn, sinh năm 1975 tại Hà Nội.

Thạc sỹ Thiết kế Mỹ thuật Công nghiệp.

Giảng viên Khoa Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và Khoa Mỹ thuật Cơ sở, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam

Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội, (1998);

Giải đồng hạng ASEAN (2000);

Giải C Mỹ thuật Hà Nội (2002);

Giải thưởng Bùi Xuân Phái (Vì tình yêu Hà Nội)(2009);

Huy chương vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo (2011);

Thành viên viết sách mỹ thuật tham khảo “Thực tập ký họa” cho sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (2023)