Khó khăn gian khổ trong “Đi tìm một vì sao” của Phạm Quang Nghị (bài 4)

Phụng Thiên

20/11/2022 22:31

Theo dõi trên

Khi đang làm Bí thư tỉnh Hà Nam, Phạm Quang Nghị được Trung ương phân công về làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Người đầu tiên gọi điện thông báo cho ông sớm về nhận bàn giao là Bộ trưởng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

di-tim-mot-vi-sao-pham-quang-nghi-1668956259.jpg
Lễ nhận bàn giao từ Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm

Phạm Quang Nghị có chút băn khoăn khi nghĩ về 2 bộ trưởng tiền nhiệm: Nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ông hồi tưởng: “Mình không được trời phú cho những tài năng âm nhạc và thi ca, nay mai sẽ làm ăn sao đây?”  (trang 466).

Về nhận phòng làm việc, gần như mọi thứ bài trí từ đời Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm, ông gần như giữ nguyên. Có mỗi chiếc điện thoại bàn cũ quá rồi nên anh em văn phòng thay cho một chiếc điện thoại mới. Phạm Quang Nghị đã nhắc anh em văn phòng: “Thế trong cơ quan Bộ trưởng to hay Chánh Văn phòng to? Thôi anh em đem lại chiếc điện thoại cũ về cho tôi”. (Trang 467). Có lẽ, những năm tháng gian nan đói khổ trong chiến trường, rồi bao khó khăn những năm thời bao cấp đã tôi luyện cho ông những phẩm chất cần kiệm quý báu cho cơ quan, cũng là cho đất nước.

Sáu tháng sau khi nhậm chức Bộ trưởng, ông đã giao cho Chánh Văn phòng Phạm Việt Long làm “Phiếu góp ý cho Bộ trưởng”. Những phiếu góp ý “Những ưu khuyết điểm chính trong quá trình làm việc từ khi Bộ trưởng nhận nhiệm vụ đến nay; đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng về những vấn đề, những công việc cần quan tâm chỉ đạo, triển khai; những việc quan trọng, bức xúc cần giải quyết; những việc cần bổ khuyết, khắc phục; việc nên làm hoặc không nên làm (cả về chủ trương, biện pháp, phương pháp, phong cách làm việc…). Phiếu góp ý có thể ký tên hoặc không ký tên.” (trang 467). Đây là việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Mô hình lấy ý kiến góp ý ngày nay đã được nhân rộng ra nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí đã xuống đến những tập thể nhỏ như các lớp học của các cháu học sinh. Điều này nên được khuyến khích và làm sâu sắc hơn nữa ở những cơ quan lớn. Bởi lẽ, ai cũng “nhân vô thập toàn”. Nên ngoài những ưu điểm ra, khi được chỉ ra những khiếm khuyết của bản thân, điều đó sẽ giúp chúng ta dần hoàn thiện và cố gắng hơn.

Phạm Quang Nghị nhớ lại những lời bàn tán về “tính cục bộ địa phương Thanh Hóa” khi ở cơ quan có một số lãnh đạo cùng quê hương Thanh Hóa với ông. Rồi lại dư luận ông dọa cách chức người này, thuyên chuyển người khác. Xì xào nhiều từ hồi ông chỉ đạo kỷ luật cách chức Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam khi ông còn làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam…

Những khó khăn khi giải quyết những hành động vi phạm pháp luật ở lễ hội Chùa Hương được ông nhớ đến. Trước là vì “sự bảo kê của tầng tầng, lớp lớp cán bộ các cấp ở địa phương”, sau là “vấn đề tâm linh, tín ngưỡng khiến rất nhiều người e ngại” ( trang 469). Ông đã về tận nơi theo dõi quá trình triển khai lập lại trật tự, tháo dỡ các điểm động giả, chùa giả xây dựng trái phép. Thậm chí, ông đã đứng sau một bà tên Vui chửi ông rất nhiều khi mà công trình của bà sắp được đưa vào hoạt động bị phá dỡ. Ông đã yêu cầu địa phương bố trí kiot thuận lợi cho bà có thu nhập chính đáng sau khi phá dỡ công trình trái phép của bà. Khó khăn khi phải di dời tượng, đồ thờ cũng được ông giải quyết dứt điểm: “Hãy chọn một ngôi chùa giả, động giả làm nơi tập kết. Mời các vị thần, Phật về an vị tại đây. Bằng không thì đưa về hội trường Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây mà để” ( trang 473). Những mẩu chuyện về cấp dưới lấy diễn văn cũ để đưa cho ông trong bài phát biểu sắp tới làm ông rất giận hay chuyện trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật “trong thâm tâm, tôi rất không muốn tiếp tục có giải thưởng này” (trang 476) bởi trao người này, bỏ người kia cũng “có rất nhiều trường hợp văn nghệ sĩ thực sự tài năng đã không được tôn vinh”. Chuyện ca sĩ Ái Vân, câu chuyện Nhà Vương, thăm lại nước Nga cũng là những dấu mốc không thể nào quên với ông trong giai đoạn làm Bộ trưởng.

 Từ câu chuyện in lịch block độc quyền và hướng giải quyết, ông liên hệ tới việc in sách giáo khoa hiện nay, theo ông “Rất tiếc, dù tôi đã đề nghị nhiều lần, qua nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng, nhưng việc in, phát hành sách giáo khoa đến hôm nay vẫn tiếp tục giữ nguyên cơ chế độc quyền, chỉ dành riêng cho Nhà xuất bản Giáo dục được quyền in sách giáo khoa. Cơ chế ấy đã và đang gây nên rất nhiều tiêu cực và lãng phí vô cùng lớn cho xã hội.” (trang 509). Thế mới thấy, vấn đề in sách giáo khoa đã tồn tại bao nhiêu năm nay mà vẫn chưa tìm được lời giải sao cho hợp tình hợp lý. Có lẽ vấn đề này rất cần đưa ra bàn ở Quốc hội để đưa ra phương án tốt nhất bởi điều này có thể ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình.

Một chi tiết đáng chú ý trong thời gian làm Bộ trưởng của ông khi đưa ra quyết định điều chuyển một Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội kiêm Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du là con một lãnh đạo cao cấp của Đảng. Vị Hiệu phó đã gửi ông lá thư tay kiên quyết không nhận quyết định: “Bộ trưởng có thể dùng máy xúc, máy ủi để di dời, phá được động giả, chùa giả ở Hương Sơn, nhưng Bộ trưởng không thể dời tôi khỏi vị trí tôi đang làm việc…Nếu Bộ trưởng cứ quyết tâm điều tôi ra khỏi trường, tôi sẽ tự tử để tố cáo cách làm việc của Bộ trưởng với dư luận”. (trang 514). Những quyết định khó khăn khi phải điều chuyển Hiệu phó đòi hỏi sự mềm dẻo nhưng cũng rất quyết đoán, cũng bởi ông đã có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết sự mất đoàn kết khi làm lãnh đạo ở Hà Nam.

Câu chuyện liên quan tới tượng đài Chiến thắng Điện Biên cũng được ông hồi tưởng lại như một kỷ niệm buồn, liên quan tới Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương và một số cán bộ liên quan. Công trình tượng đài đúc bằng đồng ở phần hàn ghép các thớt đồng bị gỉ sét gây vết rạn nứt, tường bao quanh thân tượng bị sụt lút… nên những người lợi dụng sai sót này để đẩy lên thành việc lớn. Nguyên nhân sâu xa ở chỗ tranh chấp giữa bên được và bên không được tham gia dự án… (trang 521). Võ Thị Hồng bị bắt vào ngày 12/6/2007 và được tại ngoại vào ngày 06/8/2009. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17/1/2011, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên: Võ Thị Hồng không phạm tội đưa hối lộ, miễn truy tố. Không phạm tội tham ô tài sản… (trang 522). Ông là người theo dõi việc xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc. Ông biết rõ Võ Thị Hồng là người năng động, luôn được mọi người nể phục, quyết làm bằng được công trình đúng yêu cầu thời gian, tiến độ. Người mà chiều 30 Tết vẫn thu xếp quà tết, giò, chả, bánh chưng và tiền công cho thợ, đích thân lên tận công trình để động viên mọi người ở lại làm việc cho công trình xong trước ngày Đại lễ. Người ấy đã phải ngồi tù 25 tháng 24 ngày. (trang 522). Hẳn là ông rất buồn khi biết rõ sự tình, con người, công việc mà vẫn không thể giúp gì hơn. Ông vẫn day dứt:“Cho tới bây giờ, tôi rất tiếc, rất buồn vì đã không thể làm gì được nhiều hơn để vụ việc không bị oan sai đối với những người trong cuộc (trang 523).

Câu chuyện buồn ấy tạm khép lại nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin của ông trong cuốn sách này. Năm năm và một ngày là khoảng thời gian để lại nhiều kỷ niệm, ân tình đối với ông.

 

Bạn đang đọc bài viết "Khó khăn gian khổ trong “Đi tìm một vì sao” của Phạm Quang Nghị (bài 4)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn