Khó khăn gian khổ trong “Đi tìm một vì sao” của Phạm Quang Nghị (bài 5)

Phụng Thiên

27/11/2022 08:10

Theo dõi trên

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Phạm Quang Nghị được bầu vào Bộ Chính trị, ông nghĩ mình sẽ nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

di-tim-mot-vi-sao-bai-5-1669481142.jpg
Nghỉ hưu, Phạm Quang Nghị có thời gian ngẫm ngợi và viết "Đi tìm một vì sao" từ những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời. 

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm gọi điện chúc mừng ông “sớm lên Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương khi vừa biết tin ông được bầu vào Bộ Chính trị. Nhưng sau đó Phạm Quang Nghị được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Ông tự nhận mình là người hành động chứ không thiên về lý luận, tham mưu. Vậy nhưng, nhận nhiệm vụ mới cũng khiến ông vừa mừng lại vừa lo. Ông nhớ lại câu tổng kết của dân gian: “Đổi mới thì đổi mới đi, cứ tư duy mãi lấy gì mà ăn” (trang 532). Sau khi bàn giao công việc cho tân Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bên Bộ Văn hóa- Thông tin, ông đã sang nhận nhiệm vụ bên Thành ủy Hà Nội kế nhiệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Ông chia sẻ: “Xin nói thật rằng, trước khi về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi không biết cơ quan Thành ủy đóng ở đâu, hay nói chính xác nơi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội, mặc dù trong quá trình công tác đã không ít lần tôi ra vào cổng số 4 Lê Lai, thường là để làm việc với Ban Tuyên giáo, hoặc là được Thành phố mời về giảng bài, giảng nghị quyết cho cán bộ.” (trang 534). Bởi thế, sau ngày nhận quyết định về làm Bí thư Hà Nội, ông đã phải hỏi thăm để biết địa chỉ về nhận bàn giao công việc. Căn phòng làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội không lấy gì làm rộng rãi, trong khi phòng tiếp khách “Tôi không thể tưởng tượng lại có thể đơn giản và sơ sài đến thế. Một không gian bên trong có những tấm rèm, những chùm đèn trông thật cũ, bình dân. Dường như những chủ nhân của ngôi nhà muốn giữ lại những gì đã có từ thời đói nghèo, bao cấp” (trang 534). Ông đã cho sửa sang cho khang trang, đẹp đẽ hơn. Bức tượng Lênin và bức thư pháp có chữ “Quang Minh Chính Đại” cùng một bức tranh phong cảnh và các quyển sách là điểm nhấn của căn phòng mới của Bí thư Thành ủy.

10 năm trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiều cột mốc đáng nhớ của Thủ đô: Mở rộng địa giới Thủ đô bằng việc sáp nhập Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình); tổ chức 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; hàng loạt cây cầu hiện đại được xây dựng: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, Bảo tàng Hà Nội…cùng với biết bao dự án công trình khắp Thủ đô được xây dựng. Cùng với đó là những khó khăn từ những vụ việc như việc đòi đất ở 42 Nhà Chung, việc liên quan đến tôn giáo ở 178 Nguyễn Lương Bằng, ở Phú Xuyên, ở Thanh Oai… đến nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa như: tu bổ chùa Trăm Gian, chùa Một Cột, bảo tồn làng cổ Đường Lâm, xây Nhà Quốc hội…

Ông tổng kết: “Chỉ đúng pháp luật không thôi, nhiều vấn đề không thể giải quyết được, nhất là những vấn đề liên quan đến tôn giáo; đến tập tục, truyền thống văn hóa; đến tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân và những vấn đề mới trong thực tiễn.” (trang 591). Bởi thế “Nhiều trường hợp pháp luật phải nhường chỗ cho sự thoả thuận và hòa giải. Không thể xử lý những vấn đề tâm linh, tín ngưỡng như xử lý vi phạm giao thông.” (trang 592).

Ông rất nghiêm khắc trong công tác lãnh đạo: “Làm lãnh đạo thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; thấy điều có lợi mà không dám làm; chỉ khư khư giữ ghế, sẵn sàng hy sinh lợi ích chung để giữ sự an toàn cho bản thân; những cán bộ như thế sẽ là những vật cản đường cho sự phát triển đi lên của đất nước” (trang 593).

Phạm Quang Nghị nhớ lại chuyến đi sang Mỹ theo lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ tháng 7/2014 vào thời điểm rất nhạy cảm khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa Việt Nam. Ông rất ấn tượng về cuộc gặp với Thượng nghị sĩ John McCain. Khi ông tặng Thượng nghị sĩ tấm ảnh viên phi công đang giơ tay đầu hàng, khiến Thượng nghị sĩ John McCain thật sự hào hứng và xúc động: “Tôi rất cảm ơn ngài đã tặng tôi bức ảnh. Nhưng có một chi tiết trong này làm cho tôi cảm thấy không thể hài lòng. Ngài có biết không, tôi là thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng”. Phạm Quang Nghị đã trả lời: “Tôi xin được giải thích với ngài thế này. Với người Việt Nam chúng tôi, bất cứ ai là phi công lái máy bay, chúng tôi đều coi họ thuộc lực lượng không quân. Như ngài biết đấy, ở Việt Nam, vào lúc bấy giờ chúng tôi làm gì có hàng không mẫu hạm, làm gì có lực lượng không quân của hải quân.” (trang 600). Ngài John McCain đã giơ cao tấm ảnh để mọi người được nhìn thấy với một sự vui mừng, đầy thích thú. Chuyến đi ấy, dư luận xôn xao về bức ảnh tặng Thượng nghị sĩ John McCain với nhiều luồng bình phẩm khác nhau. Có lẽ nhiều người đã không hiểu, không đọc, không quan tâm tới nội dung và những trao đổi trong cuộc gặp gỡ ấy mà đã bình luận vội vàng. Tấm bia ở hồ Trúc Bạch sau đó được làm lại “Một tấm bia nhỏ bé, khiêm nhường nhưng có rất nhiều ý nghĩa” (trang 607). Sau này, khi ông John McCain qua đời, Phạm Quang Nghị đã đến Đại sứ quán Hoa Kỳ viết và ghi sổ tang chia buồn với người bạn có nhiều đóng góp cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ với Việt Nam.

Nghỉ hưu, Phạm Quang Nghị có thời gian ngẫm ngợi và viết cuốn sách này từ những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời. Ông tổng kết về chính trị: “Chính trị có những lúc thật là khắc nghiệt. Cho dù nó có thể mỉm cười với những người thời vận đang lên; nó là thứ quyền lực mềm, đôi khi rất mềm là đàng khác. Nhưng xin chớ có đùa. Chính trị là thứ lạt mềm buộc chặt. Đã buộc rồi thì đừng có hòng mà cựa quậy, gỡ ra… Chính trị không thể hiền lành, thật thà như những chú cừu non; càng không thể nhút nhát, thật thà như thỏ” (trang 620).

Hơn 600 trang sách với ngồn ngộn suy nghĩ chân thực, những ký ức sống động với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng vượt lên tất cả là suy nghĩ lạc quan và tin yêu cuộc sống; Phạm Quang Nghị đã đưa độc giả đến một triển lãm cuộc đời đầy vinh quang và vất vả của mình. Ông dường như vẫn còn nhiều điều trăn trở với quê hương, với đất nước; mong ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục viết, tiếp tục đóng góp trí tuệ mình cho cuộc đời.

Bạn đang đọc bài viết "Khó khăn gian khổ trong “Đi tìm một vì sao” của Phạm Quang Nghị (bài 5)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn