“Theo thống kê chưa đủ, số lượng tái bản bản dịch của cuốn Hai vạn dặm dưới biển đã trên 100 lần.” Nhà giáo, dịch giả Đỗ Ca Sơn kể. Ông nói, “Thời gian đầu, nhà xuất bản Kim đồng là nơi bảo trợ và thực hiện in, tái bản. Trong hơn 60 năm nay, gần như năm nào họ cũng tái bản. Nhiều nhà xuất bản khác cả in lậu và có phép cũng xuất bản, như cuốn này, 2018 là lần thứ ba của nhà xuất bản Văn học.”
Tác phẩm, từ 1869 đã được độc giả mong đón từng ngày để đọc, sự hấp dẫn của câu chuyện đăng trong “Tạp chí giáo dục và giải trí” để đến 1870 tác giả cho đăng thành sách toàn bộ câu chuyện.
Theo chân người Pháp sang các thuộc địa, cuốn sách có mặt ở các thư viện nhà trường, tuy nhiên là tiếng Pháp nên chỉ số ít các học sinh mới đọc được. “Tôi trong lứa học sinh được học đầy đủ tiếng Pháp cuối cùng và là lứa học sinh học tiếng Nga đầu tiên sau đó.” Nhà giáo, dịch giả Đỗ Ca Sơn kể.
Nhà giáo Đỗ Ca Sơn, nay 90 tuổi nhớ lại “Tôi sinh ra ở Bắc ninh nhưng đi học và lớn lên ở Hà nội, học trường Ngô Sĩ Liên. Cuốn sách “Hai vạn dặm dưới biển” tôi được đọc khi đi học, đọc nhiều lần, nhưng phải đến năm 30 tuổi mới có ý định dịch ra tiếng Việt.” Bản dịch của ông gửi đến nhà xuất bản, người biên tập thốt lên “Tôi không phải chỉnh sửa bất cứ gì, cứ thế đề nghị cho in.” Và cho đến ngày nay, các nhà xuất bản “cứ thế in…”.
“Mỗi năm ít nhất một lần tái bản”, “Tái bản trên 100 lần.” đúng là mơ ước của mọi tác phẩm ở Việt nam, đó là với tác giả, dịch giả. Thế nhưng con số đó thể hiện điều ta không nhận thấy, phân khúc lứa tuổi thanh thiếu niên mọi thời kỳ đều được hấp dẫn bởi tác phẩm. Cho dù ngày nay, những điều viễn tưởng, điều kỳ lạ của tác phẩm đã được hiện thực hóa, nhiều nội dung bị cạnh tranh bởi các tác phẩm mới, các tác phẩm điện ảnh hoành tráng. Nhưng “Hai vạn dặm dưới biển” vẫn có đất sống, vẫn đã, đang và sẽ được tái bản.
Dịch giả Đỗ Ca Sơn cũng là người dịch cuốn “Người cá” của Liên xô khi xưa và một số tác phẩm giả tưởng khác. Ông có cái nhìn rất tích cực về lĩnh vực này của văn học, một công cụ để lan tỏa văn hóa, hướng đến tương lai, mơ ước những điều tốt đẹp của cuộc sống. Lượng nhà văn Việt nam viết khoa học giả tưởng không ít như Phan Hồn Nhiên, Hà Thủy Nguyên, Nam Thanh và Nguyễn Thành Phong, rồi các tác giả trẻ, tác giả nhí cũng nhiều. Đặc biệt, tác giả, nhà văn Viết Linh “Viết Linh là bạn tôi, ông viết khá nhiều truyện khoa học giả tưởng mấy chục năm nay.” Nhà giáo Đỗ Ca Sơn giới thiệu khi chúng tôi đề cập đến.
Vấn đề nội dung và tác phẩm Việt nam chưa được độc giả biết đến nhiều còn thêm vì các nhà xuất bản e ngại. Họ làm kinh doanh, thà xuất bản ấn phẩm chuyển ngữ hơn là chi phi cho tác phẩm mới lạ chưa biết kết quả…Nếu với nguyên nhân này, có lẽ cần công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về Khoa học giả tưởng tới cộng đồng, kể cả trong nhà trường, cách mà người Pháp từng làm.
Hôm nay, nhân việc chuẩn bị cho hội thảo về nhà văn, nhà khoa học Jules Verne, chúng tôi đến gặp dịch giả Đỗ Ca sơn để mời ông tham gia và chia sẻ về các tác phẩm khoa học giả tưởng cũng như văn hóa đọc, được ông chia sẻ nhiều điều thú vị. Đọc sách và thưởng thức văn hóa là nhu cầu của mọi người, mọi lúc mọi nơi. Không phân biệt tuổi, quốc gia, điều kiện. Ông kể chuyện xưa và cũng được tìm hiểu thêm về ông, nhà dịch giả thế hệ xưa 60 năm trước.
Là thanh niên trí thức đi bộ đội, ông tham gia chiến dịch Điện biên phủ, trực tiếp 38 ngày đêm trên đồi A1 của chiến dịch 56 ngày đêm. Khi gặp nhiều người Pháp, nhà báo phương tây, họ hỏi ông: “Có gì khác ở lính Việt nam khi đó?” ông bảo “Chẳng khác mấy, lính hai bên cách nhau có vài chục mét, nhô đầu lên là chết. Bùn đất kín cơm nắm với máu thịt. Chúng tôi chịu bẩn 38 ngày đêm, có lẽ là khác.” “Ông làm gì trong những khoảng lặng?” họ hỏi tiếp. “Tôi đọc sách” Ông trả lời trước sự ngạc nhiên của khách. Dưới hào, đầy xác đồng đội, xác quân thù, bùn đất, máu…lấy đâu ra sách để đọc?
Ông kể, máy bay Pháp thả nhiều đồ tiếp tế, từ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, trong đó có sách và thư từ. Đa số lính lao ra tìm lương thực, thuốc men. Ông có lần ra lấy được 1 thùng, trong đó có cuốn sách “Buồn ơi chào nhé” mà ông đã đọc trong những khoảng lặng của cuộc chiến. “Trong thùng thư, có 1 bức thư dày cộm lên, tôi đưa cho anh Dũng Chi, tiểu đoàn trưởng, xem. Bên trong là thư tình của một cô gái Pháp cùng lọn tóc vàng cô cắt gửi cho một Trung sĩ để tỏ lòng nhớ nhung.” Tôi hỏi ngay: “Các bác làm gì với thùng thư đó?” ông ngồi một lát và nói: “Thủ trưởng Dũng Chi cũng là nhà trí thức đi bộ đội, ông cho bắc loa nói sang bên kia chiến hào. Hãy mang cờ trắng đến góc hào kia, chúng tôi nhặt được thùng rất nhiều thư từ quê Pháp các anh, ra đó lấy về mà đọc.”
Các câu chuyện Điện biên của ông được nhà báo Kiều Mai Sơn viết lại trong cuốn sách “Người lính Điện biên kể chuyện”. Ông chia sẻ: “Tôi không kể lịch sử chiến dịch, không kể về những diễn biến của chiến dịch mà kể chuyện về những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, đã sống như thế nào trong 56 ngày đêm ấy.”
Đứng một khía cạnh nào đó, những câu chuyện của nhà giáo Đỗ Ca Sơn khác gì giả tưởng trong ứng xử con người? Giả tưởng để mang đến những câu chuyện nhân văn, những mơ ước tốt đẹp. Để khởi đầu cho các hội thảo về Khoa học giả tưởng sắp tới, đánh thức và hợp tác giữa các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, nhà khoa học và độc giả khắp nơi. Nhân ngày sinh Jules Verne, được sự đồng ý của Đại sứ quán Pháp, Viện Pháp tại Hà nội cùng Hội tri thức trẻ, báo Viettime, Hội nhà văn Việt nam, chúng tôi sẽ thực hiện hội thảo đầu tiên vào tháng Hai tới. Hy vọng sẽ nhận được nhiều sự hưởng ứng tốt từ cộng đồng.