Khoai lang nhà tôi

Đinh Minh Thành

13/09/2021 09:54

Theo dõi trên

Nhà tôi nhờ khoai mà sống sót đấy.

khoai-lang-1631501618.jpg
 

Vào những năm 1980, sao mà trời hay mưa lụt đến thế. Tiếng ễnh ương ộng ượng, uộng oạng đâu ra mà nhiều thế. Nó kêu râm ran suốt đêm mưa, nghe mới não nề làm sao!

Nước lụt càng lên cao thì tiếng uộng oạng càng vang lên thảm thiết hơn, khiến cho cái rét mướt tưởng chừng xuyên thấu tâm can. Cứ mỗi khi sắp lụt, thế nào cũng vọng về tiếng kêu ma quài của loài lưỡng cư ấy, khiến sống lưng tôi lạnh buốt và tóc gáy tôi dựng ngược, da gà cứ nổi lên sần sượng.

Hình ảnh bếp than leo lét khói vì củi ướt, mẹ tôi lùi vài củ khoai cho chúng tôi ăn tạm, hiện về rõ mồn một trong trí nhớ tôi. Khoai cũng hiếm chứ không phải nhiều như bây giờ. Mẹ nói trời mưa chịu khó ăn đói cũng được, chứ đi bới khoai  bây giờ là hỏng cả vườn khoai. Theo kinh nghiệm của mẹ được ông bà xưa truyền lại, là khoai lang cứ lấy cái nầm tre khơi nhẹ, tìm củ nào lớn thì lấy lên ăn trước, củ còn nhỏ vùi lấp lại, như vậy đất tơi xốp và củ nhanh lớn, bởi vậy ngày nắng mới đi bới khoai, ngày mưa mà bới thì khoai sẽ bị con sùng đục vào ăn hết ruột khiến cho khoai có mùi rất hăng, không thể nào ăn được.

Chúng tôi nghe mẹ nên chia nhau mỗi đứa nửa củ khoai lót dạ trừ bữa.

Đọt rau khoai không phải ăn cảnh với cơm như bây giờ mà chúng tôi tính bằng đúa, ăn cho căng bụng, no bụng thay cơm. Mỗi buổi sáng, cả tôi và em gái hai đứa xách hai cái rổ (làng tôi gọi đúa sương phân) đi hái đọt khoai.

Đọt khoai đưa về hái những lá già bỏ đi nấu cho heo ăn vì lá già có nhớt rất khó ăn, còn đọt non mẹ luộc lên cả nồi to và bày lên cả cái sàng đan bằng tre, dàn đều cho bay hơi khỏi úng rau, chấm với nước con đam đồng. Thứ nước chấm này, mẹ làm bằng cách giã nát đam đồng, trộn muối, chưng cất nơi góc bếp, sau một tuần lắng lại, nước dâng lên, mẹ múc nước ấy kho lên thành nước mắm đam.

Đọt khoai mà chấm với nước mắm đam thì ngon thôi rồi. Tôi kể mà đang nuốt nước miếng ậm ực...

Quê hương trăm mến nghìn thương ăm ắp biết bao kỷ niệm, những nhoi đất ven sông, mùa lũ lụt bồi đắp phù sa, cứ đánh luống lên trồng khoai- chúng đua nhau trườn lên mơn mởn, chẳng cần bón phân tro gì sất. Gần giáp Tết, khi gió heo may leo lên đọt mía, lau lách trổ bông báo hiệu qua mùa giông bão, cũng là lúc bà con xuống đồng trồng khoai cấy lúa, không khí rất khẩn trương. Những tiếng giục trâu đi, tắc rì, tắc rì, tiếng gọi nhau mượn giống khoai í ới khắp cánh đồng, bước người, bước chân trâu theo nhau nhộn nhịp khắp đường làng, vào mùa gieo trồng vui như ngày hội. Giêng hai vừa rét vừa đói, những ruộng khoai đã phủ một màu xanh của tình người và hy vọng, hồi đó không ai tiếc gì những đọt khoai, cứ sà xuống là hái, đầy rổ mới mang về, chẳng ai giữ gìn làm của riêng như bây giờ.

Đến mùa thu hoạch khoai thì vui ơi là vui. Chúng tôi cầm rổ, bao đay, bao lác và cái cuốc cò, cuốc xỉa... đi mót khoai. Có những câu chuyện manh gian trong việc mót khoai mà tôi không tiện kể...  Đêm  mưa, tiếng ểnh ương, chẫu chuộc vẳng xa gợi cho tôi về khoai lang, về làng quê nhà chật cứng, đong đầy kỷ niệm tuổi thơ.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Khoai lang nhà tôi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn