Học xong cấp III cũng là năm hết Bao cấp, nhà tôi đông anh em, san sát nhau nên bố mẹ với đồng lương nhà nước ít ỏi thực sự khó khăn trăm bề. Như mọi gia đình khác, khi thành phố khốn khó, quê hương là chốn cung ứng vô điều kiện. Vì vậy, mỗi dịp Tết, Hè, là chúng tôi đổ bộ về quê. Cũng vì thế mà tàu xe thời điểm này đông nghịt người. Từ con, em, người làm xa, sinh viên về...
- Anh mang bao gì thế? Hằn ra như đồng xu nhỉ?- Thằng Sơn, hỏi khi thấy tôi kéo cái bao tải dứa và nhờ nó đỡ để lên trên gác hành lý.
- À, có ít khoai lát tao mang ra...- tôi trả lời lý nhí.
Thằng Sơn và chị nó, cái Mai Anh, kém tôi vài tuổi. Tôi cũng chỉ mới biết chúng nó khi lên xe đi Vinh để lên tàu ra Hà nội. Ở bến xe xã, gặp bố nó, là ông chú họ "Đây là anh con bác chúng mày, đi trên đường chú ý bảo vệ nhau nhé." Ông chú giới thiệu.
Ông chúng nó là nhà cách mạng lão thành rất uy tín, liêm chính. Bố chúng nó, ông chú, khá ngổ ngáo, học trường Nguyễn Văn Trỗi "trường Trỗi", ngôi trường sản sinh ra bao nhiêu tướng lĩnh về sau. Riêng ông chú lại hoạt động xã hội, thành võ sư rồi đủ chuyện ở Hà nội thời Bao cấp. Chính thế, gia đình khá giả, cả ba chị em nhà chúng không phải chịu khổ nếm mùi Bao cấp mấy.
Ông chú thời gian dài về sau xin vào cơ quan nhà nước, tuy làm bảo vệ nhưng có biết tiếng Anh thành ra oách, dẫn các đoàn đi các nước rất oai...
- Anh mang khoai ra cho lợn à?- Thằng Sơn hỏi khi ba đứa yên vị và chờ tàu chạy.
- À, ờ ...- tôi ậm ừ và lảng tránh trả lời.
Con chị không nói gì từ khi gặp tới giờ. Nó quay sang thằng Sơn: "Tối rồi đấy, tao cắt bánh chưng ăn nhé. Ăn đi rồi cố mà ngủ." Thằng Sơn lầm bầm: "bảo mang con gà đi không mang, lại bánh chưng, chán chết."
Chúng tôi về Tết ở quê nên khi ra, trong đồ ai cũng có bánh chưng, tôi cũng có nhưng đâu dám ăn, quà quê cho cả nhà ngoài Hà nội mà. Thằng Sơn kéo tôi ra cửa toa ngồi để ăn. Tôi cầm gói đồ ăn đi theo. Đến cửa, nó ném vèo nửa bánh chưng cái Mai Anh vừa cắt qua cửa sổ. "Em không ăn nổi nữa." Nó nói khi tôi trố mắt nhìn theo cái bánh mà tiếc. Mở bọc lá chuối của tôi, chìa cho thằng Sơn: "mày ăn cái này không?" Tôi mời. Bọc đồ của tôi như gói xôi, màu tim tím, đốm trắng, có hạt đậu và lạc lạ mắt, mềm, dẻo, thơm mùi khoai vị ngọt.
Nhón một miếng cho vào miệng, nó ngạc nhiên: "món gì thế, ngon quá!"
- Khoai lang xéo!- Tôi đáp
- Là cái gì?- Thằng Sơn hỏi liền.
- Cái trong bao mày bê cho tao lúc nãy...- tôi giải thích.
Có vẻ nuốt vội nên nó bị nghẹn, món này không ăn tham được.
Ở quê, lương thực cung ứng cho chiến tranh, ruộng ít, chỉ có đất đồi. Để tăng đất sản xuất, người ra dời làng từ bãi ven sông Lam với lợi thế xưa "Nhất cận Thị, nhị cận Giang" để "làng ta di động, thêm đất dân mình cày." Làng trở thành cánh đồng bãi ven sông trồng ngô, khoai, đậu, lạc, vừng là chính, lúa rất ít. Do đó, để ăn được mỗi ngày, dân nghĩ ra đủ thứ món chế biến từ chúng mà thay đổi mà nuốt trôi.
Khoai đất bãi nổi tiếng bao đời, các quan xưa nhiều người từ khoai bước lên:
"Sáng khoai, trưa khoai, khoai cả đúa
Cha đỗ, con đỗ, đỗ cả tràng!"
Khoai lang thu về, thái lát, phơi khô để dành được. Củ tươi khó để lâu. Mà ăn củ luộc mãi cũng chán. Khoai miếng khi muốn ăn, có thể hấp, độn cơm như săn ngoài Bắc, nhưng khó ăn vì ngọt. Người ta làm cách khác. Nấu khoai miếng khô, nấu đậu đỏ, trắng, đậu đen, lạc tuỳ thích. Có thêm ít đường nữa. Gạo nếp, tất nhiên nhiều là ngon, nhưng lấy đâu ra nên món này chủ yếu khoai và đậu.... khi tất cả chín, ủ, rồi dùng đũa cả đánh "xéo" tơi khoai miếng lên tồi cho ra rổ, đĩa là ăn được. Khoai ngon là loại nấu bở tơi, nếu lẫn miếng sống sượng ăn rất khó và chán.
Món khoai xéo đi theo cả tuổi thơ, mỗi bữa sáng, mỗi khi đi học về đói... rồi khi rời quê lên phố đi học, như nhà tôi tuy bố mẹ thoát ly, nhưng như nhiều sinh viên, cứ đến lễ Tết, Hè là về ông bà và khi ra, chẳng có tiền và gì khác đặc biệt, trong bao, ba lô, hành tranh lên phố 99% là Lạc, Đậu, Vừng, như tôi là bao khoai miếng, nó cứu đói cho miền Bắc sau Bao cấp, nuôi sống bao sĩ tử thành danh. Chính thế mà món khoai lang xéo còn đọng mãi tới giờ, dù rất khó để có nó.
- Bao khoai đó cho người ăn, không phải cho lợn đâu.- Tôi nói với thằng Sơn.
Mấy anh em nhà nó giống tôi, sinh ra và lớn lên ở ngoài Bắc vì bố mẹ thoát ly từ thanh niên. Khác là nhà nó ông, là quan chức ở ngoài Hà nội lâu, ông bà tôi ở quê nên khi nhỏ, chúng tôi học mấy năm trong này. Chúng nó chỉ về một vài lần. Có lẽ, miếng khoai xéo nó ăn khi tôi mời là lần duy nhất trong đời?
Gần hai mươi năm sau, bà chị kể: chú hay qua chỗ chị, mỗi lần qua lại nói: "thằng Sơn vào trại rồi." Làn thì tù, lần thì cai nghiện., và lần cuối thì ông chú báo: "nó đi xe máy về đầu ngõ, đâm phải cột điện mất!"
Cô chị, là ca sĩ một nhà hát lớn. Anh chồng là tay trống nổi tiếng một thời, từng làm ban biên tập văn nghệ một cơ quan lớn anh này không may mất sơm. Mai Anh nó cũng bỏ đoàn thôi hát. Cô em út cũng vất vả khi ông chú chia tay vợ và chia mọi thứ để còn một mình. Thiếu sinh quân trường Trỗi khi xưa lừng danh nay lặng lẽ...
Hôm nay ở nhà có món khoai mật Đà lạt, nhìn củ khoai làm tôi nhớ món khoai xéo khi xưa...