Khoai Tây (phần 3)

Đỗ Xuân Phương

26/10/2021 06:30

Theo dõi trên

Với kinh nghiệm, lịch sử trồng khoai tây lâu đời, kỹ thuật canh tác cao và thuần thục, xã Hà Hồi đã trở nên nổi tiếng về trồng khoai tây và các cây vụ Đông khác như : su hào, bắp cải,xà lách...các loại rau , cây giống . Đời sống của nhân dân tốt lên trông thấy, rất ít nhà tranh vách đất, các công trình công cộng, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khá hoành tráng từ những năm xưa.

khoai-tay-3-1635204526.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Về mùa Đông làng tôi rất nhộn nhịp . Chợ họp từ sớm bán những vật tư phục vụ cho nông nghiệp như phân, gio bếp, trấu và có cả "chợ người", những người rỗi việc có thể đứng ở gốc đa chợ Hôm để xem có ai gọi thì đi làm mướn. Người các nơi khác ùn ùn đổ về mua khoai giống, cây giống, tiếng rao í ới, tiếng gọi mua bán xôn xao, những bước chân đi nhanh như chạy vì thời gian rất quý , ngày mùa Đông ngắn lắm. Một không khí thật khẩn trương nhưng cũng rất vui vẻ và mãn nguyện lan tỏa khắp từng con ngõ nhỏ. Guồng quay công việc của mùa Đông thật gấp gáp, buổi trưa chỉ kịp ăn cơm uống nước lại đứng lên đi làm tiếp, không bao giờ có chuyện được ngủ trưa mùa Đông đâu.

Mùa Đông là mùa nhà ai cũng có tiền mặt từ bán khoai, bán cây...cho nên ăn uống cũng được tươi tắn, ngày nào cũng có chút thịt ,cá trên mâm, không khí làng quê từ trong nhà ra cánh đồng rất lạc quan và đầm ấm.

Từ ngày độc quyền giống khoai Đức thì làng tôi càng thu nhập cao hơn. Khoai Đức để giống bán đắt như tôm tươi, tranh nhau mua, khoai thịt thì to, bán cho các bà buôn chuyên nghiệp cất cho các bếp ăn nhà hàng khách sạn rất được giá. Người làng tôi xây nhà cửa, mua sắm đồ đạc đều trông vào thắng lợi của vụ Đông.

Nhiều người có vốn, nhà rộng như nhà bác tôi cứ đến vụ thu hoạch lại mua khoai tươi về để trên giàn đến vụ sau bán làm khoai giống, mua khoai thịt tươi vào để bán những lúc hết vụ, lãi rất cao và họ làm giầu bằng việc ấy.

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Tình hình chính trị những năm cuối thập niên 1980 thật bất lợi cho nước ta, phe Xã Hội chủ nghĩa Đông Âu dần suy thoái và sụp đổ. Nước Đức đã thống nhất và nguồn khoai tây giống viện trợ hàng năm cũng không còn nữa. Giống khoai tây của Đức đều là những giống được làm ra từ công nghệ di truyền, thổ nhưỡng khí hậu nước ta không hẳn đã hợp cho nên rất nhanh suy thoái. Vài ba năm đầu còn cho năng suất cao nhưng sau đó càng ngày càng kém, giống khoai ta thì đã hỏng hẳn thế là nghề trồng khoai tây của làng tôi bắt đầu đi vào bế tắc.

Những năm sau này nhiều nơi cũng đã nâng cao trình độ canh tác, họ dần dần tự để giống khoai tây cho nên ít đến làng tôi mua khoai giống.

Và rồi chính phủ lại cầu cứu Pháp hỗ trợ giống nhưng chương trình cũng chỉ được vài năm là hết.

Tôi có nghe nói trồng khoai tây bằng cây nuôi cấy mô, kết quả tốt lắm nhưng mà chưa được thử nghiệm ở đồng làng tôi bao giờ.

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhân công đắt đỏ, nhiều nơi trồng được, nhập về cũng nhiều . Biến đổi khí hậu, Trái Đất ấm lên, mùa Đông không còn lạnh giá, năng suất khoai tây giảm rõ rệt. Tất cả những yếu tố chủ quan và khách quan ấy đã làm cho nghề trồng khoai tây của làng tôi dần dần thu hẹp diện tích rồi mất hẳn.

Bây giờ về làng vào mùa Đông rồi tưởng tượng ra quang cảnh náo nhiệt, nhộn nhịp khi xưa mà lòng dấy lên một nỗi niềm nhớ tiếc bâng khuâng. Nhớ cái âm thanh rộn ràng, cái không khí khẩn trương của những mùa Đông chưa hẳn đã xa.

Làng tôi bây giờ không còn trồng khoai tây nữa nhưng những vui buồn quanh loài cây thân thuộc này vẫn còn đậm sâu trong vùng ký ức và phần nào đó khoai tây đã cấu thành gen của người làng tôi. Tôi sẽ viết điều ấy trong phần tới. Hẹn gặp lại các bạn nhé!

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Khoai Tây (phần 3)" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn