Ngày ấy, gia đình nào khá giả mới được ăn ngày 2 bữa cơm trắng, bữa sáng lót dạ chén cơm nguội hay củ khoai củ sắn luộc. Những gia đình bần nông khó khăn, thóc gạo làm ra chỉ dành một phần để ăn, còn lại phải bán lấy tiền trang trải nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nồi cơm của mỗi nhà khi ấy thường là một phần cơm độn thêm 2 - 3 phần khoai sắn. Vì vậy, ngoài 2 vụ trồng lúa, trên các thửa ruộng khô, nông dân thường trồng thêm ngô, khoai, đậu, lạc... các loại rau củ để tự cung cấp cho nhu cầu của mình.
Với khoai lang, đậu, lạc, ăn ngay không hết, để tươi lâu sẽ hỏng nên họ đã đem phơi khô, cất lại, đề phòng khi giáp hạt.
Món khoai xéo cũng là một món chống đói bình dân thời đó. Lưng buổi cày, buổi cấy, buổi gặt... bụng đói cồn cào, có nắm khoai gói cẩn thận trong miếng lá chuối khô lót dạ, mọi mệt nhọc như tan biến. Mùi khoai quyện với mùi lá chuối khô đặc trưng. Vị khoai ngọt, nếp dẻo, đậu đỏ đậu đen bùi bở, hạt lạc béo ngậy sựt sựt... tất cả làm bật lên vị ngon khôn tả.
Riêng với đám nhỏ chúng tôi, ký ức về khoai xéo là những buổi tan trường bụng đói veo réo rắt, về tới nhà, quăng vội cặp sách là nhào ngay vào Gác-măng-Giê (Garde Manger) lục tìm vì biết buổi sáng mẹ đã thổi một nồi thơm lừng. Nhìn thấy những nắm khoai tròn trịa được bỏ trong rổ lót lá chuối, chén ngay một nắm ngấu nghiến đã thèm.
Khoai xéo còn gắn liền với tuổi thơ chúng tôi là những buổi chăn trâu cắt cỏ... được mẹ gói cho vài nắm khoai mang theo. Lũ chúng tôi sau những trò chơi banh nóc là chụm đầu tụm năm tụm ba chia nhau những miếng khoai ngọt bùi béo dẻo, cùng nhau tám chuyện trên trời dưới biển, thi thoảng phá lên cười rộn ràng triền đê chiều mát rượi.
Thời buổi kinh tế khấm khá, người nông dân không còn lam lũ nữa, những bữa cơm độn chỉ còn trong dĩ vãng. Thức quà giản dị ấy cũng dần bị thay thế bởi bánh ngon kẹo ngọt, nhưng không vì thế mà quên được mùi vị thuở nào. Mọi người lại tìm về với Khoai xéo như để ôn lại một thời khó khăn vất vả bươn chải với ruộng đồng. Khoai xéo lại trở thành thức quà quí, được mọi người tìm mua nhiều hơn, thưởng thức với tâm trạng hồi hộp và háo hức. Vẫn những nguyên liệu đơn giản, hương vị quen thuộc, khoai xéo luôn làm cho mọi người thoã mãn với cảm xúc của mình.
Nhìn thấy những nắm khoai xéo này, tâm trạng của bạn thế nào? Với tôi, đó là cả một miền ký ức tuy vất vả nhưng tươi đẹp và ngọt ngào. Ký ức không bao giờ quên!
CÁCH LÀM KHOAI XÉO Nguyên liệu làm Khoai xéo Nghệ An cho 4 người Khoai khô 500 gr + Gạo nếp 200 gr + Đậu phộng 100 gr + Đậu đen 150 gr + Đường 100 gr - Lựa chọn gạo nếp có kích thước đồng đều, hạt nguyên vẹn và ít bị gãy, nát. Hạt gạo nếp mới sẽ có mùi thơm tự nhiên, dùng tay sờ có cảm giác chắc và khô ráo. - Đậu đen có 2 loại phổ biến: Đậu đen xanh lòng và đậu đen trắng lòng. Để mua được đậu đen làm khoai xéo ngon, bạn nên lựa đậu đen xanh lòng vì hương thơm, ăn bùi và có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhé. Lựa đậu đen kích thước đều hạt, có màu đen bóng, nhấn vỡ hạt thì thấy lòng có màu xanh lá đặc trưng. Nên mua đậu đen có mùi thơm thoang thoảng tự nhiên và khô ráo vì đây là đậu mới thu hoạch, được bảo quản tốt. Không mua đậu đen bị vỡ nát quá nhiều, các hạt không đều nhau, có dấu hiệu mối mọt, ẩm mốc. - Bạn hãy chọn mua những hạt đậu phộng có vỏ căng bóng, màu sáng đẹp, kích thước các hạt to đều nhau, khi cầm lên cảm giác chắc tay. Không chọn những hạt đậu có dấu hiệu ẩm mốc, màu sắc lạ hoặc hạt đậu lép có lớp vỏ ngoài nhăn nheo. Không mua đậu phộng đã để lâu ngày, lớp vỏ thường không căng bóng vì khi nấu sẽ rất hôi dầu. - Khoai khô là khoai gì? Mua ở đâu? Khoai khô là khoai lang sau khi được thu hoạch, gọt vỏ, rửa kĩ và phơi khô khoảng 2 nắng. Đây là nguyên liệu quen thuộc, dân dã của người dân miền quê. Khoai khô có hương vị rất riêng và giữ được vị bùi, ngọt vốn có. Thông thường, nguyên liệu này sẽ được chế biến với mục đích tích trữ hay để dành ăn dần. Khoai khô bạn có thể dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng bán lương khô, các trang thương mại điện tử hoặc các cửa hàng nông sản trên toàn quốc. Cách chế biến Khoai xéo Nghệ An 1. Sơ chế nguyên liệu Khoai khô bạn rửa sơ qua 1 - 2 lần với nước để loại bỏ sạch bụi bẩn rồi để ráo. Đậu đen, đậu phộng nhặt bỏ những hạt hư (nếu có). Đậu đen vo với nước sạch rồi vớt ra, để ráo. Đậu phộng rửa sạch. Gạo nếp bạn vo nước từ 2 - 3 lần, chắt bỏ nước vo gạo rồi để ráo. 2. Nấu khoai và đậu Cho hết khoai khô, đậu phộng và đậu đen vào nồi, thêm nước ngập 1/2 nồi và đun lửa vừa khoảng 15 phút đến khi các nguyên liệu trên chín sơ. Mách nhỏ: Để món ăn được ngon, nếp không bị mềm nhũn và chảy nhựa thì bạn không nên cho nếp vào đun cùng hỗn hợp trên ngay từ đầu nhé. 3. Nấu nếp cùng hỗn hợp khoai đậu Sau 15 phút, bạn mở nắp nồi và cho toàn bộ gạo nếp vào, đảo đều để các nguyên liệu được trộn lẫn với nhau. Tiếp tục nấu lửa vừa khoảng 20 phút đến khi nước trong nồi cạn thì tắt bếp, cho 100gr đường vào, đảo đều để đường quyện lẫn với các nguyên liệu trên. Mách nhỏ: Để món ăn thơm ngon, trong quá trình nấu bạn nhớ căn đúng thời gian và kiểm tra thử lượng nước trong nồi đã khô chưa để nếp không bị khê, cháy. Tùy theo khẩu vị và sở thích của gia đình, bạn có thể gia giảm lượng đường cho phù hợp. Khi cho đường vào bạn cho từ từ để tránh lỡ tay cho nhiều quá nhé. Bước 3 Nấu nếp cùng hỗn hợp khoai đậu Khoai xéo Nghệ AnBước 3 Nấu nếp cùng hỗn hợp khoai đậu Khoai xéo Nghệ AnBước 3 Nấu nếp cùng hỗn hợp khoai đậu Khoai xéo Nghệ AnBước 3 Nấu nếp cùng hỗn hợp khoai đậu Khoai xéo Nghệ An 4. Ủ và đánh tơi khoai xéo Sau khi đường đã quyện lẫn với các nguyên liệu, bạn đậy nắp và ủ chúng trong khoảng 10 phút để khoai xéo được dẻo và thấm đường. Sau 10 phút, mở nắp nồi, dùng đũa đánh tơi khoai xéo để món ăn không bị vón cục. Cuối cùng là trình bày khoai xéo ra dĩa, mời cả nhà ra và cùng thưởng thức thôi. Thành phẩm Khoai xéo Nghệ An sau khi hoàn thành dậy mùi thơm cực kì hấp dẫn từ gạo nếp và đậu phộng. Gạo nếp dẻo, khoai thì bùi hòa quyện cùng chút vị béo của đậu phộng và ngọt thanh từ đậu đen, rất hấp dẫn phải không nào? Món này ăn khi còn nóng, kèm với chút muối vừng hay muối lạc thì ngon hết sẩy luôn.
|
Theo Chuyện quê