“Thư mùa đông” và nỗi niềm người lính

Hơn bốn mươi năm đã đi qua, biên giới giờ cũng đã bình yên, nhưng bài thơ “Thư mùa đông” vẫn được người đọc lưu nhớ. Hóa ra thơ viết về người lính hay, dở đâu cứ phải là phải súng đạn, sống chết. Người lính anh hùng đâu cứ phải lên gân lên cốt để xung phong và tiến lên. Đôi khi chỉ là một cảnh ngộ hay một nét tâm trạng, một lời tâm sự rất thực, rất người cũng đủ làm người đọc cảm thấy toát lên và rung động với tất cả những vẻ đẹp giản dị, đời thường của những anh bộ đội cụ Hồ. Và đây chính là một thành công của nhà thơ Hữu Thỉnh.
nha-tho-huu-thinh-thu-hai-tu-phai-sang-tai-mat-tran-ha-giang-thang-3-nam-1982-suu-tam-1733106820.jpg
Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ hai, từ phải sang) tại mặt trận Hà Giang tháng 3 năm 1982 (sưu tầm)

Bài thơ “Thư mùa đông” là bài thơ hay của Hữu Thỉnh. Trải qua hơn bốn chục năm, kể từ khi ra đời cho đến bây giờ, bài thơ vẫn chưa hết làm rung động người đọc, nhất là các chiến sĩ biên phòng. Bài thơ như sau:

Thư viết cho em nhòe nét mực
Phên thưa sương muối cứ bay vào
Núi rét đêm qua chừng mất ngủ
Sáng ra thêm bạc một nhành lau

Ở đây tuyết trắng trên chăn mỏng
Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ
Mực đóng thành băng trong ruột bút
Hơ hoài than đỏ chảy thành thư

Chắn gió cây run trong rễ tím
Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm
Có hôm đồng đội đi công tác
Nhớ đấy, nhưng mà... thêm lớp chăn.

Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản
Ca bát khua cho đỡ bất thường
Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng
Anh bòn không kiếm đủ rau ăn...

Gạo thường lên sớm, thư thời chậm
Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm
Bao năm không thấy màu con gái
Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em...

Mây đến thường rủ anh mơ mộng
Biết vậy, khuya em đỏ ánh đèn
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi núi ấm lên.
        Mèo Vạc tháng 3 năm 1982 

Như chúng ta đã biết, từ ngày 17 tháng 2 năm 1979 đến ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau một tháng xâm lược, cơ bản trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, quân Trung Quốc đã rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cứ tưởng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đến đây đã kết thúc. Nhưng không, phải đến 10 năm sau, tháng 10 năm 1989, khi quân đội chủ lực của Việt Nam và Trung Quốc rút khỏi đường biên giới hai nước thì các hoạt động chiến tranh mới chấm dứt.

Và như thế trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 1979 đến tháng 10 năm 1989, đây đó trên biên giới phía Bắc, nhất là mặt trận Hà Giang, “lửa” vẫn cháy và “máu” vẫn đổ ác liệt. Trong hoàn cảnh đó, tháng 3 năm 1982, đoàn công tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội lên biên giới Hà Tuyên (khi đó chưa tách thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) để kịp thời phản ánh không khí chiến đấu từ mặt trận. Đoàn công tác đó có Hữu Thỉnh. Ông được phân công lên mặt trận Mèo Vạc. Tại đây, được ăn ở cùng các chiến sĩ trên chốt, chứng kiến những gian khổ và thấu hiểu tình cảm của anh em, nhà thơ đã sáng tác và đọc bài thơ “Thư mùa đông” cho bộ đội nghe ngay tại mặt trận.

Có lẽ muốn lưu giữ kỉ niệm về bài thơ mà sau chuyến công tác, về in ngay trên báo và các tuyển tập sau này, Hữu Thỉnh vẫn để nguyên dòng chữ ghi địa điểm và thời gian sáng tác ở phần cuối bài thơ: “Mèo Vạc tháng 3 năm 1982” (theo Hữu Thỉnh, Tôi viết “Thư mùa đông” từ trên chốt, Văn nghệ Quân đội, ngày 21/ 01/ 2023).

Bài thơ được làm theo thể thơ bảy chữ, không dài, chỉ có sáu khổ, mỗi khổ bốn câu nhưng đã tái hiện cho người đọc thấy được cuộc sống và tâm tư tình cảm của những người chiến sĩ ngoài mặt trận. Cái hay của bài thơ là không nói về gian khổ của chiến tranh với những bom rơi đạn nổ và chết chóc tang thương mà chỉ nói về những khó khăn do tiết trời khắc nghiệt đem lại cùng những nỗi niềm tâm trạng của những người lính xa nhà.

Hóa ra ở nơi biên cương đèo heo hút gió, người chiến sĩ không phải chỉ đánh đuổi kẻ thù hai chân mà còn phải chống chọi với cả kẻ thù “bốn chân”, phải vượt lên cả chính mình. Và cứ như thế, qua bài thơ, với những nét khắc họa độc đáo bằng ngôn ngữ thơ, Hữu Thỉnh đã đem đến cho người đọc một bức chân dung sinh động, chân thực về người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Có thể nói, với những bức tranh này, bài thơ của Hữu Thỉnh không chỉ là một sự sáng tạo mà còn là một đóng góp quí giá để góp phần làm phong phú hình ảnh người lính trong kho tàng thơ ca Việt Nam hiện đại.

tac-gia-ben-mot-cua-ham-tren-chot-tien-tieu-thuoc-mat-tran-ha-giang-trong-nhung-nam-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-1733106915.JPG
Tác giả bên một cửa hầm trên chốt tiền tiêu thuộc mặt trận Hà Giang trong những năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Bức tranh “mùa đông” trên chốt tiền tiêu cực Bắc

Bài thơ có tên là “Thư mùa đông” có nghĩa là một bức thư viết vào mùa đông, một bức thư viết bằng hình thức thơ. Nhà thơ đã nhập vai vào người lính trên chốt tiền tiêu cực Bắc để viết bức thư gửi về hậu phương cho người yêu, cho người bạn gái. Nhà thơ nói là “thư mùa đông” nhưng nói cho đúng là bức thư viết vào mùa xuân chứ không phải mùa đông nhưng bởi tiết trời ở miền Bắc, nhất là vùng miền núi phía Bắc, đặc biệt là trên cao nguyên đá Hà Giang thì mùa xuân vẫn có những ngày gió rét còn hơn cả những ngày mùa đông. Có lẽ bởi cái khí hậu khắc nghiệt như thế mà Hữu Thỉnh đặt tên cho bài thơ là “Thư mùa đông” để kể lại cho mọi người về cái tiết trời và cảnh vật những ngày giá lạnh như mùa đông ở nơi biên ải.

Và cũng chính vì lẽ đó mà “Thư mùa đông” cũng đã tái hiện cho người đọc thấy được cái “mùa đông” trên chốt tiền tiêu phương Bắc nơi cao nguyên đá Hà Giang, ở Mèo Vạc hiện lên rất rõ ràng: “Phên thưa sương muối cứ bay vào”, “Núi rét đêm qua chừng mất ngủ/ Sáng ra thêm bạc một nhành lau”, “Ở đây tuyết trắng trên chăn mỏng”, “Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ”, “Mực đóng thành băng trong ruột bút/ Hơ hoài than đỏ chảy thành thư”, “Chắn gió cây run trong rễ tím”, “Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm”, “Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản”, “Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng/ Anh bòn không kiếm đủ rau ăn”.

Nếu ai đã từng ở trên cực Bắc, cao nguyên đá Hà Giang, nơi có đá nhiều gấp bội đất, những núi đá vôi sừng sững trùng điệp kéo dài gần hai ngàn ba trăm cây số vuông, trên độ cao trung bình từ một ngàn hai trăm mét đến một ngàn bốn trăm mét thì sẽ thấu hiểu về cái rét ở nơi đây. Và sẽ nhận ra Hữu Thỉnh không hề nói quá sự thực chút nào ở trong bài thơ. Đồng thời cũng thấy được cái tài quan sát cũng như sự tinh tế của nhà thơ khi lựa chọn và liệt kê các sự vật, hiện tượng rất điển hình của cảnh vật để tái hiện bức tranh “mùa đông” nơi biên cương Mèo Vạc.

Hình ảnh “Phên thưa sương muối cứ bay vào” không chỉ nói lên cái thiếu thốn về cơ sở vật chất mà còn gợi lên cái buốt lạnh của tiết trời. Trên chốt tiền tiêu, nơi người lính đang canh giữ biên cương còn nhiều khó khăn, chiếc “phên thưa”, không đủ che gió che sương cho người chiến sĩ nên “sương muối cứ bay vào” là điều tất yếu. “Sương muối” thì hẳn nhiều người biết. Đó là hiện tượng thời tiết cực đoan, còn gọi là sương giá. Đó là hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ li ti, trắng muốt như muối, bám trên mặt đất, bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác khi có không khí ẩm và lạnh.

Khi sương muối xuất hiện (nhiệt độ hạ xuống thấp dưới 0 độ C) làm cho nước trong thân cây bị đóng băng lại, khi nước đóng băng làm giãn nở thể tích, làm phá vỡ các tế bào, các ống dẫn nhựa cây trên thân, cành của các loại cây cối. Và khi mặt trời lên, dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, các hạt sương lạnh bốc hơi nhanh chóng làm cho các mô cây bị giảm nhiệt độ đột ngột làm phá hủy cơ chế tế bào sinh vật của cây, làm lá cây bị héo táp, cháy xém, teo tóp lại. Đấy là tác hại của sương muối với cây cối.

Còn với con người, sương muối giá lạnh thấm vào thân thể làm cho các khớp tê buốt; độ ẩm cao cũng gây cho xương đau nhức, nếu tiếp xúc nhiều với sương muối các dây thần kinh cũng dễ bị ảnh hưởng khiến đau đầu, mệt mỏi. Cái độc hại của sương muối ấy chẳng đã từng được các cụ nhà ta từ xưa đúc kết lại để nhắc nhở con cháu qua câu tục ngữ “đầu năm sương muối cuối năm gió nồm” đó hay sao? Và cũng bởi tại “phên thưa” mà mới có cảnh “tuyết trắng trên chăn mỏng”. “Tuyết trắng” gợi lên cái giá lạnh còn hơn cả sương muối, “chăn mỏng” cũng lại gợi lên cái khó khăn, thiếu thốn.

Cái khí hậu lạnh giá ấy nếu như ở đồng bằng sẽ tan nhanh khi mặt trời lên nhưng trên miền núi cao thì không vậy, nên mới có cái cảnh “Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ” – nửa ngày rồi mà trời chưa quang, hơi sương vẫn còn bay che mờ mịt mặt đất. giăng khắp núi non. Và đỉnh điểm của giá lạnh là hình ảnh mực trong ruột bút cũng đóng thành băng, phải “hơ hoài” trên “than đỏ” thì mới tan ra, mới viết được: “chảy thành thư”.

Dường như bấy nhiêu vẫn chưa đủ, không chỉ tái hiện cái giá rét trên miền núi cao biên ải Mèo Vạc bằng những hình ảnh tả thực, gợi cảm nhà thơ còn sử dụng nghệ thuật nhân hóa và ẩn dụ để sáng tạo nên những hình ảnh rất độc đáo để vừa nói lên được nỗi vất vả của những người lính nơi biên cương vừa gợi lên cảnh sắc vùng viên ải: “Núi rét đêm qua chừng mất ngủ”, “Chắn gió cây run trong rễ tím”, “Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm”, “Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản” (nghệ thuật nhân hóa); “Sáng ra thêm bạc một nhành lau” (nghệ thuật ẩn dụ).

Với những hình ảnh nhân hóa và ẩn dụ ấy nhà thơ vừa gợi lên trước mắt người đọc cái tác hại của tiết trời giá lạnh ở vùng cao biên giới với từng cảnh vật rất cụ thể, đồng thời cũng phản ánh một cách sống động cái gian khổ, thiếu thốn, thay đổi của tạo vật và con người do cái giá lạnh của tiết trời nơi ấy mang đến: “Núi rét đêm qua chừng mất ngủ/ Sáng ra thêm bạc một nhành lau”. Gió sương lạnh buốt làm cho núi mất ngủ nên có thêm một nhành lau bạc. Nhưng hình như không phải chỉ có lau. Câu thơ còn làm người đọc liên tưởng đến nỗi vất vả người chiến sĩ. Đêm trên chốt, phải chăng giá rét tới mức không ngủ được mà hôm sau người chiến sĩ không khỏi bị bạc cả mái đầu.

Bức chân dung người lính trên chốt tiền tiêu cực Bắc

“Thư mùa đông” không chỉ thành công trong việc tái hiện bức tranh thiên nhiên giá rét nơi địa đầu đất nước mà trên cái nền khắc nghiệt, gian khó ấy nhà thơ đã xây dựng được một hình ảnh người lính rất đẹp của thời chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc. Dường như cái giá rét của tiết trời Mèo Vạc càng làm nổi bật lên những vẻ đẹp tuyệt vời của người lính cụ hồ trong chiến tranh gian khó. Cái “rét” không làm người chiến sĩ sợ hãi, gục ngã. Trái lại vượt lên mọi khó khăn của hoàn cảnh, người lính không chỉ chắc tay súng mà còn hiện rõ là một con người rất người, rất đời thường nhưng cũng rất đẹp đẽ.

Qua bức “Thư mùa đông”, Hữu Thỉnh đã kể cho người đọc nghe về câu chuyện người lính và cuộc sống của người lính trên chốt trong những năm đánh giặc bảo vệ biên giới phía Bắc. Trước tiên, người lính ấy hiện lên là một con người rất giàu tình cảm. Giữa cái giá lạnh của thời tiết, cái thiếu thốn của các điều kiện vật chất; hơn cả, giữa cái sống và cái chết lúc nào cũng cận kề nhưng người lính vẫn không hoài nhớ thương về một người con gái: “Thư viết cho em nhòe nét mực”. Nỗi thương nhớ đến cháy bỏng cho nên mới có cái cảnh: “Mực đóng thành băng trong ruột bút/ Hơ hoài than đỏ chảy thành thư”.

Và trong bức thư ấy người lính đã kể cho người thương nghe về những khắc nghiệt của miền biên viễn, về cuộc sống cũng như những nỗi niềm nghĩ suy của mình. Lời kể không hoa mỹ, toàn là những chuyện hàng ngày, chuyện quanh mình; chuyện kể rất dí dỏm, tự nhiên, vừa có chút tinh nghịch, tếu táo nhưng cũng rất chân thật: “Có hôm đồng đội đi công tác/ Nhớ đấy, nhưng mà... thêm lớp chăn” (đồng đội đi vắng thì nhớ nhưng cũng “thích” vì được thêm lớp chăn mỏng để cho đỡ rét), “Ca bát khua cho đỡ bất thường” (gõ vào ca, bát để cho vui nhộn, huyên náo), “Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng/ Anh bòn không kiếm đủ rau ăn” (sử dụng nghệ thuật tương phản để khắc họa nỗi vất vả khó khăn, thiếu rau ăn), “Gạo thường lên sớm, thư thời chậm” (mong ngóng nhận thư của hậu phương), “Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm” (nỗi buồn, nỗi vắng vẻ, cô đơn khi đêm về ở trên chốt) “Bao năm không thấy màu con gái/ Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em”, “Mây đến thường rủ anh mơ mộng/ Biết vậy, khuya em đỏ ánh đèn” (nỗi nhớ người yêu), “Ước gì có chút hương bồ kết/ Cho đá mềm đi núi ấm lên” (khao khát người yêu).

Có thể nói, đọc “Thư mùa đông”, người ta thấy người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Hữu Thỉnh hiện lên trong một hoàn cảnh đầy khó khăn, vất vả (cả về vật chất lẫn tinh thần). Chiến tranh vốn chẳng có gì là sung sướng cả. Đã tên bay đạn lạc lại còn bao cực khổ khó khăn của thiên nhiên và cuộc sống nhưng vượt lên tất cả, người lính ấy vẫn toát lên là một con người giàu nghị lực, giàu tình cảm, yêu thương đồng đội, tính tình rất vui nhộn.

Dường như, với nét tính cách vui nhộn, tếu táo của người lính trong bài thơ này Hữu Thỉnh có vẻ như đã kế thừa được cái chất lính trong câu thơ của Tố Hữu : “Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi” (Nước non ngàn dặm). Đấy không có gì khác, chính là phẩm chất lạc quan của người lính. Có lẽ phải lạc quan như vậy thì người lính mới chắc tay súng để trụ lại nơi này và làm nên những chiến thắng.

Với “Thư mùa đông” ta thấy Hữu Thỉnh rất tinh tế. Chính cái tinh tế của Hữu Thỉnh ấy đã làm người ta xúc động và chia sẻ, yêu quý người lính hơn rất nhiều. Người chiến sĩ thời chiến ở vùng cao, vào mùa giá lạnh, cực khổ vốn đã làm người ta thương nhưng người ta còn thương hơn bội phần khi được nghe cái lời thủ thỉ của anh với người bạn gái trên trang thư: “Bao năm không thấy màu con gái/ Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em”, “Ước gì có chút hương bồ kết/ Cho đá mềm đi núi ấm lên”. Phải nói rằng đây là những vần thơ rất tài hoa. “Màu con gái” và “Hương bồ kết” ở đây chính bóng dáng của người yêu.

Với những hình ảnh hoán dụ này nhà thơ cho người đọc thấy một nỗi nhớ thường trực trong trái tim người lính. Bởi vì nhớ nhung như thế mà đã không ít lần người lính thoảng thốt nghe nhầm tiếng “vó ngựa” thành tiếng “guốc em”. Một sự nhầm lẫn rất người và cũng rất yêu thương. Hẳn là nếu không có sự thấu hiểu, chia sẻ Hữu Thỉnh sẽ không bao giờ có được những câu thơ hay và thấu tận tâm can đến như thế.

Hơn bốn mươi lăm đã đi qua, biên giới giờ cũng đã bình yên, nhưng bài thơ “Thư mùa đông” vẫn được người đọc lưu nhớ. Hóa ra thơ viết về người lính hay, dở đâu cứ phải là phải súng đạn, sống chết. Người lính anh hùng đâu cứ phải lên gân lên cốt để xung phong và tiến lên. Đôi khi chỉ là một cảnh ngộ hay một nét tâm trạng, một lời tâm sự rất thực, rất người cũng đủ làm người đọc cảm thấy toát lên và rung động với tất cả những vẻ đẹp giản dị, đời thường của những anh bộ đội cụ Hồ. Và đây chính là một thành công của nhà thơ Hữu Thỉnh.