“Khóc mưa” sự cứu cánh cho những day dứt, khổ đau

 Ngô Mậu Tình

07/08/2021 08:33

Theo dõi trên

Là một nhà thơ thành công từ việc không ngừng làm mới mình, Đỗ Thành Đồng luôn trăn trở và tìm ra giọng điệu riêng với các thể thơ ông đang theo đuổi. Sự sẵn sàng đối diện trước mọi hoàn cảnh khiến thi nhân khóc cười bất chợt, lúc tỉnh lúc say quanh bản lề ngộ thức thành thực.

khoc-mua1-1628299748.png

Từ phải sang trái: Nhà văn Hoàng Thụy Anh, nhà thơ Ngô Mậu Tình, nhà thơ Đỗ Thành Đồng. Ảnh: Ngô Đức Hành

“Khóc mưa” - bài thơ mới nhất của Đỗ Thành Đồng là sự hóa thân huyền hoặc gửi đến người đọc những điều đáng suy ngẫm. Nguyên văn bài thơ:

 

KHÓC MƯA

Gửi AUA

 

Anh còn khóc một cơn mưa

làm sao tôi nắng cho vừa lòng đây

thôi đừng trách những đám mây

diều con đẫy gió còn say nữa là

 

mai này có áp thấp xa

có giông bão đến thiệt thà chi mưa

gió lào giờ vẫn đong đưa

bao nhiêu lệ đá cũng xưa xắc rồi.

 

3h, 5.8.21

 

Cố gắng tìm ra diện mạo riêng của mình là hành trình nhọc nhằn của người nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ tranh luận sôi nổi và có phần gay gắt khi thẩm định giá trị tác phẩm và uy tín người nghệ sĩ. Giờ đây, trình độ tiếp nhận của người đọc đã khác. Họ có nhiều đòi hỏi khắt khe với thơ hơn. Vì vậy, để khẳng định gương mặt mình trong bức tranh chung của thi ca hiện đại,  Đỗ Thành Đồng đã phải nỗ lực rất nhiều.

khoc-mua2-1628299569.jpg
Mưa luôn là ẩn dụ của sáng tạo. Nguồn: Internet

Trở lại bài thơ “Khóc mưa”, người đọc thấy một Đỗ Thành Đồng dịu dàng, nề nả, dung dị khi đang khóc một cơn mưa. Thế nhưng, tôi thấy nghẹt thở ngay câu mở đầu. Thường thì  thể lục bát có một lọai nhịp cơ bản, trực tiếp tạo nên âm luật là nhịp gồm hai tiếng (gọi tắt là nhịp hai), nghĩa là các dòng lục bát dựa trên sự tổ hợp trực tiếp từ các nhịp gồm hai âm tiết. Như vậy, theo thông lệ, dòng lục gồm 3 nhịp hai, dòng bát gồm 4 nhịp hai:  “Buồn gieo/ theo gió/ ven hồ.  Đèo cao/ quán chật/ bến đò/ lau thưa” (Huy Cận).

Vẫn là câu lục, trong thơ lục bát truyền thống, ấy vậy mà, mở đầu thi phẩm câu thứ nhất đã như nhát dao cứa ngang cảm xúc: “Anh còn khóc/một cơn mưa”. Đến câu 8 lại trở về giọng điệu bình yên đến lạ “làm sao/tôi nắng/cho vừa/ lòng đây”.

Mưa và nắng là câu chuyện muôn đời và muôn người, khóc cho nó cũng vậy. Có gì đâu, có mới đâu. Song thi nhân đã hoán đổi chủ thể trữ tình trong nhịp điệu lục bát để dắt rê cảm xúc. Anh và tôi trong cặp lục bát đầu tiên là sự đối diện của thi nhân. Cơn mưa, tôi nắng là hai nhưng mà một. Tác giả đồng hóa các hiện tượng nói đến để gửi đến sự chia sẻ về cuộc sống, về những lời khen chê, tâng bốc đang xảy ra như cơm bữa. Anh đã khóc rồi, dẫu tôi không đồng ý thương vay nhưng làm sao để vừa lòng nhau đây. Cái hay ở chỗ anh và tôi đã đồng hiện, chuyển hóa vào nhau. Nói chuyện anh nhưng cũng là lời tâm sự của tôi. Nói thế không mách lòng ai cả. Câu thơ cũng có thể là lời của những người tình đang giải bày cho nhau. Tín hiệu bắt đầu từ “nắng”, “mưa” “đây” thường ẩn dụ cho những hờn dỗi, thăng trầm trong tình yêu lãng mạn.

Khóc mưa được tiếp tục phát triển bằng lời động viên, an ủi thành tâm, thành ý nhưng rất khoa học. Chắc chắn, mưa có là từ mây, diều căng dây là nhờ con gió. Vì thế, trách mây chỉ là cái cớ. Thực tế, khi diều “đẩy gió” đôi khi cũng loạng choạng, say ngã mà.

 

thôi đừng trách những đám mây

diều con đẫy gió còn say nữa là

 

Có thể thấy, trong thơ lục bát của Đỗ Thành Đồng hầu như không dùng chất liệu của ca dao để làm chất liệu. Ông thường sử dụng các hình ảnh theo cách riêng của mình. Để ý một chút chúng ta có thể thấy sự hiện đại hóa thơ lục bát nằm ngay trong chiều sâu thi ảnh, trong những hình ảnh ẩn dụ mới mẻ. Tôi đồng ý với cách làm này hơn việc ngắt dòng lục bát theo kiểu thơ hiện đại như nhiều người đã làm. Đó chỉ là sự thay đổi về mặt hình thức chứ bản chất chứ thơ lục bát hay nằm ở nội dung và thi pháp tác giả sử dụng. Ca dao không có từ “diều con”, “đẫy gió”, Đỗ Thành Đồng đã đưa vào câu lục bát tạo thành hình ảnh mới, đẹp. Ý tứ khai rất gần gũi, quen thuộc  và đương nhiên không có sự xa lạ, đối lập. Ngược lại, nó làm cho  cảm xúc thơ càng bay bổng  hơn, sống động hơn, sâu sắc hơn. Thậm chí, các hình ảnh đó làm rõ nhau hơn trong mạch thơ hiện đại, đa sắc, đa thanh, đa chiều. Cũng giống như Nguyễn Duy đã có câu thơ rất hay kiểu như trên: “Ngứa nghề hát ngọng ngheo thôi / Người yêu nhau xúc phạm người ghét nhau” (Xẩm ngọng). Những yếu tố hiện đại thông qua việc cải tiến những chất liệu ngôn ngữ cũng như giọng điệu của ca dao ở thơ lục bát của Đỗ Thành Đồng tôi sẽ trở lại ở những bài phân tích khác.

khoc-mua3-1628299568.jpg
“Mai này có áp thấp xa”, thơ Đỗ Thành Đồng. Ảnh: Internet

Mạch thơ trong “Khóc mưa” được tiếp tục bằng sự hóa giải cho nắng/mưa/mây/gió. Từ trường ngôn ngữ nhất quán trong biên độ về tình yêu và thế sự. Nó là một chỉnh thể duy lý không có các thán cảm. Tuy nhiên rất duy tình.

 

mai này có áp thấp xa

có giông bão đến thiệt thà chi mưa

 

Tất cả vỡ vàng khi cơn áp thấp đến cũng như những khen chê, danh vọng phù hoa hay những lời trách móc hờn dỗi đều vô nghĩa lý. Áp thấp đến thì rõ ràng là giông bão xảy ra. Giờ dây trách gì mây? Những mưa/nắng cũng vậy, chẳng có ý nghĩa gì nữa. Nói gần, rồi nói xa, mô tả hiện tượng nhỏ rồi dùng hiện tượng lớn để lý giải. Mạch thơ cứ thể diễn tiến đầy ắp tâm trạng gợi ra nhiều điều đáng suy ngẫm.

Cuối cùng, nhà thơ khép lại Khóc mưa bằng hình ảnh ngọn gió lào đong đưa, ám gợi:

 

gió lào giờ vẫn đong đưa

bao nhiêu lệ đá cũng xưa xắc rồi.

 

Dù là ai đi nữa, dù rằng là giông bão nhưng giờ đây chỉ còn lại gió lào đong đưa, lệ đá dẫu có nhiều mà cũng xưa mất rồi. Từ “xưa xắc” có thể không phải là sáng tạo về mặt ngôn ngữ của Đỗ Thành Đồng nhưng nó rất riêng biệt và độc đáo. “Xưa xắc” diễn tả sự đẩy lùi vào quá khứ nhưng nó được day lại, sàng lật vô cùng ấn tượng. Quá khứ là điều ai cũng phải chấp nhận. Tình yêu, nỗi đau, sự ngờ vực, tranh cãi cuối cùng đều thành xưa xắc như quy luật tất yếu.

Văn chương đích thực đời nào cũng cần tìm đến huyệt mạch của nhịp thở thế sự. Bởi suy cho cùng, nếu không được như vậy văn chương chỉ là người kể chuyện giải trí. Làm thơ đã khó nhưng để có thơ hay càng khó hơn, nhất là thơ lục bát. Đỗ Thành Đồng viết những câu chữ này như phải rũ gan ruột mình ra để khuôn hình, nhận dạng hiện thực.

Bài thơ hòa nhập trong thời đạixa lộ thông tin kẹt đường” hiện nay vì đã thay đổi cái tính êm đềm cố hữu của nhiều người đang làm thơ lục bát. Khóc mưa khép lại với sự chiêm nghiệm thấu đáo về tình yêu và những điều đang xảy ra trong cuộc sống. Đó là bức thông điệp về những gì đã qua thì hãy để ngủ yên và nhìn sự vật, hiện tượng bằng con mắt am tường của người từng trải với niềm cảm thông, tận hiểu. Đó có phải chăng là cứu cánh cho những day dứt, khổ đau chúng ta đang tự làm khổ chính mình.

 

Lệ Thủy, ngày 6/8/2021

NMT

Bạn đang đọc bài viết "“Khóc mưa” sự cứu cánh cho những day dứt, khổ đau" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn