Khởi đầu

Kim Cương

23/03/2023 09:24

Theo dõi trên

Cuốn phim quay chậm đưa tôi về miền ký ức những ngày làm chiến sỹ. Năm ấy mới 19 tuổi , mới rời ghế nhà trường đã vào Nam phục vụ chiến đấu. Đơn vị tôi và đồng đội tôi được bổ sung là một đội điều trị của MTB5. Chỉ sau 1 tháng huấn luyện cấp tốc là chúng tôi được lệnh đi B.

Ngày hành quân vào Trường sơn là đúng ngày 30 tết. Đêm giao thừa ngủ giữa rừng bên cạnh con suối nhỏ.

Thủ trưởng ĐĐT đích thân đến đón chúng tôi về đơn vị. Chao ôi ! Cái tết đầu tiên xa nhà sao mà nhớ nhung đến thế . Nằm trên võng mà thao thức mãi không tài nào ngủ được... Tiếng chim rừng kêu : " bắt cô trói cột ..." làm lòng tôi và các bạn thêm buồn nhớ. chắc giờ này Bố Mẹ và các em ở nhà đang nấu bánh chưng xanh...Mẹ đang chuẩn bị nấu bánh trôi , bánh ngào để cúng tổ tiên , ông bà...

b1-kn1-1679537894.jpg

Tác giả bài viết

Nằm nghĩ lung tung rồi khóc thút thít. Không dám khóc to sợ bạn bè khóc theo và sợ cả bị Thủ trưởng phê bình là bi quan chán nản...trằn trọc mãi không ngủ được. Phần thì sợ thú rừng, phần thì lo dính bom Mỹ đánh phá dọc đường hành quân. Lo chưa kịp vào chiến trường đã phải nằm lại dọc đường , phần thì lo nghĩ con đường phía trước, không biết còn đi bộ, còn vượt suối trèo đèo mấy ngày nữa mới đến nơi đơn vị đóng quân? Thủ Trưởng không cho biết điều đó. Cứ bảo đi tiếp thôi...

b2kn2-1679538062.jpg

Tác giả và đồng đội. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Và thử thách tiếp theo đã đến: Vượt đỉnh 1001 m sau 4 ngày hành quân. Tuy là dân rừng , nhưng chưa bao giờ mình leo đỉnh núi cao như vậy... ôi chao ôi là mệt. Ba lô khoảng 20 kg, còng lưng bám dây thừng mà leo dốc. Mồm mũi tranh nhau mà thở. Thương cô bạn người dưới xuôi , chưa bao giờ đi rừng , đường thì trơn , trượt chân ngã khóc nức nở . May có đồng chí giao liên mang hộ ba lô mới theo kịp đoàn hành quân. Khổ nhất là những chị em gặp ngày" đèn đỏ" ...thì không thể nào tả hết nỗi khổ cực phải vượt qua . Nhưng rồi ý chí tuổi trẻ đã thắng . Đỉnh một ngàn linh một đã bị chinh phục . Sáng leo mà đến trưa mới lên đến đỉnh núi. Được lệnh ngồi nghỉ ăn trưa bằng cơm nắm. Sướng quá mấy chị em vô tư cười đùa và ca hát. Thế là bị Thủ trưởng quát: các cô im đi. Có biết "cây nhiệt đới" là gì không?

Sợ quá thì im lặng chứ có biết "cây nhiệt đới" là gì đâu. Chưa kịp được nghe phổ biến trước khi đi B. Sau này vào chiến dịch sâu hơn mới biết đó là một loại máy thu bọn Mỹ thả trong rừng để phát hiện mục tiêu là Bộ đội ta. Hình dạng nó như một đọan gỗ ngắn. Gọi là cây nhiệt đới. Buổi chiều xuống dốc thì nhanh hơn, nhưng cũng tối mịt mới xuống đến nơi. Thổi cơm ăn xong là lại mắc võng nằm ngủ. Tuổi ăn tuổi ngủ lại hành quân cả tuần ngủ ly bì không biết gì nữa cả. Cho đến khi nghe lạnh dưới lưng dậy thì trời cũng vừa sáng ,mà tân binh không có kinh nghiệm mắc võng , mắc tăng nên nước mưa chảy vào ướt hết. Nhưng không có quần áo khô để thay. Chỉ có 2 bộ . Đành mặc vậy rồi hành quân nó khô dần...

Ngày hôm sau trời nắng , nghỉ trưa một tiếng. Chị em rủ nhau tắm truồng .giặt quần áo phơi lên đá, ngâm mình dưới suối chờ quần áo se thì lên mặc lại hành quân tiếp... bây giờ chị em gặp nhau nhắc lại kỷ niệm ấy cứ buồn cười... Nước suối thì trong , da con gái thì trắng , không biết dấu vào đâu thân hình con gái nỏn nà.... Đã cử 2 đứa không tắm canh mỗi đứa một đầu suối , sợ có anh con trai nào đi đến khúc suối ấy , nhưng vẫn sợ vẫn lo lộ "bí mật" .Ngày đi, đêm mắc võng ngủ rừng ,cứ thế gần nửa tháng hành quân mới đên nơi đơn vị đóng quân. Đến nơi chân đứa nào cũng sưng, cũng trầy xước và bợt bạt cả da. Vì đi dày cao cổ không quen lại ngâm nước nhiều ngày , lội suối giày lúc nào cũng ướt sũng ... Tôi cũng không nhớ là đâu nữa hình như gần khe Sanh thì phải. Lại đào hầm vừa trú ẩn vừa tiếp nhận thương bệnh binh. Bắt đầu nhiệm vụ mới...

Tháng thứ ba của cuộc đời binh nghiệp...

Và cho đến bây giờ cứ tự hỏi, không biết lúc đấy lấy đâu ra năng lượng và ý chí và tình thần để tôi và đồng đội tôi vượt qua tất cả, để hoàn thành nhiệm vụ và trở về.???

K. C

Tháng 3- 2023.

Trái tim người linh

Bạn đang đọc bài viết "Khởi đầu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn