Ghi rõ định lượng hàng hóa chứa bên trong các bao bì hàng đóng gói sẵn là một yêu cầu pháp lí của quốc gia và quốc tế. Đối với hàng thể rắn hay bột, định lượng đó là KHỐI LƯỢNG TỊNH. Vậy mà, ở nước ta đến nay, sau hơn 20 năm, quy định tưởng như hiển nhiên, đơn giản đó vẫn chưa hoàn toàn được thực thi trong đời sống.
Ghi rõ định lượng hàng hóa chứa bên trong các bao bì hàng đóng gói sẵn là một yêu cầu pháp lí. Định lượng đối với hàng thể rắn hay bột là KHỐI LƯỢNG TỊNH, đối với hàng lỏng là THỂ TÍCH THỰC, đối với loại hàng sền sệt, có thể ghi một trong hai cách nói trên: khối lượng tịnh hoặc thể tích thực. Đó là điều dễ hiểu, bởi nó đáp ứng đòi hỏi thiết thân của người mua hàng: với số tiền phải trả, có thể mua được lượng hàng thực là bao nhiêu?
Yêu cầu đó đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ về nhãn hàng hóa, Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN Quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, và trước đó trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường số 30/2002/QĐ- BKHCNMT. Vậy mà, đến nay, sau hơn 20 năm, quy định tưởng như hiển nhiên, đơn giản đó vẫn chưa hoàn toàn được thực thi trong đời sống. Ta thấy trên các bao bì, một số đã ghi đúng (Hình 1), nhưng một số khác vẫn ghi sai (Hình 2).
Vì sao xảy ra tình trạng nói trên? Thử tìm trên các trang mạng, có thể thấy vô số các tài liệu viết không đúng về các thuật ngữ này, điển hình là bài báo “Trọng lượng bì (Tare weight) là gì ? Khối lượng tịnh (Net weight) là gì ?”, mà tác giả là một Luật sư.
Như đã biết, một gói hàng hóa (rắn, bột, ...) đóng sẵn trong bao bì có ba thông số khối lượng, gồm:
- Khối lượng tịnh (Net Weight) là khối lượng hàng, không kể bao bì hay còn gọi là khối lượng trừ bì;
- Khối lượng bì (Tare Weight) là khối lượng của riêng bao bì;
- Tổng khối lượng (Gross Weight) là khối lượng của cả gói hàng, kể cả bao bì.
Tất cả đều là khối lượng, một đại lượng vật lí cơ bản, và đều được đo bằng gam (g), kilôgam (kg) hoặc tấn (t). Trong khi đó, trọng lượng, một đại lượng lực biểu thị lực hút của Trái Đất tác dụng lên vật thể, là hoàn toàn khác; nó được đo bằng niutơn (N), mà không bao giờ được đo bằng gam, kilôgam hay tấn.
Người tiêu dùng quan tâm nhất đến khối lượng tịnh; còn người sản xuất đóng gói hàng quan tâm thêm tới khối lượng bì và do đó tới tổng khối lượng, sao cho bao bì vừa bền vững vừa nhẹ để giảm chi phí vận chuyển trên những phương tiện vận tải và container. Không ai quan tâm tới trọng lượng, bởi lúc này họ không phải là người phân tích tính toán lực tác dụng lên vật thể. Thêm nữa, trong toàn bộ các bản Nghị định và Thông tư nói trên, không xuất hiện bất kì một từ “trọng lượng” nào.
Đơn giản là vậy, tuy nhiên, trong bài báo của Luật sư nói trên, ta bắt gặp những giải thích rối rắm, bất nhất, với những từ ngữ phi khoa học, tiếng Anh dùng vô lối; chẳng hạn:
- Đã viết “Khối lượng của bao bì”, lại có chỗ viết “trọng lượng của tare weight”;
- Trong khi đã viết: “Khối lượng tịnh hay còn có tên tiếng Anh là Net Weight” lại có chỗ viết: “một số đại lượng tương tự như là Net weight được ký hiệu là N.Weight đây là đại lượng thể hiện trọng lượng của vật thể hay còn gọi là trọng lượng tịnh”;
- “Công thức để tính khối lượng tịnh: w = m . g hay w = mg”. Vậy w là khối lượng tịnh hay sao, thế còn m là gì?
v.v..
Dường như các tài liệu viết sai đều trích dẫn từ bài báo của một luật sư trên trang mạng của một tổ chức luật, nên ảnh hưởng của nó lan rộng và kéo dài đến đông đảo người đọc.
Mặt khác, do sự biến đổi của ngôn ngữ, tiến bộ khoa học công nghệ và sự giao lưu quốc tế ngày càng rộng mở, ở nước ngoài có nhiều từ điển kích cỡ lớn, chuyên ngành, luôn được chỉnh lí, bổ sung và cập nhật. Ở nước ta, các từ điển thường là thông dụng, chỉ có thể giải nghĩa ngắn gọn, cô đọng nhất, và hầu như không được chỉnh sửa và cập nhật khi tái bản, nên cũng có thể góp phần làm cho vấn đề trở nên rắc rối, nhất là những từ ngữ chuyên môn. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê), mà đối tượng chủ yếu của nó là học sinh trung học, sinh viên, giáo viên các cấp và những người công tác ở ngành văn hóa, thì mục từ “khối lượng” có hai nghĩa sau:
1. (chm) Đại lượng chỉ quán tính và tính hấp dẫn của một vật (chm – chuyên môn)
2. Khối to lớn xét về mặt số lượng.
Với nghĩa thứ nhất, khối lượng là một đại lượng vật lí.
Trong đời sống cũng thường gặp nghĩa thứ hai, chẳng hạn: “Tôi vừa hoàn thành một khối lượng công việc lớn”. Ở đây, “khối lượng” không gắn với một trị số và đơn vị đo; nó không phải là một đại lượng.
Ở mục từ “trọng lượng”, Từ điển Hoàng Phê giải nghĩa:
1. Trọng lực tác dụng vào một vật (ví dụ: Cảm thấy người bị mất trọng lượng);
2. Từ thường dùng để chỉ khối lượng của một vật cụ thể nào đó (ví dụ: Tăng trọng lượng gia súc);
3. Sức thuyết phục cao (ví dụ: Tiếng nói có trọng lượng).
Trong đó, nghĩa thứ nhất, “trọng lượng” rõ ràng là một đại lượng lực, sức hút của Trái Đất. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn, nếu người soạn từ điển đưa ra một ví dụ khác, chẳng hạn: Trọng lượng của chiếc cầu đè lên các trụ. “Cảm thấy” hay “cảm giác” có tính chủ quan, nó không bao giờ được dùng làm căn cứ trong khoa học. Hơn nữa, khi còn nằm trong trường trọng lực, trọng lượng tác dụng vẫn luôn còn đó, không mất đi; cảm giác “mất trọng lượng” chỉ là lúc có một lực quán tính do gia tốc hướng lên cân bằng với trọng lượng hướng xuống.
Ở các nghĩa thứ hai và thứ ba, “trọng lượng” là từ thông dụng trong đời sống hay khẩu ngữ; chúng không phải là những đại lượng. Tuy nhiên, nếu dùng từ “khối lượng” ở đó như vậy sẽ khiến nhiều người hiểu nhầm rằng viết “trọng lượng” hay “khối lượng” đều được, đều như nhau; trong khi như trên đã nói, chúng là hai đại lượng với các đơn vị đo khác nhau hoàn toàn. Vả lại, khi đối chiếu từ “khối lượng” trong giải nghĩa thứ hai này sẽ thấy nó không phù hợp với nghĩa nào trong hai nghĩa đã nêu của mục từ “khối lượng”.
Có phần khác với tiếng Anh, trong đó “weight”, khi là thuật ngữ khoa học, vừa có nghĩa là trọng lượng vừa có nghĩa là khối lượng (như mass). Điều đó giải thích vì sao trong một số ngữ cảnh khoa học, weight cần được dịch là khối lượng. Net weight, Deadweight, Lightweight, Troy weight, vv. dịch thành Khối lượng tịnh, Trọng tải (tàu), Khối lượng tàu không, Khối lượng vàng bạc, vv. là những ví dụ. Còn trong đời sống, nó có nghĩa là nặng, cân, cân nặng như trong tiếng Việt.
Vì vậy, sẽ tránh được hiểu lầm, nếu trong nghĩa thứ hai không dùng từ “khối lượng”, mà dùng từ “cân nặng”:“Từ thường dùng để chỉ cân nặng của một vật cụ thể nào đó”. Ví dụ: Tăng trọng lượng gia súc, có nghĩa là tăng cân nặng của gia súc.
Trở lại với các từ khối lượng tịnh và trọng lượng tịnh. Chúng là những thông số với các trị số và đơn vị đo xác định rõ ràng, do đó chúng là những đại lượng, phải được dùng đúng thuật ngữ chuyên môn. Khi chúng được đo bằng gam, kilôgam, tấn, vv., ví dụ: 380 g, 50 kg, thì nhất thiết phải gọi là KHỐI LƯỢNG TỊNH.
Lưu ý thêm rằng, Thông tư 21/2014/TT-BKHCN còn quy định, kí hiệu đơn vị đo phải viết bằng kiểu chữ thường, thẳng đứng, không được viết in hoa, bất kể các chữ xung quanh viết kiểu chữ gì, và phải cách trị số đứng trước một dấu trống. Ví dụ viết chưa đúng: KHỐI LƯỢNG TỊNH 50KG, KHỐI LƯỢNG TỊNH 50 Kg; viết đúng là KHỐI LƯỢNG TỊNH 50 kg.
Nói chung, khi gặp một thuật ngữ chuyên môn chưa rõ nghĩa, ngoài các từ điển thông dụng tiếng Việt, cần tra thêm các từ điển chuyên ngành hoặc các từ điển tiếng nước ngoài.