Mỗi buổi chiều cuối tuần, trước hiên nhà sinh hoạt cộng đồng Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, một nhóm khoảng 20 bé gái trong độ tuổi từ 6-12, lại tập trung học đánh chiêng Jhô. 3 nghệ nhân, 1 già, 2 trẻ, kiên nhẫn hướng dẫn từng em ở những vị trí đánh khác nhau. Em H Doanh Êban, 12 tuổi, đang theo học đánh chiêng, chia sẻ: "Con được bà ngoại nói nên con biết đến lớp học này, và con cảm thấy thích cồng chiêng và múa nên con đến học. Con được học múa và cồng chiêng thì con rất hào hứng. Con mong là con sẽ học được để gìn giữ nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình".
Chị H Lâm Hmok, phụ trách lớp cho biết, trong thời gian 2 tháng, các em sẽ được học 3 bài chiêng cơ bản là Đón khách, Mừng lúa mới, Mừng sức khỏe, kết hợp học 2 bài múa Mừng mùa và Cúng lúa mới. Đây là những bài chiêng và bài múa truyền thống của người Êđê Bih ở Krông Ana, chỉ truyền lại cho chị em phụ nữ và các bé gái. Nhiều năm qua, mỗi mùa hè, các thành viên đội chiêng lại tập hợp các bé gái trong độ tuổi tiểu học để hướng dẫn các em làm quen và học các bài chiêng để khơi dậy sự quan tâm, yêu thích cho các em.
"Mùa hè là bắt đầu là tụ tập lại, tổ chức cho mấy em là tập đánh chiêng, tập múa để khỏi mất cái truyền thống của mình. Khó khăn thì nhiều, tại vì mấy đứa nhỏ tiếp thu chậm, mình phải dạy lâu, khó, tại vì nó khó hiểu được, cho nên phải nhịp chiêng đấy là nó phải hiểu được thì mới học được. Thì muốn tất cả các em đều hoàn thành được, đánh được chiêng", chị H Lâm Hmok chia sẻ.
Ở Đắk Lắk, chỉ duy nhất huyện Krông Ana là có đội chiêng nữ truyền thống của người Êđê Bih. Với những âm thanh dịu dàng, nhẹ nhàng, dàn chiêng Jhô với 6 chiêng và một trống tạo nên những nhịp điệu mang nét đặc trưng riêng của cộng đồng người Êđê sinh sống dọc “dòng sông mẹ” Krông Ana. Theo ông Văn Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, với sự tuyên truyền tích cực, thường xuyên từ chính quyền đia phương, đội chiêng nữ buôn Trấp luôn được duy trì và phát huy, có lớp thành viên kế cận. Đội chiêng này cũng thường xuyên được mời đi biểu diễn, tham gia các hoạt động văn hóa, giao lưu trong và ngoài tỉnh, cũng như tham gia trình diễn trong chương trình “Âm vang đại ngàn” được tổ chức định kỳ 2 lần một tháng tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk.
Hiểu được tầm quan trọng của việc truyền dạy, nên dịp hè năm nay, được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, lớp truyền dạy đánh chiêng Jhô được mở lại tại thị trấn, thu hút nhiều học viên tham gia. Khơi lại nhịp chiêng rộn ràng sau hơn 2 năm vắng lặng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
"Hiện nay trên bàn thị trấn Buôn Trấp có hai cái thế hệ giữ được đội cồng chiêng này, thế hệ đi trước là tầm khoảng sinh năm 1960 đến 1950. Hiện nay thì đã dạy cho các em thế hệ thứ hai gìn giữ nơi đó tầm khoảng từ hệ 90 để giữ lại và hiện nay lớp chúng ta đang đang tổ chức cái chương trình này là để các em thiếu nhi ở tầm sinh năm 2010 trở lại để thực hiện cái giữ gìn bản sắc này của đồng bào dân tộc tại buôn Trấp".
Lớp truyền dạy chiêng Jhô ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana là 1 trong 3 lớp truyền dạy đánh chiêng được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Lắk mở trong dịp hè năm nay. Cùng với đó còn có 2 lớp khác là lớp truyền dạy ching Knah của người Êđê ở xã Drai Sáp, huyện Krông Ana và truyền dạy chưng Bor của người Mnông ở huyện Lắk. Các lớp truyền dạy này thuộc dự án do Trung tâm hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc tài trợ cho tỉnh Đắk Lắk nhằm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở tỉnh.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, thực hiện thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Sở đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, cấp phát hàng chục bộ chiêng và hàng trăm bộ trang phục truyền thống của các dân tộc tại chỗ. Trong năm nay, cùng với 3 lớp cấp tỉnh do Sở tổ chức, các huyện, thị xã và thành phố cũng chủ động kế hoạch tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên và các hoạt động khác liên quan đến bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Ông Đặng Gia Duẩn nói: "Đối với những vùng mà sở hữu những cái bài chiêng cổ, quý thì cũng cần phải phục dựng lại và tổ chức truyền dạy. Bên cạnh đó thì một số địa phương còn rất là khó khăn. Mặc dù hoạt động bảo tồn cũng rất được quan tâm nhưng vì các điều kiện khác nhau, không có điều kiện về kinh phí thì Sở sẽ xem xét để hỗ trợ cho các nghệ nhân về chiêng, về tổ chức các lớp truyền dạy, cấp phát, về trang phục và một số các điều kiện khác để người ta có thể trực tiếp là chủ thể tham gia vào bảo tồn, phát huy cái văn hóa cồng chiêng"
Sau hơn 2 năm tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch bệnh, mùa hè năm nay, hàng chục lớp truyền dạy đánh chiêng tại Đắk Lắk lại được tổ chức ở nhiều buôn làng dành cho các em thanh thiếu nhi. Không chỉ góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, khơi gợi cho các em sự yêu thích, đam mê đối với bản sắc văn hóa của dân tộc, mà qua đó còn giúp các em có được những trải nghiệm mới mẻ, bổ ích trong thời gian nghỉ hè./.