Văn hóa Hồng Lam là những giá trị vật chất và tinh thần được con người xứ Nghệ sáng tạo nên trong quá trình lịch sử hơn 2000 năm. Xứ Nghệ là tên chung của vùng Hoan Châu cũ (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) từ thời Hậu Lê, có chung một vùng văn hóa là văn hóa Hồng Lam, cùng chung một biểu tượng núi Hồng sông Lam. Hai làng văn hiến Tiên Điền và Trường Lưu ở hai sườn đông và tây núi Hồng Lĩnh và làng Thu Hoạch ở Hà Tĩnh đã tạo nên một Văn phái Hồng Sơn gồm ba chi phái chính với những tác phẩm tiêu biểu như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ. Đặt không gian văn hóa Hồng Lam trong vùng văn hóa xứ Nghệ để thấy rằng, không gian văn hóa bao giờ cũng rộng hơn không gian lãnh thổ, nơi xảy ra những hoạt động văn hóa, trong đó Văn phái Hồng Sơn được coi như trung tâm với tư cách là đại diện cho cả vùng văn hóa xứ Nghệ, vùng đất Hồng Sơn. Đúng như quan điểm của Ngô Đức Thịnh (2007) cho rằng, trong quá trình hình thành một không gian địa-văn hóa nào thì vai trò của trung tâm là hết sức quan trọng, bởi lẽ: “Đặc trưng cơ bản của trung tâm văn hóa là thu hút, tích hợp, lên khuôn và lan tỏa. Do vị trí địa lí, kinh tế, chính trị và xã hội mà trung tâm bao giờ cũng có sức thu hút và tích hợp cao các nhân tố văn hóa từ ngoại vi, đó là chức năng “tụ nhân, tụ tài” của trung tâm”(Ngô Đức Thịnh. Lý thuyết “Trung tâm và ngoại vi” trong nghiên cứu không gian văn hóa. Văn hóa dân gian, số 1- 2007). Những tác phẩm của Nguyễn Du nằm trong Văn phái Hồng Sơn cũng thu hút, tích hợp được những tinh hoa của văn hóa vùng xứ Nghệ, hình thành nên tác phẩm văn chương để rồi lan tỏa ra cả vùng, lan tỏa xa hơn đối với những tác phẩm văn chương, nghệ thuật có giá trị cao như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự chẳng hạn.Với cách hiểu như vậy bài viết này xem xét bài thơ thể lục bát Thác lời trai phường nón và bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ được viết theo lối văn tế của Nguyễn Du nhìn từ góc độ không gian ngôn ngữ văn hóa Hồng Lam nằm trong vùng văn hóa сủa cả xứ Nghệ.
1. Không gian văn hóa và địa danh trong tác phẩm Nguyễn Du:
- Thời gian xuất hiện bài thơ Thác lời trai phường nón:
Bài thơ Thác lời trai phường nón của Nguyễn Du, theo Nguyễn Thạch Giang và Nguyễn Huy Mỹ (2007), được sáng tác vào khoảng những năm 1780-1783 lúc Nguyễn Du 16 -19 tuổi. Đây là thuở thiếu thời Nguyễn Du có quen một cô gái ở Trường Lưu làm nghề kéo sợi, dệt vải có một đêm sang chơi bên Trường Lưu, sau đó Nguyễn Du không sang nữa, để thương để nhớ cho cô gái khiến cô đâm ra tương tư và bỏ luôn nghề kéo sợi. Cô gái sau này có nhờ Nguyễn Huy Quýnh vốn có mối giao kết thông gia với họ Nguyễn Tiên Điền thay mặt cô làm bài thơ tỏ tình Thác lời gái phường vải gửi cho Nguyễn Du. Bài thơ Nguyễn Huy Quýnh viết thác lời cô gái Trường Lưu ngay ở hai câu đầu đã không giấu diếm nỗi nhớ mong đến tương tư của cô gái: Tảng mai Hầu trở về nhà/ Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng. “Hầu đây là Nguyễn Du, lúc nhỏ tập tước của cha là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm. Vậy thì rõ ràng Nguyễn Du đã lên chơi và hát ví ở Trường Lưu lúc còn niên thiếu và được Nguyễn Huy Quýnh tặng bài thơ trên thông qua cô gái hát phường vải (...) trước lúc Nguyễn Du ra Sơn Nam (và đậu Tam trường lúc 19 tuổi)” (Nguyễn Thạch Giang. Lời quê chắp nhặt, tập 2, 2007, tr. 334). Sau đó Nguyễn Du đã đáp lại bằng bài thơ cũng theo thể lục bát Thác lời trai phường nón thay lời trai làng Tiên Điền vốn có nghề làm nón. Điều này là có lý, bởi lẽ hát “ví phường vải thường có các nhà nho, nhà khoa bảng tham gia. Không chỉ bên trai mà cả bên gái cũng mời nhà nho, ông tú... để gà chuyện. Những người này phải giấu mặt không cho đối phương biết, thường trùm khăn, áo lên đầu ” (Thái Kim Đỉnh. Một vùng ví dặm. Văn hóa Nghệ An, 10/12/2011).
Trong bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu Nguyễn Du viết: Léo lên giường thì quan họ năm bảy ông/ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn tọa, cho thấy, cậu Chiêu Bảy (tên thân mật thường gọi Nguyễn Du thời trai trẻ) rất rành cuộc chơi và hiểu, vì sao tham gia hát ví phường vải lại có ông đắp áo trùm đầu.
- Tình yêu quê hương xứ Nghệ thông qua không gian, địa danh trong bài thơ Thác lời trai phường nón
Trước khi xuất hiện hai bài thơ Thác lời gái phường vải của Nguyễn Huy Quýnh và bài thơ Thác lời trai phường nón của Nguyễn Du thì không gian trong hai bài thơ này vốn là những địa danh địa lí của hai làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân và làng Trường Lưu, huyện Can Lộc thuộc xứ Nghệ. Nhưng khi hai bài thơ này xuất hiện và khi được phổ biến rộng khắp, lâu bền trong lòng nhân dân thì những địa danh địa lí đã trở thành địa danh văn hóa, trong đó có những địa danh tiêu biểu thường được nhắc đến, đã trở thành biểu tượng, thành gương mặt cho một vùng lãnh thổ. Nội dung bài thơ Thác lời trai phường nón của Nguyễn Du cho thấy, phường nón ở đây là làng Tiên Điền có nghề làm nón, một vùng quê của đất học và của các văn nhân.Tuy sinh ra trên đất Thăng Long, song thuở thiếu thời Nguyễn Du đã có dăm vài năm sống tại quê nhà nên có nhiều dịp tiếp xúc, giao đãi văn chương, hát ví phường vải để thử tài với trai tài gái sắc của làng Trường Lưu, làng của những cô gái làm nghề kéo sợi, dệt vải, đẹp người đẹp nết: (Xôi nếp cái, gái Trường Lưu). Nguyễn Du lúc trẻ được gọi là cậu Chiêu Bảy; cậu Chiêu Bảy thường cùng với các nam thanh, nho sĩ trong vùng sang chơi bên làng Trường Lưu để hát phường vải: Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu/Làm chi cắc cớ lắm điều/ Mới đêm hôm trước lại chiều hôm ni. Mấy câu thơ trên đây không chỉ là những lời chan chứa tình cảm của một bức thư tình mà chính là nhà thơ đã sáng tạo nên một hình tượng của xúc cảm qua việc mượn núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn mà ngọn nào cũng là thắng tích và bến Đò Cài là bến đò mà Nguyễn Du ở làng Tiên Điền khi đi hát phường vải ở Trường Lưu phải đi qua (Trong thơ ca dân gian người Nghệ Tĩnh cũng thường hay dùng hình tượng núi cao, sông sâu để nói lên tình cảm tràn đầy, sâu nặng: Trăng lên dấp dới tới sao/ Biển sông sâu là nghĩa sánh với núi non cao là tình). Đúng phải là người am hiểu tường tận vùng đất mình từng sống và phải có tình yêu quê hương xứ sở sâu đậm như thế nào thì thi hào Nguyễn Du mới đưa được những địa danh vốn dĩ vô tri vô giác trở thành dấu ấn thường trực trong tâm thức người dân xứ Nghệ và bạn đọc cả nước qua nhiều thế hệ. Những cái tên địa danh lúc đầu chỉ có tính chất địa lí hoặc ý nghĩa lịch sử, khi thông qua sáng tạo của nhà văn, của người nghệ sĩ đã trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn mang đậm bản sắc dân tộc, chẳng hạn:
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm (Nguyễn Đình Thi. Người Hà Nội); hoặc:
Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh/ Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng (mà) quê ta (Nguyễn Văn Tý. Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh).
- Tình yêu quê hương xứ Nghệ thông qua không gian, địa danh trong bài thơ Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu
Câu chuyện hát ví và tình cảm của Nguyễn Du với hai cô gái Trường Lưu là có thực. Điều này đã được GS Hoàng Xuân Hãn, các nhà nghiên cứu Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Lộc xác nhận và hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huy Mỹ (2007) сũng tán đồng: “Tương truyền một số cụ già trong làng còn nhớ rõ những cảnh trong làng được Nguyễn Du nhắc đến trong bài (văn tế) và hai nhân vật chính O Uy, O Sạ đến nay con cháu vẫn còn ở làng khác. Thời đó đã có O Uy, O Sạ cũng như sau này có O Liễu, O Đào cũng khá nổi tiếng trong làng phường Vải”(Nguyễn Thạch Giang, sđd, tr. 336). Vậy bài thơ Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu được sáng tác vào năm nào? Theo Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huy Mỹ (2007) thì ‘’bài thơ được sáng tác vào khoảng năm 1796-1802, lúc Nguyễn Du dời về Hồng Lĩnh (...), tuổi đã ngoài ba mươi, tóc đã có sợi bạc, đã có vợ có con rồi” ”(Nguyễn Thạch Giang, sđd, tr. 336). Thời gian lui tới Trường Lưu của Nguyễn Du kéo dài đến hai năm nên trong thời gian này ngoài hiệu Thanh Hiên (清軒), Nguyễn Du còn có hai hiệu khác là Hồng San lạp hộ (鸿山猎户 - người đi săn ở núi Hồng) Nam Hải điếu đồ (南海钓徒- người đi câu ở biển Nam), ý nói cuộc đời nho sĩ vui thú ở vùng quê lúc thì đi săn, lúc thì câu cá, và đôi lúc đi sang hát phường vải bên làng Trường Lưu: Ba sinh đành một kiếp hẹn hò/ Hai năm được mấy lần chung chạ.
Không gian với những địa danh quen thuộc trong bài Văn tế sống... khá phong phú. Người dân xứ Nghệ đọc Văn tế sống... đều thấy đó là những nơi thân thuộc gắn với những kỉ niệm của một thời sống ở vùng quê thân thương, những nơi mà chính mình đã đặt chân đến và trải nghiệm những vui buồn:
- Về làng xã, phường, chợ ta thấy có phường Chế, một phường buôn dưới chân núi Hồng Lĩnh bên bờ sông Lam (Hoàng Xuân Hãn chú) là nơi khách hàng xứ sang trọng, lịch thiệp, còn trai làng thì cậy thế nên đối xử cục cằn: Nhất lịch sự là quân phường ngoài Chế, những vất ra túi thuốc bong đào/ Đội thế thần thì quan họ trong làng cũng mang tới cân ngà, quả đá. Hoặc nói đến Đai Minh ai cũng biết là đất có nghề làm chuông, nói đến Bùi Ngõa ai cũng biết là làng có nghề làm ngói: Theo chúng bạn cũng ra điều bất ý, ai dám vác chuông đánh đất Đai Minh/ Gặp chị em chẳng có lẽ vô tình, ta cũng phải gánh ngói rao làng Bùi Ngõa ( ý nói làm những việc vô ích = chở củi về rừng); hoặc Lữ Xá: có thể là một làng làm muối (Muối bỏ bể cũng thiệt công Lữ Xá); chợ Vịnh: Thành phố Vinh ngày nay vốn thuộc vùng Kẻ Vang hay Kẻ Vịnh xưa, rồi lần lượt đổi tên thành Kẻ Vinh, Vinh Giang, Vinh Doanh, Vinh Thi. Vinh Doanh là tên trấn thời nhà Lê, có thôn Vĩnh Yên và thôn Yên Vinh (địa bàn thành phố Vinh ngày nay). Thôn này về sau là làng Vĩnh Yên (hay Vĩnh An), nơi có chợ Vĩnh (có dấu ngã) (tiếng Nghệ đọc là Vịnh - có dấu nặng) và làng Yên Vinh có Tòa Công sứ Pháp đóng nên dưới thời Pháp thuộc đọc là Vinh, trong Văn tế sống... dùng chợ Vịnh, tức chợ Vinh ngày nay: Sang chợ Vịnh rắp than cùng ả Út, đường đông ăm ắp, thấy mà kinh khăn nhiễu quần điều.
- Về sông nước, núi non ta thấy có sông Lường, sông Dà: sông Lường ở Nghệ An có bến Đò Lường, sau người Pháp viết thành Đô Lương: Nước sông Lường ai lắng mà trong/ Duyên chàng ai tạc cho lòng em say (ca dao); sông Dà ở Hà Tĩnh: Gỗ trôi không trở lại Lường, Dà (Văn tế sống); sông Cài, Ngàn Hống: Nguyễn Du ở làng Tiên Điền muốn lên hát phường vải ở làng Trường Lưu, huyện La Sơn (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) phải đi qua đò bến sông Cài; Ngàn Hống: tức núi Hồng Lĩnh: Dải sông Cài văn vắt nước trong/ Đỉnh Ngàn Hống đùn đùn mây tỏa.
- Giang Đình: đoạn sông Lam chảy qua Tiên Điền: Ôi nước sông Giang Đình/ Nương khoai Phan Xá (Phan Xá là thôn ở gần làng Trường Lưu).
- Cửa Trẹm: truông ở gần làng Kê Treo trên đường từ Tiên Điền đi qua chân núi Hồng Lĩnh để lên Trường Lưu.
- Tình yêu quê hương qua cách dùng từ ngữ địa phương xứ Nghệ và từ nghề nghiệp trong bài Thác lời trai phường nón và bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ : Сó thể nói, trong Truyện Kiều dù là truyện thơ nôm, song Nguyễn Du dùng rất ít từ địa phương xứ Nghệ, trong khi đó thì ở bài thơ Thác lời trai phường nón và bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu Nguyễn Du dùng khá nhiều từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh. Nguyễn Thạch Giang và Nguyễn Huy Mỹ (Nguyễn Thạch Giang, 2007, sđd, tr. 343 -344) đã có lý khi cho rằng, trong hai bài trên của Nguyễn Du và bài Thác lời gái phường vải của Nguyễn Huy Quýnh các tác giả đã “chủ yếu dùng toàn tiếng xứ Nghệ làm cho văn trong ba bài này có phong vị riêng, người nơi khác đọc thấy trúc trắc, khó hiểu và không cho là hay, chỉ riêng người xứ Nghệ vùng Tiên Điền, Trường Lưu mới lấy làm thú vị. Âu cũng là một cách viết của Nguyễn Du, Nguyễn Huy Quýnh”. Ví dụ: trong bài Văn tế sống... cũng có các từ ngữ địa phương như: ả (chị), o (cô); thanh ná (thanh nứa); trâu ăn ló, bò ăn má (trâu ăn lúa, bò ăn mạ), v.v…
Ở đây cách sử dụng các từ chỉ địa danh, từ ngữ địa phương xứ Nghệ và những từ nghề nghiệp của phường làm nghề nón ở làng Tiên Điền được thi hào sử dụng trong bài thơ Thác lời trai phường nón và bài Văn tế sống... chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian, được coi là lớp từ mang đậm sắc thái địa phương và có khả năng phản ánh hiện thực một không gian ngôn ngữ văn hóa của vùng xứ Nghệ. Hoàng Trọng Canh (Từ địa phương Nghệ Tĩnh: Về một khía cạnh ngôn ngữ-văn hóa - 2009) đã có lí khi nhận xét: “Nội dung ngữ nghĩa của các từ địa phương vốn phản ánh các đặc điểm tính chất chủ yếu, hoạt động cơ bản, trạng thái, phẩm chất con người Nghệ Tĩnh cho nên nội dung của thơ dân gian Nghệ Tĩnh là hiện thực sinh động chân thực về cuộc sống sinh hoạt và lao động thường ngày gần gũi quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh, không hư cấu cách điệu. Nhờ vai trò của các lớp từ địa phương mang nội dung ngữ nghĩa như vậy mà thơ dân gian Nghệ Tĩnh mang đậm tính chất thuần phác, hồn hậu, sắc thái địa phương rõ nét. Điều đó cũng nói lên vai trò của từ địa phương về phương diện phản ánh hiện thực”. Chỉ riêng trong bài Thác lời trai phường nón và Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu đại thi hào Nguyễn Du đã tái hiện một cách tài tình không khí đãi đằng của những người cùng quê nói những lời thuần phác mộc mạc của địa phương quê nhà.
2. Thay lời kết:
Những tác phẩm của Nguyễn Du nằm trong Văn phái Hồng Sơn, trong đó có bài Thác lời trai phường nón và Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ đã thu hút, tích hợp một cách tự nhiên những tinh hoa của ngôn ngữ văn hóa vùng xứ Nghệ, thông qua ngòi bút sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ để rồi lan tỏa ra cả vùng, và càng lan tỏa xa hơn đối với những tác phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật cao như trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự. Khi tác phẩm của nhà thơ đã trở thành tài sản chung của nhân dân và được phổ biến rộng khắp trong xã hội thì những địa danh địa lí trong tác phẩm trở thành địa danh văn hóa thường được nhắc đến như biểu tượng và niềm tự hào cho một vùng lãnh thổ (ở đây là xứ Nghệ). Thông qua nghệ thuật miêu tả của nhà văn những địa danh bình thường lúc đầu chỉ có tính chất địa lí về sau đã trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.