Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Long An tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Trung tâm Y tế huyện Tân Trụ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đây là một số nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Long An sau khi đi kiểm tra hai cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 của địa phương, sáng 28/7.
Vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh
Ngày 27/5, tỉnh Long An đã xuất hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, đến nay đã ghi nhận 4.559 ca mắc trong cộng đồng. Ba huyện có ca mắc cao nhất là Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức. Tỉnh đã triển khai phong tỏa 496 điểm, với 17.696 nhân khẩu; đã kết thúc phong toả 79 điểm với 3.346 nhân khẩu.
Long An đã thành lập và kích hoạt sẵn sàng 57 khu cách ly tập trung, với năng lực cách ly khoảng 11.500 giường, đưa vào hoạt động 32 khu cách ly, với sức chứa là 6.410 người.
Hiện nay, tỉnh tập trung triển khai chiến dịch xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng trong cộng đồng, trong đó tập trung vào các khu, cụm công nghiệp và khu vực đông người (như nhà trọ, khu dân cư...). Long An có 25 cơ sở y tế với 224 đội lấy mẫu năng lực 44.800 mẫu/ngày, xét nghiệm nhanh 15.100 mẫu/ngày; xét nghiệm RT-PCR: 2.350 mẫu đơn/ngày; 11.750 mẫu gộp/ngày.
Toàn tỉnh có 16 cơ sở thu dung, điều trị các ca F0, với tổng công suất 5.070 giường bệnh. Trong đó có 6 khu thu dung F0 không triệu chứng có 3.710 giường; 8 cơ sở điều trị F0 có triệu chứng nhẹ có 1.000 giường; 3 bệnh viện điều trị bệnh nhân chuyển nặng và nặng có 360 giường.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, hiện nay tỉnh vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên vẫn còn nguy cơ diễn biến phức tạp.
Khó khăn của Long An hiện nay là số ca bệnh tăng nhanh, trong khi đó nguồn nhân lực và trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt bệnh nhân nặng. Vì vậy, Long An kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm y, bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, máy thở… để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian tới. Ngoài ra, Long An mong muốn được tổ chức lại các khu thu dung F0 không triệu chứng, giảm bớt số bác sĩ so với hướng dẫn của Bộ Y tế để dành cho các cơ sở điều trị COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra khu thu dung F0 ban đầu tại Trường Chính trị tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Không nghiêm, chặt sẽ không kiểm soát được dịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt những câu hỏi rất chi tiết về công tác xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch tại “điểm nóng”, khu phong toả, cũng như vùng an toàn; công tác điều trị.
Phó Thủ tướng nêu rõ bài học kinh nghiệm rút ra từ chính một huyện của Long An cho thấy, nếu không làm nghiêm ngặt từ bên dưới sẽ không kiểm soát được dịch bệnh.
Vì vậy, tỉnh phải quán triệt tinh thần thực hiện thật nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể, tổ COVID-19 cộng đồng, nòng cốt là lực lượng công an để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.
Những ai không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực phải bị xử lý nghiêm, trong đó có trách nhiệm của người thân trong gia đình. Nếu không nắm được những người từ nơi khác về, chính quyền cơ sở, tổ chức, đoàn thể cũng phải chịu trách nhiệm.
Giám sát sức khoẻ người dân vùng dịch
Trong truy vết, khoanh vùng, dập dịch, Long An cần phân chia thành các vùng theo mức độ bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao để áp dụng những biện pháp chống dịch phù hợp. Đối với những vùng an toàn, tỉnh tiếp tục thực hiện tầm soát, sàng lọc định kỳ bằng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp.
Tại những khu vực nguy cơ rất cao, mức độ lây nhiễm đậm đặc thì lập danh sách từng gia đình, người dân và hướng giám sát dịch bệnh tại từng khu dân cư, tổ chức các đội ngũ y tế, kíp vận chuyển thường trực để tiếp nhận thông tin người có triệu chứng thì trực tiếp đến xét nghiệm nhanh, chuyển đến khu thu dung F0 ban đầu, thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR, để có hướng điều trị phù hợp.
Ngoài các xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện F0 tại những khu vực nguy cơ cao, tỉnh cần ưu tiên cho những nhóm nguy cơ như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, để có biện pháp chăm sóc, điều trị từ sớm.
Lưu ý việc giám sát sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh, Phó Thủ tướng nêu rõ, với những khu có mật độ dân số cao, phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt; đồng thời theo dõi sát kịp thời những trường hợp có triệu chứng mắc COVID-19 cũng như gặp các vấn đề sức khoẻ. “Phải có hệ thống chăm sóc sức khỏe bảo đảm tuyệt đối an toàn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Long An phải hết sức chú trọng phòng chống dịch trong các khu nhà trọ tập trung đông công nhân. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Làm sạch từng khu nhà trọ công nhân
Sau khi nghe báo cáo về công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Long An mạnh dạn hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát của nhân viên y tế, thực hiện xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 đến mẫu gộp 5, xét nghiệm PCR từ mẫu gộp 5 lên mẫu gộp 10 hoặc cao hơn, quán triệt tinh thần hiệu quả là trên hết, tiết kiệm triệt để.
Phó Thủ tướng lưu ý cùng với thực hiện cách ly F1 tại nhà, Long An cần khẩn trương triển khai đưa F0 hoàn thành thời gian điều trị, không còn khả năng lây nhiễm ra cộng đồng về cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để tình trạng có F0 ở khu thu dung ban đầu gần 20 ngày vẫn phải đợi xét nghiệm PCR.
Long An cần hết sức chú ý đến các khu trọ công nhân tập trung, có giải pháp kết hợp giữa xét nghiệm tầm soát và giãn, giảm mật độ cư trú bằng cách di dời tạm thời công nhân ở trong một số khu nhà trọ, tạo khoảng trống giữa các khu trọ, làm sạch, ngắt chuỗi lây nhiễm, không để dịch bệnh xuất hiện và lan rộng.
Cùng với việc bảo đảm phân phối lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm kịp thời cho người dân trong các khu, điểm phong tỏa, Phó Thủ tướng “đặt hàng” Long An triển khai thí điểm việc đóng gói lương thực, thực phẩm để hỗ trợ trực tiếp cho người dân TPHCM.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tổ chức tầng thu dung F0 ban đầu thành 2 tuyến dành cho F0 không triệu chứng (chiếm khoảng 70% đến 80%) và F0 có triệu chứng nhẹ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Lập hệ thống điều phối thống nhất hoạt động điều trị
Trong điều trị, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tổ chức tầng thu dung F0 ban đầu thành 2 tuyến dành cho F0 không triệu chứng (chiếm khoảng 70% đến 80%) và F0 có triệu chứng nhẹ.
Mục tiêu của hai tuyến thu dung này là hạn chế chuyển sang có triệu chứng; triệu chứng nhẹ không chuyển sang nặng, bằng cách chăm lo, quan tâm đầy đủ cho bà con từ chế độ ăn uống, vận động đến sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho người dân. Các khu thu dung bố trí nhân viên y tế theo dõi sát để xử lý kịp thời những trường hợp chuyển sang có triệu chứng, chuyển nặng để chuyển lên tuyến trên.
Phó Thủ tướng cho biết, có những quận, huyện tỉ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng lên tới 30% nhưng nếu quản lý tốt như ở huyện Củ Chi thì tỉ lệ này dưới 10%.
“Tuyến thu dung F0 không triệu chứng chỉ cần có nhân viên y tế theo dõi sát người nhiễm, tại khu F0 có triệu chứng nhẹ mới bắt đầu cần bác sĩ để điều trị bước đầu. Như vậy Long An sẽ có thêm bác sĩ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 tuyến trên”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Những cơ sở điều trị bệnh nhân từ mức triệu chứng nhẹ cũng phải sẵn sàng hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy cao áp (HNFC) để giảm tối đa diễn biến bệnh nặng hơn.
“Long An cần thiết lập hệ thống điều phối, theo dõi sát bệnh nhân ở từng tuyến điều trị, bảo đảm bệnh nhân nặng đã được điều trị khỏi hoặc thuyên giảm thì được chuyển ngay xuống tuyến dưới để có giường trống đón bệnh nhân mới”, Phó Thủ tướng nói.
Sở Y tế phải tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Long An phương án bảo đảm vật tư, trang thiết bị chống dịch, đồ bảo hộ tương ứng với các kịch bản dịch bệnh khác nhau, không để bị động. Dứt khoát không để các bệnh viện thiếu vật tư, trang thiết bị điều trị; các y, bác sĩ tuyến đầu thiếu đồ bảo hộ an toàn.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị, tại những khu vực an toàn, bình thường mới, tỉnh Long An chuẩn bị một số cơ sở thu dung, điều trị F0 để cùng với các địa phương lân cận, có thể hỗ trợ, chi viện cho TPHCM khi cần thiết, theo sự điều phối của Bộ Y tế, trước hết là đón người dân của Long An từ TPHCM trở về bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Về khôi phục sản xuất, Long An cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, chú ý thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh để sản xuất trong điều kiện mới. Chính quyền địa phương, các doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ công nhân di chuyển, tránh tâm lý chủ quan sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 (sau khi tiêm một thời gian mới có kháng thể) nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm.