"Không thể mồ côi" và chuyện đời của người phụ nữ sinh ra trong đêm 19/12/1946 - Toàn quốc kháng chiến ! (Kỳ 1)

Năm 1957, trong khuôn khổ chuyến thăm Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc (cũ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trường Thiếu nhi Quốc tế, nơi có một số học sinh Việt Nam, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt đang học tập. Một cô bé 11 tuổi, mồ côi cha mẹ, vinh dự được Bác Hồ ôm trong lòng và chụp ảnh chung.
chuyentraitim1-1639465425.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Hơn 30 năm sau, tấm ảnh đó đã bất ngờ được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp trao tặng lại như một di vật cho con gái một liệt sĩ. Giờ đây, khi đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, “cô bé nhân vật” của tấm ảnh năm xưa, quyết định kể lại hành trình “vượt lên số phân” gian nan của cuộc đời mình, để trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội như thế nào, qua cuốn sách độc đáo “Không thể mồ côi”…

*

"Không thể mồ côi" - cuốn tự truyện của một nữ tác giả có nhân thân và cuộc đời rất đặc biệt: Chị Minh Vân (tên thật và đầy đủ là Đào Thị Minh Vân) sinh ra tại Hà Nội vào đúng đêm lịch sử Toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946.

Chị Minh Vân đã sống một “Tuổi thơ dữ dội”, bởi có cha và mẹ đều là liệt sĩ: Mẹ của chị là Liệt sĩ Hoàng Minh Phụng, hi sinh tại Chiến khu Việt Bắc năm 1948 (khi bé Minh Vân mới 14 tháng tuổi). Cha của chị là Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo, tức Đào Lộc, Năm Thu, Năm Đời…). Ông hi sinh trên đường đi công tác, trong một một trận đánh đẫm máu với lính biệt kích Mỹ, trong đêm Noel 24 tháng 12 năm 1969 tại Vàm Cỏ Đông.

Điều vô cùng đặc biệt là: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ; nhưng cho đến nay, chỉ duy nhất Liệt sĩ, Anh hùng Đào Phúc Lộc là vinh dự được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Hiện ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã có một đường phố và một ngôi trường vinh dự được mang tên người anh hùng Đào Phúc Lộc. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có một đường phố và một trường tiểu học ở Quận 8 được mang tên Hoàng Minh Đạo; một Trường mầm non khác ở Củ Chi cũng mang tên “Con Đường Sáng”.

Anh hùng Đào Phúc Lộc nguyên là Trưởng Phòng Tình báo Quân ủy Hội (Cơ quan tiền thân của Tổng cục II - Bộ Quốc phòng) - Bộ Tổng Tham mưu; Trưởng Ban Quân báo và Tình báo của Bộ tư lệnh Nam Bộ; nguyên Phó Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ (Cơ quan tiền thân của Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam); từng là Phó Ban Binh vận Trung ương Cục Miền Nam; Bí thư, kiêm Chính ủy Quân khu; Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu V và Phân khu I; Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn Gia Định, Chính ủy Lực lượng Biệt động Sài Gòn…

Bởi thế, chị Minh Vân – Người con gái đầu lòng của nhà tình báo Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo) - không chỉ là tác giả, là nhân vật chính trong tác phẩm này, mà còn là nhân chứng của một thời kỳ lịch sử đầy hào hùng và bi tráng của dân tộc ta.

Tháng Tư năm 2014, trong khuôn khổ Trại Sáng tác Văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt; chị Minh Vân đã được mời tham dự, với tư cách là một tác giả. Dĩ nhiên, không phải cứ ai đi dự trại viết cũng có tác phẩm hoàn chỉnh và không phải tác phẩm nào đã hoàn chỉnh cũng được xuất bản. Nhưng với “Không thể mồ côi” lại là một câu chuyện khác, vượt ra ngoài ranh giới của văn chương…

Nguyên tác cuốn sách hơn 400 trang này là khoảng gần 200 trang bản thảo khổ A4, chữ dày chi chít, hầu như không xuống dòng và thậm chí tất cả các từ, câu chữ đều là tiếng Việt nhưng lại… không có dấu. Thêm nữa, cách viết của tác giả theo tư duy của người làm khoa học tự nhiên, diễn đạt quen với ngữ pháp nước ngoài, khiến người đọc rất khó hiểu nghĩa chính xác, đặc biệt là các danh từ riêng. Bù lại, chị Minh Vân có trí nhớ thật tuyệt vời. Từng sự kiện và từng nhân chứng thuyết phục, đã được chị kể lại trung thực. Chúng giống như một bức tranh đa màu sắc, những thước phim quay chậm, cụ thể và sinh động đến từng chi tiết nhỏ…

Tôi vinh dự là người được chị Minh Vân tin tưởng, trao quyền chắp bút cho tất cả các câu chữ trong sách đều có đầy đủ dấu tiếng Việt. Tôi đã dành thời thời gian hàng tháng trời để diễn đạt, chấm phẩy lại nhiều câu cho đúng ngữ pháp hơn; đồng thời, biên soạn lại, chuyển đổi vị trí một số đoạn, cho bạn đọc dễ hiểu và dễ dàng tiếp cận nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng tôn trọng tối đa văn bản gốc của nguyên tác, để những tư liệu chân thực và sinh động của chị nói giùm tất cả; đặc biệt, là phần nửa cuối của sách.

Chị Minh Vân không phải là một Nhà văn. Bởi thế, cũng xin bạn đọc đừng coi tác phẩm này là một sáng tác văn học. Tôi đánh giá cao sự dũng cảm, không né tranh bất cứ sự vật, hiện tượng nào của người viết. Phải là người bản lĩnh, tự tin, lạc quan lắm với cuộc đời này, mới dám kể lại một cách chân thực và đầy đủ, mới dám viết ra một cách khách quan, bình luận công bằng mọi chuyện riêng tư của cuộc đời mình như thế!

Cuốn sách này được chia làm nhiều phần nhỏ, nhưng nội dung tập trung vào chủ đề chính là tự truyện của tác giả về cuộc đời mình, từ thuở ấu thơ tới khi trưởng thành, với những ký ức và ấn tượng sâu đậm nhất về những người mẹ nuôi, những người thân yêu trong gia đình và cả những người bạn; xen kẽ với thực tế cuộc sống của tác giả hiện nay. Đặc biệt, cuốn sách còn có một phần nội dung quan trọng nữa là góp phần khắc họa chân dung Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc, thông qua những câu chuyện, lời kể, hồi tưởng xúc động của nhiều nhân vật, từng là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta; các Tướng lĩnh, Sĩ quan cao cấp của Công an và Quân đội; tác giả Minh Vân thường gọi họ bằng những bí danh thân mật: Chú, Bác, Cô, Dì… (Chúng tôi đã cố gắng chú thích thêm họ tên thật, chức vụ từng đảm nhiệm, trong điều kiện tư liệu cho phép) – Họ đều là những đồng đội của người Anh hùng Liệt sĩ năm xưa. Mỗi người một kỷ niệm, một góc độ khác nhau, nhưng đều khẳng định tài năng và nhân cách cao đẹp của Anh hùng Liệt sĩ Đào Phúc Lộc!

Có thể coi những trang sách của chị Minh Vân chính là Những Trang Đời, được viết bằng rất nhiều nước mắt và cả máu của bao người. Chị Minh Vân chắt lọc và rút ra từ tất cả những gì còn lại từ gần 70 năm cuộc đời mình đã trải; sau bao buồn vui, thăng trầm của một đời người và một phần lịch sử của cả một dân tộc. Tất cả đều nhằm một mục đích nhân văn: Không ai được phép quên quá khứ, và hiện tại phải được đánh giá công bằng, để cho tương lai tốt đẹp hơn!

Ở một số đoạn, một số trang, có những chi tiết, nội dung có thể chỉ là suy nghĩ cá nhân của người trong cuộc. Tác giả đã viết rất thật cảm xúc, nhận xét về tính cách của một nhân vật nào đó, mà không hề né tránh. Nếu điều ấy, có thể chưa hoàn toàn chính xác, chưa đồng quan điểm, hoặc vô tình làm tổn thương một ai đó, cũng rất mong được bạn đọc rộng lòng lượng thứ.

Nhân kỷ niệm 75 năm Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) và tròn 1 năm ngày chính thức ra mắt CLB Trái tim Người lính (22/12/2020 - 22/12/2021) chúng tôi xin trích đăng, giới thiệu nội dung một số trang, trong cuốn tự truyện nêu trên.

Dự kiến, tác phẩm "Không thể mồ côi" sẽ được tái bản trong Tuyển tập CHUYỆN ĐỜI TÔI (còn được gọi là "Tự chuyện bình dân") - Bộ sách ngàn trang, nhiều tập, trong năm 2022, do Nhà văn Đặng Vương Hưng chủ biên.

(Còn nữa)

Hà Nội, 14/12/2021

Đ.V.H

Theo Trái tim người lính