Kiên Giang: Cần quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp

​​​​​​​Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh gặp khó, một số lĩnh vực có nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhưng đạt rất thấp (dưới 58,33%).
kien-giang-can-quan-tam-1628177385.jpg
Uỷ ban nhân dân tỉnh họp thường kỳ tháng 7 đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong tháng 7 năm 2021, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ và giữ an toàn sức khỏe cho Nhân dân trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19, các cấp, các ngành và các địa phương đã linh hoạt chỉ đạo các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh, các chỉ tiêu kinh tế đều có mức tăng khá so với cùng kỳ, như: Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng, thủy sản; xuất nhập khẩu,...

Đồng thời đã kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Tính đến ngày 01/8/2021 đã thực hiện hỗ trợ 6.425 người với số tiền 9,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường, của dịch bệnh Covid – 19, sản lượng lúa, nuôi thủy sản, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá con giống và thức ăn đang tăng cao, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh gặp khó, sản lượng sản xuất giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng.

Cùng với đó, thu ngân sách chưa đạt kế hoạch, một số nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhưng đạt rất thấp. Giải ngân đầu tư công đạt thấp so cùng kỳ 02 gần đây. Nhiều công trình trọng điểm vướng giải phóng mặt bằng chưa thể triển khai hoặc chỉ triển khai được một số hạng mục, như: đường 3-2 nối dài, cảng hành khách Rạch Giá, đường ven sông Cái Lớn, đường trung tâm Bãi Trường - đoạn 3. Doanh thu dịch vụ du lịch giảm sâu so với tháng 6, trong đó dịch vụ du lịch lữ hành không có doanh thu và khả năng sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 8/2021,…

Một số ngành chưa đạt kế hoạch đề ra: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, tổng mức bán lẻ hàng hóa; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhóm hàng hải sản, nguyên liệu giầy gia, hàng hóa khác; tài chính – ngân hàng...

Trong tháng 8, để đảm bảo yêu cầu “vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì một số hoạt động sản xuất kinh doanh”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị cần điều hành có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn, nỗ lực điều tra dịch tễ, truy vết để tấn công “vùng đỏ” tách các F0 ra khỏi cộng đồng để kịp thời cách ly, điều trị và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin”.

Song song với đó, rà soát, cập nhật và điều chỉnh các kịch bản, phương án phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; chuẩn bị tốt các điều kiện để phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid -19 được kiểm soát và hết giãn cách xã hội.

Cần quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp thông qua hình thức trực tuyến; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc còn tồn đọng trước đây để có bước chủ động tốt nhất.

Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.

Xây dựng phương án và kết nối các kênh tiêu thụ nông, thủy sản và chăn nuôi để kịp thời hỗ trợ người dân tiêu thụ, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1cung đường - 2 điểm đến”.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, sàn giao dịch điện tử, kết nối cung cầu trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi các hoạt động thương mại điện tử, mua bán và thanh toán trực tuyến và các hình thức khác phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid -19 nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống Nhân dân.

Giải quyết vướng mắc các dự án đang thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ; hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư công của các dự án khởi công mới.