Đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết, thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND, ngày 16/01/2024 của UBND tỉnh về Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia thực hiện đề án tại các huyện gắn với tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân các cấp.
Trong đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang tham gia 200.000ha, được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (năm 2024-2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và mở rộng diện tích đạt 100.000ha. Giai đoạn 2, phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới thêm 100.000ha để hướng tới mục tiêu 200.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn tỉnh đạt 100.000ha, đến năm 2030 đạt 200.000ha trở lên. Riêng năm 2024, Kiên Giang thực hiện 60.000ha.
Dự án được thực hiện tại 12 huyện, thành phố, gồm: Tân Hiệp, Giang Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá. Tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 596 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn tư nhân.
Qua công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình điểm, Hội cũng đã đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư xây dựng 8 mô hình điểm “trồng lúa chất lượng cao” từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng cho 80 hộ nông dân sản xuất lúa tại các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Tân Hiệp và Giang Thành, bước đầu đã nâng cao nhận thức của hội viên nông dân đối với đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.
Việc hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.
Ông Danh Em, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Trồng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn, Hòn Đất, nói: Hiểu được lợi ích, giá trị của hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đối với người nông dân nên Hội Nông dân xã Thổ Sơn đã thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Trồng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” với tổng diện tích đất sản xuất hơn 90 ha và 19 hộ tham gia. Trong 19 hộ này, tất cả đều là hội viên nông dân người dân tộc Khmer và nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Chi hội thực hiện với phương châm “5 tự”: Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đây là Chi hội được Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo thành lập đầu tiên tham gia thực hiện đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Tham gia Chi hội, các thành viên có quyền lợi được tham gia các hoạt động, các kỳ sinh hoạt của Chi hội; được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng; được tạo điều kiện để giao lưu học hỏi kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa máy sạ cụm, sạ hàng, drone phun phân, thuốc, giống.
Đồng thời Chi hội tạo sự đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân cùng một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng, nâng cao thu nhập cho hội viên.
Bên cạnh đó Chi hội còn tập hợp nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của hội viên để phản ánh với các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức Hội Nông dân và các cơ quan có thẩm quyền về những chủ trương, chính sách; những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, góp phần tích cực trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương...