Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cùng đoàn công tác của tỉnh vừa đến kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tại thành phố Hà Tiên và huyện Kiên Lương, nêu rõ: “Mặc dù đã xác định đến 2030 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, từ đó tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, phát huy đồng bộ cả 04 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, gồm: Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận; Phú Quốc; Hà Tiên- Kiên Lương và phụ cận; và vùng U Minh Thượng. Tuy nhiên, đối với mỗi địa phương, cần rà soát điều kiện phát triển du lịch của mình để điều chỉnh các mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch phù hợp.
Thành phố Hà Tiên, thời gian qua du lịch tuy phát triển nhưng chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đó là, quy mô lễ hội còn nhỏ, khai thác cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch còn hạn chế, việc thu hút du khách, nguồn thu từ du lịch chưa nhiều,...
Từ 2018 đến nay, Hà Tiên đã đón trên 9,75 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế trên 70 ngàn lượt. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn địch, thành phố Hà Tiên đón trên 2,5 triệu lượt du khách, tăng hơn 150% so cùng kỳ,…
Do vị trí của huyện nằm trên cung đường giữa hai thành phố có sức hút thương mại và du lịch lớn của tỉnh (Rạch Giá, Hà Hiên), cho nên Kiên Lương chỉ là một địa chỉ dừng chân của du khách, ít khi được du khách lựa chọn làm nơi lưu trú. Trong 04 năm qua huyện Kiên Lương đón khoảng 2 triệu lượt du khách,…
Huyện Kiên Lương có môi trường, cảnh quan tự nhiên rất phong phú với nhiều cảnh quan đẹp, là một trong những tiềm năng, lợi thế mà nhiều địa phương không có được nhưng du lịch chưa thật sự chiếm tỷ trọng cao trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cho nên huyện cần xác định lộ trình rõ ràng, trong từng giai đoạn cụ thể đề ra mục tiêu phát triển phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện.
Đặc biệt chú ý đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại các cảnh quan thiên nhiên sẵn có thành các điểm đến thu hút du khách, như Bãi Dương - Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, di tích lịch sử Mo So, Hang Cá Sấu; tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác du lịch tại Ba Hòn Đầm thuộc quần đảo Bà Lụa và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung lưu ý lãnh đạo của hai địa phương cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cần dựa vào thế mạnh về tài nguyên du lịch để khai thác hiệu quả yếu tố “mạnh về biển, giàu từ biển”, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển.
Đảm bảo yếu tố “du lịch xanh và bền vững” các sản phẩm du lịch văn hóa - sinh thái; xây dựng các sản phẩm đặc thù, hình thành tour - tuyến du lịch; quan tâm đầu tư nâng cấp một số lễ hội sao cho vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thu hút du khách để góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”.