Kiên Giang: Thành lập chốt kiểm soát liên ngành cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid -19

Thành lập 08 chốt kiểm soát liên ngành tại các đầu mối giao thông trên các tuyến đường bộ vào địa phận tỉnh Kiên Giang để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh.
1-kien-giang-thanh-lap-1622519650.jpg

Chốt phòng chống dịch COVID -19 của Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang).

Các chốt kiểm soát liên ngành gồm: Chốt 1 Quốc lộ Nl, khu vực cầu Kênh Ranh, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành. Chốt 2: Đường tỉnh 970 (đường Tám Ngàn), khu vực cầu Ninh Phước, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất. Chốt 3: Quốc lộ 80 thuộc Kênh B, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp. Chốt 4: Quốc lộ 61 (cầu Cái Tư) thuộc xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao. Chốt 5: Khu vực nút giao Đường tỉnh 963, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp. Chốt 6: Nút giao cuối tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với đường Võ Văn Kiệt (tuyến tránh thành phố Rạch Giá), khu vực cầu Tà Nôm (hướng tuyến ra về thành phố Rạch Giá), xã Giục Tượng, huyện Châu Thành. Chốt 7: Nút giao cuối tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với đường Võ Văn Kiệt (tuyến tránh thành phố Rạch Giá), khu vực cầu Tà Nôm A (hướng tuyến ra về huyện Châu Thành), xã Giục Tượng, huyện Châu Thành. Chốt 8: Quốc lộ 63 khu vực cống Ranh Hạt, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận.

Mỗi chốt kiểm soát gồm 26 nhân sự chia thành 02 tổ, trong đó công an là Tổ trưởng; thành phần của tổ công tác có công an: 03 nhân sự (01 cảnh sát giao thông - Tổ trưởng; 01 cảnh sát cơ động, đặc nhiệm; 01 nhân sự công an huyện, thành phố). Y tế: 02 nhân sự. Thanh tra giao thông: 01 nhân sự. Quân sự: 02 nhân sự. Tỉnh đoàn Kiên Giang: 03 nhân sự. Bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ: 02 nhân sự.

Nhiệm vụ của các chốt kiểm soát là kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào tỉnh Kiên Giang; yêu cầu tất cả những người vào địa phận tỉnh Kiên Giang phải khai báo y tế theo quy định, tiến hành đo thân nhiệt, test nhanh đối với những người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid -19 và những người đến từ vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế. Lập danh sách những người đến địa bàn tỉnh Kiên Giang và dự kiến điểm lưu trú, nơi đến trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để tổng hợp và thông báo ngay cho các địa phương nắm, kiểm soát chặt chẽ. Phát hiện và kịp thời đưa ngay vào cách ly tập trung theo quy định đối với những người đến/trở về theo thông báo của Bộ Y tế và Sở Y tế từ các địa điểm bị phong tỏa; những nơi thực hiện giãn cách; từ địa điểm truy tìm nếu cùng thời điểm giám sát.

Thông báo ngay cho các địa phương danh sách những người đến/trở về từ các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện ngay các biện pháp cách ly tại nhà, nơi lưu trú, theo dõi sức khỏe theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, theo thông báo của Bộ Y tế và Sở Y tế: Từ địa điểm truy tìm khác thời điểm giám sát; cùng ấp, khu phố, thôn, bản với địa phương bị phong tỏa; khác ấp, khu phố, thôn, xã với địa phương bị phong tỏa.

Nhắc nhở, yêu cầu chủ phương tiện thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, như: Có dung dịch sát khuẩn; hành khách và nhân viên trên xe phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách..., chấp hành nghiêm quy trình, trình tự kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông theo hướng dẫn của ngành Công an, Y tế, Giao thông vận tải. Xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các sai phạm của chủ phương tiện, lái xe, phụ xe, hành khách vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid -19 theo quy định của pháp luật hiện hành. Phun khử khuẩn các phương tiện đi từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh; các xe có chở các đối tượng Fl, F2 và các đối tượng có nguy cơ cao theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Vào cuối mỗi ca trực, Tổ trưởng có trách nhiệm tổng hợp tình hình trong ca trực, trong đó phải có cập nhật danh sách người từ các tỉnh, thành phố khác đến địa bàn tỉnh Kiên Giang gửi về Công an tỉnh. Hằng ngày, Công an tỉnh chịu trách nhiệm tập hợp, báo cáo kết quả gửi về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 tỉnh.

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, địa phương và các lực lượng xây dựng phương án, kế hoạch phân công lực lượng cụ thể, đảm bảo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các điểm chốt. Bố trí rào chắn; tạm dừng các phương tiện để kiểm tra y tế đối với người tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tham gia chốt kiểm soát liên ngành và lập danh sách thực tế tham gia báo cáo và có ý kiến đề xuất cho UBND tỉnh để phê duyệt kinh phí bồi dưỡng theo quy định. Chủ trì, lập dự toán kinh phí sử dụng cho hoạt động của các chốt kiểm soát, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung thành lập thêm hoặc giảm các chốt và danh sách lực lượng tham gia trong trường hợp cần thiết phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Sở Y tế bố trí lực lượng tham gia làm nhiệm vụ kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, test nhanh đối với những người có biểu hiện nhiễm Covid-19 và những người đến từ vùng dịch theo thông báo cùa Bộ Y tế. Bảo đảm đầy đủ thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, khẩu trang, găng tay, máy đo thân nhiệt, máy phun hóa chất khử khuẩn được pha chế và sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm pha đúng nồng độ thuốc sát trùng tay tại chỗ và các phương tiện cần thiết khác phục vụ hoạt động của các chốt; bố trí xe cứu thương để vận chuyển các trường hợp nghi nhiễm Covid -19 về khu cách ly y tế và cơ sở điều trị theo quy định. Có phương án bảo đảm y tế cho người tham gia giao thông khi có trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh Covid -19 trên các phương tiện giao thông đường bộ và phương án bảo vệ sức khỏe cho lực lượng tham gia chốt để thực hiện nhiệm vụ.

Sở Giao thông vận tải cử lực lựợng Thanh tra giao thông tham gia chốt kiểm soát; trang bị các biển giảm tốc độ, lắp đặt đèn bật đảm an toàn giao thông tại các chốt; tham gia phối hợp dừng và giữ các phương tiện giao thông đường bộ để kiểm tra y tế. Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ các điều kiện đảm bảo cho các chốt kiểm soát liên ngành hoạt động hiệu quả và bồi dưỡng cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ.

BCH Quân sự tỉnh, Tỉnh đoàn Kiên Giang cử nhân sự tham gia chốt kiểm soát để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khai báo y tế, hỗ trợ đo thân nhiệt, cài đặt phần mềm quét mã QR-code; hỗ trợ công tác phiên dịch đối với người nước ngoài, lập danh sách người từ các địa phương đến địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo hạ tầng mạng wifi, internet và hướng dẫn việc cài đặt, triển khai phần mềm ứng dụng bluezone, QR-code trên điện thoại thông minh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid -19.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có các chốt kiểm soát liên ngành theo địa bàn quản lý, có trách nhiệm chỉ đạo bố trí lực lượng tham gia theo phân công; phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí địa điểm thuận lợi để lập các chốt kiểm soát; đảm bảo các điều kiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác kiểm soát phòng, chống dịch tại các điểm chốt; bố trí nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt và các điều kiện cần thiết khác cho lực lượng tham gia chốt kiểm soát; kịp thời hỗ trợ các lực lượng tham gia tại chốt khi có đề nghị, đảm bảo các chốt kiểm soát liên ngành hoạt động hiệu quả. Trung tâm Y tế cấp huyện sẵn sàng lực lượng, phương tiện đưa các trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh Covid -19 vào các cơ sở y tế để kiểm tra, sàng lọc, cách ly và điều trị theo quy định. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động thành lập thêm các chốt liên ngành để kiểm soát các tuyến đường liên huyện giáp với các tỉnh, thành phố khác tương tự như các chốt liên ngành của tỉnh để thực hiện công tác kiểm soát và phòng, chống dịch Covid -19.

Trong thực hiện nhiệm vụ các thành viên của chốt kiểm soát không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Các chốt kiểm soát liên ngành hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần (cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ). Bắt đầu từ 00 giờ, ngày 01/6/2021 cho đến hết ngày 15/6/2021.