Kiên Giang: Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo đáp ứng xu thế hội nhập

Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức của tỉnh Kiên Giang cần lấy hiệu quả công việc làm thước đo chứng thực cho những ý tưởng táo bạo, để kiểm tra năng lực sáng tạo, từ đó tích luỹ kinh nghiệm và không ngừng đổi mới.
11-kien-giang-1730025459.jpg
Đồng chí Lâm Văn Sển, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang, trao giấy khen của Ban Thường vụ Huyện uỷ An Biên cho các tập thể thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023

Bài 2: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng cán bộ, công chức, viên chức Kiên Giang năng động, sáng tạo

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt người cán bộ ở vị trí “gốc” và “quyết định đến thành bại của cách mạng”. Người bố trí cán bộ theo phương châm tìm người để đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó, Người chú trọng xây dựng cán bộ thật sự “vừa hồng”, “vừa chuyên” để trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, họ thực sự năng động, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ.

Người đã hệ thống hóa các quan điểm trong tư tưởng của Mác - Lênin về công tác cán bộ và phát triển theo thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ đó Người đã chỉ ra những yếu tố quyết định cho việc xây dựng cán bộ, như: đạo đức cách mạng, chính trị cách mạng, năng lực cách mạng, phương pháp cách mạng.

Hồ Chí Minh coi đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ là rất quan trọng, thậm chí là “công việc gốc của Đảng”, phải được tiến hành thường xuyên. Phải xác định rõ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các yếu tố cơ bản: Học thức, đạo đức cách mạng, tác phong và năng lực công tác. Nhưng tùy từng giai đoạn cách mạng, tùy vào tình hình cụ thể mà Người đặt ra mục đích, nhiệm vụ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân tài chính là tài sản quốc gia, cán bộ tốt chính là những hạt nhân của hoạt động cách mạng, không có cán bộ, nhân tài thì chắc chắn sẽ không thực hiện được công tác chung.

Trong những năm đầu dành độc lập, Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó Người nhấn mạnh vai trò của cán bộ đối với sự thành công của cách mạng. Đồng thời cũng chỉ rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ làm sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ là công tác gốc của Đảng. Người nhấn mạnh: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Huấn luyện để có những cán bộ tốt, theo Người phải thực hiện ở các mặt: huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận.

Người cho rằng: Cán bộ đảng viên phải học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời phải học văn hóa, kỹ thuật nghiệp vụ, “làm việc gì học việc đấy”, tức là cán bộ làm ở lĩnh vực gì, phụ trách ở ngành nghề gì đều phải học cho thành thạo công việc ở lĩnh vực đó. Để làm được điều này, các cơ quan lãnh đạo, những người phụ trách phải xây dựng kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng cụ thể từng môn, từng đối tượng. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thiết thực, cơ bản và toàn diện. Thời gian đào tạo dài hay ngắn, số lượng cán bộ nhiều hay ít, phải xuất phát từ tình hình thực tế, từ yêu cầu sử dụng cán bộ mà định ra thời gian, nội dung chương trình, sắp xếp cán bộ giảng dạy cho phù hợp. Phải lựa chọn rất cẩn thận những người phụ trách việc giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những người lãnh đạo phải tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng. Đồng thời cũng cần cấp kinh phí phù hợp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh cần phải tạo ra môi trường “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “có gan phụ trách, có gan làm việc”; “khi đã giao việc cho cán bộ phải để cho cán bộ có quyền tùy cơ ứng biến mới có thể phát huy tài năng của họ, không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”. “Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào, kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong”.

Người còn nói “nếu đào tạo một mớ nhát gan dễ bảo, “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”. Đảng phải thương yêu cán bộ, nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm, là giúp họ sửa chữa khuyết điểm, là thưởng phạt phân minh…

Trên cơ sở đánh giá đúng cán bộ, còn phải “khéo dùng cán bộ” - “dụng nhân như dụng mộc” mới có thể đem lại hiệu quả cao cho công việc và “thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ”. Người đưa ra 3 tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ: Trung thành với cách mạng; liên hệ mật thiết với quần chúng và vì lợi ích của quần chúng; cán bộ còn phải là người dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, gian khổ. 

Quan điểm xuyên suốt của Hồ Chủ tịch trong sử dụng cán bộ là phải khách quan, công khai, dân chủ và vì hiệu quả công việc; phải bàn bạc hỏi ý kiến mọi người, thậm chí, ngay với bản thân người định trao công việc xem có thể đảm nhiệm và phấn khởi thực hiện không? Chỉ có như vậy mới luôn dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường, phát huy cao nhất năng lực của mỗi người. Do đó, việc tổ chức lựa chọn cán bộ một cách dân chủ, vì hiệu quả công việc còn đạt được mục đích là giúp cho người lãnh đạo tránh được những căn bệnh ham dùng người thân, ham dùng những kẻ nịnh hót và căn bệnh hẹp hòi làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Năng lực của mỗi người không phải tự nhiên mà có, phần nhiều tích lũy được qua rèn luyện, phấn đấu, nên quá trình sử dụng phải biết tạo điều kiện để cán bộ phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nếu không vừa hỏng việc vừa mất cán bộ.

Muốn dùng cán bộ lâu dài, đạt hiệu quả vừa phải có tinh thần đấu tranh phê bình vừa phải biết yêu thương cán bộ. Hồ Chủ tịch cho rằng, có làm việc thì có sai lầm, vấn đề là phải phê bình cho đúng và kịp thời để người cán bộ dễ dàng nhận ra và vui vẻ sửa chữa. Phê bình cho đúng tức là không nên nặng lời, công kích mà bằng thái độ chân thành cùng với họ phân tích nguyên nhân và hậu quả của sai lầm đó, làm cho người mắc sai lầm tự nhận rõ để sẵn sàng khắc phục, không có cảm giác bị ép buộc phải sửa chữa. Kịp thời là “hễ thấy cán bộ sai lầm, phải lập tức sửa chữa ngay”, không để xảy ra sai lầm lớn.

Người cho rằng: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ”.

Người cũng chỉ rõ: “thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc”. Nếu nuông chiều, thì cán bộ dễ chủ quan, tự kiêu, tự phụ, dễ hư hỏng về phẩm chất đạo đức. Còn nếu thả mặc thì cán bộ dễ tự do vô kỷ luật, tùy tiện, vi phạm nguyên tắc, chế độ; thậm chí dễ làm liều gây tổn hại khôn lường cho sự nghiệp cách mạng. Chính vì thế, thương yêu cán bộ là phải quản lý chặt chẽ, duy trì kỷ luật nghiêm minh đối với họ, nhất là đối với cán bộ cao cấp.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ và cán bộ, coi đây là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cùng với đó, Tỉnh ủy Kiên Giang xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nên sau khi có Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc gắn với các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Trung ương về công tác xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

ThS. Lê Thị Dung, Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, cho rằng, những tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn. Đến nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ vẫn mang tính thời sự, vẫn là những chỉ dẫn hết sức quan trọng để Đảng ta triển khai trong công tác cán bộ; góp phần đấu tranh gạt bỏ những tiêu cực trong việc tạo nguồn, quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ của Đảng.

Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên của tỉnh Kiên Giang cần phát huy trách nhiệm nêu gương, tự giác, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vận dụng tốt những quan điểm, những phương pháp chỉ dẫn của Người để trở thành những cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách trong thực thi công vụ.

Trong đó, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phát huy vai trò chủ động, tự giác trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần rà soát và có kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, tồn tại, khuyết điểm đã chỉ ra, kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng kiên quyết trong quản lý, rèn luyện, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên mẫu mực về phẩm chất đạo đức và lối sống; luôn đoàn kết, thống nhất, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu và kính trọng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

Theo ThS. Lê Trung Kiên, Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Kiên Giang; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, đạo đức cách mạng “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang thời kỳ đổi mới, thời kỳ 4.0 thì bốn đức “cần, kiệm, liêm, chính” trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hình hiện nay.

Vì thế, xây dựng cán bộ “6 dám” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không thể tách rời việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khi và chỉ khi người cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng thì mới có thể trở thành cán bộ “6 dám” đúng nghĩa, góp phần phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Thành ủy Thành phố Rạch Giá, nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên sao cho thực sự là “công bộc” của Nhân dân. Người đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong sự nghiệp cách mạng. Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Người cho rằng một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng.

Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức của tỉnh Kiên Giang cần lấy hiệu quả công việc làm thước đo chứng thực cho những ý tưởng táo bạo, để kiểm tra năng lực sáng tạo, từ đó tích luỹ kinh nghiệm và không ngừng đổi mới.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức của tỉnh Kiên Giang cần không nản chí trước những thất bại, những rào cản khó khăn và coi đó là một khâu trong quy trình đi đến thành công. Mọi người cần nhiệt huyết, đồng cam, cộng khổ, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi, vững vàng niềm tin vào lẽ phải, việc làm tốt sẽ luôn luôn được bảo vệ.

Mỗi cán bộ, đảng viên công chức, viên chức trong mỗi ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cần tăng cường học tập, rèn luyện và nghiên cứu tri thức mới, tận dụng tốt những phát minh, sáng chế mới, nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế để tiếp cận với văn minh của thế giới. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đủ để bảo vệ những quan điểm, luận điểm, ý tưởng mới trong thực hiện nhiệm vụ được giao, để không bị dao động, nhụt trí, mất niềm tin khi nhận phản biện, bị công kích, nói xấu… vì sự phát triển, vì lợi ích chung sẽ tạo nên phong trào đột phá, sáng tạo trong toàn xã hội; thúc đẩy sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững tỉnh theo tinh thần Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Kiên Giang năng động, sáng tạo ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay đóng vai trò quan trọng trong công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng luôn giữ vị trí hệ trọng trong công tác cán bộ, vì thế việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển, bền vững của tỉnh.

Thực tế cho thấy, cán bộ là những người đem chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, cán bộ là người phải nắm rõ tình hình thực tiễn và nắm được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân để báo cáo cho Đảng hiểu rõ, để từ đó xây dựng chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp. Có cán bộ tốt mới có công việc tốt và có tổ chức Đảng tốt thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh.