Kim Sơn - Điệp viên lãng tử

Chiến công đánh bom Thông báo hạm Amyot D’Inville ngày 27/9/1950 trên vùng biển Sầm Sơn – Thanh Hóa hiện được giới thiệu tại nơi trang trọng nhất của Bảo tàng CAND, Bảo tàng CAHN, CA Thanh Hóa.
kim-son-1661741506.jpg
Ảnh do tác gải cung cấp

Đây là chiến công lẫy lừng của ngành công an trong cuộc kháng chiến chống Pháp  và những điệp viên A13, A15, A16 đều đã được các nhà văn giới thiệu trong các cuốn sách viết về công tác điệp báo, tình báo của ngành.

Dẫu muộn, cuốn sách viết riêng về điệp viên A14 – Một trong những người chủ chốt trong chuyên án này bây giờ mới được ra đời và cũng chỉ tập trung giới thiệu nét Lãng tử trong con người Kim Sơn – Một điệp viên huyền thoại của ngành công an. Mong bạn đọc đón nhận cuốn sách cùng Lời chia sẻ của Đạo diễn – NSUT Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Việt Nam.

LỜI CHIA SẺ
 Tôi thật sự khâm phục và thích thú khi thấy Hồ Công Thiết dùng cụm từ “Điệp viên Lãng tử” khi nói về Đại tá Kim Sơn . Quả thực, đó là cụm từ chính xác nhất khi nói về Ông, người điệp viên mang bí số A14, đồng thời cũng là một nghệ sỹ tài hoa đích thực . 
Tôi được gặp ông lần đầu tiên vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi ông từ bên Cục Công tác chính trị (Bộ Công an) trở lại với Công an Hà Nội để tái dựng (với một số diễn viên mới) vở kịch Bản danh sách điệp viên, một tác phẩm sân khấu từng làm rung động sân khấu kịch nói Việt Nam một vài năm trước đó. Đã được xem vở kịch đó vài lần, lại từng nghe nói nhiều về Đại tá Kim Sơn với chiến công huyền thoại  cùng đồng đội hoàn thành chuyên án đánh bom thông báo hạm Amyot   D’inville hồi tháng 9/1950, tôi nhìn ông với ánh mắt đầy ngưỡng mộ . 
Thoạt nhìn dáng vẻ  thân thiện, hòa nhã với mọi người, nụ cười luôn nở trên môi, chúng tôi nghĩ chắc ông sẽ là người dễ dãi trong công việc đạo diễn. Tôi đã nhầm. Trên sàn tập, ông tỏ ra nghiêm khắc và khó tính hơn chúng tôi tưởng cả trăm lần . Mỗi lời thoại, mỗi động tác của diễn viên trên sân khấu ông đều khe khắt, săm soi tới chân tơ kẽ tóc. Từng có câu thoại ông bắt chúng tôi nói đi nói lại tới cả chục lần cho tới khi ông cảm thấy vừa ý. Tuy nhiên sự khắt khe đó của ông không làm cho chúng tôi mất hào hứng, bởi lẽ ông luôn giữ sự  nghiêm khắc bằng một thái độ thân mật và hóm hỉnh. Những buổi tập vì thế luôn rộn tiếng cười. Từ dưới hàng ghế khán giả, ông nhảy lên sân khấu rồi lại nhảy xuống nhanh như cắt, hoàn toàn trái ngược với thân hình to béo của mình. Nhìn ông thị phạm, chúng tôi nhận thấy ở ông không chỉ là một đạo diễn mà còn tràn đầy tố chất của một nghệ sỹ biểu diễn . Có lẽ cũng vì tư chất này mà Đại tá Kim Sơn  đã dễ dàng làm tròn vai điệp viên của mình, khi ông mang bí số A14 . 
Những lúc nghỉ giải lao giữa buổi tập, chúng tôi cũng lân la hỏi dò ông về chuyên án mà ông đã thực hiện nhưng ông chỉ cười và lảng sang chuyện năm 1944 ông đã từng đóng kịch khi còn đang là học sinh trung học. Không những thế ông còn đóng giả gái ! Chúng tôi trợn tròn mắt vì không thể hình dung nổi ông, với thân hình to béo như hiện thời, lại có thể  đóng giả gái được ư ? Ông cười khà khà và có vẻ như  trong một phút hào hứng  ông thốt lên bằng tiếng Pháp “À coeur vailant , rien d’imposible !“  Tất cả chúng tôi nghệt mặt ra vì chẳng ai hiểu gì. Ông từ tốn giải thích nghĩa của câu thành ngữ Pháp đó, tương tự như thành ngữ Việt Nam “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền !” . Tôi nhớ đây là những lần rất hiếm hoi khi ông dùng tiếng Pháp trong khi trò chuyện cùng chúng tôi, điều này chứng tỏ sự khiêm tốn và mực thước của ông trong giao tiếp, rất hạn chế dùng thứ ngôn ngữ mà ông quá trời rành rẽ, khác với nhiều người có hoàn cảnh xuất thân và học vấn tương tự như ông thường vẫn sơ ý dùng ngoại ngữ với người đối thoại vì thói quen cố hữu mặc dù người nghe chả hiểu gì cả. Đội trưởng Doãn Ngọc Tú nửa đùa nửa thật nói với ông “ Hay thầy đóng luôn vai Paul Hách đi ạ“. Bởi lẽ nhân vật này vốn là người Việt mang  quốc tịch Pháp nên trong lời thoại, ông ta phải khá nhiều lần nói tiếng Pháp nên có vẻ như anh Tú (người đóng vai này) hơi thiếu tự tin .

Đạo diễn Kim Sơn xua tay, mắng yêu anh Tú “Chúng mày toàn trâu khỏe thế này sao bắt con bò già này kéo cày ? Làm đi, cấm được thối chí !”. Anh Tú nói “Anh là người trong cuộc, anh vào vai đảm bảo hết chê !  Phải là một điệp viên lẫy lừng như anh mới có khả năng thể hiện kẻ địch thật chân thực, thật sống động. Anh đã làm nên một chiến công mang đầy tính huyền thoại như thế cơ mà ?”. Đột nhiên ông ngồi lặng khá lâu rồi quay sang anh Văn Báu (tác giả kịch bản Bản danh sách điệp viên) trầm giọng : “Báu , sau vở này, cậu có nghĩ tới việc viết một kịch bản khác về người đồng đội của tôi, nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi, người mang bí số A16 không ? Nếu cậu hào hứng, tôi sẽ cung cấp cho cậu tư liệu để cậu sáng tác. Đó mới đích thực là một trong những người tham gia chiến dịch đánh bom tàu Pháp ngày đó đáng được ngợi ca nhất ! Phần đóng góp của chúng tôi quá nhỏ bé nếu đem so với sự hy sinh của người Liệt nữ ấy !”. Tôi nhớ là sau đó ông và anh Văn Báu cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ để bàn về ý tưởng này. Tiếc thay vì nhiều lý do mà việc không thành. Ông là thế, luôn tỏ lòng tri ân tới đồng đội của mình và khiêm tốn không nghĩ gì đến công lao của mình cho dù phần đóng góp của ông trong chiến công lẫy lừng đó ai cũng biết là không hề nhỏ bé . 
Sau đó còn rất nhiều lần chúng tôi gặng hỏi và gạ gẫm ông kể cho nghe về những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn trong chuyên án mà ông tham gia nhưng vô ích. Ông vẫn chỉ cười khà khà, đôi khi lên giọng mé và lại nói ra những gì mà ai cũng đều đã biết. 
Bởi vậy hết sức cảm ơn tác giả Hồ Công Thiết với “Kim Sơn – Điệp viên Lãng tử” đã cho chúng tôi cơ hội hiểu rõ thêm về ông ở nhiều khía cạnh.
Thực sự xúc động khi qua những trang viết của Hồ Công Thiết, chúng tôi như được gặp lại Đại tá tình báo Kim Sơn -  Đạo diễn Kim Sơn – Thày Kim Sơn ! 
Mãi mãi nhớ về anh, anh Kim Sơn. Cho phép chúng tôi được dùng cách xưng hô thân thiết này để nói với Ông như cách mà 50 năm trước chúng tôi đã  dùng . 
…………..
P/S : Bạn đọc cần mua sách, xin vui lòng liên hệ với Nhà sách trithuctrebooks.com. Hotline 098556094 (Ms Lý).