Kinh tế số và phát triển bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới

Vương Quốc Hoa

11/02/2023 20:23

Theo dõi trên

Chiều 10/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Lazada Việt Nam tổ chức hội thảo: “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu cùng các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số và thương mại điện tử.

Đại diện Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng: Thời gian qua, phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên, được thể hiện ở một số văn bản điều hành, như: Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 136/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững…

b1kt1-1676121373.jpg

Quang cảnh hội thảo Kinh tế số và phát triển bền vững Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới.

Các văn bản điều hành nêu trên đã nêu bật quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững.

Đại diện Ban nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu tối ưu hóa về phát triển bền vững, lượng khí phát thải trong hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30%-40% so với hoạt động thương mại thông thường), từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.

b2kt2a-1676121704.jpg

Ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

 

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020), thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử (Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021,...) cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã từng bước được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không...

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam, như: Hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Theo báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD năm 2050, trong đó thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theobáo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30 - 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.

Để làm được vậy, một trong số các biện pháp được khuyến cáo đó là giảm thiểu và tái chế các vật liệu đóng gói hàng hóa. Với mong muốn góp phần hạn chế rác thải từ bao bì trong thương mại điện tử, Lazada Việt Nam đã phát hành cuốn Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm khuyến khích các thông lệ tốt, thân thiện với môi trường.

Cuốn cẩm nang đưa ra những lời khuyên hữu ích để các nhà bán hàng thuộc mọi quy mô có thể đóng gói hàng hóa đúng quy chuẩn và hiệu quả nhằm tiết kiệm nguyên liệu đóng gói, giảm thiểu các rủi ro sai sót, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, Lazada đã thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh trong và sau đại dịch cùng hàng loạt các sáng kiến hướng tới phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như: Hoạt động quản trị vì mục tiêu phát triển bền vững; Bảo vệ môi trường; Hoạt động cộng đồng; Bồi dưỡng nguồn nhân lực và công tác Nghiên cứu và báo cáo…

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cùng các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số và thương mại điện tử cũng trao đổi các nội dung, quy định chính sách, định hướng cụ thể giúp xác định những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam về phát triển kinh tế số trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.

Qua đó cho thấy, nền kinh tế thế giới đang có sự thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu và tạo ra các giá trị về kinh tế lớn thúc đẩy phát triển đất nước.

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế số và phát triển bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn