Đây là một trong những hoạt động thường kỳ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhằm bồi dưỡng kiến thức và các kỹ năng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Tham dự buổi tập huấn có Tiến sỹ Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng VUSTA, Thạc sỹ Phạm Thị Bích Hồng- Phó trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức VUSTA cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí thuộc VUSTA.
Theo Tiến sỹ Lê Công Lương, phỏng vấn để lắng nghe quan điểm của 1 chính khách, 1 nhà khoa học. Khi có những sự kiện nóng, các nhà báo nhanh chóng tìm đến các nhà chính trị lão luyện, nhà khoa học, hy vọng có các bài phỏng vấn hay. Có những lãnh đạo chỉ vài phút là xong, có những vị phỏng vấn mất cả buổi, rất vất vả. Phỏng vấn báo chí rất quan trọng. Ông đánh giá cao các kỹ năng trả lời phỏng vấn của các nguyên thủ quốc gia, người được ông đánh giá cao nhất trong kỹ năng này là Tổng thống Nga Putin và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nội dung bài phỏng vấn phải đảm bảo tính chính trị, tính thận trọng, với nhiều trường hợpcần gửi lại nội dung cho người được phỏng vấn trước khi đăng- phát.
Buổi tập huấn diễn ra trong không khí cởi mở, tương tác tới từng học viên. Nhà báo Lê Văn Nghiêm đã trình bày các kiến thức cơ bản để hoàn thiện 1 bài phỏng vấn, với kinh nghiệm từ 1 người đã từng 25 năm công tác tại báo Nhân Dân. Trong phỏng vấn, quan trọng nhất là để thu thập thông tin. Làm sao để gặp được người có thẩm quyền, có thông tin nhanh nhất.
Phỏng vấn báo chí là cuộc nói chuyện có mục đích thu thập thông tin về 1 chủ đề cụ thể để viết bài báo. Bài phỏng vấn là tương tác giữa câu hỏi và câu trả lời. Để có 1 bài phỏng vấn hay cần có chủ đề hay, câu chuyện hay, nhân vật cuốn hút hấp dẫn, vấn đề công chúng quan tâm…
Các bước triển khai 1 bài phỏng vấn: Tìm đề tài mới, tìm người phỏng vấn, chuẩn bị câu hỏi, thực hiện phỏng vấn, viết bài phỏng vấn.
Chủ đề hay là 1 chủ đề có tính thời sự, có tác động xã hội, có tính gần gũi, liên quan tới người nổi tiếng, kịch tính, mới lạ…
Khi chọn nhân vật để phỏng vấn, trước hết tìm được người phù hợp và có thẩm quyền (nhất là các chính khách, đại diện chính quyền), chọn người am hiểu biết rõ vấn đề, tìm người có quyền lợi liên quan, người chứng kiến, các chuyên gia.
Khi chọn câu hỏi phỏng vấn, có dạng câu hỏi đóng- mở, câu hỏi mang tính giải thích, gợi ý. Khi thực hiện phỏng vấn phải có mặt đúng giờ hẹn, vào câu chuyện giới thiệu bản thân và cơ quan công tác, trình bày mục đích, nội dung, thời lượng thực hiện bài phỏng vấn…