Kỷ niệm 44 năm Campuchia khỏi họa diệt chủng (7-1-1979/7-1-2023): Lịch sử đã minh xét - Việt Nam hi sinh cả máu của mình để giải cứu Campuchia khỏi nạn diệt chủng (Bài cuối)

Qua 03 bài viết của về đề tài Kỷ niệm 44 năm Campuchia khỏi họa diệt chủng (7-1-1979/7-1-2023) của Nhà báo Vũ Xuân Bân, Nguyên đặc phái viên TTXVN tại biên giới Tây Nam 1977, chuyên gia TTXVN tại Campuchia trong các năm (1978-1979) đã đăng tải trên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu để góp phần khẳng định tinh thần Quốc tế Cộng sản trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam. Việt Nam đã hi sinh cả máu của mình để giải cứu Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Tuy nhiên, sự thật lịch sử không thể chối cãi được đã bị xuyên tạc, phải trải qua gần 4 thập kỷ mới được minh xét. Ngày 16-11-2008, lần đầu tiên Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) mới phán quyết rằng chính quyền Khmer Đỏ đã phạm tội "diệt chủng" tại Campuchia trong giai đoạn từ năm 1975-1979.

Tội ác diệt chủng man rợ

Từ giữa năm 1975 đến 1979, chế độ Khmer Đỏ (Khmer Rouge) do Pol Pot lãnh đạo với mục tiêu đưa đất nước Campuchia trở lại "quá khứ huyền thoại", mong muốn ngăn chặn viện trợ từ nước ngoài, điều mà họ coi là một ảnh hưởng xấu, mong muốn khôi phục lại đất nước thành một xã hội nông nghiệp. Và cách thức mà họ sử dụng để đạt được mục tiêu này đã tạo ra nạn diệt chủng Campuchia. Họ "thanh lọc quần chúng" thông qua các vụ giết người.

Đặc biệt, chính sách thành lập và vận hành các hợp tác xã và các công trường trong thời kỳ Campuchia Dân chủ được coi là công cụ chính để tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp và tạo nên một lực lượng lao động sản xuất từ những người bị kiểm soát chặt chẽ. Họ là những người dân bị dồn từ các thị trấn, thành phố về, phải lao động cưỡng bức trong môi trường bị đe dọa, bị hành hạ, thiếu lương thực và thậm chí bị chết đói hoặc chết vì đuối sức, bệnh tật. Người dân bị hạn chế di chuyển, bị tước bỏ mọi hoạt động tôn giáo, phải tham gia các buổi họp mang tính chất vạch tội lẫn nhau. Họ sống trong sợ hãi, luôn bị đe dọa gửi đi cải tạo hoặc đột nhiên mất tích. Mọi ý kiến khác biệt đều bị coi là chống lại Angkar, và bị trừng phạt, đánh đập, thậm chí bị giết hại ngay trước mặt mọi người.

Giới cầm quyền Khmer Đỏ thi hành chính sách phân biệt chủng tộc và tôn giáo rất nặng nề bằng những biện pháp khắc nghiệt, chĩa mũi nhọn vào các cộng đồng người Chăm, người Việt, đàn áp các Phật tử và các cựu quan chức, quân nhân của chế độ Cộng hòa Khmer. Trong đó, do sự khác biệt về chủng tộc và tôn giáo, lại thêm sự chống đối chính sách tàn bạo của chính quyền Khmer Đỏ, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi ở miền đông (Campuchia) bị đối xử tàn tệ nhất. Họ bị di cư cưỡng bức, phân tán vào các làng xã Khmer để phá tan mối liên hệ chủng tộc. Họ bị cấm cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo, cấm nói tiếng dân tộc … và tàn bạo hơn cả, họ đứng trước nguy cơ bị đánh đập và giết hại vì bất cứ lý do gì. Cộng đồng người Việt Nam là nhóm đối tượng thứ hai bị giới cầm quyền Khmer Đỏ thi hành chính sách phân biệt chủng tộc tàn ác.

Theo thống kê, từ năm 1975 đến năm 1978, quân Pol Pot đã sát hại gần 3 triệu người Campuchia trong số tổng dân số 7,1 triệu người. Chúng thi hành các biện pháp tử hình bằng các dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng, bỏ đói và lao động cưỡng bức. Chúng đã để lại cho đất nước Campuchia gần 142 ngàn người tàn tật, hơn 200.000 trẻ mồ côi; gần 640.000 nhà cửa bị phá hủy…; những hành động diệt chủng tàn bạo của chúng là không thể dung tha. Dưới chế độ Pol Pot, Campuchia là một đất nước đầy tang tóc, bị biến thành một lò sát sinh khổng lồ, kinh khủng nhất trong thế kỷ XX, một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt. Chúng được nhiều học giả xem là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong thế kỷ XX, được so sánh với chế độ của Adolf Hitler. Nếu tính theo tỷ lệ số người bị giết so sánh với tổng dân số, có thể đánh giá là chế độ giết người nhiều nhất trong thế kỷ XX.

cpc2-1690530057.jpg

Những hố chôn tập thể người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary sát hại, được phát hiện sau ngày giải phóng 7/1/1979 tại “Cánh đồng chết” Choeung Ek, Campuchia. (Ảnh:TTXVN)

 

Không dừng lại ở đó, trong gần 2 năm (1978 - 1979) chủ động tiến hành gây hấn rồi tấn công xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam, quân phản động Pol Pot đã giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam, làm cho 400.000 người dân mất nhà cửa, trên 3.000 nhà bị bỏ hoang, nhiều nhà thờ, chùa chiền, trường học bị chúng đốt phá. Đó cũng là mưu đồ chiến lược thâm độc của các thế lực phản động quốc tế, thông qua bàn tay của tập đoàn Pol Pot, nhằm cô lập và phá hoại Việt Nam. Chúng muốn khuất phục Việt Nam bằng vũ lực thông qua một "cuộc chiến ủy nhiệm" do chúng tài trợ vũ khí, tài chính và cố vấn quân sự.

Diễn biến cụ thể, từ năm 1975, giữa Việt Nam và chế độ Campuchia Dân chủ (Pol Pot là người đứng đầu chính phủ) xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Quân Pol Pot liên tục gây hấn, đòi hoạch định lại biên giới với Việt Nam, gây ra các cuộc xung đột vũ trang. Đêm 30/4/1977, lợi dụng Việt Nam đang kỷ niệm hai năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Pol Pot tấn công toàn biên giới Tây Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Trong khoảng hai năm sau ngày 30/4/1975, Pol Pot đã xâm phạm biên giới Việt Nam trên 2.000 lần, gây tổn thất 4.000 người. Cuối năm 1976, cuộc tiến công của quân Pol Pot vào lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng với quy mô lớn, có lúc đánh sâu vào tới 15 km.

Ngày 23/5/1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho lực lượng vũ trang ở phía Nam: "Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia". Nhận lệnh, các đơn vị quân khu 5, 7, 9 và các quân đoàn 3, 4 tổ chức điều chỉnh lực lượng, phương tiện, xây dựng phương án chiến đấu. Cuộc chiến trải qua nhiều giai đoạn.

Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị phá vỡ, đến 31/12 Việt Nam đã thu hồi được chủ quyền lãnh thổ bị đánh chiếm. Ngày 6/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tổng công kích vào Phnom Penh. Sau 2 ngày, thủ đô này hoàn toàn được giải phóng chiều ngày 7/1/1979.

Ngày 17/1/1979, toàn bộ Campuchia được giải phóng, phần lớn lực lượng Pol Pot bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên các tuyến biên giới. Pol Pot sau đó khôi phục lại lực lượng ở biên giới giáp với Thái Lan nhờ sự hậu thuẫn từ bên ngoài, tổ chức đánh du kích, đe dọa sự tồn tại của chính quyền Hunsen. Bộ đội Việt Nam hy sinh nhiều nhất trong giai đoạn này. Từ năm 1986, nhận thấy chính quyền mới ở Campuchia vững vàng, Việt Nam bắt đầu rút quân, đến năm 1989 thì rút hết về nước, hoàn thành nghĩa vụ Quốc tế cao cả.

Cuốn hồi ký “Thoát khỏi địa ngục Khmer đỏ – Hồi ký của một người còn sống” của Denise Affonco hay cuốn “Ðầu tiên họ giết cha tôi” (First They Killed My Father) của Loung Ung do NXB Harper Collins phát hành tại Hoa Kỳ năm 2000, cùng những nguồn tư liệu phong phú, đa chiều từ chính những người còn sống sót và từ các sử gia khắp nơi trên thế giới đã tố cáo tội ác man rợ của Chế độ diệt chủng Pol Pot đã giết chết cả thể xác lẫn tinh thần của hàng triệu người dân vô tội nơi đây.

Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch danh dự Đảng CPP Samdech Heng Samrin đã từng khẳng định: Chế độ diệt chủng Pol Pot là chế độ tàn bạo chưa từng có trên thế giới. Dưới sự cầm quyền của chế độ vô cùng dã man này, nhân dân Campuchia đã phải hứng chịu muôn vàn thống khổ không khác gì súc vật, bị cấm đoán quyền tự do, bị tàn sát hàng loạt. Chúng đem chính nhân dân mình ra làm thí nghiệm để thực hiện cho học thuyết chính trị đen tối của mình.

Sự thật lịch sử bị xuyên tạc

Cuộc chiến chống Pol Pot của quân tình nguyện Việt Nam là hoàn toàn chính đáng, cần thiết cho Việt Nam, trật tự hòa bình thế giới. Sự giúp đỡ của Việt Nam để giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, cứu dân tộc Campuchia khỏi miệng hố diệt vong là hành động phù hợp pháp lý, vì nghĩa tình quốc tế cao cả giống như Liên Xô đưa quân vào Đông Âu chống phát xít Đức, Ấn Độ đưa quân vào Pakistan giúp giải phóng Bangladesh...Thế nhưng sự thật lịch sử hiển hiện đó đã bị các thế lực đen tối xuyên tạc trắng trợn, cỗ máy truyền thông sai lệch nhằm đánh lừa dư luận quốc tế hòng bảo vệ chế độ diệt chủng Pol Pot đầy tội ác với lịch sử loài người. Nhiều nước là Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và khối ASEAN phản đối hành động đưa quân vào Campuchia của Việt Nam, họ cho rằng đây là hành vi "xâm lược". Họ đòi Việt Nam rút quân và lực lượng Liên Hợp Quốc sẽ vào tiếp quản. Việt Nam đề nghị rút quân để đổi lại một thỏa thuận chính trị nhằm đảm bảo chế độ diệt chủng sẽ không quay trở lại nắm quyền lực.

Sự thực là vậy, nhưng phải mất nhiều thập kỷ năm sau nạn diệt chủng do Tập đoàn Pol Pot gây ra ở Campuchia bị tiêu diệt hoàn toàn vào năm 1989, thế giới mới có cái nhìn toàn diện, khách quan về vấn đề Campuchia. Lịch sử đã minh xét đúng tinh thần dân tộc trong sáng, chủ nghĩa Quốc tế cao cả khi Quân đội Việt Nam bị kẻ thù buộc phải cầm súng để tự vệ chính đáng theo luật pháp quốc tế và kịp thời giải cứu nhân dân Campuchia cũng như đồng bào mình thoát khỏi nạn diệt chủng ghê tởm nhất của lịch sử nhân loại do Tập đoàn Pol Pot, kẻ thù không đội trời chung của nhân dân hai nước gây ra!

chtr3-1690530252.jpg

Nhân dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. (Nguồn: TTXVN)

 

Ngày 16/11/2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) phán quyết rằng 2 cựu lãnh đạo hàng đầu của Khmer Đỏ là Khieu Samphan và Nuon Chea đã phạm tội “diệt chủng” trong thời gian từ năm 1975-1979. Đây là phán quyết lịch sử của tòa án quốc tế đối với chế độ này sau gần 4 thập kỷ chính quyền tàn ác này bị lật đổ. Theo tòa án trên, Nuon Chea, 92 tuổi được coi là cánh tay phải của Pol Pot, lãnh đạo số 1 của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, và Khieu Sampan, 87 tuổi từng là chủ tịch nước Campuchia thời Khmer Đỏ đã phạm các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng nhằm vào người Hồi giáo Chăm và người Việt Nam. Đây là những lãnh đạo đầu tiên của Khmer Đỏ bị kết tội diệt chủng và bị tuyên án tù chung thân trong Vụ án 002/02.

Sau 40 năm sự thật mới được phơi bày, nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới đã thừa nhận: Nhân loại đã nợ Việt Nam một lời xin lỗi và cảm ơn về vấn đề Campuchia mà trong quá khứ đã từng bị hiểu sai. Đồng thời họ thẳng thừng lên án sự lừa dối, che đậy tội ác tày trời của chính quyền Pol Pot. Họ cho rằng, dù là với động cơ gì, bị "lừa" hay không, sự tuyên truyền sai lạc của các nhà báo, chính trị gia nước ngoài được chính quyền Pol Pot lựa chọn, đã góp phần che giấu sự thật khủng khiếp về cuộc diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.

Giáo sư Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đồng tình với phân tích của giới sử học Quốc tế khi cho rằng, dù muộn màng, nhưng sau hàng chục năm thế giới đã có cái nhìn đúng đắn về những hy sinh của các các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trong những ngày bão lửa ở Campuchia. Trước hết theo ông Thayer, không thể phủ nhận một sự thật rằng người Việt Nam đã giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều người từng dùng thuật ngữ “xâm lược” để nói về những ngày bão lửa mà quân đội Việt Nam hiệp lực cùng quân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot.

Nguyên nhân của nhận định sai lầm này theo vị Giáo sư Australia là vào cuối những năm 1970, những người chống lại chủ nghĩa xã hội Việt Nam luôn một mực tin rằng Việt Nam đang tìm cách tạo ra một Liên Bang chủ nghĩa/cộng sản Đông Dương đặt dưới sự quyền kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó, thế giới bên ngoài lại không biết nhiều về cuộc thảm sát người Campuchia dưới thời Khmer Đỏ hay chuỗi những cuộc tấn công liên tục của Khmer Đỏ vào các làng mạc Việt Nam ở biên giới với Campuchia.

Khi tiến vào Campuchia để giúp người dân nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, quân đội Việt Nam đã tiến tới gần biên giới Thái Lan. Khi đó, Thái Lan lo sợ bị tấn công nên đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. “Nhưng trên thực tế Việt Nam đã can thiệp quân sự vào Campuchia chỉ là để tự vệ, ngăn chặn sự bao vây của Trung Quốc và giúp giải phóng người Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo”, ông Thayer khẳng định.

Lịch sử đã minh xét

Tuy nhiên, những đánh giá, những định kiến sai lầm đó đã tồn tại trong hàng chục năm, từng phủi sạch hoàn toàn những hy sinh của các các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trong những ngày bão lửa ở Campuchia. Mặc dù vậy, cộng đồng quốc tế trong 40 năm qua đã và đang dần thay đổi quan điểm và các chính trị gia từng chỉ trích nặng nề Việt Nam vào cuối những năm 1970 cũng đã nhận ra những sai lệch trong nhận định của họ. Ví dụ như chính phủ Australia sau khi Đảng Lao Động giành lại quyền lãnh đạo chính quyền vào năm 1983 đã tìm cách chấm dứt sự cô lập với Việt Nam và tìm cách thúc đẩy hòa bình.

Đến ngày 22/9/2022, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) xử phiên phúc thẩm cũng là phiên cuối cùng đối với kháng cáo của bị cáo Khieu Samphan - cựu Chủ tịch nước của chế độ “Campuchia Dân chủ”.Trong phán quyết lần này, Tòa án vẫn kết tội diệt chủng và giữ nguyên án chung thân đối với Khieu Samphan, đồng thời đóng lại việc kháng cáo của bị cáo.

Trong tiến trình lịch sử đó, đại diện Chính phủ Hoàng gia Campuchia và nhân dân tiến bộ yêu chuộng lẽ phải, công lý và hóa bình trên khắp thế giới luôn khẳng định quân tình nguyện Việt Nam đã cứu nhân dân và đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng thảm khốc chưa từng có trong lịch sử của đất nước này.

Ngày 7/1/2019, trong dịp Campuchia tổ chức lễ mừng chiến thắng 40 năm ngày lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot Khmer đỏ (7/1/1979 - 7/1/2019), Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định nghĩa cử của Việt Nam mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia. "Đại diện cho người dân Campuchia, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, Quân đội và người dân Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia trong quá trình đấu tranh để giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh tại buổi lễ mít tinh.

Ngày 20/6/2022, phát biểu tại “Lễ kỷ niệm 45 năm hành trình tiến tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” (20/6/1977 - 20/6/2022) và khánh thành một số hạng mục trong khu tưởng niệm ở Koh Thmar X16 ở huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen khẳng định, nhờ Việt Nam giúp đỡ cứu tính mạng người dân Campuchia, dù chúng ta phải chịu sự bất công trong một thời gian dài khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia bị Liên hợp quốc áp đặt trừng phạt, Việt Nam cũng bị “trừng phạt” với cáo buộc xâm lược Campuchia. Tuy nhiên, giờ đây Việt Nam đã được nhận lại công lý cùng với Đảng Nhân dân Campuchia. Thành công của việc xét xử Khmer Đỏ đã mang lại công bằng cho lực lượng kháng chiến của Campuchia với sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam.

“Tôi xin khẳng định không phải Việt Nam rút quân sau Hiệp định hòa bình Paris và cần làm rõ điểm này. Việt Nam rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia vào ngày 30/9/1989, nghĩa là trước Hiệp định hòa bình Paris 2 năm. Đó là thời điểm ta đang xây dựng lực lượng của mình, tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát được tình hình. Và mặt quốc tế về vấn đề Campuchia cũng đã kết thúc, bởi giải pháp về Campuchia có hai vấn đề là bối cảnh trong nước và quốc tế. Vì vậy, khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia thì mặt quốc tế được giải quyết, chỉ còn lại mặt nội bộ, mang lại cho Campuchia cơ hội cho nhiều bên liên quan cùng tham gia giải quyết, kể cả các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, để đạt được Hiệp định hòa bình Paris. Đây là điểm lịch sử mà ta cần nhắc lại, bởi một số người cho rằng Việt Nam rút quân là do Hiệp định hòa bình Paris. Điều này không đúng với tình hình thực tế ở Campuchia…” Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

hoan02-1690531329.jpg

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại lễ kỷ niệm 44 năm Ngày chiến thắng chế độ tàn bạo Pol Pot, giải phóng đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng (7-1-1979/7-1-2023) . Ảnh: freshnew

 

Ngày 7/1/2023, tại lễ kỷ niệm 44 năm Ngày chiến thắng chế độ tàn bạo Pol Pot, giải phóng đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng (7-1-1979/7-1-2023), Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh rằng, lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng được Chính phủ Campuchia tổ chức hằng năm nhằm nhắc nhở thế hệ tương lai về công lao Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu quốc Campuchia và Quân tình nguyện Việt Nam - những người đã hy sinh xương máu để đem lại sự hồi sinh cho đất nước Campuchia. Khẳng định nỗi thống khổ của nhân dân Campuchia chỉ chấm dứt khi lực lượng cách mạng yêu nước Campuchia thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu quốc Campuchia với sự hỗ trợ của Quân đội Việt Nam đã đánh bại Pol Pot, giành được chính quyền vào ngày 7-1-1979.

Lịch sử đã minh xét, Việt Nam sẵn sàng hi sinh cả máu của mình để giải cứu Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Campuchia từng bước hồi sinh. Một thực tế không thể phủ nhận và đã được cộng đồng cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi rằng, Dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam và Quân tình nguyện Việt Nam đã đổ máu, nước mắt của mình để xả thân cứu Campuchia bạn khỏi nạn diệt chủng tàn bạo không thể nào quên trong lịch sử nhân loại.

Nhiều năm qua Việt Nam và Campuchia luôn nỗ lực trong công tác biên giới; nhờ đó hai bên đã ký văn kiện công nhận thành quả 84% phân giới cắm mốc. Hai bên đang tích cực giải quyết 16% còn lại. Về trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước ngày càng phát triển.Trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt Nam – Campuchia tăng trưởng mạnh mẽ, đạt trên 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2021. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia, sau Trung Quốc và Mỹ và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.Tính đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong Top 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Theo Bộ Công Thương Việt Nam, năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm trước, đưa Việt Nam vươn lên là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ ba trên thế giới của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia cũng liên tục tăng trưởng, đến năm 2021 đã đạt mức 4,8 tỷ USD, tăng 16,45% so với năm 2020; năm 2022 đạt 5,75 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2021. Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Thái Lan) của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam hiện có trên 200 dự án đầu tư có hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong Top 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. 

Kỷ niệm 44 năm Campuchia khỏi họa diệt chủng (7-1-1979/7-1-2023) là dịp để chúng ta cùng nhìn lại sự thật lịch sử để càng thấy rõ quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia trong tiến trình lịch sử chung của hai nước. Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967. Năm 2005, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất đề ra phương châm mới trong phát triển quan hệ song phương là “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Với định hướng đó, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố, phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Trong những năm gần đây, quan hệ chính trị Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức kể cả khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước với các cơ chế thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu. Các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mặt trận, Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Hội hữu nghị, các tổ chức đoàn thể quần chúng của hai nước, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước. Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước được tăng cường. Hai bên luôn khẳng định không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia. Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.