Kỷ niệm 44 năm Campuchia khỏi họa diệt chủng (7-1-1979/7-1-2023): Nghĩa vụ quốc tế cao cả - Phát hiện Nhà tù Tuol Sleng (S21) - Địa ngục trần gian... (Bài 3)

Vũ Xuân Bân (Nguyên đặc phái viên TTXVN tại biên giới Tây Nam 1977, chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK trong các năm 1978-1979)

08/01/2023 23:09

Theo dõi trên

Trong khi chờ đợi đón đại quân Thông tấn campuchia (SPK ) về Thủ đô Phnom Penh và đoàn chuyên gia TTXVN sang giúp SPK, chúng tôi đã được các chiến sĩ quân quản đưa đến một trường học bị bỏ hoang, xung quanh tường bao bọc dây thép gai, bốn góc xung quanh khu vực này đều dựng vọng gác khác thường.

Thật là hãi hùng vì mùi tanh tưởi bốc lên nồng nặc. Gian phòng đầu tiên chúng tôi bước vào còn chỏng trơ một chiếc giường sắt xộc xệch dính bê bết máu, trên tường còn lưu 24 ảnh chân dung 9x12cm có đánh số tù, trong đó có cả trẻ em. Không khí chết chóc bao trùm khu vực này làm chúng tôi cảm thấy rờn rợn. Một số phòng bên cạnh còn cả xác chết từ lâu đã khô, đen thui. Hai chiến sĩ quân quản dẫn đường, bảo vệ chúng tôi, súng AK47 lăm lăm trong tay. Bỗng nhiên các anh đứng sững lại: “Hình như có người đến”. Đúng vậy! Một ông già gầy yếu, còm nhom như suy dinh dưỡng xuất hiện. Ông nói tiếng Campuchia và nói được tiếng Pháp. Biết chúng tôi là Kontóp (bộ đội) Việt Nam, ông rất mừng bày tỏ: “Các ông đã cứu chúng tôi khỏi họa diệt chủng!”. Bọn đao phủ Pol Pot đã rút khỏi nơi đây cả tuần nay, bỏ mặc cha con chúng tôi ở lại khu địa ngục trần gian này.

b1-nha-tu-tung-sleng-cpc-1690387167.jpg

Cổng vào Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (Tuol Sleng genocide museum) tại Thủ đô Phnom Penh Campuchia. Ảnh: Internet.

 

Ông mời chúng tôi đến ngôi nhà bên cạnh xúc động giới thiệu: Tôi từng tốt nghiệp Tú tài toàn phần tại trường College Chasseloup Laubat tại Sài Gòn thời Đông Dương thuộc Pháp (nay là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn - Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam, tức tốt nghiệp lớp 12). Tôi thuộc lòng Truyện Kiều của Việt Nam. Tôi là Yit Kim Seng - Giáo sư, bác sĩ, trông coi sức khỏe bọn cai ngục trại giam này. Đây nguyên là Trường Trung học Chao Ponhea Yat. Bè lũ Pol Pot đã biến nơi đây thành Nhà tù Toul Sleng (còn gọi là S21) và là Trung tâm thẩm vấn, tra khảo những “kẻ thù cách mạng” sau khi chiếm được Phnom Penh.

Từ tháng 4/1975 đến tháng 1/1979, có khoảng 17.000 người (một số tài liệu nói có đến 20.000 người) bị giam cầm và tra tấn đến chết tại Tuol Sleng. Phần lớn tù nhân là cán bộ và binh lính Khmer đỏ bị quy là mắc tội làm gián điệp cho địch hoặc bị quy tội có âm mưu lật đổ Pol Pot. Trong số này có cả nhân vật cao cấp của Khmer đỏ như Khoy Thoun, Vorn Vet và Hu Nim... là những người bất đồng với chế độ cai trị hà khắc của bè lũ Pol Pot. Ngoài ra, còn có một số người Việt, Lào, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Mỹ, New Zealand và Australia. Chỉ có một số ít thoát chết...

b1scan121-1690387067.jpg

Giáo sư bác sĩ Yit Kim Seng (bên phải) và con trai ông trước ngôi nhà 265 đường Tep Phan Thủ đô Phnom Penh sau ngày giải phóng tháng 1/1979. Ảnh: Vũ Xuân Bân

 

Thể theo nguyện vọng, ngay chiều hôm đó, chúng tôi đã dùng xe ô tô đưa cha con ông Yit Kim Seng từ Nhà tù Tuol Sleng (S21) về thăm nhà riêng số 265 đường phố Tep Phan ở ngay Thủ đô Phnom Penh mà cả gia đình ông phải rời bỏ ngay sau khi bè lũ Pol Pot vào tiếp quản (17/4/1975).

Tôi đã chụp ảnh cha con Giáo sư, bác sĩ Yit Kim Seng ngay trước cổng ngôi nhà riêng của ông số 265 đường phố Tep Phan cũng gần Nhà tù Toul Sleng và được sử dụng đăng trong sách ảnh Cộng hòa Nhân dân Campuchia xuất bản ngay sau mấy tháng giải phóng đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (đầu năm 1979) do TTXVN giúp Thông tấn xã Campuchia SPK biên soạn xuất bản. Ngôi biệt thự hai tầng bỏ hoang phế gần 4 năm xuống cấp nghiêm trọng. Ông rưng rưng nước mắt kể lại: “Khi bị lính Pol Pot đuổi ra khỏi Phnom Penh, tôi đi với người con trai lớn là sinh viên Y khoa Phnom Penh. Còn vợ và bốn đứa con nữa đi về hướng nào không sao tìm lại được... Hai mươi ngày rong ruổi trên đường, tôi đã phải chứng kiến những cảnh giết người hết sức dã man của bọn lính áo đen. Có tám phụ nữ đi với chúng tôi, vốn là thư ký đánh máy, bị chúng giết theo tám kiểu khác nhau. Chúng buộc tội cho họ “mang nặng tư tưởng cũ”! Vợ tôi cũng là nhân viên đánh máy chữ, không biết số phận ra sao? Càng về cuối, bọn đao phủ Pol Pot giết người càng tàn bạo hơn. Chúng đẩy hàng loạt người xuống giếng sâu hoặc xuống những hố to đã đào sẵn rồi hun khói cho đến chết. Những người bạn của tôi như ông Phuông Mô Ních, Xri Xeng, Xame Phol Cum cũng bị giết thê thảm như thế. Bọn cai ngục Trung tâm thẩm vấn Toul Sleng bị ốm đau nhiều nên đã đưa cha con tôi là thầy thuốc về chăm sóc sức khỏe cho chúng”.

Chia tay Giáo sư, bác sĩ Yit Kim Seng, chúng tôi cầu chúc cho ông sớm tìm được vợ và 4 người con bị thất lạc để gia đình được đoàn tụ tại ngôi nhà 265 đường Tep Phan thân yêu của mình. Điều chúc này không biết có thành hiện thực?

Rời nhà tù Toul Sleng về nơi đóng quân, tôi viết ngay tin “Phát hiện Nhà tù Toul Sleng (S21) - Địa ngục trần gian ngay giữa Thủ đô Phnom Penh”. Đây là thông tin phát hiện đầu tiên về bằng chứng tội ác tày trời của bè lũ diệt chủng Pol Pot ở Trung tâm thẩm vấn, tra tấn Toul Sleng qua lời kể của bác sĩ Yit Kim Seng. Đây là sự thật chứng minh tội ác tày trời mà bè lũ Pol Pot không thể chối cãi. Thông tin được phát trên bản tin thời sự của SPK và TTXVN đã gây xúc động, phẫn nộ của lương tri, sự chú ý của dư luận ở Campuchia và quốc tế. Từ thông tin này, nhiều đoàn khách quốc tế, nhất là báo giới các nước có dịp đến Phnom Penh trong những năm đầu thoát khỏi họa diệt chủng và cho đến tận bây giờ đều đến thăm “Nhà tù Toul Sleng”. Nơi đây đã trở thành "Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng", là chứng tích lịch sử không bao giờ quên về tội ác diệt chủng của bè lũ Pol Pot để không những cảnh tỉnh người dân Campuchia mà cả nhân loại phải có trách nhiệm kịp thời ngăn chặn không để tái diễn tội ác man rợ này.

Thông tin phát hiện về tội ác diệt chủng ghê rợn tại Nhà tù Toul Sleng ở Thủ đô Phnom Penh cứ lắng đọng trong tôi từ đó cho đến nay và có lẽ không bao giờ quên. Nhớ lại những năm tháng gian khổ mà đất nước ta và nước bạn Campuchia đã trải qua tuy đã lùi xa nhưng vẫn vang vọng đâu đây câu nói nổi tiếng của G. Phuxích, tác giả sách viết dưới giá treo cổ: “Loài người hãy cảnh giác!”.

Góp phần tham gia là phóng viên đưa tin về bảo vệ biên giới Tây Nam từ cuối tháng 9/1977 và từ cuối năm 1978 tiếp tục làm chuyên gia cho Thông tấn xã SPK cho đến tháng 9/1979 vừa tròn 2 năm, tôi rời Campuchia về nhận công tác tại Ban biên tập tin Trong nước TTXVN ở Hà Nội. Từ đó, tôi không biết nhiều về tình hình Campuchia. Đầu tháng 9/2007, sau 28 năm, tôi có dịp trở lại Campuchia, là thành viên trong Đoàn cán bộ TTXVN do Phó Tổng Giám đốc Trần Mai Hưởng lúc đó dẫn đầu thăm, làm việc với Thông tấn xã AKP. Tôi tìm hỏi và được biết Giáo sư, bác sĩ Yit Kim Seng sau khi thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, có thời kỳ ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia và cũng đã qua đời do tuổi cao sức yếu. Tôi rất tiếc không gặp lại được ông và con trai mà tôi đã từn chụp ảnh trước cổng nhà 265 đường Tep Phan nữa...

Sau gần 40 năm gắn bó trọn đời với TTXVN, tôi đã nghỉ hưu 13 năm nhưng vẫn vấn vương một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm phóng viên chiến trường lần thứ hai, sau chiến thắng vang dội 30/4/1975, lại tiếp tục đưa tin đất nước trong những ngày sôi động, quyết liệt, một lần nữa hành quân ra trận bảo vệ biên giới Tây Nam và làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia. Hy vọng một ngày nào đó, tôi sẽ có dịp trở lại đất nước Campuchia để chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ sau những năm tháng thoát khỏi họa diệt chủng, xứng danh với truyền thống vẻ vang của đất nước Chùa Tháp với sự quyến rũ của Angkor Thom, Angkor Wat.

V.X.B

Đón đọc Bài 4: Lịch sử đã minh xét - Việt Nam hy sinh cả máu của mình để giải cứu Campuchia khỏi nạn diệt chủng.