Mỗi lần từ TP Vũng Tàu ra Hà Nội để về quê Thái Bình, anh Đoàn Việt đều có nguyện vọng trước khi vào Nam muốn gặp bạn học cũ lớp Sử khóa 13 (1968-1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) hiện đang ở Hà Nội để hàn huyên đầu xuân, vì sức khỏe suy giảm đi nhiều, không biết những năm tới có ra được nữa không?
Nguyện vọng của anh đã được đáp ứng. Tôi lần theo danh sách trong quyển “Một thời để nhớ” (Khóa 13 – Khoa Lịch sử- Đại học Tổng hợp Hà Nội) soạn tin nhắn bấm gửi 2 băng cho 20 bạn đồng môn Sử khóa 13 hiện đang sinh sống ở Hà Nội tụ họp tại 16 - Hoàng Quốc Việt – Hà Nội (quán bia Hải Xồm) thì có 12 bạn đến gặp mặt thân mật đầu xuân vào trưa mùng 7 Tết Ất Mùi (25/2/2015 dương lịch).
Lớp Sử khóa 13 đa số đã U70 – U80, một số anh chị nguyên là cán bộ một số cơ quan đi học còn cao tuổi hơn, đã bước sang bên kia dốc của cuộc đời, đều lên chức ông, bà. Đã nhiều vị về cõi vĩnh hằng, hiện một số anh chị không may mắc trọng bệnh đang tích cực điều trị, đa số đang mắc những bệnh người già (lão hóa), sức khỏe theo chiều hướng mỗi năm suy giảm đi một chút.
Anh Đoàn Việt đã từng bị thoái hóa đốt sống cổ, phải đi phẫu thuật, bác sĩ đóng chốt 4 đinh kim loại định vị đốt sống cổ, nếu không sẽ bị ngẹo đầu. Không những vậy, anh cũng bị vôi hóa một số đốt sống lưng, ảnh hưởng thần kinh tọa, đau buốt hai chân, phải đi hơi cà nhắc. Tôi đến đón anh bằng xe máy tại nhà khách Bộ Giáo dục & Đào tạo 23 Lê Thánh Tông, Hà Nội, anh ngần ngại vì nếu không may bị va quệt hay bị ngã thì sẽ an nguy đến đốt sống cổ vì phải chung sống với 4 đinh kim loại đóng định vị mấy năm nay. Nhưng thấy tôi đi xe máy chắc chắn, vững vàng, anh đành liều để đi. Anh cho biết, mấy năm nay, anh đi đâu đều bằng taxi cho an toàn, không dám đi và ngồi đèo sau bằng xe máy. Cuộc sống về già khổ thế đấy! Anh vừa phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ vừa kiên trì luyện tập thể dục hàng ngày, sức khỏe dần dần hồi phục, mới đi lại được như hôm nay để về thăm quê ngoài Bắc, có dịp gặp lại bạn học cũ tại Hà Nội đầu xuân Ất Mùi này. Anh Đoàn Việt bày tỏ: Cái quí nhất trên đời là sức khỏe, tình bạn và con cái phương trưởng chứ không phải là tài sản, tiền bạc, nhà lầu, xe hơi, vì chết có mang theo được đâu. Thật cảm động!
Gặp nhau vào ngày đầu Xuân Ất Mùi 2015, tay bắt mặt mừng, vui ngày hội ngộ. Đáng mừng và trân trọng, mỗi người gặp mặt hôm đó đều được anh Đoàn Việt, nguyên phóng viên TTXVN tăng một quyển sách “Vào Nam ra Bắc - Những chuyến đi và viết. Đây là ấn phẩm quý thông qua đó thấy được sự làm việc nghiêm túc, vất vả của nghề phóng viên trong thời chiến cũng như thời bình của anh Đoàn Việt.
Trước đó, năm 2012, anh Đoàn Việt cũng đã cho ra mắt quyển sách “35 năm làm báo” do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành, được bạn đọc đánh giá cao về ý thức nghề nghiệp cũng như công tác lưu trữ, hệ thống hóa bài viết kèm theo cả ảnh minh họa để sau khi nghỉ hưu có điều kiện xuất bản sách lưu lại cho muôn đời sau.
Quyển sách thứ 2 “Vào Nam ra Bắc - Những chuyến đi và viết” gồm gần 60 bài viết được anh tuyển chọn trong số hàng nghìn tin, bài tâm huyết mà anh Đoàn Việt đã viết trong quá trình 35 năm làm phóng viên TTXVN đã phát trên bản tin thời sự trong nước TTXVN cùng các ấn phẩm của ngành Thông tấn và một số báo khác.
Cuốn “Vào Nam ra Bắc - Những chuyến đi và viết” của nhà báo Đoàn Việt do Nhà xuất bản Thời Đại in ấn và phát hành cuối năm 2014 dày hơn 270 trang đã để lại trong lòng người đọc sự lưu luyến, kính trọng. Mỗi bài viết của nhà báo Đoàn Việt là những trăn trở, suy tư, với góc nhìn nhân văn và đầy trách nhiệm đối với đồng đội, xã hội và đất nước.
Đầu năm 1973, đúng lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cuối, nhà báo Đoàn Việt cùng 108 phóng viên “tân binh” của Thông Tấn xã Việt Nam (trong tổng số 149 sinh viên được tuyển chọn từ các trường Đại học ở phía Bắc đào tạo lớp phóng viên) lên đường đi B. Cuộc đời phóng viên chiến trường bắt đầu với các phóng viên trẻ vừa rời ghế giảng đường, hừng hực khí thế của tuổi trẻ. Nhà báo Đoàn Việt đã lao vào vùng chiến sự đạn nổ, bom rơi để… tập viết báo và trở thành nhà báo tên tuổi. Những trang bản thảo đầu tay của nhà báo Đoàn Việt là viết trên đường hành quân vào Trường Sơn, nơi máy bay B52 của Mỹ ngày đêm rải thảm, có khi bom rơi chỉ cách đoàn quân của ông chừng vài trăm mét. Chiếc xe chở đoàn quân, trong đó có nhà báo Đoàn Việt không may bị đổ, một số đồng đội của ông đã hy sinh, trong đó có những nhà báo trẻ chưa kịp viết được bài báo nào. Nhà báo Đoàn Việt bị chấn thương sọ não, được điều trị dài ngày. Vết thương lành chàng trai trẻ lại tiếp tục hành quân vào miền Nam viết báo tại R (Trung ương Cục miền Nam).
“Vào Nam ra Bắc - Những chuyến đi và viết” là cuốn sách tập hợp những bài viết tâm huyết của nhà báo Đoàn Việt trong suốt sự nghiệp làm báo về những tháng ngày hy sinh, gian khổ vượt Trường Sơn “mưa bom, đạn lửa” tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Phóng viên Đoàn Việt ra Bắc, năm 1984 tiếp tục khoác ba lô và xách máy ảnh lên biên giới phía Bắc dấn thân vào làn đạn pháo chống quân xâm lược phương Bắc để đưa tin, viết bài về chiến sự. Chiến tranh kết thúc, cuối năm 1988 nhà báo Đoàn Việt trở lại miền Nam và gắn bó sự nghiệp viết báo với mảnh đất Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cuốn sách “Vào Nam ra Bắc - Những chuyến đi và viết” đã gợi lại cho bạn bè, độc giả và những người từng đi qua chiến tranh nhớ về những năm tháng hào hùng, đẹp đẽ đã từng sống trước đây và lưu lại cho con cháu sau này.
Không chỉ nhiệt huyết về công tác chuyên môn, trong cuộc sống đời thường, từng sinh ra, lớn lên trong nghèo khổ, anh Đoàn Việt luôn ghét thói “trọng phú khinh bần”, xu nịnh, dùng quyền hành chèn ép “thảo dân”. Anh là người sống thật thà, mộc mạc, chất phát, chân tình, chan hòa, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người và cũng là người rất hay xúc động, mau nước mắt, đôi lúc cũng hay tủi thân. Do đó, khi còn làm việc cũng như khi đã nghỉ hưu, anh Đoàn Việt luôn được bạn bè quý mến, không giống như một số vị khi làm việc có một tí quyền hành luôn tỏ ra hống hách, tỏ vẻ ban ơn, đến khi về nghỉ hưu tuy đời sống vật chất không thiếu nhưng bị bạn bè, đồng nghiệp đều xem thường, trở thành cô đơn, tất yếu thấm mệt bởi thuyết nhân quả chi phối.
Gặp gỡ đầu xuân, anh chị em lớp Sử khóa 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng như bạn bè đồng nghiệp báo chí mong muốn rằng từ kinh nghiệm hai quyển sách đã xuất bản, anh Đoàn Việt cố gắng vươn lên viết tiểu thuyết dài hơi về quá trình tác nghiệp làm báo với biết bao thăng trầm, trăn trở, chiêm nghiệm cuộc đời từng làm phóng viên chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo về biên giới phía Bắc, phía Nam cũng như trong hòa bình, đổi mới, chủ động hội nhập xây dựng, bảo vệ đất nước, có thêm tác phẩm nữa xứng tầm cho hậu thế.