Thấm thoắt, đến nay đã gần nửa thế kỷ, kể từ ngày chuyến xe định mệnh đưa chúng mình vượt Trường Sơn vào Nam. Chuyến xe đó bị đổ ở Mường Mày, tỉnh Atôpơ (Attapeu) của nước Lào, làm cho 3 người hy sinh (trong đó có Thuyên ), 8 ngườ bị thương nặng và hơn 20 người khác bị thương nhẹ! Sau một tuần được đưa lên tuyến trên cấp cứu , mình đã ghi vài dòng nhật ký nay mới có dip nhắc lại.
Hơn 10 giờ sáng 2/4/1973, xe bọn mình bị đổ ở Mường Mày, tỉnh Atôpơ, thuộc cao nguyên Bôlôven. Mình chỉ thấy xe chao nhanh đến chóng mặt rồi không biết gì nữa. Sau đó, tỉnh dậy, mình mơ màng nghe tiếng Thanh Liêm nói như mếu: “Đây thằng Việt, nó còn sống”. Rồi nó nói tiếp: “Chú Bang đâu, cái Oanh đâu? Ối trời ơi! chú Bang chết rồi, cả cái Oanh nữa!”. Mấy đứa gọi, nói không ra hơi. Mình úp hai tay vào mặt giơ ra toàn máu tươi. Đầu đau nhức không thể chịu được, cả người và chân đều đau, không nhấc chân lên được. Nhưng một ý nghĩ thoáng qua là mình vẫn còn sống. Mình lại nghe Liêm nói thều thào, ngắt quãng: “Thôi bây giờ chuyển chúng nó vào chỗ râm, không nắng quá”. Một lúc sau, xe ô tô chở bọn mình vào trạm giao liên 79. Ở đây, họ cấp cứu và tiếp nước cho những người bị nặng, trong đó có mình. Mình tỉnh dần và nghe thấy tiếng thở ò, ò ở phía ngoài. Nghe mọi người nói với nhau đó là Thuyên. Sau mình mới biết Thuyên bị vào não và dập phổi, bác sĩ phải phẫu thuật mở cuống họng ra để Thuyên thở. Hai tiếng sau Thuyên trút hơi thở cuối cùng. Bên cạnh mình là Vũ Tiến Thục, bên phải là Châu, kế đó là Vy và mấy đứa nữa. Thục đang được tiếp huyết thanh thì phải. Cả mình, Châu và Vy cũng được tiếp. Mình nén đau, cố nghiêng đầu nhìn thấy Thục có vẻ tỉnh, nhưng đáng lo là Thục vốn bị bệnh tim từ hồi cùng học Đại học với mình. Châu bị thương nghe đâu vào mặt, cũng nặng, nằm im không động đậy. Vy thì rên và thở to. Mấy người chú ý vào Vy. Thật khổ cho chúng nó!”
Thuyên ơi, theo Thanh Liêm, bạn thân nhất của Thuyên trong lớp Sử chúng mình kể lại trong cuốn “Mây phủ Giăng Màn” là: qua Liêm, Thuyên và Sinh (người cô của Liêm, học trường Cao Đẳng sư phạm Hà Tĩnh) đã có thiện cảm với nhau. Ngày được tin Thuyên hy sinh, cô đã khóc rất nhiều. Rồi Nguyễn Thị Phương Thảo phóng viên ảnh – người yêu của Thuyên - cặp đôi duy nhất được công khai báo cáo tổ chức lớp GP 10 (cùng vượt Trường Sơn vào Nam nhưng đi xe khác), không hiểu sao, lần đưa tiễn Thuyên ra nơi an nghỉ cuối cùng, giữa rừng già bát ngát của nước Lào, Thảo vẫn kiếm được một bát cơm nén chặt với 2 quả trứng luộc đặt lên mộ của Thuyên, nói lời vĩnh biệt trong tiếng nấc như người vợ xa chồng! Còn nhà báo Nguyễn Thị Thu Hương, người bị thương nặng trong chuyến xe đó, sau này, có viết về Thuyên: “Tin Thuyên mất về đến quê hương thì mẹ của Thuyên đã ngất đi và sau đó, bà bị mù cả hai mắt vì khóc thương người con trai ra đi mới 23 tuổi xuân”.
Thương mẹ quá Thuyên ơi!
Trong sách “Chân dung các nhà báo – Liệt sĩ” của Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồng Giao có viết về Thuyên: Hồi nhỏ, Thuyên là cậu bé khôi ngô, nhanh nhẹn, học giỏi và giầu lòng thương người. Thuyên thích làm thơ và năm lóp 7, đã có bài thơ hay, trong đó có câu viết về đồng lúa quê hương:
“Đồng vàng, thảm lúa xum xuê,
Thơm thơm hương mới đồng quê gặt mùa”
Cũng theo nhà báo Hồng Giao, sau khi tốt nghiệp cấp III, Thuyên đã làm đơn tình nguyện đi bộ đội nhưng kỳ tuyển quân chưa đến thì Thuyên đã có giấy gọi vào Đại học. Thuyên ơi, có lẽ, cho đến nay, không một lớp nào trong khoa Sử (Trường Đại học Tổng hợp trước đây) phải trải qua những vất vả, gian khổ nhiều như lớp chúng mình. Chúng mình phải trải qua 3 lần đi sơ tán vì máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội: 1968 lên trại Chuối huyện Đại Từ, Thái Nguyên, phải tự lên rừng chặt cây làm nhà ở bên bờ sông Công (nay những đất nền đó đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng hồ Núi Cốc); năm 1970 sơ tán lên huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội) và năm 1971 lên huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Chúng mình cũng phải 3 lần đi lao động XHCN: năm 1969 đi đắp đê ở xã Phú Cường, huyện Ba Vì, Hà Tây; năm 1970 đi đào hồ Giảng Võ (nay thành khu tập thể có hồ rất đẹp ở Hà Nội) và năm 1971, do đê Cống Thôn (Gia Lâm) bị vỡ, chúng minh phải đi cứu gạo ở kho Yên Viên, gạo thối, nước ngập đến cổ, phải buộc từng bao gạo kéo ra ga, đưa lên tàu, tối về dù tắm thế nào cũng không hết mùi hôi thối, ai cũng bị ghẻ lở, nhất là chị em! Rồi cũng 3 lần, chúng mình đi thực tập theo chuyên đề ở các tỉnh. Những năm đó, nhiều bạn trong lớp mình đã phải rời bút nghiên đi bộ đội, Công an, sau đó, có người được trở lại học, vươn lên thành những Giáo sư, Phó giáo sư Tiến sĩ đầu ngành Lịch sử nước nhà, có người tiếp tục theo nghiệpnhà binh và cũng có người khi trở về đành phải gắn với nghề cày cuốc! Và vào “mùa hè đỏ lửa” của năm thứ tư (1972), khi chúng mình đang làm luận văn tốt nghiệp thì được tuyển chọn vào lớp đào tạo phóng viên đi B chi viện cho TTXGP. Tất cả gian khổ và học tập ở trường Đại học đã rèn luyện chúng mình có sức khỏe, tinh thần sắt đá, hăng hái đi chiến trường, vậy mà tai nạn đã xẩy ra…
Thuyên ơi, những người bị thương nặng trong chuyến xe đó, đến nay, đã có 4 người ra đi mãi mãi, đó là các nhà báo: Vũ Tiến Thục (từng bị chấn thương sọ não, mất năm 2009; Tô Xuân Hợi (bị gẫy xương chậu), mất 2014; Nguyễn Thị Phương Thảo, nguyên là người yêu của Thuyên, tuy không bị đổ xe nhưng bị bạo bệnh, đã mất năm 2015; Nguyễn Thị Thu Hương (bị gẫy xương đòn), mất 2016 .
Thuyên có biết không, cơ quan ta đã cử người cùng đơn vị bộ đội K53 Kon Tum và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kontum sang Atôpơ nơi có trạm 79, Binh trạm 37, thuộc đường dây 559 trước đây, tìm hài cốt chú Bang, Oanh và Thuyên nhưng không thấy. Thuyên ơi, bạn đang ở đâu nơi gió núi, mây ngàn của rừng Trường Sơn hùng vĩ mấy chục năm qua? Mọi người vẫn chờ mong tin Thuyên. Thuyên có linh thiêng thì hãy bay về quê mẹ, xã miền biển Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – nơi Thuyên đã viết bài thơ về biển rất hay năm nào:
“Biển quê như mẹ, như cha,
Thay nhau hát mãi lời ca ru mình”.
Hy vọng linh hồn Thuyên ứng báo cho người thân hoặc bạn bè biết nơi an nghỉ để tìm kiếm hài cốt bạn đưa về quê an táng cho thỏa lòng mong ước của đồng nghiệp, nhất là người thân của Thuyên ử quê nhà!
Đ.V