Ngày nhập trường của cựu sinh viên lớp Sử khoá 13 vào mùa Thu năm 1968 trong bối cảnh không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, phải sơ tán về học tại xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ thời điểm nhập trường đó đến mùa Thu năm 2023 tròn 55 năm. Nơi học sơ tán xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ đã trở thành lòng hồ thuỷ lợi núi Cốc từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước.
Chụp ảnh kỷ niệm dưới chân đập hạ lưu thủy điện Thác Bà (Yên Bái).
Cựu sinh viên lớp Sử 13 đến nay đều đã U80, U90 về nghỉ hưu nhiều năm, sau khi tốt nghiệp ra trường đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác, trong đó nhiều người đã thành danh, trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà báo, Nhà văn, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chuyên viên nghiên cứu, Sĩ quan Công an, Quân đội… từng công tác trên khắp mọi miền đất nước, có những thành viên từng đảm nhiệm vị trí công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học cùng nhiều cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Sau khi về nghỉ hưu, một số thành viên của lớp vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, tham gia hội thảo khoa hoc liên quan đến lịch sử, viết báo, viết sách đóng góp cho xã hội.
Đoàn tham quan ba tổ máy thủy điện Thác Bà đang phát điện, trong đó.phần vỏ ngoài tổ máy số 3 còn lưu dấu vết bom đạn Mỹ đánh phá xuyên thủng vào giữa năm 1972.
Lớp vẫn duy trì gặp mặt truyền thống hàng năm để chia sẻ trong cuộc sống khi tuổi cao niên. Ban liên lạc lớp sử 13 tích cực hoạt động thăm hỏi khi ốm đau, động viên nhau sống vui, khỏe, có ích.
Lớp Sử khóa 13 có 102 Cựu sinh viên đến mùa Thu năm 2023 đã có 22 thành viên về với tiên tổ, trong đó có một liệt sĩ chống Mỹ cứu nước. Nhân dịp này xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ những đồng nghiệp lớp sử khoá 13 đã rời cõi tạm về với tổ tiên.
Đoàn chụp ảnh kỷ niệm Di tích lịch sử Bến phà Âu Lâu (sông Hồng) TP Yên Bái. Đây là địa danh in dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân tỉnh Yên Bái, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Trong thời gian ở Yên Bái, các cựu sinh viên lớp Sử 13 đã hành hương về Thị xã Nghĩa Lộ, ngắm cánh đồng Mường Lò (lớn thứ 2 Tây Bắc), chụp ảnh danh lam thắng cảnh nơi đây, nghỉ trưa, thưởng thức ẩm thực dân tộc Thái, tắm nước khoáng tại Khu du lịch Homestay Thoại Ngân xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (cách thị xã Nghĩa Lộ hơn 10 Km), nay là thị trấn huyện lỵ Văn Chấn. Đoàn cũng đã thăm, tưởng niệm khu Di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 bị thực dân Pháp hành hình, nằm trong khuôn viên công viên Yên Hòa, bên cạnh đại lộ mang tên nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, thuộc phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội chụp ảnh kỷ niệm tại di tích lịch sử "Căng - đồn Nghĩa Lộ" (Yên Bái).
Đoàn cựu sinh viên lớp Sử 13 đã thuê tàu du lịch du ngoạn, chụp ảnh thắng cảnh hồ thuỷ điện Thác Bà, rảo bước trên con đập sừng sững cao 48 m hiên ngang chặn dòng thác lũ trên dòng sông Chảy (một nhánh lớn của sông Lô) thuộc địa phận huyện Yên Bình (Yên Bái). Đoàn cũng đã được hướng dẫn tham quan 3 tổ máy đang phát điện với mỗi tổ máy là 40 MV (tổng công suất 120 MW) ở ngay dưới hạ lưu con đập. Đây là một trong những thuỷ điện đầu tiên của nước ta. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát,... đổ về, làm tăng lượng phù sa và các loài sinh vật phong phú cho hồ.
Chụp ảnh kỷ niệm dưới chân tượng đài Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái.
Công trình thủy điện Thác Bà được khảo sát thiết kế từ năm 1959 đến năm 1961,; từ năm 1962 đến 1964 xây dựng cơ sở ha tầng; khởi công xây dựng ngày 19/8/1964, hoàn thành đưa vào vận hành từ ngày 5/10/1971, được ví như “Hạ Long trên núi” của vùng Tây Bắc.
Khu mộ chung tưởng niệm 17 nghĩa sĩ; 17 chiếc cột thể hiện cho 17 con người đã anh dũng ngã xuống năm 1930.
Hồ thủy điện Thác Bà là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam được hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ rộng gần 20 nghìn ha nước mặt với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi, là một kỳ quan của tỉnh Yên Bái và được công nhận là Di tích Lịch sử danh thắng cấp Quốc gia từ tháng 9/1996.
Đống nghiệp Vũ Đình Thơm (thứ hai từ trái sang) và gia đình liên hoan với các món ngon đặc sản của địa phương để chia tay đoàn Cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 Đại học Tổng hợp Hà Nội tại nhà hàng Thuần Việt TP Yên Bái.
Được đồng nghiệp Vũ Đình Thơm giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo, cuộc gặp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm nhập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hành hương về quê hương Yên Bái ghi đậm dấu ấn không bao giờ phai mờ về vùng đất lịch sử cửa ngõ vùng Tây Bắc của đất nước.
Cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 Phạm Công phin tấu đàn bầu nhiều bài ca nổi tiếng tại Nhà khách Yên Ninh phục vụ đoàn sau 2 ngày hành hương ở Yên Bái.
Trước sảnh Nhà khách Yên Ninh- TP Yên Bái.
V.X.B