.
Cảm xúc tháng 10 trước thách thức chưa có tiền lệ
Suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội hiện ra với tất cả vẻ đẹp làm rung động bao trái tim của những người dân Việt. Những tên gọi thiêng liêng, tự hào mang bóng dáng hồn sông núi, khí thiêng trời đất, Hà Nội- “Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên. Cả một chiều dài lịch sử Việt Nam cùng truyền thống dựng nước, giữ nước “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” luôn in dấu thời gian trên khắp phố phường Thủ đô yêu dấu.
Những khu đô thị mới vệ tinh cao tầng, những công trình giao thông như Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 trên cao, hay những cây cầu bắc qua sông Hồng như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân… như đang khoác trên mình cả diện mạo mới với thế và lực mới của một Thủ đô hiện đại và năng động sau 67 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển.
Những ngày tháng 10 năm nay, khắp các tuyến phố trung tâm của Hà Nội không tập trung đông người như mọi năm vì vẫn phải nâng cao cảnh giác phòng chống đại dịch nhưng vẫn tràn ngập cờ hoa, đèn trang trí... chào mừng kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng và 22 năm được vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Cùng với hệ thống ánh sáng, nhiều tuyến đường còn được tô điểm thêm bởi màu sắc của những bông hoa tươi thắm. Trên các cột đèn ở nhiều tuyến đường còn được cắm thêm cả cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Con phố Đinh Tiên Hoàng rực rỡ với hình ảnh rồng thiêng. Các phố Điện Biên Phủ, Tràng Tiền lung linh, huyền ảo khi đêm về.
Hà Nội, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có "thế rồng cuộn hổ ngồi", "tiện hướng nhìn sông dựa núi", hơn ngàn năm trước đã được Lý Thái Tổ chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn. Từ kinh đô Cổ Loa của Nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2000 năm đến kinh đô Thăng Long của nhà nước Đại Việt của hơn 1011 năm trước, và ngày nay là Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội gần như là đất kinh kỳ, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa của văn minh Sông Hồng. Trải qua 1.011 năm, Thăng Long - Hà Nội mở rộng 133 lần. Còn trong 67 năm qua, diện tích Hà Nội tăng 22 lần (từ 152 km2 lên 3.344 km2). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, ngày 10/10/1954 đến nay, Hà Nội được giải phóng, mở ra thời kỳ mới của tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trong 67 năm qua, quân và dân Hà Nội đã lập nên những chiến công vang dội, nhiều thành tựu đáng tự hào từng được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (1999), được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000, ba lần nhận Huân chương Sao Vàng…
Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 đã đi vào lịch sử, như một mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Hà Nội và cả nước. Qua 67 năm xây dựng và phát triển, cùng với cả nước, thế và lực của Thủ đô lớn mạnh hơn trước rất nhiều, hội nhập, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế và đã có quan hệ hợp tác với trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đặc biệt, từ ngày 1/8/2008, Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, có diện tích hơn 3.334 km2 chiếm 1% về diện tích; số dân hơn 8 triệu người, chiếm 8,5% về dân số cả nước, nhưng hằng năm đóng góp trên 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu và mức này đang ngày càng tăng. Vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được khẳng định; xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu mối giao thương lớn của khu vực và thế giới.
Đợt dịch thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4-2021 chưa từng có tiền lệ mang tính toàn cầu, Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao nhất cả nước. Sau những lúng túng ban đầu về giãn cách xã hội, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, cầu thị tiếp thu góp ý của nhân dân, quân, dân Thủ đô nhanh chóng khắc phục, trên dưới đồng lòng, đoàn kết từng bước ngăn chặn đà lây lan, bước đầu khống chế được dịch. Tính đến trưa ngày 9-10, trong hơn 150 ngày của đợt bùng phát dịch thứ tư, Hà Nội chỉ ghi nhận 4.037 ca dương tính, nhiều người đã được chữa trị khỏi, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do CoVid 19.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch thứ tư, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) quý II-2021 của thành phố vẫn tăng 6,61%, cao hơn quý I-2021 (tăng 5,17%), đưa tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn bình quân chung của cả nước (5,64%). Tuy quý 3 gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội nhưng tăng trưởng GRDP 9 tháng của Hà Nội đạt 1,28%.
Trong gian lao thử thách, Hà Nội thực hiện an sinh xã hội “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã kịp thời giải quyết cho hơn 3,2 triệu lượt người dân thuộc 12 nhóm đối tượng trên địa bàn đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1.375 tỷ đồng...
Không những vậy, "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Trên tinh thần đó, Hà Nội đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong đợt chống dịch vừa qua, "nhường cơm xẻ áo" tích cực chi viện hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo (trị giá 75 tỷ đồng), tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và 18 tỉnh, thành phố phía Nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng, chưa kể hỗ trợ về lực lượng y bác sĩ, vật tư y tế, máy xét nghiệm... Trước đó, thành phố đã cử đoàn cán bộ y tế chi viện các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch CoVid 19.
Tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển
Kỷ niệm 67 năm giải phóng là dịp để Hà Nội khẳng định những thành tựu đạt được, làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững trong chặng đường tiếp theo. Nhưng đợt dịch CoVid 19 thứ 4 với biến chủng Delta siêu lây nhiễn đã làm đảo lộn tất cả. Bối cảnh kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng như trong cả nước và quốc tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó lường. Yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành, quân, dân Thủ đô là phải đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp chặt chẽ để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nắm bắt kịp thời tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành thành phố khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để đạt được mục tiêu kép, tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh. Hà Nội sẽ ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp; nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức; ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Hà Nội sẽ nỗ lực hết sức giữ vững thành quả chống dịch Covid-19 và từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Đó là: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học - công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Trong đó, Hà Nội tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin để kịp tiêm phủ mũi 2 trong tháng 10-2021.
Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ nay đến cuối năm, Hà Nội chú trọng vào 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt, Hà Nội đồng thời phải quyết tâm thực hiện các dự án, công trình mang tầm nhìn chiến lược vừa tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách mà cuộc sống đặt ra.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết riêng về chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4; đồng thời đã thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ. Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Hà Nội xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ, hầu hết đã xuống cấp, nhiều chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai. Nhưng do nhiều vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, đến nay số lượng chung cư được cải tạo chưa nhiều. Do đó, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhiệm kỳ này quyết tâm tạo bước đột phá về công tác cải tạo chung cư cũ nhằm bảo đảm sự an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Không chỉ có vậy, trên hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội xác định rõ yêu cầu văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Để phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, Hà Nội sẽ đặt trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách, có lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, văn minh, thanh lịch.
Là nơi hội tụ tinh hoa, Hà Nội có tiềm lực to lớn về khoa học - công nghệ với sự có mặt của phần lớn viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các học viện, trường đại học hàng đầu cả nước cùng lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư... Đây là thế mạnh mà Hà Nội sẽ tập trung khai thác nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các chương trình, kế hoạch phát triển, đồng thời tạo động lực thu hút nhà đầu tư đến với Thủ đô.
Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất lớn, nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với hành trang là những thành tựu vẻ vang cả trong quá khứ và hiện tại, Hà Nội sẽ không ngừng nỗ lực gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như tinh thần Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ca ngợi là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".
VXB