Kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7): Không được lãng quên

Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam. Vì tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc, trong đó có những con người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau. Từ đầu phía bắc cầu Thăng Long, chúng tôi ngược đê sông Hồng hơn 20 Km chỉ mấy chục phút đi ô tô đã đến xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ghé thăm thân nhân Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Nhạc để thắp một nén hương tưởng nhớ ông.

anh-hung-nguyen-van-nhac-1688995583.jpg

Chân dung Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Nhạc. Ảnh do gia đình cung cấp.

         Người con trai thứ của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Nhạc là Nguyễn Văn Uyển năm nay 83 tuổi không giấu nổi xúc động, lục tìm tài liệu, còn lưu giữ: Thân phụ ông là Nguyễn Văn Nhạc sinh năm 1908, tham gia cách mạng tháng 5 năm 1947, được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tháng 3 năm 1950.

Cẩn thận lật giở từng trang ghi lại thành thích hoạt động kháng chiến chống Pháp của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Nhạc hy sinh anh dũng cách nay hơn 70 năm, chúng tôi vô cùng khâm phục: Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến cứu quốc của Hồ Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Nhạc gia nhập đội du kích xã Liên Châu từ tháng 5 năm 1947, đã tích cực luyện tập quân sự, hăng hái tham gia xây dựng làng chiến đấu, đào hầm, hào giao thông dọc theo đường làng, ngày đêm canh gác phòng gian bảo mật an ninh thôn xóm.

32023-1689037385.jpg

Tác giả chụp ảnh kỷ niệm trước sảnh nhà ông Nguyễn Văn Uyển (bên trái) con trai thứ của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Nhạc.

Năm 1948, giặc Pháp mở rộng vùng kiểm soát  lên Sơn Tây. Chúng càn quét, bắn giết, đốt phá nhà cửa, cướp bóc tài sản của nhân dân. Bà con các xã Xuân Phú, Cẩm Đình, Vân Nam, Hát Môn bên kia sông Hồng và các cơ quan của huyện Phúc Thọ (nay thuộc Hà Nội) phải vượt sông Hồng sang bờ bắc, lánh tạm sang xã Liên Châu quê hương ông Nhạc. Chẳng những ông đón tiếp bà con đến ở gia đình mình mà còn lo liệu, thu xếp giúp đỡ cho nhiều bà con có nơi ăn ở ổn định.

          Tháng 8 năm 1949, giặc Pháp hành quân, càn quét đến xã Liên Châu. Anh em du kích không có súng mà chỉ có một số quả mìn muỗi và lựu đạn Phan Đình Phùng. Nhưng ông đã động viên anh em quyết tâm đánh giặc, giữ làng, bám dân chiến đấu đến cùng. Ông đã có sáng kiến chôn mìn đôi để đề phòng mìn thối không nổ, nếu nổ có sức công phá lớn diệt nhiều giặc. Trận này ông cùng tổ du kích giết chết 2 tên giặc cùng nhiều tên khác bị thương. Trận đánh này ở ngã ba dốc xuống chợ Rau của Liên Châu bây giờ.

          Tháng 10/1949, giặc Pháp lại đến càn quét, đốt phá, bắt bớ dân xã Liên Châu. Ông Nhạc đã dũng cảm, sáng kiến áp đảo địch, ông hô xung phong, bọn địch hoảng sợ bắn như trút đạn. Ông cùng tổ du kích lừa địch vào bãi mìn mới gài nổ làm chết 2 tên, nhiều tên khác bị thương. Bọn chúng hoảng sợ, rút lui, nhân dân xã Hồng Châu chứng kiến trận đánh đó, rất hoan nghênh, mến phục du kích xã Liên Châu. ÔngNhạc không những chiến đấu gan dạ, dũng cảm, mưu trí lập công xuất sắc mà còn là người luôn động viên đồng đội của mình dũng cảm, chiến đấu, do đó lần nào giặc Pháp đến làng xã Liên Châu cũng phải đền tội.

          Cuối tháng 10 năm 1949, giặc Pháp cấu kết với bọn phản động xây dựng đồn bốt ở Trò thuộc xã Yên Phương; bốt ở Đê Cổ Nha, xã Đại Tự; bốt ở thôn Cẩm Đường, xã Hồng Châu…. Xã Liên Châu bị địch ép nhiều phía. Bọn phản động nổi lên làm tay sai cho giặc. Chúng lùng sục, bắt bớ, tra tấn cán bộ đảng viên một cách dã man rồi lập các ban tề.  Liên Châu cũng như các xã khác trong vùng  tạm thời là vùng kiểm soát của giặc. Quyết Không đội trời chung với chúng, ông Nhạc giao 3 con nhỏ cho vợ trông nom, nuôi dưỡng, rút vào hoạt động  bí mật bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở kháng chiến.

            Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 1950, ông Nhạc cùng các đồng chí của mình do ông phụ trách đã đột nhập bắt và diệt 4 tên tề phản động, 3 lần tập trung giáo dục răn đe 2 ban tề ở Nhật Chiêu và trại Ích Bằng. Vì thế, 2 ban tề này chỉ hoạt động cầm chừng không dám bắt bớ, bóc lột, hành hạ nhân dân và các gia đình cơ sở, gia đình có người tham gia kháng chiến.

          Do có nhiều thành tích xuất sắc, mặc dù chủ trương của Đảng vào thời điểm đó là tạm thời ngừng phát triển Đảng nhưng căn cứ vào báo cáo đề nghị của Ban chi ủy Chi bộ xã Liên Châu, tháng 3 năm 1950, Ban chấp hành Huyện ủy  Yên Lạc đã chuẩn y kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Nhạc vào Đảng lao động Việt Nam, nay là Đảng cộng sản Việt Nam.

           Tháng 9 năm 1950, ba cán bộ là đồng chí Ty, đồng chí Dụy, đồng chí Phẩm ở vùng tự do thuộc xã Văn Quán, huyện Lập Thạch được cử về xã nắm tình hình và gây dựng cơ sở hậu địch, trong đó có đồng chí Phẩm lần đầu tiên vào hậu địch rất bỡ ngỡ về đường đi và phương pháp hoạt động. Sau khi làm đầy đủ nhiệm vụ được giao, đồng chí rút về Lập Thạch báo cáo với cấp ủy xã. Trên Đường đi đến xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường bị địch phục kích. Vì bị động bất ngờ, 3 đồng chí rút lui, 2 đồng chí Ty và Dụy trở về đơn vị an toàn, riêng đồng chí Phẩm không biết đường phải trở lại nằm ở cơ sở xã hàng chục ngày. Trong khi đó, địch lập vành đai trắng, gài mìn đường bộ, ra vào vùng địch không đi được, chỉ còn con đường duy nhất là đi đường thủy qua Bạch Hạc Việt Trì chẳng khác nào cửa tử. Đồng chí Nhạc cùng đồng chí Hùng Khánh được cử đón đồng chí Phẩm ra vùng tự do. Trên đường đi đến bờ sông xã Chu Minh ở bãi nổi giữa sông Hồng thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) thì gặp trường hợp vô cùng nguy hiểm, phức tạp là 2 đồng chí Dụy và Thận được giao nhiệm vụ đem Thuyền về đón khi qua Việt Trì, Bạch Hạc (cửa tử ), đồng chí Dụy bị địch bắn chết, đồng chí Thận bị thương gãy đùi chân phải trôi dạt về đây. Đồng chí Nhạc cùng đồng chí Hùng Khánh băng bó và đưa đồng chí Thận đi cứu chữa một thời gian vết thương lành, sức khỏe hồi phục. Đồng chí Thận lại tiếp tục tham gia chiến đấu, đã hy sinh trong một trận đánh quân Pháp đến chiếm đóng, đốt phá nhà cửa của nhân dân khu vực 6 xã Liên Châu ngày nay.

          Tháng 2 năm 1951, sau chiến dịch Trần Hưng Đạo, bọn địch chưa hoàn hồn, Ban chấp hành Huyện ủy Yên Lạc do đồng chí Quý trực tiếp giao nhiệm vụ cho xã Liên Châu phối hợp cùng với đơn vị bộ đội 478 của huyện tiêu diệt bốt Hương Dũng ác ôn. Thôn Nhật Tiến bắt được 2 tên đứng đầu bọn phản động là tên Lạc và tên Thảo,  Chánh phó xã ủy tề.  Ngay đêm đó, đồng chí Nhạc cùng một số đồng chí bộ đội giải 2 tên phản động  ra vùng tự do Lập Thạch. Trên đường đi đến cầu Đồng Lạc, xã Đồng Văn bị địch phục kích. Đồng chí Nhạc cùng đồng đội chống trả quyết liệt nhưng vì lực lượng địch đông, trong trận chiến đấu này đồng chí Nhạc bị thương vào ngực, bụng. Địch giải thoát cho 2 tên phản động. Lập tức địch điều 2 đội Âu Phi về vây chặt thôn Nhật Chiêu. Sáng ra chúng dồn hàng nghìn người dân của thôn Nhật Chiêu không để sót một ai đi ra ngoài, tập trung ở sân đình. Chúng cáng đồng chí Nhạc máu mê ướt đẫm thân mình cùng với 2 tên phản động cho mọi người nhìn thấy. Chúng đưa đồng chí Nhạc về làng tra tấn, hành hạ dã man vào giữa mùng 1 Tết Nguyên đán năm Tân Mão (1951).

 Mặc dù đồng chí Nhạc đã bị thương nặng nhưng chúng vẫn đánh vào đùi, vào chân làm cho chân, đùi đồng chí gãy nhừ.

            Không đạt được yêu cầu, chúng đưa vợ con đồng chí Nhạc đến dùng đòn tâm lý dụ dỗ đầu hàng, khai báo. Không dụ dỗ được, bọn chúng đã dùng gậy tre đánh tới tấp vào lưng vợ đồng chí Nhạc, hòng ép buộc vợ đồng chí khai báo cơ sở đồng đội của mình.

          Với hành động dã man của giặc đối với vợ đồng chí Nhạc giữa ngày mùng 1 Tết cổ truyền của dân tộc, với sự có mặt của hàng ngàn người dân, nhiều người tỏ ra sợ hãi, tưởng chừng đồng chí Nhạc không chịu nổi sẽ khai ra những người thân, những gia đình có người đi làm cách mạng, nhất là gia đình  có hầm bí mật nơi đang che giấu cán bộ. Dã man hơn, bọn Pháp cấu kết với bọn phản động ở địa phương đã dẫn vợ chồng  đồng chí Nhạc về nhà chứng kiến chúng  phá sạch, đốt sạch.

          Trong khi đồng chí Nhạc mang vết thương đau, chân, đùi dập nát, chúng vẫn đánh đập tra tấn hòng khai thác ở đồng chí. Đồng chí Nhạc vẫn bình tỉnh nói : “Cho tôi uống nước, tôi sẽ khai”. Bọn giặc hý hửng đem nước cho đồng chí uống, rồi tự tay đồng chí móc vết thương cho máu chảy ra định chết tại nhà chứ nhất định không khai báo điều gì.

 Mưu sâu kế hiểm, chúng dùng thủ đoạn thâm độc cho đồng chí Nhạc gặp gỡ vợ con, anh em trong gia đình, rồi tra tấn, dụ dỗ khai báo, trong đó có cả em đồng chí cùng tham gia đội du kích một lần nữa thất bại. Đồng chí Nhạc vẫn bình tĩnh, kiên trì, rồi lấy máu của mình xoa vào bàn tay, vào người của những người thân trong gia đình khiêng cáng đồng chí như muốn nhắc nhở mọi người hãy yên tâm, tin tưởng vào kháng chiến cứu nước, nhất quyết không đầu hàng giặc Pháp và bọn tay sai phản động.

      Mọi hành động  thủ đoạn thâm độc đối với  đồng chí Nhạc đều vô hiệu, cuối cùng chúng chịu thất bại và mang đồng chí đi thủ tiêu. Còn vợ con đồng chí, chúng bắt nhốt vào bốt huyện để cầm tù. Nhân dân, đồng đội vô cùng thương tiếc và kính phục lòng dũng cảm của đồng chí Nhạc, càng củng cố lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến cứu nước. Nhờ đó, cơ sở cách mạng xã Liên Châu trong kháng chiến chống Pháp không thời gian nào bị mất liên lạc.

     Vì Sự hi sinh oanh liệt cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn nhạc đã được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận là liệt sĩ.

            Đồng chí Nhạc là tấm gương chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tên tuổi và những chiến công của đồng chí được ghi lại trong cuốn “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Liên Châu” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) ấn hành ngày mùng 1 tháng 5 năm 1991.

          Đồng chí Nhạc có thành tích trong công tác cũng như trong chiến đấu là do sự giáo dục đào tạo của Đảng, sự cổ vũ giúp đỡ của đồng đội và nhân dân. Lòng căm thù giặc cùng bè lũ tay sai phản động, đồng chí Nhạc đã lập công xuất sắc, được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất.

          Năm 1998, Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Nhạc là  Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 7 năm nay kỷ niệm 76 năm ngày thương binh, liệt sĩ  (27/7/1947-27/7/2023) là  tháng của hành động tri ân, đáp nghĩa, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tất cả con tim của người con đất Việt đều hướng về anh linh, vong hồn của các anh hùng, liệt sĩ để nhắc nhở rằng, không được quên quá khứ hào hùng của dân tộc, không được lãng quên những mất mát, hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ, trong đó có Anh hùng liệt sĩ  Nguyễn Văn Nhạc, không được quên sự hy sinh thầm lặng, sắc son của hậu phương dành cho tiền tuyến...để đất nước có cơ đồ ngày hôm nay.

Đó là hành trang, năng lượng tích cực của chúng ta để vững vàng tiếp bước cha ông, không chỉ trong công cuộc giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc mà còn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đó là sự tri ân trọn vẹn của thế hệ hôm nay và mai sau để đền đáp công ơn, sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì sự trường tồn của đất nước Việt Nam. Hãy tự răn mình bằng những việc làm hữu ích cho non sông đất nước.

V.X.B