Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Tân Trào "Thủ đô cách mạng" đổi thay sâu sắc

Vũ Xuân Bân

18/08/2022 06:20

Theo dõi trên

Tháng 8 sắc thu thật dịu dàng và đầy quyến rũ khi về với quê hương cách mạng Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) giờ đây đổi thay sâu sắc. Con đường tới quần thể di tích lịch sử “Thủ đô cách mạng”, “Thủ đô kháng chiến”, đến tận bản làng, ngõ xóm đã được trải rộng, bê tông hóa, sạch đẹp.

vxb1ab-1660749023.jpg
Biểu tượng "Tân Trào Thủ đô cách mang" (ảnh chụp ngày 17/8/2022). Ảnh Nam Sương.

 

Nhà sàn mái ngói, nhà mái bằng của đồng bào các thôn bản đã khang trang, đẹp hơn trước rất nhiều, tạo diện mạo mới của quê hương cách mạng. Các điểm di tích trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào thường xuyên được đầu tư tu bổ, tôn tạo, quản lý chặt chẽ, có hiệu quả để đón du khách trong nước và nước ngoài về thăm.

vxb7ab-1660750217.jpg
PV Vanhoavaphattrien.vn Vũ Xuân Bân ghi chép tại Nhà trưng bày tượng đồng 14 vị tiền bối cách mạng gồm: Trường Chinh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu. Ảnh: Nam Sương.

 

Một trong những công trình mới được đầu tư xây dựng được nhiều người đến thăm, thắp hương tưởng nhớ, tri ân là Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng. Khu tưởng niệm này tọa lạc trên khu đất 10.000 m2 với kiến trúc đền, chùa truyền thống bao gồm lầu chuông, lầu trống, nhà đón tiếp, nhà trưng bày tượng đồng 14 vị tiền bối cách mạng đã từng sống, làm việc tại Tuyên Quang thời kỳ tiền khởi nghĩa và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng là công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử và văn hóa quan trọng, là nơi tham quan, tưởng niệm, giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

vxb3ab-1660749387.jpg
Nữ Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền (đứng giữa) tiếp các đoàn khách đến thắp hương tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Lâp (Sơn Dương - Tuyên Quang) sáng 17/8/2022. Ảnh: Nam Sương.

Những ngày Tháng Tám, nữ Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền rất bận rộn hướng dẫn các đoàn cán bộ của Trung ương và các tỉnh bạn đến thăm quê hương cách mạng Tân Trào. Gặp gỡ tại  Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ: Huyện duy trì thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu về văn hoá, con người, du lịch và tiềm năng về du lịch của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản văn hoá trên địa bàn huyện; quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp tục phối hợp triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030; thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 . 6 tháng đầu năm nay, huyện thu hút được 620.000 lượt khách tham quan du lịch, bằng 76,1% kế hoạch. Đến nay, huyện đã có 10/33 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện đạt 35,5%. Đời sống nhân dân trên địa bàn huyện ổn định và từng bước được nâng lên… Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 giảm còn 4,61%; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,5 triệu đồng/người/năm; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người lên 46,8 triệu đồng/người/năm 2022.

vxb4ab-1660751417.jpg

Ảnh: Nam Sương.

 

Dừng chân tại làng Tân Lập có những ngôi nhà đã trở thành di tích lịch sử, như nhà của ông Nguyễn Tiến Sự (ảnh trên), nơi Bác Hồ đã ở khi chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào; nhà của ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc trong thời gian tiến tới Tổng khởi nghĩa, từ ngày 21/5 đến ngày 16/8/1945. Tân Lập đã trở thành “Làng văn hóa du lịch” là cơ hội để bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương, tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ và nâng cao thu nhập và đời sống.

vxb3abc-1660752984.jpg
Trước cổng cây đa Tân Trào sáng 17/8/2022. Ảnh: Nam Sương

 

Ông Ma Anh Tuấn, Trưởng thôn Tân Lập, cho biết: Người dân trong làng Tân Lập ai cũng rất tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có cây đa Tân Trào lịch sử. Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân, đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường tiến sang giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội...Từ giây phút đó, cây đa Tân Trào trở thành biểu tượng của Cách mạng tháng Tám, là nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam. Từ lễ xuất quân này, đội quân giải phóng đã phát triển, trở thành những binh đoàn hùng mạnh, đi suốt dọc dài đất nước, đánh thắng kẻ thù xâm lược, làm nên những chiến công vang dội của quân đội nhân dân Việt Nam.

vxb2abc-1660752018.jpg
Làng văn hóa du lịch Tân Lập nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang). Ảnh: Nam Sương.

 

Hành trình về với Khu di tích quốc gia đặc biệt quê hương cách mạng Tân Trào khởi nghĩa chính là về với cội nguồn, được sống lại không khí hào hùng, sục sôi của cách mạng, được nghe những câu chuyện xúc động về Bác Hồ, về sự gian khổ của thời kỳ đầu kháng chiến trong cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử cách nay 77 năm như một lời nhắc nhở về đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. 

Chuyến hành hương về Khu di tích Quốc gia đặc biệt quê hương cách mạng Tân Trào vào những ngày Tháng Tám, chúng tôi như được sống lại không khí hào hùng, sục sôi của cách mạng “Mười chín Tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam”. Từ trong sâu thẳm của trái tim, chúng tôi được lắng nghe những câu chuyện xúc động về Bác Hồ “Ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường...”, về sự gian lao của thời kỳ đầu kháng chiến trong cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm xưa như một lời nhắc nhở về đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Một lần nữa, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn sự hi sinh to lớn của các thế hệ đi trước để chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.

vxb6ab-1660752349.jpg
Đồi chè sinh thái xanh Sơn Dương - Tuyên Quang. Ảnh Nam Sương.

 

Ghé thăm lán Nà Nưa,  cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái…, Đặc biệt là đình Tân Trào là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17-8-1945. Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng; thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định Quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sau khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra, đến ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Hà Nội và cả nước trong khí thế sục sôi cách mạng đã biểu tình thị uy chiếm Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) góp phần đưa đến thắng lợi của cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám 1945 lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân.

vxb8ab-1660752544.jpg

Một góc Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương - Tuyên Quang) đang xây dựng. Ảnh: Quang Đán..

 

Qua nghe thuyết minh, chúng tôi đều cảm nhận mỗi địa danh ở Tân Trào trong chuỗi các di tích lịch sử, gắn bó với Bác Hồ từng nhiều năm sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng. Mỗi sự kiện lịch sử cách mạng nơi đây đều liên quan đến vận mệnh dân tộc trước Cách mạng Tháng Tám… Chúng tôi có dịp hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc những ngày Tháng 8/1945 lịch sử, càng thêm yêu quê hương, đất nước. Quê hương cánh mạng Tân Trào còn chứa đầy những dấu tích cách mạng về “cuộc đổi đời kỳ vĩ” trong tiến trình lịch sử đất nước, mở đường đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên mới độc lập, tự do.

Nơi đây có các địa danh gắn liền với những câu thơ trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu: "Mình đi mình có nhớ mình/ Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa/  Mình về mình có nhớ ta/ Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào". Vùng đất Tân Trào lịch sử từng là trung tâm "Thủ đô khu giải phóng”, trung tâm “Thủ đô kháng chiến”, nơi từng diễn ra những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ấn tượng vẫn còn ghi nhớ trong mỗi chúng tôi ngày nay Tân Trào trở thành một “địa chỉ đỏ” - điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang, thu hút nhiều du khách.

Đó cũng chính là lý do mà Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mọi thế hệ người Việt, đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một mốc son chói lọi, mở ra một trang sử mới, trang sử hào hùng nhất suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tinh thần cách mạng tháng Tám đã hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Dòng chảy ấy sẽ còn chảy mãi từ thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau về “cuộc đổi đời kỳ vĩ” trong tiến trình lịch sử, mở đường đưa đất nước Việt Nam, trải qua bao gian khổ để "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.

V.X.B

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Tân Trào "Thủ đô cách mạng" đổi thay sâu sắc" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn