Kỷ niệm 91 năm thành lập MTTQ Việt Nam (18/11): Cội nguồn sức mạnh Việt Nam

Hôm nay (18/11) kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2021), là ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ nhiều năm nay đã thành thông lệ, vào những ngày tháng 11 này, trên khắp mọi miền Tổ quốc đều diễn ra các cuộc gặp gỡ sôi nổi, ấm áp tại các tổ dân phố ở đô thị và tại các thôn, bản ở nông thôn trở thành ngày hội toàn dân để ôn lại lịch sử chặng đường 91 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.
dai-dk-1637202842.jpg
Tranh minh họa. Nguồn: Internet.

Đáng chú ý, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại nhiều thôn bản xa xôi ở biên giới phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... đã có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự để củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường hơn nữa sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.

Cội nguồn sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc bắt nguồn từ đặc điểm lịch sử dựng nước và giữ nước hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam là phải thường xuyên chống chọi với thiên tai khắc nghiệt và giặc ngoại xâm. Không có con đường nào khác, nhân dân ta phải đoàn kết trên dưới một lòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp mới đủ sức đương đầu, vượt qua mọi thách thức thì mới tồn tại và phát triển.

Do đó, Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ :“ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, đang là động lực, kết nối sức mạnh vô địch của toàn dân tộc Việt Nam. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ khi  ra đời, Ðảng  ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh  luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám  năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lập nên những kỳ tích vẻ vang.

Đặc biệt, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “ Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thành quả đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong công tác dân vận tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và các đoàn thể với các tầng lớp nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường, phát huy. Ðường lối chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận  và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðó là các phong trào, cuộc vận động “ Toàn dân  xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở’’; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh’’; “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’; hoạt động bảo vệ biên giới, chủ quyền, biển đảo, phòng chống thiên tai, bão lũ và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng xây dựng quê hương, đất nước.

Trong hai năm nay, Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh Việt Nam đang được thể hiện đậm nét trong “cuộc chiến” phòng chống đại dịch CoVid 19 (còn gọi là SARS CoV 2) là thử thách chưa từng có đối với Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Qua cuộc chiến cam go này, truyền thống  đoàn kết, nhân ái của người Việt Nam "lá lành đùm lá rách", “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” tiếp tục lan toả.

Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 từ cuối tháng 4/20021 đến nay là minh chứng sinh động càng trong lúc khó khăn, thách thức, tinh thần đại đoàn kết càng được phát huy mạnh mẽ. Khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của người dân lại càng được củng cố. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác chống dịch. Trong đó, ngành y tế đã huy động gần 20 nghìn cán bộ, lực lượng quân đội huy động hơn 133 nghìn cán bộ, lực lượng công an huy động hơn 126 nghìn cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ, tham gia phòng chống dịch tại các địa phương. Lực lượng y tế trung ương và 12 tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm, tiêm chủng, lực lượng quân y hỗ trợ và triển khai 531 trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh… Các lực lượng hỗ trợ đã cùng lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.

Chính phủ đã quyết định xuất cấp tổng cộng hơn 136.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 2,4 triệu hộ với hơn 9 triệu nhân khẩu ở 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chúng ta đã chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch. Theo số liệu thống kê từ Tiểu ban Vận động và huy động xã hội của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính từ ngày 1/5/2021 đến 1/10, số tiền và hiện vật ủng hộ qua hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức thành viên và Quỹ vaccine lên tới hơn 19.310 tỷ đồng. Đã thực hiện phân bổ, hỗ trợ các tỉnh, thành phố khoảng 13.106 tỷ đồng.

Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật (máy thở, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc, gói an sinh xã hội…) với tổng giá trị ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.

Nhờ huy động được sức mạnh tổng hợp của Đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta từng bước khống chế được đại dịch CoVid 19, cả nước chuyển sang trạng thái bình thương mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa hồi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Đất nước đang đứng trước thách thức và vận hội mới, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Trước mắt, chúng ta quyết tâm chiến thắng đại dịch CoVid 19, phấn đấu hoàn thành  thắng lợi nhiệm vụ phát triển  kinh tế - xã hội, từng bước đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Ðảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’’.

V.X.B