Kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí CMVN: Báo chí góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024), chúng ta  có dịp điểm qua chặng đường “Báo chí góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

dt1a-2022-11-30-09-41-489-1718846248.jpg

Tranh minh hoa. Nguồn: Internet.

 

Thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, đóng vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần rất lớn trong việc định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội. Qua đó, báo chí đã góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới theo các nội dung cơ bản trong Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) năm 1998 của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) năm 2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; và Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI năm 2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí thường xuyên đổi mới nội dung, tăng thời lượng, mở mới các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các chương trình đề cao tính tư tưởng, nhân văn, ca ngợi các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh những cá nhân, tập thể có ý thức và hành động cụ thể trong việc quảng bá, gìn giữ, phổ biến các vẻ đẹp văn hóa Việt. Diện phủ sóng các chương trình phát thanh, truyền hình ngày càng được mở rộng, số lượng các chương trình văn hóa, văn nghệ được phát sóng trực tiếp, thời lượng phim Việt trên sóng ngày càng nhiều.

Nhiều chương trình sân khấu, thi tài năng văn nghệ, tìm hiểu văn học, nghệ thuật được báo chí quan tâm sản xuất, thu hút được sự quan tâm của công chúng như: Đường đến danh ca vọng cổ, Tạp dề tí hon, Hát cùng mẹ yêu, Chuông vàng vọng cổ,...

Các cơ quan báo chí cũng tổ chức các tuyến tin, bài kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhằm chống phá Đảng và Nhà nước, trong đó có các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.

Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới, các cơ quan chỉ đạo, quản lý về văn hóa đã tăng cường sự chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin để báo chí kịp thời thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các ngành, các cấp và của người dân. Đồng thời, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý về văn hóa với cơ quan chỉ đạo, quản lý về báo chí trong việc định hướng và quản lý thông tin báo chí, truyền thông về văn hóa, hướng đến mục tiêu khơi dậy khát vọng và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet, các cơ quan chức năng bước đầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để kiểm soát và xử lý thông tin trên không gian mạng, góp phần bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng.

Đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần xã hội, “soi đường cho Quân dân đi”, là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững mà nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Nghệ thuật không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là một động lực to lớn góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Bối cảnh mới đòi hỏi các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật phải phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa con người Việt Nam, bồi đắp phẩm chất công dân trong thời đại mới, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo; nêu cao niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm tòi các phương thức biểu đạt mới phù hợp với văn hóa Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới, tạo ra nhiều tác phẩm hay, truyền tải những giá trị nhân văn, tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc”. Việc chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ, tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, cống hiến cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng thời, cần có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sĩ, đảm bảo để họ có thể sống được bằng nghề. Việc bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lớp kế cận, cũng cần được chú trọng. Tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, tự do sáng tạo của nghệ sĩ, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh. Khuyến khích nghệ sĩ thâm nhập thực tế, khám phá, khai thác các giá trị, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, đưa nghệ thuật truyền thống tiến cùng thời đại.

Báo chí cần tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền để đẩy lùi những cái xấu, cái ác, làm cho xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn. Việc này cũng nhằm xây dựng nền văn hóa dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Những đóng góp của báo chí không chỉ làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam mà còn giúp xã hội hiểu sâu sắc hơn về giá trị và tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Thông qua các chương trình, bài viết, phóng sự và hoạt động truyền thông, báo chí đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa Việt Nam.

Chưa bao giờ sức ép của xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá được sự hỗ trợ của công nghệ 4.0 tác động vào nền văn hóa dân tộc lại mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc như hiện nay. Sự đầu tư trực tiếp, gián tiếp của các công ty đa quốc gia và xuyên lục địa, sự giao lưu thương mại và dịch vụ với khối lượng hàng hóa khổng lồ, sự tăng cường dịch vụ du lịch, giải trí, sự mở rộng hệ thống thông tin trên hệ thống Internet... đã làm “tan băng” ở các quốc gia “đóng” và “sốt” lên ở những quốc gia “mở”. Ranh giới địa lý - biên giới hữu hình không cản nổi sự “xâm thực” của các trào lưu văn hóa xa lạ trên khắp thế giới. Sự phát triển của khoa học công nghệ vừa tạo thời cơ lớn, đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo đó, việc tiếp thu những điều tốt, điểm tương đồng, giá trị tích cực phải đi liền với không ngừng tỉnh táo phòng ngừa, loại trừ những cái xấu, dở, không phù hợp. Chủ động, mạnh dạn tiếp thu, tiếp nhận, tiếp biến, giao thoa phải đi liền với tinh tường, bản lĩnh, cảnh giác tránh “vơ bèo vạt tép”, “ham thanh chuộng lạ” một cách mù quáng; không đánh mất mình, “hoà tan” bản sắc của mình. Báo chí là phương tiện hữu hiệu, góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp biến văn hóa thế giới vào Việt Nam không chỉ nhằm góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước mà còn là nhằm hiện thực hóa phương châm: văn hoá là động lực, là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước tiến nhanh tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong xu thế cả xã hội đang thực hiện chuyển đổi số, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) là một trong những tạp chí chuyên ngành của Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển cũng không thể nằm ngoài cuộc khi có sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ “bị động” sang “chủ động”, nhất là qua phương tiện điện thoại thông minh. Thực tiễn đó, đòi hỏi Tạp chí tổ chức, vận hành, quản lý hoạt động theo mô hình mới tiện dụng (đa nền tảng, tăng tính tương tác...) để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc và công chúng, tạo ra sản phẩm thông tin văn hoá phong phú theo hướng “Nhanh, Đúng, Trúng, Hấp dẫn”.

Trên tinh thần đó, công tác sản xuất thông tin của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển bước đầu đã  được đầu tư số hóa với trang thiết bị hệ thống phần mềm quản lý xuất bản để quản lý tin, bài và quy trình xuất bản trực tuyến, cùng với các hệ quản trị nội dung đi kèm, các chuyên mục theo hướng đa phương tiện gồm các loại tin, bài văn bản, Video, trực tiếp, photo, Emagazine, Infographic… Các loại hình thông tin này được chú trọng hàm lượng thông tin, hình ảnh sáng tạo, sắc nét, hấp dẫn để tiếp cận người đọc nhanh chóng hơn, là kênh thông tin văn hoá chuyên ngành hữu ích cho bạn đọc và công chúng trên nền tảng số. Tạp chí từng bước làm tốt “kho” lưu trữ dữ liệu, thuận tiện cho việc tra cứu trong mạng nội bộ cũng như trên các nền tảng số, nhất là trên google để tạo ra giá trị mới theo chủ đề của Chuyển đổi số, góp phẩn tích cực xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

V.X.B