Trong ngục tù, những người cộng sản càng giữ vẹn ý chí cách mạng sáng ngời, khí tiết anh hùng bất khuất. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, Báo Cần Thơ xin giới thiệu bài viết về làm báo cách mạng ở nhà tù Côn Đảo.
Những tờ báo cách mạng chốn lao tù
Tháng 4, chúng tôi có dịp về Côn Đảo, thăm lại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo và Bảo tàng Côn Đảo. Đi dưới những phòng giam, khám lớn, rảo bước dưới những cội bàng Côn Đảo trăm năm, lòng cảm xúc tri ân biết bao thế hệ cha ông đã hy sinh để giữ nước.
Tham quan Bảo tàng Côn Đảo, chúng tôi dừng thật lâu ở gian trưng bày về chủ đề những tờ báo ở nhà tù Côn Đảo. Đó là những tờ báo bằng chữ chép tay nắn nót kỹ càng, những bài viết của những người tù cộng sản sáng ngời niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, tin về ngày Việt Nam hoàn toàn độc lập, đất nước thống nhất. Theo thống kê của Bảo tàng Côn Đảo, việc làm báo của người tù cộng sản ở nhà tù Côn Đảo được chia làm 3 giai đoạn: 1930-1945, 1948-1950 và 1955-1975.
Giai đoạn 1930-1945, tờ báo trong tù xuất hiện đầu tiên vào năm 1931 là tờ “Hòn Cau tuần báo” và tờ “Tiếng sóng bể” do ông Trần Huy Liệu làm chủ bút. Tờ “Người tù đỏ” là tiếng nói của Hội tù nhân, do các đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Giáp phụ trách, xuất bản hằng tuần và tờ “Ý kiến chung” do các đồng chí Phạm Văn Đồng và Bùi Công Trừng phụ trách. Năm 1935, tờ “Ý kiến chung” do đồng chí Tôn Đức Thắng trực tiếp chỉ đạo, Ban Biên tập gồm các đồng chí: Trần Văn Giàu, Hà Thế Hạnh, Nguyễn Văn Hoan. Sau tờ “Người tù đỏ” đổi thành tờ “Tiến lên” do đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách. Trong đó tờ “Ý kiến chung” là cơ quan lý luận phục vụ việc nghiên cứu lý luận trong tù. Tờ “Tiến lên” là tờ báo phổ cập, đoàn kết các lực lượng tù nhân trong cuộc đấu tranh chung.
Mở đầu giai đoạn 1948-1950 là việc Liên đoàn Tù nhân Côn Đảo được thành lập vào năm 1948 và liền sau đó, tờ “Côn Đảo mới” - tiếng nói của Liên đoàn Tù nhân Côn Đảo ra mắt, do Trương Anh Tuấn phụ trách. Sau đó Ban Tuyên huấn Liên đoàn Tù nhân Côn Đảo xuất bản tờ “Đời sống mới” cổ động phong trào đời sống mới, do Trương Anh Tuấn và Trịnh Văn Hà làm chủ bút. Giai đoạn này, tù nhân ở các khám cũng ra báo như tờ “Bạn tù” ở khám tử hình, tờ “Đoàn kết” ở Sở Rẫy An Hải, tờ “Tiến lên” ở kíp Lò Vôi, tờ “Thắng lợi” ở Sở Củi, tờ “Tiền phong” ở sở Chỉ Tồn, tờ “Cởi áo giang hồ” ở khám tù thường phạm... Riêng kíp Bản Chế có tờ “Lao động” và tập san “Công nhân” ra hằng tháng. Tờ “Văn nghệ” của Hội Văn nghệ tù nhân Côn Đảo, thể hiện tiếng nói cổ vũ cho đội ngũ sáng tác. Nhìn chung những tờ báo nói trên chất lượng không đồng đều, tùy thuộc ở trình độ, từng nơi, từng sở, từng khám và phạm vi bọn giám ngục cho phép bởi vì đây coi như là loại báo công khai, địch luôn luôn để mắt theo dõi chặt chẽ.
Tờ báo đầu tiên thời Mỹ - Ngụy (1955-1975) là tờ “Sinh hoạt”, ra đời tại trại 6B vào ngày 20-11-1972. Tiếp đó, các tờ “Rèn luyện”, “Niềm tin”, “Đoàn kết”, “Tiến lên”, “Phấn đấu”, “Quyết tâm”... lần lượt ra đời. Tập san “Xây dựng” số 1 ra mắt tháng 3-1973, trong năm ra được 10 số thường kỳ và 2 số đặc biệt. Tập san “Xây dựng” có nội dung khá phong phú, gồm nhiều thể loại và nội dung, như: xã luận, bình luận, thời sự, truyện ký, bút ký, hồi ký, thơ ca, tiểu phẩm, kiến thức đời sống, phiếm luận, thông tin định hướng, giáo dục chính trị, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh, sinh hoạt văn hóa...
Những trang báo đặc biệt
Có thể nói, tờ “Sinh hoạt” và tập san “Xây dựng” là 2 tờ báo nổi bật của các tù binh cộng sản Côn Đảo thời kỳ 1955-1975. Những trang báo ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt đã góp phần biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện đội ngũ tù chính trị ở “địa ngục trần gian”.
Theo hồi ký của các cựu tù Côn Đảo, việc làm báo trong điều kiện tay trắng, lại bị theo dõi, kềm kẹp nên rất khó khăn, gian khổ. Tất cả được được viết bằng tay, từ vẽ bìa, măng-sét đến nội dung bên trong và cả hình ảnh minh họa. Vật dụng làm báo đều được tự chế, trừ bút, giấy được gửi lén mua từ bên ngoài mang vào. Mực viết được các tù chính trị tự chế bằng thuốc nhuộm đen, nước... Màu của tờ báo cũng được các nhà báo cách mạng sáng chế trong tình cảnh thiếu thốn: như màu đỏ, nâu là thuốc đỏ y tế, màu vàng là bột nghệ, màu xanh tạo từ lá khoai lang hoặc thuốc sát trùng trị ghẻ... Từ đó, các họa sĩ thiết kế còn pha trộn ra nhiều màu khác.
Mỗi tờ tập san “Xây dựng” ban đầu chỉ được làm 1-2 cuốn để truyền tay nhau đọc, chưa được giáp vòng đã nhàu nát nên Ban Biên tập tăng số lượng lên 5 cuốn/kỳ để phục vụ tốt hơn. Theo thuyết minh của Bảo tàng Côn Đảo, trong giờ đóng cửa của phòng giam, từng nhóm bạn tù quây quần bên nhau chăm chú lắng nghe một người đọc vì không đủ thời gian cho từng người đọc riêng tờ báo. Mọi người ai nấy đều rất trân trọng những trang báo ra đời từ chốn lao tù.
Tại Bảo tàng Côn Đảo còn lưu giữ và giới thiệu tờ “Sinh hoạt” số thứ nhất ra ngày 20-11-1972. Tờ này gồm những bài bút ký, thơ, truyện ngắn, truyện vui, nhạc do tù nhân Trại 6B đã tham gia cuộc tuyệt thực kéo dài 19 ngày, viết nên. Trong đó, người đọc rưng rưng trước bài bút ký “Tâm tư” của tác giả Ng., thuật lại những ngày tuyệt thực để làm áp lực với bọn cai ngục. Bài bút ký có đoạn rằng: “Đêm nay là đêm thứ mười sáu tuyệt thực. Toàn trại vắng lặng như cảnh chết. Trong phòng giam la liệt những thân gầy khô đét, thoi thóp dán mình trên những mảnh chiếu rách, đã nát tự bao giờ” và sau đó là câu chuyện bi hùng về những người tù chính trị kiên cường đòi công lý, đòi quyền tự do.
Ấn tượng nữa là tờ “Sinh hoạt” số đặc biệt mừng xuân Quý Sửu 1973, ra đời sau khi Hiệp định Paris vừa được ký kết vào ngày 27-1-1973. Trang bìa tờ này có câu chủ đề “Chúng ta phấn khởi đón mừng mùa xuân HÒA BÌNH, xuân ĐẠI THẮNG”. Mở đầu là bài xã luận “Nhiệt liệt chào mừng xuân hòa bình thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta” của tác giả S.H., phía dưới có đôi câu đối Tết:
“Chim Hòa Bình tung cánh núi lặng sông yên, dập lửa hận thù xây tình hòa hiệp, người người phấn khởi đón hai xuân
Trâu Lao Động mở đường đồng xanh phố đẹp, tàn cơn đói lạnh rạng ánh tự do, chốn chốn tưng bừng mừng ba lễ”
Kế bài xã luận có bài “Mừng ngày sinh nhật Đảng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới” cũng của tác giả S.H. Tiếp theo là những bài thơ, vè rất hay, những dòng viết tràn đầy tinh thần lạc quan của những nhà báo cách mạng chốn lao tù. Trong bài thơ “Vì sao ta thắng Mỹ” của tác giả V.P. đăng trong tờ này có đoạn: “Dù nhỏ bé/ Dù tay không /Khi cuộc sống đã thấm nhuần chân lý/ Và hờn căm đã nung thành vũ khí/ Cùng đoàn kết đứng lên để giành lại sống còn...”.
* * *
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong 96 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, dù trong thời chiến tranh hay hòa bình, thời đạn bom khói lửa hay xây dựng và phát triển Tổ quốc. Những tờ báo và những người làm báo trong nhà tù Côn Đảo năm xưa đã góp thêm cho lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam những trang sử vàng.
Nguồn: baocantho.com.vn