Ký niệm Ngày truyền thống Lữ đoàn Đặc Công 113 (3/61972-3/6/2023): Những "mũi dao nhọn" đánh hiểm thắng lớn

Chiếc cầu mới thứ hai khá hiện đại bắc qua sông Đồng Nai được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2014, góp phần tô điểm thêm nét đẹp cho TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Có người ví, công trình này như một chàng trai cường tráng, “sánh đôi” với “cô gái duyên dáng” là cầu mới (cầu Hóa An) xây dựng từ lâu, nhưng vẫn “thướt tha” soi bóng.

Mỗi khi thành phố lên đèn, muôn chùm hoa đăng lung linh bóng nước. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, hòa trong màu xanh ngọc bích ấy, có những chiến sĩ Trung đoàn đặc công 113 năm xưa đã chiến đấu quả cảm, anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại với dòng sông!

Những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”

Tỉnh Biên Hòa trước đây (nay là tỉnh Đồng Nai) được Mỹ - ngụy xác định là địa bàn chiến lược quan trọng, cách Sài Gòn 30km về phía đông bắc. Tại đây, chúng xây dựng các hệ thống căn cứ quân sự lớn như: Bộ chỉ huy dã chiến Mỹ, Bộ tư lệnh vùng 3 chiến thuật, Quân đoàn 3 ngụy, căn cứ không quân Biên Hòa (lớn nhất Đông Nam Á), Tổng kho liên hợp quân sự Long Bình, căn cứ thiết giáp Hốc Bà Thức, trận địa pháo dốc Đá Trắng...

b1vh1aqc-1685843380.jpg

 Thiếu tướng anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Tùng ( nguyên Trung đoàn trưởng 113 đầu tiên.)

Để kịp thời đánh phủ đầu quân viễn chinh Mỹ khi chúng vừa đặt chân tới, ngày 11-5-1965, Đại hội 238 Tỉnh đội Biên Hòa do đồng chí Tám Bảo chỉ huy, đã chặn đánh một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn Dù 173 sừng sỏ của Mỹ càn vào căn cứ Tỉnh ủy và Tỉnh đội Biên Hòa tại đồi Xê Tư, diệt 70 tên, làm bị thương nhiều tên khác, bẻ gãy cuộc càn của chúng, bảo vệ an toàn cơ quan. Nếm trận đòn đau chưa kịp lắng dịu thì đêm 10-12-1966, Đại đội trưởng Nguyễn Tấn Vàng chỉ huy 6 đội viên, dùng thủ pháo gắn kíp hẹn giờ tự chế, đột nhập Tổng kho Long Bình đang xây dựng, phá hủy 74 nghìn quả đạn pháo các loại... Trận đánh được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Đồng chí Nguyễn Tấn Vàng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Dù bằng nhiều thủ đoạn phòng vệ cẩn mật, nhưng nhờ tài trí, dũng cảm, Bộ đội Đặc công Biên Hòa liên tiếp giội “bão lửa” vào Tổng kho Long Bình, phi trường Biên Hòa..., làm cho Mỹ- ngụy thất điên bát đảo, tổn thất to lớn.

b2bh2af-1685843425.jpg

Anh hùng LLVTND Đỗ Văn Ninh nguyên Phó tư lệnh TMT Bình chủng Đặc Công (nguyên Trung đoàn trưởng 113)

Những “mũi dao nhọn” đánh hiểm, thắng lớn

Năm 1972, phối hợp với Chiến dịch Nguyễn Huệ, lực lượng đặc công Biên Hòa chỉ trong 10 ngày của tháng 4, đã hai lần tập kích vào cái “dạ dày” khổng lồ - Tổng kho Long Bình, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của địch, đốt cháy hơn một triệu lít xăng, dầu. Đầu tháng 6-1972, lực lượng đặc công của Chốt 1 và Chốt 2 sáp nhập, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn Đặc công 12, về tăng cường cho Trung đoàn 113. Đây là những cán bộ, chiến sĩ gan dạ, thông thạo chiến trường, nắm chắc địch tình, nên rất thuận lợi cho chiến đấu. Những “con dúi đặc công”: Bùi Văn Bình (Anh hùng liệt sĩ), Thanh Giáp, Tư Già, Ngô Văn Sơn, Hồ Văn Sinh và Quynh (từng được mệnh danh là “dế trũi”) đã bám trụ lại trong Tổng kho Long Bình 3 đêm, 2 ngày để nắm cho kỳ được tình hình. Họ thực sự là những mũi dao bén nhọn, sẵn sàng xuyên trúng tim kẻ thù.

b3vh3ag-1685843488.jpg

Đại tá Nguyễn Văn Tải (nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9) người chỉ huy trực tiếp đánh tập kích phá hủy Tổng kho Long Bình đêm 13/6/1972.

Miền Đông Nam Bộ (B2) rộng lớn, từ năm 1969 đã hình thành Đoàn Đặc công 429 được huấn luyện bài bản ở miền Bắc, lần lượt tăng cường cho Bộ tư lệnh Quân Giải phóng. Hầu hết trang bị và tác chiến theo truyền thống: Luồn sâu, đánh hiểm, làm cho Mỹ-ngụy kinh hồn, bạt vía. Giữa năm 1972, Trung đoàn Đặc công 113 ra đời trên mảnh đất Biên Hòa, từ đó xuất hiện biên chế hỗn hợp, gồm: Lực lượng cơ động, lực lượng tại chỗ cùng với pháo binh. Đây là nét độc đáo, sáng tạo trong tổ chức lực lượng đặc công. Hình thức này bổ sung thế mạnh cho nhau, tạo nên những chiến công thần kỳ mà trước đó chưa có.

Tiểu đoàn Đặc công 12 với thế mạnh lực lượng tại chỗ, nắm chắc địa hình, địch tình, giỏi đánh bất ngờ, hiệu suất chiến đấu cao. Tiểu đoàn Đặc công 9, “con đẻ” của Đoàn Đặc công 429, do đồng chí Ba Ninh chỉ huy. Đó là một cán bộ luôn luôn tìm tòi sáng tạo để có cách đánh hay, hiệu quả cao; sau này ông là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Đặc công, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Kế vị ông làm Tiểu đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Văn Tải cũng “gan lỳ cóc tía”. Mỗi khi đã cùng anh vào trận là cấp dưới gửi gắm cả niềm tin chiến thắng. Thế mạnh ở Tiểu đoàn 9 là cơ động giỏi, thực hiện những trận đánh lớn, đánh hay trong các đợt tác chiến hiệp đồng binh chủng. Còn Tiểu đoàn Pháo hỏa tiễn 174 (được chia tách từ Trung đoàn 274), có mặt khá sớm tại miền Đông Nam Bộ (năm 1966), từng tham gia chiến dịch Gian-xơn Xi-ty mùa khô năm 1966-1967, góp phần đánh bại nhưng đơn vị sừng sỏ của Mỹ. Nhờ vậy, Trung đoàn Đặc công 113 vừa ra đời đã lập chiến công, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành.

b4vh4ah-1685843320.jpg

CCB Nguyễn Văn Thưởng ( bên phải) người còn sống sót duy nhất của Tổ đặc công cảm tử đánh sập Cầu Hoá An tháng 10/1974. Đứng giữa là CCB Nguyễn Văn Chương người còn sống trong trận đánh chiếm giữ Cầu Ghềnh ngày 29/4/1975. Bên trái là Thiếu tướng Lê Thanh Hà trong sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Lữ đoàn Đặc Công bộ 113.

Trong ánh nắng chan hòa bên bờ suối Bà Hào giữa ngày thành lập trung đoàn tại chiến khu Đ, Trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Tùng (sau này là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân) và Chính ủy Mai Văn Thoạn trìu mến ngắm những gương mặt sạm nắng gió, lửa đạn của đội ngũ cán bộ từ các chiến trường hội tụ về để quán triệt Chỉ thị của Bộ tư lệnh Miền: “Phải thực hiện đánh mạnh vào căn cứ không quân Biên Hòa và Tổng kho Long Bình trong tháng 8. Đây là thời điểm mà cách mạng miền Nam đang rất cần các đơn vị bộ đội tinh nhuệ như các đồng chí!”.

Thế mới thấy tính khẩn trương, cấp bách và ý nghĩa của việc ra đời một đơn vị thiện chiến của ta ngay trên địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng mà đối phương dày công củng cố xây dựng. Giây phút đầu tiên khi Trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Tùng từ R (Miền) xuống gặp Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Phan Văn Trang tại căn cứ Bàu Sao, phía Bắc khu Trảng Bom để trao đổi công việc hệ trọng, cả hai ôm chầm lấy nhau, mừng rơi nước mắt. Người đứng đầu địa phương bày tỏ quyết tâm sẽ dốc hết sức mình để giúp đỡ đơn vị. Bộ tư lệnh Miền còn cử phái viên là ông Trần Văn Kìa (Hai Cà), nguyên Tỉnh đội trưởng Biên Hòa, là “thổ công” ở đây làm cố vấn đặc biệt để giúp Trung đoàn 113 giảm bớt khó khăn khi vừa “chân ướt chân ráo” thành lập. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, những cỗ pháo và quả đạn cồng kềnh, nặng trĩu đã ngoan ngoãn theo bước chân chiến sĩ luồn vào sát sân bay Biên Hòa. Ngày 13-7-1972, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Đinh Xuân Nghiêm, bất thần hơn 200 quả đạn ĐKB và 45 quả đạn H12, tạo thành trận bão lửa vào khu vực chứa máy bay Mỹ ở phi trường Biên Hòa và Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy. Một thảm họa giáng xuống đầu thù: 74 máy bay bị phá hủy, phá hỏng; một kho bom nổ tung; kho xăng dầu bốc cháy; ta đánh sập 2 giàn ra-da, đài điều không và nhiều nhà cửa; hàng trăm giặc lái, nhân viên kỹ thuật, lính bảo vệ bị tiêu diệt, làm nức lòng quân dân cả nước, nhất là trong bối cảnh sau Chiến dịch Nguyễn Huệ, ta tạm thời gặp nhiều khó khăn, các đơn vị chủ lực phải rút lên căn cứ để củng cố, khá nhiều địa bàn trọng yếu bị địch khống chế. Trận đánh pháo rất hiểm theo chiến thuật đặc công làm cho địch choáng váng, phải co về phòng ngự, không dám huênh hoang như trước.

Trong khi đối phương chưa hết bàng hoàng thì chỉ hơn một tháng sau, lúc 3 giờ sáng 14-8-1972, Tiểu đoàn 9 và Đại đội 2 của Tư Già và Đại đội Trinh sát 53, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Tải đã luồn sâu, ém sát vào Phân khu 53, Tổng kho Long Bình, cài thuốc nổ hẹn giờ. Kết quả, 130 dãy kho chứa 5.430 tấn bom đạn, pháo lớn, 200 tấn thuốc nổ bị phá hủy; phá sập một nhà xưởng, 17 dãy nhà ở của binh lính; diệt và làm bị thương 300 lính công binh, bảo vệ; ta thu quân an toàn trong niềm vui chiến thắng. Căn cứ Long Bình rung chuyển 3 ngày 3 đêm liền, các phương tiện chữa cháy hiện đại của đối phương hoàn toàn bất lực. Sau chiến công đó, cả hai đơn vị tham gia được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất; 16 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương chiến công các hạng. Trận đánh đã bồi tiếp tổn thất nặng nề về cơ sở vật chất đối với địch. Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn khi đó phải ký lệnh: “Giảm tối đa cấp phát loại vũ khí chiến lược”. Đặc biệt, những trận đánh đau, đánh hiểm của Trung đoàn Đặc công 113, Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác vào Tổng kho xăng dầu Nhà Bè và nhiều chiến công của các đơn vị bạn đã hỗ trợ đắc lực trên bàn đàm phán ngoại giao 4 bên ở Pa-ri (Pháp), rất có lợi cho ta.

Hai trận thắng liên tiếp, vang dội, chứng tỏ Trung đoàn Đặc công 113 tuy mới ra đời nhưng đã kế thừa, bồi đắp về truyền thống vẻ vang của Binh chủng Đặc công, lại được nhân dân Biên Hòa nuôi dưỡng, chở che đùm bọc, đã vượt mọi gian khổ hy sinh, lập nên chiến công hết sức vẻ vang ngay giữa lòng địch.

Tổ bốn người và nhiệm vụ đặc biệt

Vào những tháng cuối năm 1974, theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Miền, Trung đoàn Đặc công 113 chuẩn bị một số mục tiêu trọng yếu của địch ở khu vực nội và ngoại ô thị xã Biên Hòa để đón thời cơ. Là đơn vị đặc công chuyên đánh căn cứ, hậu cứ, nay lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn rất phấn khởi, tự hào vì được cấp trên tin tưởng.

Đón nhận chỉ thị của Bộ tư lệnh Miền, thủ trưởng trung đoàn tranh thủ ý kiến của cố vấn là ông Hai Cà. Vốn bản tính sâu sát, tỉ mỉ và quyết đoán, ông cười mà rằng: "Chọn mục tiêu cầu Mới (Hóa An) là thiệt hay đó anh Chín (tức Chín Tùng); vừa cắt đứt giao thông huyết mạch, làm rúng động đối phương ngay giữa lòng thị xã, tiện cả đôi đường đó nghe".

Những “mũi dao nhọn” đánh hiểm, thắng lớn

Tổ đặc công đánh sập hai nhịp cầu Hóa An tháng 10-1974, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tháng 12-2014: Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, người sống sót duy nhất sau trận đánh, hiện sinh sống tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Ý tưởng ấy khá trùng hợp với nhận định của trên, được Bộ tư lệnh Miền chấp thuận. Hơn nữa, đây là thời điểm ta sắp mở chiến dịch tiến công địch ở thị xã Bình Long, tỉnh Phước Long, những căn cứ vững chắc mà chúng bảo vệ Sài Gòn từ xa.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, tháng 3-1974 đơn vị cử một tổ đi điều nghiên bằng đường sông lần thứ nhất, trên đường đi tổ bị phục kích, hai đồng chí hy sinh; việc điều nghiên không thành. Tiếp đó, Đại đội 4 đặc công nước, Tiểu đoàn 23 cử hai đồng chí Nguyễn Trung Thường và Nguyễn Văn Thưởng thực hành trinh sát, mắt thấy, tay sờ, nên tạo niềm tin cho đơn vị. Sau đó, Đại đội 4 lấy tinh thần xung phong vào trận. Biết là có thể hy sinh tính mạng, song hàng chục cánh tay giơ cao đầy quả quyết; ai cũng xứng đáng để “chọn mặt gửi vàng”. Cuối cùng, bốn chiến sĩ ưu tú được lọt vào tốp “đặc biệt”, gồm: Nguyễn Trung Thường, Triệu Xuân Thiết, Trần Văn Đệ và Nguyễn Văn Thưởng. Trong số này, các đồng chí Thường, Thiết, Đệ đã từng tham gia chiến đấu, lập công xuất sắc trên chiến trường Cam-pu-chia, chỉ có đồng chí Thưởng là lính mới. Đồng chí Thường được cử làm tổ trưởng, đồng chí Thiết tổ phó. Về hoàn cảnh, đồng chí Thường có người bác ruột là liệt sĩ chống Pháp, bố là liệt sĩ chống Mỹ.

Cả tổ được bí mật đưa tới một địa điểm thuộc vàm Sông Bé, nơi ngã ba Hiếu Liêm, thượng nguồn sông Đồng Nai luyện tập 20 ngày. Giữa không gian tĩnh mịch, hết ngày lại đêm ngụp lặn, thao tác một khối lượng đất (tượng trưng cho khối thuốc nổ) trọng lượng gần 1000kg thật thuần thục và xử lý một số tình huống tưởng định. Thời gian trôi đi rất nhanh. Khi ai nấy đều cảm thấy yên tâm về kỹ năng chiến đấu và cấp trên kiểm tra đánh giá đạt kết quả tốt thì được lệnh trở về đơn vị.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, người còn sống duy nhất sau trận đánh của tổ, sau khi được đơn vị gọi về, trong lòng ai cũng vừa mừng, vừa lo. Cái lo bao trùm là cấp trên thay đổi, không cho đánh nữa thì tiếc lắm. Song sự chờ đợi rồi cũng tới, mà giây phút xúc động nhất là buổi lễ "truy điệu" trước khi xuất kích.

Một buổi sáng, nắng trải vàng trên cánh rừng nơi đơn vị trú quân thuộc huyện Tân Uyên. Tuy vẫn ầm vang tiếng bom đạn, động cơ máy bay, nhưng tiếng chim ca nghe thánh thót thật vui. Ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc được treo ngay ngắn, trang nghiêm. Đông đủ cán bộ tiểu đoàn, đại đội và trung đội trực thuộc có mặt. Đồng chí Nguyễn Minh Dĩ, Chính trị viên Tiểu đoàn trịnh trọng tuyên bố lễ “truy điệu”, rồi cùng Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Tám lần lượt ôm hôn từng người trong tổ. Khác với những người ở lại tỏ ra bịn rịn, cả bốn đồng chí được chọn tham gia trận đánh đều bình thản đón nhận nhiệm vụ đặc biệt vinh quang và rất kiêu hãnh, tự hào. Buổi lễ kết thúc, nhưng mọi người không muốn rời vị trí. Tuy nhiên, thời gian không cho phép nên ai nấy đều lần lượt chia tay, và qua ánh mắt như trao gửi người ra đi niềm lưu luyến khó tả. Riêng Nguyễn Trung Thường thiết tha xin tổ chức cho “khất” lễ kết nạp Đảng trước khi vào trận đánh, với lý do: “Cho phép tôi được thử thách thêm để xứng đáng hơn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, nếu được kết nạp Đảng thì đó là niềm hạnh phúc không gì sánh được”. Đề nghị đó làm mọi người có mặt thêm xúc động nghẹn ngào.

Vang mãi chiến công hào hùng

Trời vừa sẩm tối, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 23 huy động toàn bộ lực lượng vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, cảnh giới địch, vừa vận chuyển lượng thuốc nổ hợp chất C4 xuống bến vượt đã được chuẩn bị sẵn, cập sông Đồng Nai. Bộ phận quân giới gói buộc kỹ khối thuốc nổ, rồi ghép chặt vào hai giỏ sắt đã được hàn sẵn, có hệ thống phao làm giá đỡ. Tiếp đó, bốn chàng dũng sĩ đón nhận khối thuốc “ngoại cỡ” so với sức vóc nhỏ bé của mình, với tâm thế phấn chấn, tự tin trong niềm kiêu hãnh sẽ sớm mang chiến thắng trở về.

Cầu Hóa An (cầu Mới) do công binh Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên xây dựng năm 1970, vào loại hiện đại nhất ở miền Đông Nam Bộ thời bấy giờ, nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Cầu dài 820m, rộng 8m với 22 nhịp, bắc qua sông Đồng Nai, nằm trên trục lộ giao thông quan trọng nên được bảo vệ nghiêm ngặt. Các trụ cầu đều rào bao quanh bằng những tấm lưới thép kèm bóng điện 1000W. Cứ 4 trụ cầu có một vọng gác, 2 trụ giữa sông có vọng gác sát mặt nước. Cách 50m phía thượng lưu và hạ lưu cầu, địch chăng dây kẽm gai ngầm đề phòng đặc công đột nhập, chỉ chừa một lối cho thuyền bè qua lại. Mặt sông có hai chiếc bo bo túc trực tuần tiễu, đèn pha quét sáng rực.

Đêm 19-10-1974, như bao đêm khác, nước sông Đồng Nai lặng lờ trôi. Đàn kên kên đi ăn đêm vẫn nhẫn nại kết thành bè ngược xuôi bơi lội tìm mồi. Chúng cũng không hay bốn người lính đặc công thủy mình trần, làn da được hóa trang thẫm màu nước, thả trôi lững lờ và điều khiển 2 khối thuốc cùng phụ kiện nặng gần 800kg, cẩn trọng đến từng chi tiết, vượt chặng đường 14km, qua hai cù lao Thạnh Hội, Bạch Đằng, 4 chốt gác và nhiều bo bo của đối phương tuần tiễu, nhằm thẳng mục tiêu cầu Hóa An. Phải chăng những chú chim trời thân thương cũng đồng cảm với người lính trận, hay do những động tác thuần thục, điêu luyện của các anh, mà lũ chim thính nhạy cũng không hề hay biết! Chặng đường dài nằm lại phía sau, qua sợi dây liên lạc bằng tín ám hiệu, các anh báo cho nhau là đã vào gần sát mục tiêu, ai nấy mừng khôn xiết. Nhưng đây lại là thời điểm cực kỳ quan trọng cho sự thành công hay thất bại của trận đánh.

- Tụi bay, có vật lạ xuất hiện! - Giọng tên chỉ huy địch thét lên chửi bọn lính như nhói vào tai Thường.

Nhận định cơ hội mật tập không còn, tổ trưởng giật liền ba cái báo cho các chiến đấu viên chuyển sang phương án hai. Anh còn bình tĩnh ra hiệu cho Thiết và Đệ nhanh chóng rời khỏi vòng nguy hiểm để mình nhận phần hy sinh, nhưng cả hai không nỡ. Thời gian quá thúc bách đến từng giây, không cho phép chần chừ… Đồng chí Thưởng như con rái cá đột ngột xuất hiện, dồn hết bản năng bơi như lướt sóng, lúc sang trái, khi quẹo phải, khi lặn xuống, rồi ngoi lên để đánh lừa đối phương. Đạn địch xối xả như mưa rào, bo bo nổ máy, phóng như bay để đuổi bắt sống tên đặc công to gan dám xâm nhập vùng cấm. Cả đồng bọn chăm chăm đuổi bắt, nếu không chộp được thì tiêu diệt ngay tại chỗ. Đó cũng là thời cơ để ba đồng đội dồn hết ý chí, sức lực điều khiển 2 khối thuốc nổ áp sát trụ cầu và điểm hỏa tức thì. Lúc đó là gần 4 giờ sáng 20-10-1974. Một tiếng nổ kinh hoàng phát ra làm rung chuyển thị xã Biên Hòa. Nhà cao tầng trong khu vực kính rơi loảng xoảng. Một cột khói cuộn theo nước cao ngất rồi lan tỏa, đen kịt cả vùng rộng lớn. Còi xe nhà binh rú lên hoảng loạn, các ngả đường lập tức bị phong tỏa. Sau khi hoàn hồn, bọn chỉ huy dè dặt ra kiểm tra hiện trường thì thật khủng khiếp, cơn sóng xung kích đã hốt gọn hai đại đội lính bảo vệ cầu từ hai phía. Cầu bị gãy gục hai nhịp chính giữa dòng sông. Ba chiến sĩ đặc công gồm: Thường, Thiết, Đệ đã hòa mình vào sông nước, còn đồng chí Thưởng bị sóng đánh giạt lên bờ sông ngất lịm, ba hôm sau mới tìm về được đơn vị.

Sau trận đánh, cả bốn chiến sĩ đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì; tập thể tổ đặc công được Bộ tư lệnh Miền tuyên dương hành động anh hùng.

Nguyễn Văn Thưởng do bị sức ép bộc phá, sức khỏe giảm sút trầm trọng, nhưng nhờ kiên trì luyện tập và ý chí trả thù cho đồng đội nên anh không chịu ở lại hậu cứ mà vẫn tiếp tục công tác, chiến đấu. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh là xạ thủ B41 của Đại đội 2, Tiểu đoàn 23 phối hợp với Tiểu đoàn 174 trong đội hình trung đoàn đã kiên cường chiến đấu bảo vệ cầu Mới và cầu Ghềnh, đón đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong 3 ngày (từ 28 đến sáng 30-4-1975), Tiểu đoàn 174 đã bẻ gãy hàng chục đợt phản kích điên cuồng của địch, diệt hàng trăm tên. Riêng đồng chí Thưởng đã bắn quả đạn B41 diệt chiếc xe GMC đầu tiên của địch chở đầy binh lính tại cầu Ghềnh sáng 28-4-1975. Qua ba ngày chiến đấu kiên cường, đồng chí Thưởng đã bắn 9 quả đạn B41, diệt thêm mấy xe tăng, xe bọc thép của địch. Hai tai bị ù đặc, ứa máu, bị nhiều vết thương nhưng anh vẫn cùng đồng đội bám trụ vững vàng. Kết thúc chiến dịch, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì và vinh dự được đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng Bộ tư lệnh Quân khu 7 tổ chức tại Thành phố mang tên Bác kính yêu trong những ngày vui toàn thắng.

Nhắc đến chiến công xưa, đồng chí Nguyễn Văn Thưởng bồi hồi nhớ lại hình ảnh 53 đồng đội vào thời khắc lịch sử đã anh dũng ngã xuống trước khi bộ đội ta toàn thắng tại thị xã Biên Hòa, hai bên bờ sông Đồng Nai. Gần 170 cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình qua hơn 3 năm trung đoàn thành lập và chiến đấu (từ tháng 6-1972 đến 30-4-1975), góp phần để chúng ta có cuộc sống thanh bình, tươi đẹp hôm nay!

Tháng 12-2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân cho tổ đặc công cảm tử đánh cầu Mới của Trung đoàn Đặc công 113 (nay là Lữ đoàn Đặc công 113, đơn vị 3 lần anh hùng và có 8 đồng chí được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân). Năm 2009, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng tượng đài ghi danh, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đoàn Đặc công 113. Công ty Xây dựng, cấp nước tỉnh Đồng Nai-đơn vị kết nghĩa với Lữ đoàn Đặc công 113 đã vận động đoàn viên công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đóng góp hơn 500 triệu đồng để tôn tạo miếu thờ liệt sĩ tại Dinh Bà Chúa Xứ và xây dựng nhà tưởng niệm, nhà nghỉ phục vụ khách đến viếng. Được biết, tỉnh Đồng Nai có chủ trương đầu tư xây dựng Tượng đài Tổ đặc công cảm tử đánh cầu Mới, coi đây là một chứng tích lịch sử oai hùng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của Bộ đội Đặc công, nhất là cho thế hệ trẻ...

Trái tim người lính