Ký sự lồng bàn

Nguyen van Noi

28/10/2021 01:38

Theo dõi trên

Chiếc lồng bàn bằng tre của nhà tôi dùng nhiều năm; cạp tre của lồng bàn được "nức" bằng dây nilon chứ không phải bằng mây (tôi không tìm được cái lồng bàn mà cạp được nức bằng mây nên đành phải mua nó).

245420951-5325657307448526-7092054961741394503-n-1635320561.jpg

20/7/2021

Mặc dù có nhiều loại lồng bàn bằng nhựa hoặc bằng inox khá đẹp mà tôi (gia đình tôi) vẫn thích dùng lồng bàn bằng tre, mây; có lẽ vì hoài cổ; cũng có thể vì môi trường; nhưng chắc chắn là vì có bàn tay của một thợ thủ công nào đó tạo ra nó. Mỗi chiếc lồng bàn được đan bằng tre; bằng mây là riêng biệt là của một người làm ra cho riêng một người (một gia đình) dùng?

Chiếc lồng bàn bằng tre của nhà tôi dùng nhiều năm; cạp tre của lồng bàn được "nức" bằng dây nilon chứ không phải bằng mây (tôi không tìm được cái lồng bàn mà cạp được nức bằng mây nên đành phải mua nó). Thời gian làm cho dây nilon bị lão hóa, đứt, bở ra. Tôi mua qua mạng một chiếc lồng bàn (bằng mây; theo chào hàng). Mặc dù chiếc lồng bàn mới (đã qua hun khói) trông chắc chắn; cạp liền bằng "mây"; màu vàng nhạt; tuy nhiên không thanh thoát và hơi nặng nề. Có mới phải nới cũ; vậy mà tôi cũng vì rảnh rang; vì "ngứa nghề" vì kỷ niệm nên mang chiếc lồng bàn bằng tre bị hỏng ra nức lại cạp. Không có sợi mây; tôi lấy sợi dây dù (mua ở chợ đồ xưa đã hơn 1 năm) để nức lại cạp cho cái lồng bàn. Quê tôi - làng Lai Thành; Hương Trà; Thừa Thiên Huế vốn là làng nghề đan cót bằng tre. Những năm 1990 về trước; trong làng rất nhiều bụi tre; đúng hơn là làng nằm trong rừng tre. Chính vì vậy nên nghề đan lát phát triển; đặc biệt là đan cót, nghề nuôi sống nhiều gia đình trong làng. Bây giờ thì hết tre rồi; nghe đâu làng đã thành tổ, thành phường của tp. Huế. Nghề đan lát đã thành hoài niệm; chẳng biết nên buồn hay nên vui?

Bố tôi mặc dù xa quê từ thời thanh niên; bôn ba ở xứ người bằng nghề buôn bán rồi trở về Việt Nam khi đất nước còn chia cắt nên cũng chẳng được về quê. Sống tiếp cuộc sống còn lại ở đất Bắc; và gửi nắm xương tàn cũng ở đất Bắc. Khi còn nhỏ; ở Thổ Hà; tôi thấy bố tôi rất giỏi đan lát (đan rổ, rá, thúng) để dùng trong nhà và bán rẻ cho bà con trong làng; những người được sở hữu sản phẩm bố tôi làm đều rất hài lòng. Tôi tò mò không biết bố mình học đan lát ở đâu; sau này về quê rồi tôi mới ngộ ra đó là nghề của quê hương và bố ngồi đan lát cũng là để vợi nỗi nhớ quê hương. Cũng nhờ bố mà tôi biết đan lóng mốt lóng hai; biết nức cạp rổ rá bằng mây.

Hôm nay tôi ngồi nức lại chiếc lồng bàn bằng sợi dây dù để vớt vát một kỷ niệm, một nỗi nhớ nhiều hơn là để phục dựng một chiếc lồng bàn. Thật tiếc sợi dây dù ngắn so với chu vi chiếc lồng bàn nên chỉ nức được một nửa. Định đi ra phố mua thêm dây dù nhưng sợ mấy ông giữ chốt phòng dịch phạt (giữ xe máy) vì đi mua hàng không thiết yếu? Tại sao nhỉ? Thiếu dây dù thì chiếc lồng bàn mãi là chiếc lồng bàn hư; vậy dây dù bây giờ với tôi có thiết yếu không (đùa vui thôi; chứ trong 36 phố phường Hà Nội chưa có chốt chặn phòng dịch kiểu đó).

20/8/2021

Quà quý.

20/7/2021; tôi có đăng lên fb câu chuyện mua lồng bàn mây của tôi. Hôm nay tôi nhận được tin nhắn của một chị học cùng tôi thời cấp 3 (tôi gọi là chị vì tuy cùng học một lớp nhưng chị lớn hơn tôi 3 tuổi). Chị đã mua tặng tôi một chiếc lồng bàn mới và khoe ảnh chiếc lồng bàn cũ mà gia đình chị đã dùng 16 năm. Thật ngạc nhiên là nơi tôi học cấp 3 thủa xưa (Việt Yên; Bắc Giang) lại có một làng nghề đan tre nổi tiếng đến thế (làng Phúc Tằng; xã Tăng Tiến; huyện Việt Yên; tỉnh Bắc Giang) - đây cũng là nơi đêm đầu tiên nhập ngũ (23/9/1972); tôi và những tân binh; lính SV của ĐHTH Hà Nội ngủ lại trước khi lên Mai sưu huấn luyện; chị bạn học cũng là người quen cũ đầu tiên nhìn thấy tôi mặc quân phục. Cám ơn nhiều, bạn đồng môn. Vậy là tôi có đến 3 cái lồng bàn (1 cái vẫn ở BG vì dịch nên chưa đi lấy được); giàu thật rồi.

248446289-5325657427448514-3506219761026856233-n-1635320594.jpg

24/10/2021

Hà Nội đã gỡ bỏ các chốt phòng dịch đi các địa phương khác; tôi quyết định về Thổ Hà để dự lễ ăn hỏi đứa cháu trai (con cậu út nhà tôi). Hôm trước cậu út có gọi điện thoại hỏi tôi có thể về được thời điểm nào để còn bố trí (chắc là bố trí đội hình nhà trai đi sang nhà gái, phức tạp vậy đấy - Quê mà). Tôi trả lời có lẽ tôi không về được vì Bắc Ninh mới phát sinh mấy ổ dịch mới; với lại sợ bị các đội phòng dịch nơi đó yêu cầu phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới cho qua (tôi mới tiêm một mũi hôm 11/9; phải sang đầu tháng 11 mới được tiêm mũi hai). Cậu em cúp máy với vẻ không vui "bình thường hết rồi mà". Sáng sớm chủ nhật (24/10/2021); tôi dậy sớm; đóng bộ và lấy xe máy phóng về Thổ Hà (không quên mang hai đôi giày mua tặng cậu út từ cách đây 2 tháng nhưng vì dịch Covid - 19 nên chưa mang về được). 7:30 sáng; tôi đã có mặt ở bến đò Chùa Thổ Hà; cậu út thấy tôi về vui ra mặt (tôi về nhưng không báo trước); vui vì có tôi trong ngày trọng đại của con trai trưởng (ở Quê rất coi trọng Lễ ăn hỏi); vui vì đi vừa in cả hai đôi giày và một đôi giày tôi vừa mang về đã được cậu út sử dụng ngay cùng với bộ comple tôi mua tặng trước đó để đón, tiếp khách.

Nhớ món quà (chiếc lồng bàn) mà tôi được hứa tặng; tôi điện thoại cho anh bạn học cũ (cũng là một nhà thơ không chuyên nhưng có rất nhiều bài được đăng ở các báo của nhiều địa phương. Các bài thơ của anh ấy mang tính thời sự; cổ động nên dễ được các báo giấy địa phương đăng tải vì làm gì có lỗi nhạy cảm). Bạn tôi đã bố trí xe ô tô đưa tôi từ Bắc Ninh lên Hồng Thái (Bắc Giang); đến thăm nhà chị bạn học và để nhận món quà chờ tặng (chiếc lồng bàn tre do nghệ nhân làng nghề tre đan Phúc Tằng tạo nên). Hai vợ chồng bạn tôi đi cùng; lái xe là con trai của anh ấy. Vợ anh bạn tôi lại chu đáo chuẩn bị mấy lạng chè đặc biệt mang lên tặng vợ chồng chị bạn; anh bạn tôi thì mang mấy tập thơ chính chủ làm quà cho gia chủ (anh bạn tôi cũng cùng lớp thời cấp 3 với tôi và chị bạn học tặng lồng bàn). Tôi vì kế hoạch đột xuất nên chẳng có quà gì mang từ Hà Nội lên tặng bạn bè; hơi bị áy náy.

Vợ chồng chị bạn học thấy chúng tôi lên thì mừng lắm; cứ muốn giữ chúng tôi lại ăn cơm; nhưng chúng tôi đành từ chối vì tôi còn phải đi xe máy từ Bắc Ninh ra Hà Nội. Sau khi hàn huyên chán chê; là đến lúc chúng tôi nhận được quà; không chỉ một chiếc lồng bàn cho tôi mà còn thêm hai chiếc nữa cho gia đình anh bạn tôi và gia đình cậu con trai của anh ấy nữa. Chiếc lồng bàn quả thật rất đẹp; cạp được nức mây liền và có một thanh tre mỏng làm cốt quanh cạp. Nan đan lồng bàn được chẻ mảnh; rộng khoảng 2mm; các lỗ vuông trên lồng bàn có cạnh khoảng 1mm (muỗi, dĩn cũng khó chui qua chứ đừng nói đến ruồi giấm). Thợ đan đã khéo tạo các ô vuông đồng dạng trên mặt lồng bàn; đúng là một tác phẩm nghệ thuật. Để đảm bảo độ bền; độ bóng; dễ lau rửa; toàn bộ lồng bàn được phủ một lớp PU màu mật ong, óng vàng. Với tôi; chiếc lồng bàn là món quà quý vì nó không chỉ là chiếc lồng bàn; nó hơn thế nhiều.

Cám ơn chị LTV và ông bạn NTD đã tặng tôi một chiều chủ nhật đầy niềm vui và kỷ niệm.

P/s: bài thơ cảm tác của anh bạn đồng môn sau khi nhận được quà tặng.

LỒNG BÀN

Vẫn là kỹ nghệ nan mây

Mà xem hồn cốt chất đầy lóng* hoa

Phát huy bản sắc quê nhà

Thủ công đan lát ông cha bao đời.

GHI CHÚ: Lóng* kiểu cách trong nghề đan (đan lóng mốt, lóng đôi…)

Lồng bàn do Nghệ nhân tạo ra (đã được nhà nước phong tặng) Đinh Văn Tiến; xóm Chùa, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Ký sự lồng bàn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn