Kỳ tích trận tập kích Tổng kho Long Bình 49 năm trước (13/8/1972-13/8/2021 )

 Thành Đô (Theo Đoàn Đặc Công 113 với Biên Hòa Đồng Nai )

15/08/2021 10:06

Theo dõi trên

Đầu tháng 6 năm 1972, Tiểu đoàn 9 chân ướt chân ráo từ chiến trường Bình Dương lật cánh sang chiến trường Biên Hòa để tham gia thành lập Trung đoàn Đặc công 113.

Sau khi mở đầu bằng trận thắng vang dội của Tiểu đoàn pháo 174 vào phi trường Biên Hòa thì đến xung lực phải ra tay hành động. Mà điều đó cũng đúng thôi, đạn pháo có thể giáng vào bãi để máy bay trên các đường lăn, hoặc trực chiến phơi mình trên đường băng lồ lộ ra đó chứ không thể “róc” vào được từng kho bom đạn ở dưới mặt đất, vừa có đê bao chắn hết sức kỹ lưỡng.

dac-cong-1-1628996616.jpg
Đại tá, Nguyễn Văn Tải, nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 9, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc Công 113,( Nay là Lữ Đoàn Đặc công 113 ) người trực tiếp cùng cán bộ chiến sỹ tập kích Tổng kho Long Bình của Mỹ -Ngụy -Ảnh chụp ngày 6/4/2021

Để đột nhập vào trong, nghiên cứu tỷ mỉ cách bố phòng của địch và hành động có kết quả là cả một vấn đề công phu lắm. Nhiệm vụ quan trọng này, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 9. Sau khi điều tra nghiên cứu xong, chúng tôi quyết định sử dụng ba mũi, mỗi mũi 12 người, trang bị toàn thủ pháo loại thuốc hợp chất C4 và kíp hẹn giờ. Mũi một, anh Tư già, một cán bộ đặc công U1 kỳ cựu tại đây và anh Chương, anh Thành, anh Thi. Mũi thứ hai, anh Luỹ mũi trưởng, Thống mũi phó. Còn anh Thành, mũi thứ ba. Bản thân tôi là Tiểu đoàn trưởng nhưng cùng vào kho với anh em, vặn nắp quả đạn pháo, cài thuốc nổ xong ra báo cáo với anh Nguyễn Thanh Tùng (1) tại Sở Chỉ huy. Kỹ thuật cài y như khi đang huấn luyện trên miền Bắc vậy. Cài một kho để một kho, như thế vừa tiết kiệm lượng nổ lại phá hủy được diện rộng, kíp hẹn giờ quy ước từ 4 giờ đến 6 giờ được đặt khá bài bản từ trong ra ngoài. Kết quả, trên 200 kho đã phát nổ và lan truyền tới một tuần lễ làm rung chuyển cả một không gian rộng lớn. Bên cạnh kho bom đạn các loại, còn có kho thuốc nổ hợp chất hệt như một trái bom nguyên tử vậy. Khói mù mịt đầy trời, đến nỗi chúng tôi đi giữa ban ngày ở đồng trống mà máy bay vẫn bất lực vì màn khói bụi. Một số cột điện cả trung thế và hạ thế bị chấn động gãy gục. Sư đoàn 18 ngụy đóng tại Hố Nai phải giãn đội hình vì sợ đe dọa, cửa kính nhà cao tầng trong thị xã Biên Hòa đều rạn vỡ. Trong lúc địch còn hoảng loạn thì chúng tôi ung dung tổ chức lui quân trong niềm phấn khởi lạ thường. Riêng có anh Thường đi lạc vào ổ phục kích của địch bị chúng bắt ở cầu sông Buông. Trời sáng bạch không ra kịp đành giấu mình dưới cái cống thoát nước, đêm sau mới ra được.( Đội viên tên Trần Xuân Thưởng, quê Thanh Hoá đi lạc đội hình nên bị địch bắt. Nhưng anh không hề khai báo gì, sau đó chúng đày ra đảo Phú Quốc, đầu năm 1973 được trao trả tại Lộc Ninh. Hiện Anh Thưởng đang sống cùng gia đình vợ con tại thành phố Hồ Chí Minh )

Trên đánh giá: đây là một trận đánh đặc công thật lý tưởng, đạt hiệu suất chiến đấu rất cao. Làm tê liệt cả hệ thống tổng kho dự trữ chiến lược. Riêng khu vực bị nổ, ngoài số bị phá hủy, số còn lại mất tác dụng hoàn toàn. Đến nỗi 6 tháng tiếp theo, cường độ bom đạn của địch hoạt động trên chiến trường bị giảm rõ nét. Cụ thể nhất là đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn phải chỉ thị hạn chế tối đa khi xuất các loại vũ khí cho các đơn vị hành quân càn quét đánh phá. Đài phương Tây bình luận: “Đây là một trận phá hủy của đối phương gây thiệt hại chưa từng có đối với quân đội Việt Nam cộng hòa”. Bởi từ sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy rút kinh nghiệm bảo vệ rất nghiêm ngặt, các lực lượng đặc công hoạt động hết sức khó khăn, thậm chí không đột nhập nổi. Bởi vậy, trong lúc đối phương đang tự mãn với phương thức ngăn chặn tưởng chừng như “Bất khả xâm phạm” thì bị đòn trời giáng, chứng tỏ không ở đâu an toàn đối với chúng.

Hôm thành lập Trung đoàn, tôi ngủ với anh Phùng Truyền(2) được một đêm tại Bùng Binh, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu để sáng hôm sau đi chuẩn bị chiến trường. Hôm đó, để nắm được lực lượng đại đội 2 đang bám trụ bên ấy. Công tác chuẩn bị chiến trường thực ra được triển khai ngay từ khi Trung đoàn ra đời, tuy nhiên phải rất khẩn trương và đã đạt kết quả. Để có được kết quả quý giá đó phải ghi nhận được tiếp nối kinh nghiệm thực tiễn của số anh em đặc công Tỉnh đội Biên Hòa từng nhiều năm bám trụ ở địa bàn trọng điểm này. Đó là một cái vốn quý ai cũng phải thừa nhận. Bởi hệ thống phòng thủ của địch ở tổng kho Long Bình có thể nói là kỷ lục. Ngay các loại rào kẽm gai có tới 20 tuyến. Đó là chưa kể vô vàn cài mìn cặm bẫy rất nguy hiểm bao quanh căn cứ. Điều lý thú là trong quá trình điều nghiên, chúng tôi có bắt được một tên lính cấp trung sĩ, nó khai tên là Thân khi đang tuần tra trên các tuyến đường nhựa. Tuy nhiên đưa về khai thác, tên này chẳng biết gì được mấy về tin tức, bởi nó gác vòng ngoài nên cách bố phòng bên trong coi như mù tịt. Toàn tổng kho chúng bố trí những 11 cổng ra vào, bộ phận nào làm ở khu vực nào là chỉ biết trong phạm vi của mình. Mới thấy, ngay trong đội ngũ của chúng đã có những phương án cảnh giác chặt chẽ đến mức nào. Ngay hệ thống cửa cũng toàn loại sắt dày rất nặng, khóa đóng mở đều bằng điện. Để phá được loại cửa này cực kỳ khó khăn. Long Bình là căn cứ rất rộng lại phải khắc phục nhiều chướng ngại, nên trong vòng một đêm không thể ra vào được. Bởi thế, có lần anh Quỳnh một cán bộ phải nán lại trong khu vực kho cả ngày để hôm sau điều nghiên các mục tiêu bên trong. Tương tự như vậy, vào tháng 3 năm 1973, Hồ Văn Sinh (sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) trong một lần vào trinh sát bất ngờ gặp một tên địch. Bí quá, Sinh gí khẩu súng vào mặt nó, dọa: hãy im mồm thì tao tha mạng sống. Nó dạ dạ lia lịa. Tưởng chừng trước cái sống và cái chết chúng giả bộ cho qua, không ngờ nó lại sợ bị liên lụy nên im thật. Bằng chứng là cả đêm ấy, Sinh chủ yếu là nghe ngóng động tĩnh và rất may tìm được hòm đạn pháo để trống. Thế là anh ta giấu mình cả ngày trong đó. Lợi dụng tranh tối, tranh sáng và đủ mọi âm thanh nên đã quan sát khá rõ các khu vực bố phòng bên trong của địch. Tối hôm sau, tìm đường trở ra an toàn. Ít lâu sau nữa Hồ Văn Sinh trực tiếp dẫn lực lượng vào phân khu 50 phá hủy

được 20 xe tăng và xe bọc thép của Mỹ, ta lui quân an toàn rút về ấp Đá Mài, gần sông Buông trú lại tạo thế bất ngờ. Như vậy là chúng tôi đi chuẩn bị mục tiêu trong tổng kho Long Bình làm hai giai đoạn cả tháng 5 và tháng 6 âm lịch, để thực hành đánh vào đêm trăng tháng 7, đó là đêm 12 rạng 13 tháng 8 năm 1972. Lực lượng tham gia trực tiếp có 36 người. Nếu tính cả chỉ huy và bảo vệ hành lang là trên 50 người. Phương tiện hiệp đồng chỉ huy chủ yếu bằng đồng hồ, từ giờ mở rào, giờ tiếp cận, giờ đột nhập đặt trái, giờ lui quân rời trận địa đều căn bằng giờ. Khoảng 3 giờ 30 phút, tất cả ra khỏi hàng rào ngoài cùng, 4 giờ sáng bắt đầu phát nổ. Theo dự kiến khoảng 6 giờ trái nổ nhưng do nhiệt độ tăng nên nó nổ sớm hơn được 2 giờ. Ở đây còn có nhiều may mắn là thời gian phát nổ sớm nhưng lúc ấy lực lượng ta đã ra ngoài phạm vi tương đối an toàn. Bằng không, điều gì xảy ra khó mà lường hết được. Là một người trong cuộc, trực tiếp kề vai sát cánh cùng anh em đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao và hoàn thành xuất sắc. Mặc dầu thời gian đã lùi lại khá xa, gần cả nửa thế kỷ rồi còn gì. Song, từ tâm thức của mình tôi xin kể lại những gì vốn có của nó, mong các bạn bổ xung thêm. Qua đây, cũng xin gửi tới những người đồng đội thân thiết xa gần tình cảm chân thành, chúc dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, niềm tin yêu cuộc sống.

Đại tá , Nguyễn Văn Tải , Nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 9, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc Công 113,( Nay là Lữ Đoàn Đặc công 113 )

P/s : Điều kỳ diệu 49 năm sau trận tập kích Tổng kho Long Bình các đồng chí chỉ huy trực tiếp trận đánh Tổng kho Long Bình đêm 12/8 sáng 13/8/1972 . Hiện khỏe mạnh và minh mẫn ( 1. Thiếu tướng AHLLVTND , Nguyễn Thanh Tùng , nguyên Trung đoàn trưởng đặc công 113 đầu tiên . Năm nay (2021) ông 91 tuổi .

(2) Thiếu tướng Phùng Truyền , nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 9, nguyên Phó Tư lệnh Chính Trị binh Chủng Đặc Công.

3. Anh Hùng LLVTND Đỗ Văn Ninh nguyên Phó Tư lệnh trưởng TMT Binh chủng Đặc Công , nguyên trung đoàn trưởng 113 Đặc Công (năm 2021 ông 84 tuổi ).

4, Đại tá , Nguyễn Văn Tải,nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 9, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc Công 113,) ông năm nay 80 tuổi ."

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ tích trận tập kích Tổng kho Long Bình 49 năm trước (13/8/1972-13/8/2021 )" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn