Ký ức

Huỳnh Hồng Điệp

18/08/2021 10:26

Theo dõi trên

Chia tay người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ bé bỏng, anh xốc ba lô cùng đồng đội vào lại chiến trường B. Ròng rã trèo đèo lội suối, vất vả gian truân vượt Trường Sơn đúng ba tháng rưỡi , anh vào đến Phú Yên nhận nhiệm vụ bác sỹ trưởng một bệnh viện dã chiến.

Năm đó 1963. Nhớ những trận lũ ụp xuống cả trung đội đang lội suối, không chạy kịp, anh em chới với trong dòng nước hung dữ. Nước lũ đã cuốn trôi tất cả chỉ trong khoảnh khắc...gạt nước mắt mà hành quân tiếp. Có những chiến sỹ bị lên cơn sốt rét, đơn vị đau xót đành phải mắc võng sát ngay cạnh đường đi, tiếp tục hành quân. Các đơn vị vào sau sẽ chạy chữa tiếp cho các anh. Nếu gượng được thì các anh nhập vào các đơn vị sau, nếu nặng quá không qua khỏi thì cũng phải chịu. Trên ngực túi áo các anh có lọ pênixilin ghi tên tuổi, quê quán. (Võng mắc cách xa đường đi khoảng từ hai đến ba mét thì coi như không bao giờ tìm thấy các anh, các anh mất lặng lẽ vì cây rừng rậm rạp, che lấp tầm nhìn.

trai-tim-lb-1629257071.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Sau hòa bình, người ta tìm thấy có những cái võng mắc tít trên ngọn cây cao trên có bộ xương của liệt sỹ là vậy. Cây rừng sinh trưởng và đã đưa các anh lên cao). Có những hôm hành quân mưa rừng rả rích không tạnh mấy ngày liền, vắt chui qua giầy cắn nát chân, be bét máu. Đến bữa ăn nắm cơm, nhai mãi thấy dai dai hóa ra ăn phải cả vắt, sáng tinh mơ anh nuôi múc nước suối nấu cơm có cả vắt lên theo.

Có những hôm đến binh trạm nghỉ chân, được binh trạm trưởng thông báo sẽ có khả năng địch ném bom, đơn vị lại tiếp tục hành quân thâu đêm. Có những lần đến nơi nghỉ chân ở trên đồi cao, chiến sỹ ta lại phải đi hàng cây số trong đêm để tìm suối lấy nước nấu cơm. Không thể kể hết được những gian nan, vất vả mà anh và đồng đội đã trải qua trên con đường vào nơi tập kết. Tất cả cho tiền tuyến, miền Bắc căng mình chi viện cho miền Nam những người con ưu tú, từ hạt thóc củ khoai với bao tình yêu thương nồng ấm. Toàn quân, toàn dân với một ý chí sẳt đá: đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!

Anh đã viết một lá đơn bằng máu tình nguyện đi B, lòng canh cánh khát vọng được giải phóng quê hương, nơi có người mẹ già hàng ngày bị quân giặc đánh đập tra khảo vì có người con trai đi tập kết ra Bắc. 

Trèo đèo lội suối, vượt Trường Sơn anh đã vào đến Phú Yên nhận công tác phụ trách bệnh viện quân y. Bệnh viện đặt trên vùng núi Sơn Hòa, vùng giáp ranh giữa ta và địch.

Bệnh viện dã chiến đặt trên vùng núi với bao khó khăn, vất vả, cái chết luôn rình rập. Lương thực, thuốc men được chuyển lên với bao công sức của các đồng chí Ban kinh tài và người dân. Để có được những viên thuốc kháng sinh, những ống thuốc tê là bao vất vả gian truân, thậm chí đánh đổi cả bằng máu.

Thông thường hàng ngày cứ khoảng ba giờ chiều trên núi bệnh viện cắt người xuống nhận lương thực, thuốc men tiếp tế, đến đêm khuya các đồng chí mới về đến bệnh viện.

Có những lần địch vây ráp gắt gao, thiếu thuốc men trầm trọng, lương thực cũng hết, bác sỹ và bệnh binh húp cháo rau cầm hơi.

Có những ca bác sỹ cùng thương binh khóc động viên nhau khi phải tiến hành cắt bỏ chi mà không có thuốc tê, giảm đau.

Bệnh viện nằm trên núi, trong rừng nhưng vẫn luôn đề phòng bọn thám báo Mỹ ngụy lùng sục. Một bệnh viện chính nhưng phải luôn chuẩn bị tới ba, bốn địa điểm dự trù ở những chỗ cách xa nhau để khi bị lộ có nơi chuyển thương binh.

Bệnh viện cũng có vài lần phải di chuyển gấp vì được tin báo có khả năng địch đã phát hiện ra. Mọi người gấp rút chuyển hết thương bệnh binh cùng dụng cụ ngay trong đêm.

Cho đến một hôm...

Sáng hôm đó, anh với chức danh bác sỹ phụ trách bệnh viện cùng đồng chí Đức chính trị viên, đồng chí Lư liên lạc đi họp trên tỉnh như thường lệ. Một tổ bảo vệ ba đồng chí đi trước trinh sát, báo về an toàn không có vấn đề gì.

Đi được chừng hai trăm mét, bỗng anh nghe * rắc *, quay đầu lại anh bảo đồng chí Đức * có lẽ phục kích rồi! *. Đồng chí Đức khoát tay: * Đồng chí yên tâm! Cứ đi đi *. Đi được vài bước bỗng * vèo* , anh thấy nhói buốt bên cánh tay trái, anh gục xuống, chỉ kịp hô: * biệt kích*. Loạt đạn tiếp theo trúng đầu đồng chí Đức, máu và óc văng tung tóe. Đồng chí Lư liên lạc đạn sượt qua ót, vùng chạy được. ( đồng chí chạy lạc trong rừng bảy ngày sau mới tìm về được đơn vị). Phía trên tốp bảo vệ (gồm ba đồng chí thương binh đã được chữa lành, đang chuẩn bị về đơn vị, tự nguyện làm công tác bảo vệ) cũng đã gục xuống dưới tràng súng lia của bọn biệt kích Mỹ.

Anh bị bắn vào vai trái, ngã gục xuống sau khi hô to cho đồng đội biết bị sa vào ổ phục kích Mỹ. Anh lăn nhanh sang bên trái ria đường. Những loạt đạn bắn lia vào người, anh lại trúng đạn tiếp, lần này trúng hông gần gài nơi móc quần. Anh vội lăn người sang bên phải, nơi có những tảng đá to, gọi là khộp đá. Anh bò len vào kẽ hở hai tảng đá to, lết vào phía trong. Ở trong là một khe nước chảy. Anh bị thương rất nặng, máu chảy nhiều, một cánh tay thõng xuống, quanh người nhiều mảnh đạn găm. Anh cởi áo ra, lót ngồi. Máu chảy nhiều sẽ thấm vào áo và không chảy theo khe nước, bọn chúng sẽ không phát hiện được. Quả lựu đạn độc nhất anh đã tháo chốt kẹp ở bàn chân, quyết sống mái với giặc, không để bị bắt sống.

Hình ảnh mẹ già đau đáu chờ mong con chợt hiện qua tâm trí anh, người vợ hiền cùng hai đứa con bé bỏng cũng vụt qua. Tất cả hình ảnh ấy vụt lên trong mấy giây, động viên anh có thêm nghị lực để trụ vững giữa khoảnh khắc mong manh cái sống- cái chết. Tụi biệt kích Mỹ lùng sục chán không thấy anh thì bỏ đi...Anh đóng chốt lựu đạn, nghe ngóng thật tĩnh lặng mới tìm cách ra khỏi hang.

Từ chín giờ tối tới bốn giờ sáng anh mới bò lết được về căn cứ quân y. Trời tối đen như mực, vết thương quá nặng nên cũng có khả năng anh bị lạc đường, quãng đường bình thường chỉ đi hết mười phút.

Bò đến hang đá, địa điểm dự trữ cách mấy hôm bệnh viện của anh vừa chuyển đến. Mấy đồng chí thương binh nằm trên hang tay chân quấn băng và nẹp đã nhận ra anh với giọng nói yếu ớt vì mất nhiều máu. ( mấy đồng chí này cồng kềnh không nằm trong hang được, đành nằm trên miệng hang, mỗi người thủ sẵn hai quả lựu đạn đề phòng bất trắc thì chiến đấu với giặc, thật là cảm động !).

Vết thương khá nặng ở vai và nhất là phần thắt lưng, máu ra nhiều, anh ngất đi.

Sau hôm đó anh đã kịp báo cáo tình hình và nhận lệnh cấp trên: Ở lại bệnh viện điều trị vết thương, điều hành mọi việc, chờ người vào tiếp quản bệnh viện. Vậy là với vết thương khá nặng, anh chiến đấu với nó nhưng vẫn phải tỉnh táo để điều hành công việc. Hơn một tháng sau có bác sỹ ngoài Bắc vào tiếp quản (nghe đâu là cháu của Cụ Đặng Thai Mai).

Anh được cáng ra Bắc điều trị ở K5 nơi bệnh nhân nặng được tập trung cứu chữa chăm sóc. Tại đây anh đã được gặp anh hùng Trần Thị Lý. (Vô cùng thương cảm người nữ anh hùng ấy, hàng tháng chị được tiêu chuẩn phát năm kg bột giặt để các hộ lý giặt giũ quần áo do vết thương bị giặc tra tấn).

Vết thương tạm gọi là lành, anh lại xung phong đi B với thương tật 2/4, mảnh đạn chưa gắp ra hết. Anh lên Sơn Tây huấn luyện nhưng rất tiếc đến phút cuối anh không đạt nguyện vọng vì một bên vai không hồi phục, không đeo ba lô và khoác súng được. Anh phục viên và trở thành bác sỹ đa khoa, phụ trách chuyên môn của Viện chống lao Hà Nội.

Bây giờ anh bác sỹ thương binh đã ngót nghét 90 tuổi, yêu đời, thương con cháu, đoàn kết vui vẻ với bà con lối xóm. Có điều trái gió trở trời vết thương cũ lại hành hạ, những mảnh đạn trong người lại trỗi dậy cứa nát da thịt anh.

Thương lắm!!!

Tôi viết về CCB Trần Mai Quế. Cụ là ba chồng tôi.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn