Ký ức chiến tranh

Sau hơn hai tháng huấn luyện, tôi cùng đồng đội được nghỉ phép về thăm gia đình trước khi hành quân vào miền Nam chiến đấu. Hết phép, Mẹ tôi tiễn tôi ra bến đò (làng tôi ở cạnh sông Cầu - làng Thổ Hà - Bắc Giang); chỉ có mẹ tôi tiễn tôi vì bố tôi vẫn phải đi làm, em tôi đi học và các anh tôi người thì công tác, người thì bộ đội xa nhà cả.

Dưới tán bàng già cạnh bến sông, trong khi đợi đò sang, Mẹ khẽ nhắc tôi: "đừng bỏ về con nhé" - "Bỏ về" tức là đào ngũ thời đó. Mẹ tuyệt nhiên không khóc và cứ lặng nhìn con đò đưa tôi ra xa. Mẹ tôi không biết chữ, không là Đảng viên, không tham gia tổ chức đoàn thể nào vậy mà lòng tự trọng, trách nhiệm của người Mẹ đối với đất nước thật đáng nể phục.

b1-noi-1a-1698221437.jpg

Sinh viên chiến sỹ chụp ảnh trong Công viên thống nhất nhân dịp nghỉ phép trước khi đi B, tháng 11 năm 1972.

 

Cuộc chia tay chính thức của chúng tôi với miền Bắc để vào Nam chiến đấu diễn ra ở Ga Thường Tín (Hà Nội).

Thường Tín và sân ga Thường Tín - nơi mà các chuyến tàu đi về hướng Nam (thực ra chuyến tàu chở chúng tôi chỉ chạy đến Ninh Bình) để chở bộ đội vào Nam chiến đấu, là nơi vĩnh biệt miền Bắc, vĩnh biệt người thân của nhiều sinh viên - chiến sỹ thời đó. Đến thời điểm ấy tôi mới cảm nhận được sự chia tay thiêng liêng của người lính với người thân trước khi ra trận (không hẹn ngày về).

b1anoi2-1698221607.jpg

Liệt sỹ Vũ Đức Thành, sinh viên k15 khoa Lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội

 

b1bnoi2b-1698221681.jpg

Liệt sỹ Nguyễn Đức Thắng, sinh viên K15 khoa Lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội

 

Chỉ có những người lính quê ở Hà Nội mới may ra có người thân đưa tiễn, còn bọn tôi - những người lính không phải người Hà Nội thì không có người thân đưa tiễn vì lúc đó thông tin và đi lại thật khó khăn. Nhưng thật may cho tôi là không có mẹ ở đó để mẹ phải đau lòng như những người mẹ khác (khi cảm nhận có thể xa con mãi mãi). Hình ảnh hai người mẹ của cuộc chia tay ấy mãi đọng trong tôi. Người mẹ thứ nhất là mẹ của Nguyễn Văn Phú - bạn tôi. Tôi và Phú ngồi trên tàu, cạnh cửa sổ; dưới sân ga là mẹ Phú với ánh mắt đau đáu nhìn con, bên cạnh là chị gái Phú bụng chửa vượt mặt và anh trai Phú. Người mẹ thứ hai là mẹ của anh Bùi Khởi Đàm - SV khoa toán, bà cứ vật vã dưới sân ga, chạy theo đoàn tàu và gào lên "Đàm ơi! mày đi thật đấy hả Đàm?". Ánh mắt của mẹ Phú và tiếng gào của mẹ anh Đàm cứ ám ảnh tôi cho đến bây giờ (thật may cả Phú và anh Đàm đều trở về sau chiến tranh).

b1abcnoi3-1698220999.jpg

Mẹ Liệt sỹ Nguyễn Đức Thắng thắp hương ở Đắc Nông, nơi con trai bà hy sinh.

 

      Trên sân ga Thường Tín, trước giờ khởi hành, tôi nhớ cảnh một đôi trai gái chia tay nhau giống hệt trên phim. Nàng mặc áo màu đỏ còn chàng quân phục xanh mới tinh, cả hai người cứ ôm hôn nhau, nhảy lên bậc tàu rồi lại nhảy xuống sân ga như không thể rời nhau cho đến khi tàu chạy. Tôi cũng như đa phần lính sinh viên (năm 1; năm 2) hồi đấy chưa biết tình yêu là gì nên ngưỡng mộ đôi ấy lắm và gọi đó là cuộc chia ly màu đỏ. Bài thơ "cuộc chia ly màu đỏ" của Nguyễn Mỹ giai đoạn đó đang nằm lòng của giới trẻ. Tuy nhiên, "cuộc chia ly màu đỏ" của Nguyễn Mỹ là cuộc chia ly của người lính với vợ tại công viên, còn đây là của người lính với người yêu trên sân ga trước giờ ra mặt trận - "Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ".

babcbnoi4-1698221820.jpg

Mẹ Liệt sỹ Nguyễn Đức Thắng cùng đồng đội của Nguyễn Đức Thắng thắp hương ở Đắc Nông, nơi con trai bà hy sinh.

 

Vậy mà đến tháng 12 năm 1975, trên đường ra Bắc để học tiếp tôi có gặp anh bộ đội ấy (vốn là sv Bách Khoa Hà Nội) ở sân bay dã chiến Phan Rang (cũng đang trên đường ra Bắc) thì anh thông tin nàng đã lấy chồng rồi (tình yêu không lý tưởng như tôi nghĩ).

Đồng đội tôi - Vũ Đức Thành, cũng là người Hà Nội (trai phố Huế) nhưng lại không có may mắn được gặp người thân ở sân ga Thường Tín như Phú và anh Đàm. Thành (Tư bản - vì trắng trẻo, đẹp trai, phong thái đĩnh đạc) học trên tôi một năm (K15, khoa Vật Lý, ĐH tổng hợp Hà Nội). Thành học giỏi và rất ham học. Dọc đường hành quân trên Trường Sơn, cứ đến ngày nghỉ là anh lại mang quyển sách tiếng Anh của tác giả Vũ Tá Lâm ra đọc. Hồi ấy không nhiều người học tiếng Anh (chủ yếu là tiếng Nga); sau 6 tháng hành quân cũng là lúc Vũ Đức Thành hoàn thành khóa tự học của mình. Thành hy sinh trước ngày 30/4/1975 (trước ngày thống nhất đất nước 16 ngày). Anh lĩnh trọn một quả pháo lạc của địch trong lúc đào hầm, thật là nghiệt ngã. Thành là con một nên mẹ anh đã bị một cú sốc lớn khi nghe tin anh hy sinh. Chúng tôi thường đến thăm bà mỗi năm vào ngày 27/7 (ngày Thương binh liệt sỹ) nhưng không lần nào được bà tiếp. Bà luôn khóc khi thấy chúng tôi, chắc bà nhớ Thành lắm, còn chúng tôi thì thấy mình có lỗi là đã trở về mà không mang Thành về cho bà. Mẹ của Thành cứ khóc như vậy suốt mấy chục năm cho đến khi bà trở về bên đứa con của mình ở thế giới bên kia. Mộ của Thành còn bị thất lạc do quá trình quy tập mộ liệt sỹ sau chiến tranh, đến nay vẫn chưa tìm được. Trong Nghĩa trang tỉnh Tiền Giang chỉ thấy tên Liệt Sỹ Vũ Đức Thành được khắc trên bia tưởng niệm chung chứ không có mộ chí của Thành trong khu mộ chí, thật đau lòng. Liệt sỹ Vũ Đức Thành mãi vẫn nằm ở chiến trường xưa, không thể trở về Hà Nội.

      Nguyễn Đức Thắng (Thắng đen - vì da ngăm đen) cũng là người Hà Nội, bố mẹ của anh nguyên là bộ đội làm việc ở bệnh viện 108. Thắng đen cùng lớp với Thành (K15 Vật lý). Thắng đen hy sinh trước Thành khoảng 1 năm; trên núi rừng tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắc Nông). Thắng đen là lính trinh sát và anh đã hy sinh vì mìn Claymo khi đang đi trinh sát. Đơn vị đã tổ chức lấy xác anh nhiều lần nhưng không được vì địch cài tiếp mìn và phục kích. Thân xác anh đã hóa mùn để bón cho rừng già Đắc Nông, không thể quy tập để chôn. Chúng tôi phải nói dối bố mẹ của Thắng đen là anh đã được quy tập vào Nghĩa trang Đắc Nông và luôn được hương khói. Tuy nhiên linh cảm của người mẹ hình như mách bảo mẹ của Thắng đen. Mấy chục năm sau (khi chồng bà đã mất), bà đề nghị chúng tôi đưa bà vào thăm mộ con trai bà. Không thể dấu mãi sự thật, chúng tôi đã nói cho bà là con trai bà hy sinh nhưng mất xác vì lý do nói trên. Thật may, mẹ của Thắng đen từng là bộ đội nên khá can trường, bà chấp nhận sự thật và muốn đối diện với nó. Chúng tôi đã đưa bà vào Quảng Đức, Bà nức nở, nằm ôm lấy mảnh đất đồi và hướng về khu rừng mà con mình đang nằm trong đó - còn gì đau đớn hơn?

     Sau hơn 3 năm xa cách; tháng 12/1975, tôi được trở về nhà lành lặn sau chiến tranh. Người đầu tiên tôi gặp ở nhà cũng chính là mẹ tôi. Mẹ tôi đang ngồi nắm than (giống như làm than tổ ong nhưng không có khuôn mà làm thành bánh dày khoảng 5 - 7 cm, phơi khô, khi dùng thì bẻ thành cục) trong bếp thì tôi chạy vào gọi "mẹ". Mẹ tôi lặng người nhìn tôi một lúc lâu rồi ôm tôi và khóc nức nở. Đến lúc đó tôi mới hiểu thế nào là "nước mắt dành cho ngày gặp mặt". Ba năm tôi không có tin tức gửi về nhà, chiến tranh chấm dứt mà mãi tôi cũng chưa thấy về nhà nên mọi người trong gia đình nghĩ tôi đã "hy sinh" và gia đình đã chuẩn bị đi phóng ảnh chân dung của tôi để đặt lên bàn thờ. Sau này tôi mới hiểu nỗi nhớ thương của các bà mẹ đối với những đứa con dứt ruột của mình. Mẹ không khóc khi tiễn tôi lên đường là để tôi khỏi mềm lòng chứ thực ra là "nước mắt chảy vào trong suốt ba năm trời". Mẹ tôi mất khi 96 tuổi (không một ngày đi viện, ra đi rất nhẹ nhàng như thể không muốn làm phiền con cái). Nếu như không có "nước mắt chảy vào trong" vì tôi suốt ba năm trời, chắc Mẹ tôi sẽ thọ trên trăm tuổi.

    Cuối năm 1973, sau khoảng 8 tháng hành quân bộ dọc Trường Sơn, qua Lào, Campuchia; đoàn 2004 của chúng tôi (có khoảng 200 lính sinh viên) trở về VN và đóng quân tại Cà Tum (Tây Ninh). Đại đội tôi đóng quân trong rừng le; tre, gần sân bay dã chiến Cà Tum. Chưa kịp đào hầm trú ẩn thì đơn vị đã bị máy bay địch ném bom. Một quả bom đã rơi vào trung đội 1 (đang nấp sau ụ mối, nhưng lại nấp đúng hướng bom rơi). 11 người hy sinh, 11 người bị thương. Vì bị bom nên có liệt sỹ chỉ gom được ít xương thịt vào túi nilon để chôn (rất có thể còn lẫn xương thịt của người khác). Huyệt mộ chỉ đào được khoảng 50 cm là ngập nước, các liệt sỹ đều được bó trong tấm tăng (thường dùng để che mưa, mắc phía trên võng) và được dìm xuống nước để lấp đất chôn. Trận bom đã tác động mạnh đến những người lính trẻ (tuổi 20). Trung đội 4 của tôi vì nằm xa chỗ bom rơi nên an toàn, anh em từ khu vực bị bom chuyển đến ở cùng với chúng tôi. Đêm xuống, không đèn đóm, không gian chùng xuống, cả đám lính sv bị sốc vì sự nghiệt ngã của chiến tranh. Để xua tan những suy nghĩ vẩn vơ và để khỏi trằn trọc cho những giấc ngủ, thật may trong lán chúng tôi có anh Bùi Khởi Đàm (lính B3 chuyển đến ngủ nhờ) - anh Đàm vốn là sv năm 3 khoa toán (ĐH Tổng hợp Hà Nội) đọc rất nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của văn học Xô viết thời ấy. Với trí nhớ đáng nể và lối kể chuyện cuốn hút, anh Đàm đã đưa chúng tôi ra khỏi rừng le vương mùi xác chết để bước vào không gian lãng mạn của văn học Xô viết trước khi chìm vào giấc ngủ ít mộng mị. Tôi nhớ mãi hai câu chuyện anh kể hồi đó là "cây phong non trùm khăn đỏ" của Aitmatop và "Đubropxki" của Puskin và nhớ cho đến bây giờ. Mãi sau này tôi mới được đọc trực tiếp truyện ngắn và tiểu thuyết nói trên nhưng trước đó nội dung hai câu chuyện đó đã thấm đẫm trong tôi, đã tác động đến nhân cách của tôi và tôi đã mang cảm xúc đó đến cho nhiều người bằng cách kể lại hai câu chuyện đó theo trí nhớ của mình (đa phần những người nghe tôi kể chuyện đều xúc động và khen hai câu chuyện đều hay). 

Mới gần đây tôi mới biết anh Bùi Khởi Đàm là cháu họ gần của cụ Bùi Bằng Đoàn. Anh Đàm là Phó GS.TS toán (trước đây anh đã từng đoạt giải nhì về thi học sinh giỏi toán lớp 10 miền Bắc), anh từng làm việc ở Viện toán học Việt Nam và sau đó về dạy ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau trong những sự kiện của cựu chiến binh Trung đoàn 271. Anh Đàm vẫn thẳng tính, bốp chát và tình nghĩa. Nhắc lại kỷ niệm này cũng là để cám ơn anh Bùi Khởi Đàm về hai câu chuyện rất hữu ích mà anh đã mang đến cho tôi và các đồng đội của tôi.

 

Trần Lâm

Trần Lâm

16:15 25/10/2023

Tác giả đã vẽ lên những hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến tranh thời đó, mà bây giờ thế hệ trẻ chỉ có thể tưởng tượng qua những hình ảnh chắp vá của phim ảnh. Là người lính từng tham gia chiến trường trong những ngày tháng gian khổ ác liệt nhất 1970-1971, với cách kể chân thực, mộc mác, tác giả đã đưa người đọc vào những năm tháng chiến tranh đó. Cảm ơn tác giả.