Đó là một buổi tối cuối tháng 4 năm 1971. Bấy giờ, tôi đang sống với bà ngoại tại xã Trung Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, cách nay 35 năm (Ngoại tôi không có các cậu, chỉ có hai chị em gái là mẹ và dì tôi. Họ đã có gia đình riêng, nên ngoại ở một mình và nuôi tôi ăn, học từ lớp 1 đến lúc nhập ngũ). Ngày ấy, tôi còn đang học lớp 9 (9/10, nay là lớp 11/12) trường Huyện - trường cấp III Can Lộc (nay là trường Trung học phổ thông Can Lộc). Quê tôi ở Khánh Lộc. Cha tôi - một thương binh chống Pháp hạng nặng - sau này là liệt sỹ (hy sinh do vết thương tái phát). Ông gia nhập Vệ quốc đoàn tháng 4 năm 1946, thuộc Trung đoàn 88. Cùng năm ấy, ông trở thành đảng viên Cộng sản. Từng tham chiến ở nhiều trận đánh và chiến dịch lớn như Na Pê, An Khê, Bình Trị Thiên. Đến trận Thanh Lam Bồ 1951 (Quảng Bình) thì ông bị thương nặng, phải rời quân ngũ.
Ngày tôi lên đường, ông căn dặn nhiều điều nhưng có lẽ câu nói: "Con đi, dù gian khổ, ác liệt đến đâu cũng không được bỏ ngũ. Không được làm hoen ố truyền thống cách mạng của đại gia đình ta!" đã trở thành hành trang theo tôi ra trận và suốt cả quãng đời bộ đội. (Ông bà nội tôi có 4 người con trai tòng quân chống Pháp và chống Mỹ là bác, cha tôi và hai chú. Họ đều trở thành đảng viên. Sau này, cha và chú tôi là liệt sỹ).
Tôi mang theo lời dặn ấy lên đường.
Thế là:
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí, chung câu quân hành...
Mẹ tôi là một phụ nữ bình thường như bao người mẹ khác. Nhưng trước hoàn cảnh ấy lại rất cứng cỏi và bản lĩnh. Tuy vậy, ngày tôi đi (18/5/1971), mẹ cũng không còn nước mắt để khóc tôi nữa. Ban ngày, bà cố làm vui nhưng đêm về lại lặng lẽ một mình ngồi khóc. Trắng đêm, mẹ không hề chợp mắt. Bởi tôi là đứa con trai đầu lòng; học hành còn dang dở, chiến trường thì ác liệt đạn bom. Ra đi, biết có còn ngày trở về (?!) Thế nhưng, sáng hôm sau, với đôi mắt ráo hoảnh, mẹ lại động viên tôi: "Con ra đi, cố gắng giữ gìn sức khoẻ, cố gắng theo kịp anh em, bạn bầu...".
Bất giác, tôi nhớ đến một đoạn thơ của Triệu Bôn:
... Những ngày ta tòng quân
Trống làng khua như trống trận
Mẹ khóc thầm mấy đêm, bịn rịn...
Sáng ra, mắt mẹ lại cười
Nước mắt đàn ông không dễ rơi
Những ngày ấy, cha làm nhiều hơn nói
Cha đã quá nửa đời bôn trải
Mòn gót chân xuống bể, ngược mường
Roi, cùm, sưu, thuế nặng oằn lưng
Nên trái tim cha là trái tim chiến sỹ...
... Vào thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Đó là những ngày cuối mùa xuân 1971, khi chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bạn bè tôi (sau này là những đồng chí cùng chung chiến hào đánh Mỹ) là những chàng trai mới lớn, hầu hết chưa ai vượt qua tuổi 18, nhưng đều có chung một ý chí, một tình cảm và một quyết tâm: Ra trận.` Tất cả vì miền Nam ruột thịt; Tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước! Lớp thanh niên chúng tôi thời ấy, hầu hết xem việc được cầm súng đánh giặc, giải phóng miền Nam là một hạnh phúc, một lý tưởng cao cả của tuổi trẻ. Dẫu biết rằng sự hy sinh, tổn thất là tất yếu và đang đợi ở phía trước. Biết vậy, mà chúng tôi vẫn rất hồn nhiên và vô tư quá đỗi. Hào khí dân tộc và cuộc chiến vĩ đại đã đi vào trang viết của các văn nghệ sỹ rồi biến thành sức mạnh vật chất, thôi thúc cả nước ra trận:
Hỡi miền Bắc đó nặng hai vai
Gánh cả non sông, vượt dặm dài
Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai
(Tố Hữu)
Lãng mạn hơn:
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông nối Trường Sơn tây...
(Phạm Tiến Duật)
Ai trong chúng tôi cũng háo hức, bồi hồi...
Lớp 9C chúng tôi hồi ấy do thầy Trần Đức Ái, quê Xuân Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh làm chủ nhiệm. Năm nay, thầy tròn tuổi 70, nghỉ hưu đã 10 năm nhưng hãy còn khoẻ mạnh và vẫn tiếp tục cống hiến phần đời còn lại cho việc dạy chữ, dạy người. Hiện, thầy đang dạy hợp đồng tại trường Trung học phổ thông dân lập Can Lộc. Tôi nhớ, ngày 18-5-1971, lớp tôi nhập ngũ khá đông, trong số đó Nguyễn Công Lam, Phan Anh Tuấn (Phan Cháu), Phan Công Vinh, Đặng Văn Thọ (đều quê Trung Lộc); Trần Văn Tam, lớp trưởng (Đại Lộc, sau này hy sinh) Phạm Văn Tám (Tiến Lộc, sau này hy sinh); Hà Duy Hưng (Tiến Lộc, sau này hy sinh) cùng tôi và một số người khác...
Chúng tôi tập trung quân tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc. Do thiếu nơi ở nên phải chuyển sang xóm Tân Nam Mỹ, xã Trung Lộc. Tôi nhớ nhập ngũ đợt ấy, Can Lộc giao hơn 200 quân. Tất cả chúng tôi ra đi ai cũng có người thân đưa tiễn. Đó là mẹ cha, anh chị em và bà con ruột thịt. Những ai đã có người yêu thì người yêu bịn rịn chẳng nỡ rời. Chúng tôi nhận quân trang. Lần đầu tiên cởi bỏ bộ thường phục, khoác lên mình màu áo xanh của lính, xúng xính, rộng thùng, ai cũng cảm thấy ngỡ ngàng và hình như thấy mình lớn lên hơn, chững chạc hơn hẳn. Chúng tôi ngủ tại nhà dân ở đấy một đêm. Sáng hôm sau (19-5) tôi là một trong 12 người được chọn đi tiền trạm cho đơn vị. Cũng là lần đầu tiên trong đời chúng tôi phải hành quân bộ hơn 70 cây số lên huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nói là tiền trạm nhưng cuối cùng chúng tôi thành "hậu trạm". Bởi đi bộ xa chưa quen nên quá mệt mỏi và lại đi sai đường nên khi đơn vị tập kết tại địa điểm quy định ở Sơn Tây, chúng tôi vẫn đang còn ở bên này sông La thuộc địa phận xã Đức Hoà, Đức Thọ. Chiều hôm đó mới vượt sông bằng đò rồi tiếp tục đi. Mười một giờ đêm chúng tôi mới thất thểu đến nơi. Đôi chân và vai rã rời, như muốn đứt lìa ra. Đó là kỷ niệm đầu tiên của đời lính...
..( còn nữa )
Trái tim người lính