Sau này tìm hiểu, tôi mới biết theo quy định của các đơn vị đặc công, trước lúc chiến đấu đều phải đào huyệt sẵn trước như vậy. Đánh xong, dù thắng hay bại, nếu có tử sỹ, sẽ sẵn huyệt mai táng ngay để kịp bàn giao trận địa cho đơn vị khác rồi rút trước khi trời sáng...
Đó là trận đánh đầu tiên tôi tham gia nhưng đã nếm mùi thất bại.
Chúng tôi được lệnh lui về Gò Nổi, trở lại trận địa cũ.
Ngày hôm sau, sư đoàn 25 ("Tia chớp nhiệt đới") và sư đoàn 5 nguỵ nống ra càn quét để thăm dò hòng tiêu hao, tiêu diệt lực lượng ta. Sau khi chạm trán với bộ binh địch bằng một cuộc đọ súng dữ dội, cối 82 li chúng tôi chi viện đắc lực cho bộ binh tiểu đoàn 9 xuất kích phản công đẩy lui các cánh quân càn quét của chúng. Địch gọi pháo binh và không lực yểm trợ. Pháo từ các căn cứ Đức Hoà, Hậu Nghĩa tới tấp dội xuống trận địa như mưa. Tiếp đến là các đợt không kích dữ dội của chiến đấu cơ A37 theo chỉ điểm từ trái khói của trinh sát L19. Một cụm khói trắng bốc lên là bọn phản lực thi nhau bổ nhào, trút bom. Trận địa mù mịt trong lửa bom và đạn pháo của địch. Rất nhiều đồng chí ở các đại đội bộ binh phía trước hy sinh và bị thương.
Sau trận không kích và pháo bầy dữ dội đó, địch lại liều lĩnh phản kích. Lần này chúng thận trọng hơn. Hoả lực bộ binh địch như cối 81, M72, M79, đại liên thi nhau đổ đạn vào trận địa. Chúng tôi ở phía sau không trực tiếp với bộ binh nhưng lại hứng chịu bom, pháo hết sức nặng nề. Trung đội cối có hai người hy sinh, hai người bị thương. Hướng tiền duyên, các đại đội bộ binh phản kích, đánh bật địch ra. Cái công thức bom, pháo tái diễn, rồi bộ binh lại tràn vào, ta lại đánh bật ra ...
Khoảng 3 giờ rưỡi chiều, sau nhiều lần phản kích không thành và để lại hàng chục xác chết, địch rút khỏi trận địa dưới tầm đại bác của chúng. Pháo địch từ Tiểu khu Hậu Nghĩa và Chi khu Đức Hoà bắn như đổ đạn, yểm trợ để bộ binh địch rút lui được an toàn.
Các đơn vị của ta cũng thương vong khá lớn, chủ yếu do bom, pháo. Trung đoàn lệnh nhanh chóng giải quyết hậu quả, thu dọn chiến trường, chuyển thương binh xuống bờ sông Vàm Cỏ để du kích Đức Hoà, Đức Huệ chở bằng xuồng lên "cứ" tiền phương thuộc bưng Đức Huệ, bên kia sông. Tử sỹ thì mai táng tại khu vực gần đó nhưng không được đắp núm. Chỉ vẽ sơ đồ, gửi lên Trung đoàn bộ để lưu giữ, sau này có cơ hội tìm lại. Nếu đắp mộ, sau khi ta rút rồi, địch càn ra sẽ dùng chất nổ quật tung xác anh em mình lên. Đã có nhiều trường hợp thương tâm như vậy xảy ra với các đơn vị bạn rồi.
Tôi cũng không ngờ rằng, chỉ đêm hôm sau thôi, tôi bị thương trong một trận tao ngộ chiến có một không hai của lịch sử Trung đoàn!
(còn nữa)
Trái tim người lính