Ký ức chiến tranh: Vào trận - P16

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

21/05/2023 08:42

Theo dõi trên

Sáng 19-5, địch nống ra càn sớm. Các đại đội bộ binh của tiểu đoàn 9 chạm súng với địch. Vẫn công thức cũ, chúng lui ra gọi pháo và bom. Chúng tôi lại gồng mình lên đội bom, pháo suốt một ngày ròng rã. Biết rõ sự lợi hại của hoả lực cối 82, chúng tìm cách tiêu diệt.

Địch cho một trung đội bí mật thọc sâu, thăm dò để đánh vào đại đội hoả lực chúng tôi. Tình huống khá bất ngờ và nan giải vì vòng ngoài là bộ binh ta nằm xen giữa các ấp. Không hiểu sao, tụi này lọt qua được hòng bất ngờ tập kích trung đội cối chúng tôi. Vì là đơn vị hoả lực nên súng bộ binh trang bị rất ít. Phát hiện địch vào sát ngay đội hình, mọi người vẫn bình tĩnh chờ đợi. Khi những chiếc giày đầu tiên đặt lên sát bờ công sự, chúng tôi nổ súng. Những thân hình “rằn ri” đổ vật ngay xuống trước miệng công sự.

b2vhabc1-1684633252.jpg

CCB Vương Khả Sơn viếng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Hoà - Long An ngày11/5/2023.

Chúng tôi chỉ việc thò tay ra lấy súng của chúng. AK từng loạt ngắn, găm vào đội hình địch. B40 bảo vệ cối cứ nhằm vào chỗ nào địch co cụm, siết cò. Bị bất ngờ, những tên sống sót chạy thục mạng trở ra, đụng phải bộ binh ta. Giữa hai làn đạn, chúng cố sống, cố chết chạy tháo thân. Cối 82 bắn ứng dụng (cách bắn không cần bàn đế, không cần chân, chỉ thả mạnh nòng cối xuống đất rồi dùng tay trái giữ lấy nòng, ước lượng cự ly, tay kia thả đạn vào nòng) đuổi theo. Xác địch nằm rải rác trên mặt ruộng. Ý đồ không thực hiện được, chúng lại tiếp tục gọi bom, pháo tới tấp dội xuống. Khoảng 10 giờ 30, đại đội trưởng Điệp lại bị thương. Lần này, anh bị nặng. Mảnh pháo găm vào mạng sườn phải, mất nhiều máu. Phía trước, bộ binh ta vẫn giao chiến với địch. Cối chúng tôi lại được lệnh phát hoả. Tôi thả liên tục gần chục trái đạn vào nòng bắn ra hướng tiền duyên cách đó 300 mét. Địch tháo chạy tan tác. Chúng rất sợ đạn cối 82 của ta. Bởi sức sát thương của loại đạn này là nỗi kinh hoàng của chúng.

Nhưng thật tệ hại! Những trái đạn tôi vừa thả vào nòng cối lúc nãy không ngờ lại được bọn trắc thủ pháo binh nguỵ ở chi khu Đức Hoà đo được qua tiếng đề-pa. Chúng tính toán cự ly rất chính xác. Một trận mưa pháo dội ngay xuống đầu chúng tôi. Pháo bắn "chụm chân chó", quả này cách quả kia chừng 3 đến 5 mét. May thay, trong vườn nhà má Tám có một cái hầm lớn (trảng xê) xuyên dưới gốc bụi tre, dùng để trú ẩn. Chiến sự nổ ra, dân đã sơ tán hết. Chúng tôi chui hết xuống đấy, tránh pháo. Nếu không, sẽ chẳng còn ai sống sót. Một trong hai khẩu cối bị một trái 155 li rơi trúng, bay mất. Đó là bài học kinh nghiệm xương máu đầu tiên khi bắn đạn cối. Sau này, rút kinh nghiệm, lợi dụng lúc súng hai bên đồng loạt nổ, chúng tôi mới thả đạn vào nòng (tiếng nổ hỗn loạn sẽ làm nhiễu âm thanh, bọn pháo binh nguỵ sẽ không thể đo được tiếng đề-pa cối của chúng tôi nữa).

Đêm ấy, sau khi giải quyết xong công tác thương binh, liệt sỹ, chúng tôi buộc phải rời An Thuận, rút về Gò Nổi để bổ sung quân và vũ khí cho trận đánh tới. Đêm hôm sau, chúng tôi được lệnh chuyển đội hình xuống địa bàn Tân Phú, cách đó chừng 6-7 kilômét. Tại đây, những ngày tiếp theo, tôi và đồng đội đã có những trận huyết chiến với sư 5 và sư 25 cùng một số đơn vị thuộc sư đoàn Dù "Thiên thần mũ đỏ" của quân nguỵ Sài Gòn.

Ngày 22-5, chúng tôi nhận lệnh chốt chặn quân địch nống ra càn quét. Vì đêm trước, chi khu Đức Hoà bị đại đội 25, đặc công của Trung đoàn cùng với đơn vị bạn tập kích. Tiểu đoàn 9 được bố trí theo đội hình cánh cung. Cối chúng tôi bố trí phía sau để chi viện. Nói là chi viện nhưng lúc này cơ số đạn cối chẳng còn bao nhiêu bởi chưa được bổ sung. Bảy giờ sáng, những trận mưa pháo từ Đức Hoà, Hậu Nghĩa, Hiệp Hoà mở màn cho trận càn giải toả của địch. Đã có một số đồng chí thương vong do pháo. Trên đầu, L19 vè vè nghe rợn rợn. Dưới đất bộ binh địch dò dẫm, sợ sệt. Rút kinh nghiệm những trận đánh trước, chúng tôi để cho địch vào sát công sự mới nổ súng. Thứ nhất là chắc thắng. Thứ hai là để giữ xác và những tên bị thương tại trận không cho pháo địch bắn vào (còn xác và bọn bị thương thì pháo sẽ chuyển làn ra xa, không dám bắn vào đó) ta đỡ thương vong. Địch chết rất nhiều. Có những tên bị bắn đổ sấp lên mặt công sự. Bọn còn lại rú lên, tháo chạy thục mạng. Bị thất bại bất ngờ và cay cú, chúng lại gọi hoả lực chi viện. Từng đàn "cá lẹp" và "cán gáo" (hai loại trực thăng chiến đấu, cơ động lợi hại của Mỹ) ào ào lao đến cùng 2 giàn lớn rốckét bên dưới hông và đạn đại liên bắn như mưa lên trận địa chúng tôi. Dứt trực thăng, các phi vụ bom từ A37, F5E do L19 chỉ điểm cùng với trọng pháo lại thi nhau trút xuống. Trận địa lại chìm trong lửa pháo và bom. Nhưng độc ác hơn, lần này chúng sử dụng bom xăng. Loại xăng đặc. Sau tiếng rít xé tai của phản lực cơ bổ nhào, nghe "ục, ục" mấy tiếng là lửa bắn ra theo xăng đặc dẻo quánh. Lửa trùm lên công sự của anh em bộ binh C2 (đại đội 2). Nóng và ngột quá do thiếu ô xy, chịu không nổi, nhiều đồng chí buộc phải nhào lên khỏi công sự. Nhưng không thoát. Bên trên, lửa rừng rực bao phủ cả một vùng rộng lớn. Họ lăn lộn trong lửa như những bó đuốc sống. Trực thăng liền xả đạn vào họ. Nhìn họ chết cháy, chúng tôi đau đớn, trào nước mắt mà không có cách gì cứu giúp được vì trên đầu thì trực thăng cả đàn quần thảo; trước mặt là bộ binh địch sẵn sàng nhả đạn. Hồi ấy, đại đội 2 có anh Đặng Văn Luyện, sau này đổi tên thành Đặng Thái Luyện (Trung Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng bị thương trận này. Luyện, nay là Giám đốc Công ty Du lịch Long Phú (Đảo Khỉ, Nha Trang, Khánh Hoà). Vừa qua, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh đã làm một phóng sự về anh. Đó là một giám đốc năng động, sáng tạo. Hà Tĩnh tự hào vì có những người con ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu, lại giỏi giang trong quản lý kinh tế thời "mở cửa".

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P16" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn