Ký ức chiến tranh: Vào trận - P18

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

23/05/2023 06:28

Theo dõi trên

Ra "cứ", tôi mới có dịp soi lại mặt mình qua mặt nước hố bom. Chỉ mới hơn một tuần đánh nhau mà không nhận ra mình nữa. Hai mắt thụt sâu, thâm quầng. Má hõm vào, râu ria mọc dài ra, lởm chởm. Mặt nám đen vì khói bom đạn.

Chúng tôi ở bưng, địch lại cho trực thăng bay thăm dò, đánh hơi. Anh em khi rút ra bưng, do quá mệt mỏi, đã mất cảnh giác lúc tắm giặt cũng như ngủ, nghỉ để lộ mục tiêu, bị chúng gọi pháo bắn và ném lựu đạn xuống từ trực thăng. Thêm nhiều đồng chí hy sinh và bị thương vô ích vì bất cẩn.

b1as1b-1684757176.jpg

CCB Vương Khả Sơn (bìa trái) cùng đồng đội viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp .

 

Hôm ấy, khoảng 8 giờ sáng, tôi cùng mấy anh em đang ngồi dưới một vòm cây thấp và rất kín lấy bài ra đang chia để đánh cho khuây khoả. Bỗng có tiếng vè vè rồi trong chớp mắt, một chiếc UTiTi (loại trực thăng trinh sát nhỏ, cơ động) bay sát ngọn cây, lao đến. Chúng tôi liếc nhìn thấy mặt một thằng Mỹ đỏ gay, ngồi ngay cạnh cửa trái chiếc trực thăng. Phát hiện thấy chúng tôi, nó lập tức nghiêng cánh đảo lại và ném một trái lựu đạn xuống ngay chỗ chúng tôi ngồi. "Ụ…c"! Lựu đạn nổ. Lân tinh bắn ra khắp nơi. Mấy người, trong đó có Nguyễn Văn Động (Kinh Môn, Hải Hưng) bị lửa lân tinh bắn vào mặt và quần áo. Chúng tôi nhào xuống hầm. Nước dâng lên tới cằm. Không hiểu sao riêng tôi không bị dính lân tinh. Tôi móc bùn đắp lên mặt cho Động nhưng khói vẫn cứ bốc lên. Động kêu rát. Vì lửa lân tinh không tắt bởi bùn và nước. Làm cách nào cũng không dập được lửa trên mặt Động. Trên gò má Động, vệt cháy do lân tinh cứ loang rộng ra, bốc khói khét lẹt. Tôi chợt nghĩ đến bài học hồi huấn luyện tân binh. Nếu bị lửa lân tinh thì chỉ có thể dập bằng cacbonic. Hồi đó trước khi đi B, chúng tôi đều được trang bị mỗi người trên chục ống cacbonic lỏng. Nhưng vì đánh nhau nên đã mất hết. Tôi bèn bảo mọi người đái vào khăn rồi đắp lên chỗ đang cháy. Quả nhiên, một lúc sau khi đắp nước tiểu, lửa đã được dập tắt. Rất may, hôm đó chúng ném lựu đạn lân tinh. Nếu lựu đạn mảnh thì chắc chắn tất cả chúng tôi sẽ thương vong. Mấy khẩu AK dựng gần đấy, bén lửa, bốc khói âm ỉ cháy. Khi chúng tôi lên khỏi hầm mới phát hiện được và tìm cách dập tắt. Có khẩu, phần báng cháy mất khá nhiều. Thật hú vía!

Đêm hôm sau, chúng tôi được bổ sung thêm quân. Quân bổ sung lúc này rất nhỏ giọt. Chúng tôi nhận tân binh từ Ba Thu xuống. Họ là những cậu lính trẻ măng 17, 18 tuổi của các tỉnh từ Hà - Nam - Ninh trở ra. Mỗi đại đội bổ sung giỏi lắm cũng chỉ được 6-7 người. Do ban đêm nên chỉ nghe được giọng nói và biết tên vậy thôi chứ không thể nhìn rõ mặt. Sau đó, nhận lệnh rồi vào vị trí chiếm lĩnh trận địa để chuẩn bị công sự chiến đấu ngày mai. Nhiều đồng chí 7- 8 giờ sáng hôm sau đã hy sinh ngay ở loạt đạn đầu. Đến nỗi, chúng tôi không hề biết mặt mũi họ như thế nào nữa! Chỉ lập danh sách hy sinh rồi gửi lên cấp trên để báo cáo mà thôi... (bổ sung đợt ấy có Bùi Mạnh Sinh, quê ở khu Vạn Hương thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng. Sau giải phóng Sinh vẫn còn, nhưng năm 1979 đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Hài cốt đã được quy tập về nghĩa trang quê nhà ở thị xã Đồ Sơn. Năm 2004, trong một chuyến công tác tại Hải Phòng, tôi đã đến viếng và thắp hương cho Anh tại nghĩa trang này. Tôi còn giữ được bức di ảnh của Sinh tặng tôi lúc cậu ta mới được bổ sung về đơn vị. Tôi đã gửi lại cho gia đình Anh...).

Chúng tôi được lệnh trở lại Tân Phú để tiếp tục chống càn.

Lần này, đơn vị chiếm lĩnh trận địa ở hướng tây nam.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P18" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn