Ký ức chiến tranh: Vào trận - P24

Hôm ấy, lợi dụng nước ròng, địch tắt máy, thả trôi tàu theo dòng nước đang xuống nên chúng tôi không nghe được tiếng máy tàu. Vi chờ đợi lâu ngày, đâm ra chủ quan nên bị động. Nếu không mất cảnh giác, trực sẵn sàng chiến đấu thì ba chiếc tàu hôm đó đã bị nhận chìm trên sông Vàm Cỏ Đông rồi!

Tuy vậy, tôi và Nhuận vẫn gắn bó với nhau và đi suốt các mùa chiến dịch. Chúng tôi còn có nhiều kỷ niệm về những những trận đánh khác, với nhiều tình huống thật li kỳ, lạ lẫm. Đó là vào giai đoạn sau Hiệp định Paris 27-01-1973 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975. Nay Nhuận đang sinh sống ở Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Vợ làm văn thư tại trường Trung học phổ thông Minh Khai. Hai con, một đã ra trường, giảng dạy ở Trung học phổ thông Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh); một đang học đại học.

b1vh1qa-1685884578.jpg

CCB Vương Khả Sơn (bên trái) trao sách “ Ký ức chiến tranh“ tặng độc giả

 

Sau trận đánh tàu không thành ấy, trung đội rút xuống vùng bưng Tân Phú. Nơi đây, lại tiếp tục diễn ra các trận đánh nhỏ lẻ, tập kích, pháo kích quấy rối địch; vào ấp chiến lược để làm công tác dân vận và binh vận. Phải nói rằng sau chiến dịch mùa hè năm ấy, chúng tôi càng hiểu hơn tấm lòng kiên trinh vì cách mạng của người dân Long An. Họ chấp nhận sự hy sinh "Một tấc không đi, một li không rời". Tất cả cho cách mạng. Tất cả cho chiến thắng. Nhiều đồng đội tôi, trong những năm gần đây đã có dịp trở lại thăm chiến trường xưa trên mảnh đất này - nơi mà chúng tôi cùng họ đã từng đổ biết bao máu xương mới giành lại được; vậy mà cuộc sống nơi đây hiện vẫn còn quá nhiều vất vả, thiếu thốn. Đảng và Nhà nước vẫn chưa có sự quan tâm đãi ngộ thích đáng để phần nào bù đắp cho tương xứng với công lao đóng góp vật lực và cống hiến xương máu cho cách mạng trong những năm đánh Mỹ của bà con cô bác nơi đây!!!

Ngày 5-8-1972.

Tiểu đoàn 8 bất ngờ lệnh cho đại đội 2 chúng tôi xuống "đứng chân" tại địa bàn xã Hoà Khánh. Nơi đây, cách tiểu khu Hậu Nghĩa chừng 4-5 km đường thẳng về phía Tây nam và sát quốc lộ 4. Bên kia là Tân Trụ, một huyện miền hạ của Long An. Xuôi một quãng nữa là thị xã Tân An rồi đến Mỹ Tho. Đây là vùng chiến lược cực kỳ quan trọng của Mỹ nguỵ (vùng 3 chiến thuật), nên bằng mọị giá chúng phải cố giữ bằng được. Vì chỉ cần một ngày thôi, lộ (đường) 4 bị cắt đứt thì đồng nghĩa với việc Sài Gòn bị cô lập bởi không có nguồn hậu cần từ các tỉnh miền Tây cung cấp. Một quyết định chiến thuật táo bạo và có phần liều lĩnh của Trung đoàn. Hoà Khánh vốn là vùng đất mà Mỹ - nguỵ tổ chức "bình định" rất gắt gao. Đây là nơi sát nách tiểu khu, nên việc bố phòng hết sức cẩn mật. Các "ấp chiến lược" đều có đồn bốt khá dày đặc với lực lượng bảo an, dân vệ, địa phương quân đồn trú. Đặc biệt là đại đội thám sát 773, "con cưng" của Tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa.

Chúng tôi vượt bưng Tân Phú xuống Hoà Khánh rồi bí mật tiến vào chiếm lĩnh trận địa ở mấy khu vườn hoang. Đêm hạ tuần nên trăng muộn. Nghe động chúng tôi vào, dân táo tác gồng gánh, xe trâu, xe bò lộc cộc suốt đêm chở đồ đạc di tản về phía Hậu Nghĩa. Vì vậy mà chúng tôi bị lộ khá sớm. Đêm ấy, cậu Đũng liên lạc đại đội (quê Nam Định) người to đậm, mặt vuông chữ điền, da ngăm đen, má lúm đồng tiền, hay cười, hay nói... cùng với tôi đào chung một công sự chiến đấu, cách công sự chỉ huy đại đội khoảng 30 mét, trên một bờ đất nhỏ dẫn ra phía ruộng lúa đang chín. Ban đầu tôi và Đũng đào ở giữa quãng bờ đất ấy theo chỉ dẫn của trung đội. Đào gần xong thì trăng lên. Tôi để Đũng tiếp tục đào, còn mình thì lợi dụng ánh trăng, đi một vòng quan sát kỹ ở các công sự bạn. Tòng và Nhuận (B40 và trung liên) ở bên trái. Kỷ và Tý (cối 61 li) ở phía sau tôi và Đũng chừng 50 mét. Thấy chỗ công sự đang đào xa mép ruộng khoảng 15 mét, tôi phân tích cho Đũng thấy được sự bất lợi, nếu đặt công sự ở đó. Vì rằng sau khi nổ súng, địch lợi dụng sự che đỡ của bờ ruộng ấy bò vào chiếm giữ để khống chế chúng tôi rồi dùng hoả lực tiêu diệt. Nên mặc dù đào đã gần xong nhưng nghe tôi phân tích có lý, Đũng đồng ý ngay và chuyển ra gần mép ruộng, đào lại. Đến hơn 5 giờ sáng thì cũng xong, nhưng không thật yên tâm vì chỗ này rất hiếm các vật liệu để lát mặt công sự. Chỉ chặt được một số cây nhỏ mà thôi. Chúng tôi nguỵ trang thật kỹ rồi tranh thủ ăn cơm sớm và tạt qua các công sự khác cho biết vị trí của nhau để khi lâm trận, có thể chi viện hoặc băng bó, cấp cứu đồng đội bị thương.

7 giờ 30 sáng. Sự chờ đợi làm cho thần kinh chúng tôi căng như sợi dây đàn. Cảm giác mình như một mũi tên đang nằm trên cánh cung đã giương căng chỉ chờ buông tay là lao vút đi như đầu đạn rời nòng. Trên trời đã có tiếng L19 vè vè, tiếp theo là tiếng phành phạch của trực thăng "cán gáo" lao đến từ hướng Hậu Nghĩa. Kinh nghiệm cho hay: Đây là dấu hiệu của một trận sống mái, không cân sức giữa ta và địch. Bởi lực lượng chúng tôi quá mỏng, trong khi kẻ địch đông gấp chúng tôi hàng chục lần cộng với hoả lực siêu mạnh, 4-5 trận địa pháo với hàng chục khẩu trọng pháo từ 105 đến 155 li cùng với cối 106,7 ly, bắn như đổ đạn khi chiến sự nổ ra. Máy bay và trực thăng vũ trang sẽ không tiếc bom và rốckét để xả lên đầu chúng tôi dưới sự chỉ điểm của L19. Chúng tôi ai nấy đều xác định lần này sẽ cầm chắc cái chết và sự thất bại nhưng không vì thế mà nao núng!

Tám giờ. Trinh sát cho biết: có 8 chiếc GMC trong chuyến đầu tiên, chở đầy lính từ tiểu khu Hậu Nghĩa theo lộ 8 hướng về phía chúng tôi. Bọn địch sau khi ào ào nhảy xuống xe liền dùng máy thông tin PRC 25 gọi pháo bắn cấp tập vào trận địa. Trong những loạt đầu, đạn rơi ra phía sau, cách chúng tôi chừng vài, ba trăm mét. Máy bay trực thăng chỉnh pháo rút tầm lại. Lần này, pháo đã dập ngay lên đầu chúng tôi. Tiếng rít và tiếng nổ xé tai, lộng óc. Loạt đại bác đầu tiên đó có một số đồng chí hy sinh và bị thương. Sau chừng 30 phút dội pháo, trận địa chúng tôi bị cày xới tan hoang tưởng chừng như không một sinh vật nào sống sót. Bộ binh địch bắt đầu mò vào. Chúng dò dẫm và bắn như tưới đạn vào bất cứ chỗ nào nghi ngờ có công sự của "Việt Cộng". Tất cả găm súng đợi địch vào ở cự ly gần nhất mới đồng loạt nổ súng. Nhiều tên chết gục tại chỗ. Số còn lại chạy dạt ra. Tiếng tên chỉ huy hò hét thúc bọn lính xông vào nghe rất rõ "Đ. mẹ! Nhào dzô đi tụi bây!". Nhưng đám lính không đứa nào dám “nhào zdô” mà lùi ra xa rồi gọi pháo từ Hậu Nghĩa và Hiệp Hoà. Một trận mưa pháo ập xuống trận địa. Công sự chúng tôi rung chuyển dưới sức nổ của đại bác 155 li. Nhiều công sự bị sập. Anh Trần Văn Lệ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) mới được đề bạt làm trung đội phó ở trận đánh trước, bị thương nặng. Anh Cầu (chính trị viên đại đội) ra hiệu cho tôi băng bó. Mặc cho pháo nổ chát chúa xung quanh và trên đầu trực thăng vẫn quần thảo, nã đại liên và rốckét liên hồi. Lợi dụng địa hình che khuất, che đỡ tôi tìm mọi cách tiếp cận đến chỗ Lệ bị thương. Lệ nằm ngửa, máu trào ra ướt đẫm cả ngực áo rồi chảy xuống lưng. Tôi nằm dọc theo thân cậu ta, vòng tay qua ngực để băng. Nhưng vì vết thương quá nặng, Lệ hy sinh ngay trên tay tôi.

Tôi vuốt mắt cho Lệ rồi để Anh nằm đó, bò về công sự với Đũng. Đũng ôm lấy tôi, xúc động: "Tao chắc trăm phần trăm mày chết rồi! Làm sao lại có thể còn về được đến đây?!". Tôi cũng không hiểu vì sao mình vẫn có thể còn sống sót được dưới làn mưa đạn ấy?!

Càng về trưa, tần suất các loại hỏa lực địch càng dồn dâp đến kinh hoàng. Pháo ngưng, bọn lính lại hò hét xung phong nhưng chúng chỉ "đánh giặc mồm" mà không dám liều lĩnh xông vào. Như đã nói ở trên, lực lượng chúng tôi quá mỏng, lại thương vong quá nhiều, không đủ tay súng ở những nơi trọng yếu nên rất có thể kẻ địch sẽ chọc thủng phòng tuyến bất cứ lúc nào nếu chúng có được tinh thần chiến đấu dũng cảm của chúng tôi!

(Còn nữa)

Trái tim người lính