Có thể nói, chiến dịch bảo vệ Hiệp định Paris là hết sức ác liệt và gian khổ không kém gì chiến dịch "Nguyễn Huệ" năm 1972. Quy mô, tần suất và cường độ bom đạn cùng các trận càn có khi còn lớn hơn năm Bảy hai. Quân số thương vong cũng không hề nhỏ. Tôi và một số ít các đồng chí khác sống sót trong các chiến dịch trên là điều nằm ngoài sự hình dung!
Cục diện chiến trường sau Hiệp định Paris có nhiều thay đổi. Tuy ở địa bàn chúng tôi ác liệt như vậy nhưng nhiều chiến trường khác, thế và lực ta mạnh hơn nên buộc địch phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định. Đặc biệt ở quân khu 9, lúc bấy giờ, theo chủ trương của tướng Lê Đức Anh (sau này là Chủ tịch nước), ta chủ động tấn công, tranh thủ giành dân, chiếm đất, mở rộng vùng giải phóng làm cho kẻ địch rơi vào thế bị động. Chúng tố cáo ta phá hoại Hiệp định. Tuy nhiên, khi phái đoàn Liên hợp quân sự bốn bên đến thị sát thì ta đã cắm cờ ở những vùng đó; đặt chính quyền Sài Gòn trước việc đã rồi...
Bất ngờ, chúng tôi được lệnh trở lại Ba Thu rồi hành quân về gần sóc Chêếch. Ở đây chúng tôi đóng quân trong một thời gian khá dài để nhận quân bổ sung và huấn luyện, chuẩn bị chiến dịch mới. Thời gian này, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Đại đội 2 chúng tôi đóng quân trong phum (làng) có ngôi chùa Miên rất lớn. Ngôi chùa toạ lạc trên khuôn viên rộng rãi, với nhiều cây cổ thụ sum suê. Nơi đó có một cái giếng trong và mát lắm. Hàng ngày, chúng tôi thường ra giếng tắm. Cứ mỗi lần, sãi ở ngôi chùa ra tắm, tôi cùng ra tắm với họ (ở Campuchia, độ tuổi từ 10, 12 trở lên là đã "xuống tóc" (cạo trọc đầu) để đi ở chùa rồi. Tôi nhờ mấy chú sãi kỳ lưng, múc nước, rồi dội cho mình gội đầu. Tôi hoàn toàn không ngờ hành động vô tư đó của mình đã vô tình vi phạm chính sách tôn giáo nước bạn. Ở Campuchia, sãi được mọi giới trong xã hội tôn trọng lắm. Ông bà già sáu, bảy mươi tuổi cũng phải quỳ gối phủ phục xuống chắp tay vái chú sãi 10,12 tuổi mỗi khi họ đi cầu thực. Trong chùa, cây cổ thụ toả bóng mát quanh năm. Các loại chim cu, sáo, chèo bẻo... làm tổ ở đấy nhiều lắm. Tôi vốn là một tay thiện xạ, bắn AK cực "tin" (chính xác). Cu hoặc sáo đậu chót vót trên các đỉnh tháp của ngôi chùa, tôi chỉ cần nâng súng lên vai, không cần điểm tựa, đưa vào khe ngắm, siết cò là chim lăn lông lốc xuống. Không mấy con thoát chết khi đã lọt vào khe ngắm AK của tôi. Tôi đã bắn mất khá nhiều chim của ngôi chùa này…
Cho đến một hôm, ban chỉ huy đại đội cho biết: "Lục thum" (ông lớn, sãi trưởng) trong chùa phản ánh: "Công tóp Việt Nam" (Bộ đội Việt Nam) bắn chim của chùa và hạ nhục sãi trong chùa” (!?) (bắt kỳ lưng, giội nước gội đầu...) Anh Nguyễn Trọng Cầu, chính trị viên đại đội cho gọi tôi lên phê bình, rồi bắt viết bản tự kiểm điểm. Trong cuộc họp đại đội đã đưa tôi ra phê bình, nhắc nhở. Sau đó tôi cùng anh đến chùa, công khai xin lỗi “Lục thum” và các sư sãi. Lần ấy, lẽ ra sau các chiến dịch chiến đấu từ mùa hè 1972 đến đó, chi bộ sẽ tổ chức kết nạp tôi vào Đảng. Nhưng vì vướng phải khuyết điểm ấy nên lại tạm đình hoãn, để “thử thách thêm…”. Kỷ niệm ấy là bài học đủ để tôi ghi nhớ suốt đời. Sau này, khi tìm hiểu về tôn giáo Campuchia, tôi mới biết mình đã phạm một sai lầm lớn. Rất may, là các vị sãi ở chùa cũng hiểu biết nên độ lượng và thông cảm cho tôi (vì còn quá trẻ và là người nước ngoài). Thực tế, họ hiểu khá rõ bản chất của “ công tóp” Việt Nam. Nếu không, tôi và đơn vị chắc phải chịu kỷ luật nặng. Tôi đã vô tình xúc phạm điều thiêng liêng và tối kỵ của họ; vô tình vi phạm chính sách quốc tế và tôn giáo nước bạn. Tôi chợt nghĩ, nếu họ kiện, không biết hậu quả dành cho tôi sẽ đến mức nào… (?!)
Một bài học lớn cho tôi và cho tất cả mọi người. Câu tục ngữ: "Ai nên khôn chẳng dại một đôi lần" với tôi, lúc này mới sâu sắc và thấm thía biết bao!
... Chúng tôi được nhận thêm quân bổ sung và học tập chính trị, củng cố tư tưởng và quyết tâm để chuẩn bị tiếp tục trở lại chiến trường. Chính nơi đây, chúng tôi lại ghi thêm một kỷ niệm đau buồn, một tổn thất to lớn của
Trung đoàn.
Hôm ấy là ngày 16 tháng 4 năm 1973, trong số mười bốn đồng chí, có 12 đồng chí ở các tiểu đoàn và đơn vị trực thuộc có nhiều chiến tích xuất sắc trong các chiến dịch, được cử đi dự Đại hội chiến sỹ thi đua của Trung đoàn ở đất bạn (Campuchia). Trên đường về đơn vị, họ ngang qua nơi đại đội chúng tôi đóng quân. Lúc ấy đã gần 12 giờ trưa. Chúng tôi vừa cơm nước xong. Trời nắng gắt, họ ghé vào xin nước uống. Tôi nhận ra ngay Hà Duy Hưng (Tiến Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), vốn học cùng lớp 9, ngồi chung bàn và nhập ngũ cùng ngày với tôi. Vào chiến trường, cậu ta chiến đấu rất dũng cảm. Đã được kết nạp Đảng và đề bạt làm trung đội trưởng. Tôi ôm chầm lấy Hưng rồi mời tất cả mọi người vào nghỉ, uống nước. Tôi hỏi: "Các anh đã cơm, nước gì chưa?" Họ bảo: "Chưa!". Chúng tôi mời họ nghỉ lại, ăn cơm, chiều đi tiếp. Bởi đi sớm quá, dễ gặp địch phục kích hoặc bị trực thăng đổ chụp, bắt sống. Nuôi quân nhanh chóng đổ gạo vào nồi, nhóm bếp, thổi cơm. Thức ăn đã có sẵn. Chỉ một loáng, cơm chín, mọi người ăn uống, trò chuyện hết sức vui vẻ. Tôi rất mến Hưng vì cậu ta đẹp trai, học giỏi, tính cách có phần ga lăng, chữ viết đứng và đẹp như chữ viết giấy khen, nét chữ rất láu. (Hưng là con của thầy giáo Hà Duy Mân, cán bộ phòng Giáo dục Can Lộc hồi đó. Tôi bắt chước tuồng chữ của Hưng nên bây giờ chữ viết của tôi cũng na ná như chữ của Hưng). Khoảng 13 giờ 30 phút, các đồng chí ấy rục rịch đòi đi. Họ bảo phải gấp rút xuống chiến trường vì chiến dịch sắp mở. Trong số 14 người ấy ngoài Hưng ra còn có Lê Thanh Chung (Thanh Lộc, Can Lộc) cũng nhập ngũ, học y tá với tôi, sau khi “ra trường” về đơn vị khác. Lần này được trung đoàn gửi kèm xuống, mang theo nhiều cơ số thuốc, bổ sung cho đơn vị chiến đấu. Một đồng chí thông tin mang máy vô tuyến 2W cũng được gửi theo. Còn lại là 12 đồng chí Chiến sỹ thi đua của các tiểu đoàn chiến đấu 7,8,9 và các đại đội trực thuộc, sau khi bế mạc hội nghị, trở về đơn vị của mình. Chúng tôi can ngăn nhưng họ không nghe và cương quyết đi sớm.
(Còn nữa)
Ảnh tác giả Vương Khả Sơn