Ký ức chiến tranh: Vào trận - P33

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

14/06/2023 06:25

Theo dõi trên

Ngày 01 tháng 2 năm 1973, đại đội 2 - D8 chúng tôi chuyển đến ấp 4 Tân Phú. Trận đánh hôm ấy, tôi và Nguyễn Xuân Ân - quê Xuân Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh), nhập ngũ cùng ngày với tôi - bị thương bởi sự cố ĐKZ khi đang huấn luyện ở Quảng Bình hồi tháng 10/1971 mà tôi đã thuật lại ở phần “Về Trung đoàn” (vì lý do tế nhị nên tôi không nêu tên thật), ngồi cùng một công sự.

Ngoài khẩu B40, trận này tôi giữ thêm khẩu AK của một đồng chí đã hy sinh. Tối hôm trước, trung đội bố trí chỗ đào công sự sát bờ tre gần góc của một khu vườn. Theo kinh nghiệm chiến đấu, tôi bảo Ân: "Cậu nghe tớ, ta đào công sự dịch lên phía trước cách bờ tre chừng 15 mét dưới mấy luống khổ qua (mướp đắng) kia. Nơi này, có phần mạo hiểm nhưng sẽ rất bất ngờ đối với bọn địch. Còn mình lại được an toàn hơn trước bom, pháo và trực thăng, bởi các loại này thường bắn từ bờ tre trở vào. Khi bộ binh địch vào, chờ cho chúng đến sát công sự mới nổ súng và giữ xác lại thì sẽ không việc gì." Ân nghe tôi. Chúng tôi đào công sự chiến đấu vào dưới rãnh của luống khổ qua rồi nguỵ trang cẩn thận.

b1td1aq-1686667335.jpg

CCB Vương Khả Sơn cầu siêu cho đồng đội.

 

Bảy giờ sáng, địch gọi pháo từ các căn cứ Đức Hoà, Hậu Nghĩa, Hiệp Hoà nã cấp tập vào trận địa chúng tôi. Lửa khói mù mịt. Các bờ tre bị pháo cày nát, đã có một số công sự trúng đạn, anh em đã hy sinh. Trực thăng quần thảo sát ngọn cây, quạt tung những gì có trên mặt đất nhằm phát hiện công sự của “Việt Cộng”. Phía tiền duyên, địch đã bắt đầu dàn thế trận. Dứt pháo, chúng nổ súng tấn công ngay vào đại đội Một. Các đồng chí bên đó dũng cảm bắn trả quyết liệt. Bọn địch một số gục chết, số còn lại vội tháo chạy trở ra, tiếp tục gọi pháo chi viện. L19 vè vè rồi bất chợt phóng trái khói chỉ điểm. A37 liền lao xuống ném bom. Phía đại đội 1, khói lửa từ những ngôi nhà bốc lên mù mịt. Trước mặt tôi và Ân lúc này có khoảng 8-9 tên, mũ sắt sùm sụp đang bí mật tiếp cận vào sát mấy luống mướp đắng. Tôi ra hiệu cho Ân chờ thời cơ thuận lợi nhất mới nổ súng. Nếu đơn độc chỉ một công sự bắn, sẽ lộ mục tiêu ngay và nhất định sẽ bị khống chế, tiêu diệt. Địch sẽ dùng M72 (một loại hoả tiễn chống tăng vác vai) đánh bật công sự ngay. Phía đại đội 1, sau phi vụ bom ấy, bọn lính tràn lên bắn dữ dội và ném lựu đạn cấp tập vào các công sự phía trước. Tôi đánh mắt sang đó thấy mấy tên lính lôi dưới hai công sự của anh em mình lên bốn đồng chí. Có hai người đã hy sinh. Hai đồng chí bị thương nặng, chúng bắn luôn. Tốp lính trước mặt tôi chẳng để ý gì ở luống mướp đắng, chỗ công sự chúng tôi. Chúng đang dán mắt về phía đại đội 1 mà không ngờ được chúng tôi ở ngay nách chúng. Chờ cho tiếng súng nổ rộ, tôi ra hiệu cho Ân đồng loạt xả đạn vào tốp lính. Tôi thấy có những tên ôm súng nhảy dựng lên rồi mới đổ sấp xuống giống như cảnh đóng phim.

Không thấy tên nào chạy trở ra, chúng đã chết hết. Ở cự ly 4-5 mét với hai khẩu AK đồng loạt nổ, chúng không thể thoát nổi!

Tuy nhiên, hình như bọn lính ở phía sau đã phát hiện ra chúng tôi. Chúng tập trung hoả lực dồn dập bắn vào mấy luống mướp đắng nơi tôi và Ân Cả hai ngồi thụp xuống công sự. Giàn mướp đắng đổ sụp, che hẳn công sự, tạo thành một kiểu nguỵ trang tự nhiên. Nhờ đó chúng tôi không bị phát hiện. Tôi nói với Ân: "Nếu bây giờ, M79 hoặc cối rơi trúng miệng hầm thì cả hai cùng chết . Không thì yên tâm". Ân hoang mang, cậu ta bảo tôi: "Rút thôi Sơn ơi!". Tôi trừng mắt: "Mày có điên không? Rút đi đâu" Ân rên rỉ: "Nằm đây thì chết". Tôi bảo: "Thà chết ở đây. Nếu chúng vào thì cả hai cùng ném lựu đạn rồi xông lên bắn và cùng nhau hy sinh. Nếu địch không phát hiện ra và phản kích thì sẽ sống". Cậu ta không nghe, cứ nằng nặc đòi "tróc" (rời bỏ) công sự để chạy. Trong khi phía trước mặt khoảng 50 mét bộ binh địch nằm dày đặc. Trên đầu trực thăng rà sát ngọn tre, sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ chỗ nào nghi ngờ. Phía sau, pháo nã cấp tập. Tôi quắc mắt nhìn xoáy vào mặt Ân.: "Mày chỉ cần rục rịch trườn lên khỏi công sự là tao bắn ngay chứ không đợi để trực thăng hay bọn lính xử mày". Ân im lặng… Tôi mải dõi mắt quan sát địch phía trước. Chúng lại tổ chức tấn công vào phía đại đội 1. Tình thế cực kỳ gay go, ác liệt. Bộ đội ta phía ấy chống trả quyết liệt nhưng vì địch quá đông và hoả lực rất mạnh nên chúng đã lần lượt đánh chiếm thêm một số công sự nữa. Ngay lúc ấy, từ phía sau, một loạt cối 82 ly của ta bắn lên trước mặt đại đội 1, chỗ bọn lính đang co cụm. Chúng vội vã tháo chạy, bỏ lại những tên đã chết, kéo theo những đứa bị thương. Khoảng 14 giờ 30, bất ngờ, địch gọi pháo giã cấp tập vào trận địa. Đồng thời, các loại súng bộ binh của chúng cũng đồng loạt xả đạn vào chúng tôi trong màn khói đỏ phân tuyến (bọn địch ném trái khói đỏ phân chia ranh giới giữa ta và chúng để trinh sát L19 và trực thăng chỉnh bom, pháo, tránh bắn lên đầu chúng). Qua màn khói đỏ ấy, tôi mờ mờ thấy bọn địch tháo chạy rất nhanh ra khỏi vị trí của chúng và rút dần về phía tiểu khu Hậu Nghĩa. Trên đầu chỉ còn trực thăng quần thảo nhưng chúng đã bốc lên cao. Tôi ngồi bệt xuống công sự thở phào. Ân vẫn ngồi đấy với gương mặt đầy căng thẳng và im lặng đáng sợ! Tôi chợt nghĩ nhanh, "Trời…! Lúc nãy, mình doạ bắn hắn, nếu hắn quá hoang mang, hoảng loạn, lợi dụng lúc mình bận quan sát địch không để ý, hắn liều lĩnh xử mình trước rồi "tróc" công sự thì cả hai cùng chết oan uổng!" Tôi chợt rùng mình! Nhưng không dám nói với cậu ta ý nghĩ ấy. Cũng may, bọn địch rút sớm, nếu không, biết đâu tình huống ấy rất có thể xẩy ra. Tôi bảo Ân: "Tụi lính rút hết rồi! Vậy là thoát. Nếu mày không nghe tao thì bây giờ làm sao còn cả hai thằng". Mặt Ân sáng rỡ. Hai tay Ân nắm chặt lấy tay tôi: "Cảm ơn mày! Nếu không có mày, chắc tao đã chết rồi…". Sau trận ấy, tôi kể lại cho một vài đồng đội gần gũi, tin tưởng nhất nghe, ai cũng bảo: "Cậu nói đúng, rất có thể lúc hoảng loạn, nó làm liều để thoát một mình !?".

Một kết thúc thật có hậu bởi một quyết định đúng đắn và quyết đoán của tôi trong một tình huống chiến đấu không thể ngặt nghèo hơn!...

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P33" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn